Hơn 25 năm sưu tầm nhạc khí của các dân tộc từ vùng đồng bằng đến vùng cao, gồm các bộ gõ, bộ hơi, bộ gậy, bộ kéo, bộ trống…, điều mà Nghệ sĩ Đức Dậu tâm đắc và tự hào nhất là khi có trong tay nhạc cụ nào ông đều nắm vững kỹ thuật biểu diễn với những giai điệu nguyên gốc, lột tả được “hồn vía” của nhạc cụ ấy.
* Gia tài quý giá
“Bảo tàng” thu nhỏ về nhạc cụ dân tộc của Nghệ sĩ Đức Dậu khiến ai
có dịp đến tham quan đều phải trầm trồ. Trong căn nhà bình thường và
đơn giản ở quận Gò Vấp (TP.Hồ Chí Minh) là một bộ sưu tập đồ sộ các nhạc
cụ dân tộc được trưng bày khắp gian phòng như bộ gõ, bộ hơi, bộ dây…
Nổi bật là bộ sưu tập trống với hàng trăm chiếc lớn nhỏ các loại, từ
trống Tây Sơn, trống H’go Êđê, trống cơm, trống chầu, đến trống Cao Lan,
trống đế… Nhạc khí cổ nhất là chiếc trống cổ Tây Nguyên (hơn 200 năm
tuổi) được bịt bằng ngà voi, da trâu rừng và các loại da của muôn thú
núi rừng, đặc biệt là chiếc trống độc mộc với đường kính 1,1m còn gọi là
trống lớn hay trống sấm Tây Nguyên được bịt bằng da bò tót nguyên tấm.
Còn bộ sưu tập cồng chiêng có khoảng 50 chiếc lớn nhỏ, chiếc lớn nhất
gần 200 năm tuổi của dân tộc Ê đê có đường kính 0,8m. Rồi đến những nhạc
cụ cổ xưa gần 150 năm tuổi ở khắp đất nước cũng được Nghệ sĩ Đức Dậu
“rước” về như chũm chọe, tiêu cành, sênh sứa-sênh tiền, đinh tút, pí lè,
đàn Goong… Dắt chúng tôi đi tham quan “bảo tàng”, Nghệ sĩ Đức Dậu hồ
hởi khoe: “Cách đây mấy tháng, tôi vừa sưu tầm được chiếc tù và Giarai
bằng ngà voi hơn 100 năm kết hợp với chiếc đuôi voi trị giá 35 triệu
đồng để biểu diễn cùng nhạc cụ”. Ông thuyết minh tường tận xuất xứ của
từng loại nhạc cụ, từ nguốn gốc đến cách sử dụng.
Bỏ
nhiều thời gian, công sức, tiền bạc vào việc sưu tầm nhạc cụ dân tộc
nhưng với Nghệ sĩ Đức Dậu, hành trình đi thỉnh nhạc cụ về mới là một
thách thức lớn đối với người nghệ sĩ, bởi nhạc cụ dân tộc là tâm linh
không phải dùng tiền mà mua được. Nghệ sĩ Đức Dậu tâm sự: “Khó khăn của
người đi sưu tầm không phải là mang tiền đi mua, mà phải thể hiện niềm
đam mê nghệ thuật chân chính. Không chỉ mất thời gian thuyết phục, tìm
tòi mà mình còn phải ăn, ngủ, tâm sự, hiểu cuộc sống và những tâm tư
tình cảm của mỗi dân tộc. Đặc biệt là phải học cách diễn tấu và học tinh
thần diễn tấu nhạc khí thì người ta mới chuyển giao cho mình. Có những
nhạc sĩ sau 7 đến 10 năm mới được giao cho một nhạc khí, thậm chí có
người phải mất mười mấy năm mới được người dạy cho học cách diễn tấu.
Chính vì vậy, mỗi khi “thu phục” được một nhạc cụ,
Nghệ sĩ Đức Dậu rất vui và am hiểu tường tận về chúng như chính những
người làm ra nhạc khí đó. Mỗi nhạc khí mang trong mình những tính triết
lý riêng, chẳng hạn như cái mõ chính là cuộc đời, nhưng chuông là sự
giải thoát, tất cả đều nói lên cuộc sống vui, buồn của dân tộc, mỗi nhạc
cụ sinh ra đều có câu chuyện, tâm tư tình cảm riêng. Biểu diễn nhạc khí
của dân tộc nào phải thể hiện phong cách của dân tộc đó. Đàn Chapi có
13 dây là dụng cụ để nam giới tỏ tình với cô gái. Bộ trống Tây Nguyên là
trống sấm cầu trời đất, khích lệ nhuệ khí, tập hợp quân, tiễn đưa người
chết… Đó là kinh nghiệm của Nghệ sỉ Đức Dậu từ những lần ăn ở hàng
tháng trời ở một số nơi để tìm mua và học cách sử dụng nhạc khí dân tộc.
* Đam mê “giữ lửa” âm nhạc dân tộc
Nghệ sĩ Đức Dậu tên thật là Trần Trọng Dậu, sinh năm 1957 tại Hà
Nội. Từ nhỏ ông đã bộc lộ niềm say mê văn hóa dân tộc và càng lớn
lên, năng khiếu âm nhạc trong ông càng đậm nét. Và niềm đam mê sưu tầm
nhạc cụ âm nhạc đã bén rễ từ khi Nghệ sĩ Đức Dậu còn là một cậu sinh
viên học trống, bộ gõ tại Nhạc viện Hà Nội, rồi học đàn bầu ở trường Cao
đẳng Nghệ thuật Quân đội. Sau này là diễn viên đoàn ca múa nhạc của
Bộ Chính trị . Năm 1986 gia đình chuyển vào TP.Hồ Chí Minh , với tình
yêu nhạc cụ dân tộc, ông quyết định thành lập ban nhạc Phù Đổng. Đây
cũng là khoảng thời gian mà Nghệ sĩ Đức Dậu dành nhiều công sức cho việc
sưu tầm nhạc khí dân tộc.
Không chỉ đam mê sưu
tầm các loại nhạc cụ dân tộc, Nghệ sĩ Đức Dậu cùng Đoàn nhạc gõ Phù Đổng
còn tham gia biểu diễn tại các khách sạn, trường đại học, tiểu học để
giới thiệu về các giá trị, sự phong phú của âm nhạc dân tộc, đặc biệt là
bộ gõ. “Như cố nhạc sĩ Lưu Hữu Phước đã từng nói: “Việt Nam là một
trong những quốc gia tỷ phú về về bộ gõ trên thế giới và một trong
những quốc gia phong phú về âm nhạc dân tộc”. Quả đúng như vậy, từng
biểu diễn tại các nhiều trên thế giới, tôi nhận thấy âm nhạc Việt Nam đa
dạng và phong phú, không chỉ về nhạc khí mà còn ở cách thể hiện”, Nghệ
sĩ Đức Dậu bộc bạch.
Đối với ông, nhạc khí còn là
báu vật của quốc gia, những người gìn giữ phải xác định đây là trách
nhiệm, tự hào của dân tộc. Nhạc khí không những thể hiện tâm linh của
dân tộc mà còn là tiếng nói quốc hồn, quốc túy và cuộc sống của mỗi dân
tộc. “Là người chuyên đi sưu tầm, nghiên cứu, ứng dụng và thể nghiệm
trong cuộc sống về âm nhạc, tôi thấy cuộc sống của mình lúc nào cũng
được thăng hoa vì cảm nhận được sâu sắc, cặn kẽ những gì nảy sinh trong
nhạc khí, có như vậy thì mới thấy được cái hồn, vía và yêu dân tộc mình
hơn”, NS Đức Dậu chia sẻ.
Mỗi một nhạc cụ có cách
thể hiện khác nhau và có công phu riêng, chẳng hạn như nhạc khí dây có
những thể hiện phức tạp, toàn là nốt mượn với những nhấn nhá, lúc non
lúc già để thể hiện nội dung âm nhạc. Hay bộ gõ phải có sức khỏe, phong
cách để thể hiện những thời khắc hào hùng của lịch sử. Hầu như phong
cách thể hiện trong các nhạc cụ âm nhạc Việt Nam đều mạnh, như trống như
đánh võ, nhảy múa, ca hát, muốn đánh hay phải nghĩ đến cả một không
gian mưa, gió, chim hót, thú hót, tiếng giã gạo trong đêm khuya… thậm
chí phải tưởng tượng cả những mùi khói, mùi rơm rạ toát ra từ những
không gian đó. Cái khó nhất khi thể hiện nhạc cụ dân tộc là thể hiện
được cái hồn, cái vía của mỗi tác phẩm. Do đó người nghệ sĩ phải làm sao
để người thưởng thức không chỉ nghe mà còn nhìn, ngửi được không gian
đó thông qua cách thể hiện của mình.
Nghệ sĩ Đức
Dậu luôn tâm niệm: “Âm nhạc không phải chỉ trong trường nhạc mới học
được mà sự trùng lặp về tâm linh, khẩu khí thì người nghệ sĩ sẽ được
người ta trao gửi. Do đó, một nghệ sĩ dân tộc muốn thể hiện, gìn giữ
nhạc khí không chỉ vất vả trong sưu tầm mà phải học không gian của thiên
nhiên núi rừng, thổ lộ của từng dân tộc trong cuộc sống, tình yêu, sinh
hoạt xã hội, văn hóa… Có những nhạc cụ xù sì, gồ ghề, đơn giản, thô sơ,
thậm chí rất mộc mạc nhưng giá trị văn hóa rất lớn”. Có lẽ vì vậy mà
nhiều người sau khi xem ông biểu diễn từng nhận xét, qua Nghệ sĩ Đức Dậu
thấy được sự hòa nhập của 54 văn hóa dân tộc./.
KT