Thứ Hai, 23/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Bảy, 10/3/2012 21:40'(GMT+7)

Ðể hoạt động biểu diễn mang giá trị nghệ thuật và văn hóa đích thực

(Ảnh minh hoạ).

(Ảnh minh hoạ).

Biểu diễn hay phô diễn?

Một thời gian dài, mốt tóc ngang, mái bằng của ca sĩ Cẩm Vân hay kiểu áo dài bó ngang hông của diễn viên Mai Thu Huyền trong phim Những ngọn nến trong đêm đã làm giới mộ điệu mê mẩn học theo phong cách làm đẹp duyên dáng, tinh tế ấy. Nói thế để thấy rằng cách phục trang của những người nổi tiếng có sức lan tỏa và chi phối lớn thế nào đến thị hiếu của công chúng. Song "kín đáo" và "nền nã" đang là những từ dường như rất khó tìm kiếm khi đối diện lối ăn mặc của những "hot boy", "hot girl" trong làng giải trí Việt hiện nay, bởi với họ, "ngắn và ngắn hơn nữa, mỏng và mỏng hơn nữa" đang trở thành xu hướng thời trang khó cưỡng lại nổi. Ðã có những cái tên nổi như cồn không ít lần làm người xem nhức mắt với lối ăn mặc "sexy" quá đà của mình. Ðể rồi đi cùng những trang phục ấy là hàng loạt những sự cố hoặc vô tình hoặc hữu ý, hết lộ hàng lại đến hở vòng một, rồi tụt quai áo,... kèm theo những lời xin lỗi khán giả có vẻ thành thật nhưng sau đó đâu lại vào đấy. Những "sao" đã nổi rồi phải nổi hơn nữa, còn những người chưa nổi phải tìm cách để nổi như "sao", đó chính là lý do để họ tự tìm đến với những sự cố, những xì-căng-đan, bởi xem ra ấy là con đường ngắn nhất, hiệu quả nhất đưa tên tuổi họ đến nhanh với công chúng. Việc anh ấy, cô ấy hát gì, diễn thế nào không quan trọng bằng việc anh ấy, cô ấy mặc gì, nói gì, xài hàng hiệu ra sao... Ðiều này khiến người ta nghi ngại đặt câu hỏi: Ðể nổi tiếng liệu có phải quá dễ, bởi chẳng cần thực lực gì mấy, chỉ cần ăn diện phản cảm, tung ra những bộ ảnh khêu gợi hay những tuyên bố vung vít, những phát ngôn gây sốc thì tên tuổi đã được công chúng nhớ tới. Và như một lẽ tất yếu, cát-sê biểu diễn của họ nhanh chóng tăng gấp hai, gấp ba sau đó, chuyện dễ dàng vậy thì các "sao" tội gì không tạo xì-căng-đan. Ðơn cử như chuyện chụp ảnh "nude" vì môi trường. Trên thế giới, có không ít những đơn vị như PETA - Tổ chức Bảo vệ động vật lớn nhất thế giới đã thành công trong việc vận động những ngôi sao chụp ảnh nude nhằm thể hiện ý tưởng: "Thà không mặc gì còn hơn mặc đồ lông thú". Người đẹp nổi tiếng G.Bun-chen cũng gây ấn tượng mạnh và để lại nhiều thiện cảm trong công chúng với bộ ảnh nude chuyển tải rõ ràng thông điệp bảo vệ hành tinh xanh. Nhưng khi trào lưu này về đến Việt Nam đã trở thành chiêu bài để đánh bóng tên tuổi của một vài nghệ sĩ vốn chưa được mấy ai biết đến. Bằng chứng là cô hoa khôi Mai Hải Anh của Khánh Hòa đã được nhắc đến nhiều trên mặt báo sau loạt ảnh nude mù mờ về ý tưởng núp dưới danh nghĩa bảo vệ biển, hay cô diễn viên lạ hoắc Quỳnh Như bỗng nhiên nổi tiếng sau bộ ảnh bi-ki-ni tai thỏ chả ăn nhập gì với ý tưởng ứng phó với biến đổi khí hậu. Còn công chúng dĩ nhiên đủ thông minh và tỉnh táo để nhận ra mục đích hướng đến đằng sau những bức ảnh đó.

Xúc tác của "thảm họa" nghệ thuật

Có lẽ chưa bao giờ, hồi chuông báo động về một loạt các thảm họa trong hoạt động biểu diễn gióng lên dồn dập, mạnh mẽ như hiện nay. Hết thảm họa nhạc Việt, thảm họa phim Việt, lại đến thảm họa thời trang Việt tạo cảm giác đây dường như là "thời kỳ đỉnh cao của thảm họa!". Người ta hay đổ lỗi nguyên nhân của thực trạng này thuộc về sự xuống cấp trong đạo đức hành nghề của những "sao" trong làng giải trí Việt, hay sự lỏng lẻo, chồng chéo trong cơ chế quản lý dẫn đến lọt lưới những chương trình biểu diễn gây phản cảm, song cũng cần khách quan nhìn nhận rằng, một phần trách nhiệm không nhỏ thuộc về chính công chúng - đối tượng hưởng thụ và thưởng thức nghệ thuật. Phần lớn họ thuộc thế hệ "a-còng", còn thiếu chính kiến, quan điểm, hạn chế về năng lực hưởng thụ nghệ thuật và thường đua theo những thứ giật gân, gây sốc, vì vậy mà họ dễ bằng lòng và cổ súy cho những hành vi phi nghệ thuật, phi văn hóa của thần tượng. Ðiều đó lý giải tại sao gần đây, một loạt những bộ phim kinh dị như Khi yêu đừng quay đầu lại, Bóng ma học đường, Giữa hai thế giới hay Cột mốc 23... khi còn chưa được công chiếu thì đã làm xôn xao dư luận với nhiều cảnh "nóng" được các nhà làm phim tung ra trong các áp-phích quảng cáo hay những đoạn phim giới thiệu. Mang tiếng là phim kinh dị nhưng độ câu khách thể hiện ở những chi tiết rùng rợn, sợ hãi thì ít mà thuộc về những hình ảnh nóng bỏng của diễn viên thì nhiều, khiến người ta băn khoăn về độ chông chênh giữa hai thái cực "sex" và kinh dị trong điện ảnh.

Ðiều đáng buồn hơn là chính một bộ phận phương tiện truyền thông đại chúng đã trở thành mảnh đất màu mỡ giúp các thảm họa nghệ thuật phát triển. Một số báo điện tử đã khai thác thái quá những chuyện bê bối trong biểu diễn, đời sống riêng của các diễn viên, ca sĩ, người mẫu đưa lên như thể tôn vinh họ. Chính sự "nuông chiều" đó của báo chí đã làm họ dường như bị "nhờn" thuốc trước dư luận xã hội. "Sao" nào càng lắm xì-căng-đan càng được một bộ phận báo chí quan tâm săn đón. Dĩ nhiên, khi đó, các phương tiện truyền thông đã vô tình trở thành tác nhân cổ vũ cho những nghệ sĩ muốn đánh bóng tên tuổi. Và đồng thời, các phương tiện truyền thông cũng gián tiếp tác động tiêu cực đến định hướng cảm thụ nghệ thuật của đông đảo công chúng, đặc biệt là giới trẻ.

Ngăn chặn như thế nào ?

Trước sự tác động của nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan tạo nên diện mạo đáng buồn của hoạt động biểu diễn nghệ thuật nước nhà, hơn lúc nào hết, đây là lúc các cơ quan chức năng cần có những biện pháp xử lý mạnh tay, dứt khoát đối với những trường hợp vi phạm trong hoạt động biểu diễn. Gần đây, lực lượng thanh tra văn hóa đã phát hiện và thẳng thắn xử phạt người mẫu Thái Hà năm triệu đồng vì ăn mặc phản cảm, phạt Ban tổ chức chương trình "Ðêm mỹ nhân" 3,5 triệu đồng và Ban tổ chức chương trình "Diamond Night" 11 triệu đồng vì có những diễn viên vi phạm quy chế phục trang trong biểu diễn. Tuy nhiên, so với mức thù lao mà các diễn viên, người mẫu này nhận được, mức phạt này dường như chưa thấm tháp gì. Vì thế, các cơ quan Nhà nước cần có chế tài xử phạt thật nặng, đủ để răn đe, chấn chỉnh và không cho phép lặp lại những hành vi biểu diễn phi nghệ thuật. Nói về vấn đề này, nhà biên kịch Chu Thơm bày tỏ: "Tại sao chúng ta không làm theo bóng đá: cầu thủ dù nổi tiếng đến mấy mà đã ra sân sẽ bị xử lý như cầu thủ bình thường, nghĩa là phạm luật cũng bị phạt thẻ vàng, thẻ đỏ, cấm thi đấu vài trận? Tại sao chúng ta không làm theo Bộ Y tế: sản phẩm không sạch phải bị tiêu hủy? Tại sao chúng ta không làm theo Luật Giao thông ở một số nước tiên tiến: xe bẩn không cho vào thành phố? Và tại sao chúng ta không cấm có thời gian hoặc vĩnh viễn những nghệ sĩ thường xuyên biểu diễn phản cảm, phản văn hóa cũng như không cấp phép phát hành những "thảm họa nghệ thuật" của họ? Nếu không có chế tài xử phạt nghiêm, sẽ không bao giờ ngăn được những thảm họa đó, và khán giả vẫn sẽ còn bị tra tấn khi thưởng thức văn hóa trên truyền hình, sân khấu".

Bên cạnh đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng cần có sự phối hợp chặt chẽ với Bộ Thông tin và Truyền thông để có những định hướng trong tuyên truyền, phản ánh các vấn đề thuộc lĩnh vực hoạt động biểu diễn nghệ thuật trên báo chí. Báo chí vừa phải góp sức trong công tác thanh lọc, loại bỏ những điểm xấu trong hoạt động biểu diễn, vừa phải thực hiện chức năng nâng cao nhận thức thẩm mỹ về hưởng thụ nghệ thuật của công chúng. Tuy nhiên, yếu tố quan trọng nhất vẫn thuộc về bản thân những "người của công chúng". Bởi chỉ khi nào họ thật sự có ý thức về công việc của mình, thật sự có ý thức về hành vi của mình trong cuộc sống cũng như đủ nhận thức đúng đắn về việc xây dựng hình ảnh đẹp trong lòng công chúng, khi đó, hoạt động biểu diễn nghệ thuật mới thật sự không còn những "hạt sạn" và trở thành "món ăn" văn hóa tinh thần đích thực  của công chúng./.

(Theo: Hồng Trang/ND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất