Chủ Nhật, 22/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Ba, 29/1/2013 16:22'(GMT+7)

Kon Tum: Huyện Ngọc Hồi nỗ lực thực hiện NQTW 5 (khóa VIII)

(Ảnh minh hoạ)

(Ảnh minh hoạ)

Huyện Ngọc Hồi (tỉnh Kon Tum) là địa bàn biên giới, giáp với hai nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào và Vương quốc Campuchia. Cả huyện có 7 xã, 1 thị trấn, trong đó có 5 xã biên giới; dân số trên 49.000 người/11.647 hộ; 2.349 hộ nghèo (chiếm 20,17%); có 17 dân tộc anh em cùng chung sống; dân tộc thiểu số khoảng hơn 70% chủ yếu là dân tộc Giẻ - Triêng, Xê Đăng và một số dân tộc khác ở các tỉnh phía Bắc di cư vào sinh sống trên địa bàn. Do đó, bản sắc văn hoá ở huyện Ngọc Hồi rất đa dạng và phong phú; tạo nên ưu thế, tiềm năng để giao lưu, hợp tác và quảng bá bản sắc văn hóa các dân tộc Kon Tum nói chung và huyện Ngọc Hồi nói riêng. Sau 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII “Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” , huyện Ngọc Hồi đã đạt được một số kết quả nổi bật.

Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa được quan tâm đẩy mạnh. Đến nay, có hơn 10.000 hộ gia đình đăng ký và có 6.782 hộ được công nhận gia đình văn hóa; có 76 thôn - làng, tổ dân phố đăng ký và công nhận 45 thôn - làng, tổ dân phố đạt danh hiệu Làng văn hoá; 60 lượt cơ quan, đơn vị trường học đăng ký, có 43 đơn vị, trường học được công nhận “Cơ quan văn hóa”.

Công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa được quan tâm đầu tư, toàn huyện có 35 Nhà Rông văn hoá; lưu giữ được 64 bộ cồng chiêng, có 52 đội nghệ nhân, 76 đội văn nghệ quần chúng, 04 nghệ nhân được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân dân gian”. Di tích lịch sử chiến thắng Plei Kần, Di tích chiến thắng Trại Đăk Seang - xã Đăk Dục... được trùng tu, tôn tạo. Tổ chức được 01 lớp truyền dạy nhạc cụ (nhạc khí) Đinh Tút; 03 lớp chế tác 03 loại nhạc cụ (Ta Lun, Ta Len và Ta Lét); 01 lớp truyền dạy đánh cồng chiêng; 02 lớp truyền dạy dệt thổ cẩm tại xã Đăk Nông và Đăk dục và nhiều lớp dạy tiếng dân tộc Xê Đăng cho cán bộ, công chức và nhân dân. Hàng năm tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa - văn nghệ với Attapư - Lào; có 01 đoàn nghệ nhân của huyện thường xuyên tham gia trình diễn các loại hình văn hóa - thể thao dân tộc trong các tỉnh, khu vực và toàn quốc.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác văn hóa - văn nghệ trên địa bàn huyện còn một số hạn chế như: Công tác chỉ đạo của một số cấp ủy chưa sát sao; đầu tư, quản lý của chính quyền chưa tương xứng; sự chủ động, sáng tạo trong tham mưu, triển khai thực hiện chuyên môn của ngành chức năng còn hạn chế, nhất là việc xây dựng các thiết chế văn hóa ở cơ sở; phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” chưa được đẩy mạnh ở các xã.  Công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên, nhân dân, nhất là đối với thế hệ trẻ chưa thường xuyên; giá trị nhà rông chưa được nhân dân khai thác triệt để; công tác quản lý hệ thống truyền thanh truyền hình chưa tốt; nội dung trang tin của huyện chưa phong phú, hấp dẫn; quản lý Nhà nước đối với các dịch vụ văn hóa, văn hóa phẩm, thông tin, internet chưa chặt chẽ, thường xuyên.

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho các tầng lớp nhân dân; huyện Ngọc Hồi tập trung triển khai một số nội dung trọng tâm. Đó là:

Thứ nhất, tiếp tục chỉ đạo các cấp, các ngành, mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể  chủ động triển khai, quan tâm đến chiều sâu, rút kinh nghiệm trong thực tiễn 15 năm thực hiện nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về văn hóa để triển khai có hiệu quả hơn các nhiệm vụ chính trị của địa phương; thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.

Thứ hai, tăng cường hơn nữa vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị xã hội, già làng, thôn trưởng, người có uy tín thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống lành mạnh trong thanh, thiếu niên; tích cực phát hiện, giới thiệu và nhân rộng những điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt trong các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng đời sống văn hóa.

Thứ ba, định hướng dư luận, phê phán những biểu hiện tiêu cực, hành vi phạm pháp; tăng cường hoạt động của đội kiểm tra liên ngành đối với các điểm kinh doanh, dịch vụ văn hóa; kịp thời chấn chỉnh, xử lý, loại trừ các sản phẩm văn hóa độc hại lưu hành trên địa bàn; đấu tranh chống âm mưu, hoạt động “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa.

Thứ tư, đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” gắn với tích cực “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, tạo nên phong trào tự rèn luyện, nâng cao ý thức trách nhiệm công dân, xây dựng nếp sống văn minh; thực hành tiết kiệm, chống xa hoa lãng phí, phô trương hình thức, kiên quyết xóa bỏ các hủ tục lạc hậu.

Thứ năm, tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bảo tồn, phát huy, phát triển, sáng tạo văn hóa, văn học nghệ thuật; tổ chức sưu tầm, tập hợp, bảo tồn di sản văn hóa dân gian của các dân tộc.

Thứ sáu, chỉ đạo công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở;  tăng cường quản lý nhà nước về văn hóa; định hướng cho dân xem truyền hình địa phương, hoạt động văn hóa - văn nghệ, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại đi đôi với bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, duy trì sinh hoạt văn hóa cồng chiêng.

Văn Minh
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất