(TCTG) - Trong những năm qua, việc một số loại hình dân ca của Việt Nam được UNESCO đưa vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể phần nào nói lên những nỗ lực trong công tác gìn giữ, phát huy những giá trị văn hoá truyền thống có nguy cơ mai một, đồng thời khẳng định sự thành công trong công tác ngoại giao văn hóa của Việt Nam.
Hãy cùng điểm lại 5 loại hình dân ca và nhạc cổ truyền là Di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại: Nhã nhạc cung đình Huế và không gian văn hoá cồng chiêng Tây nguyên - hai di sản văn hoá phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại; Dân ca Quan Họ Bắc Ninh - di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại; Nghệ thuật Ca Trù và Hát Xoan Phú Thọ là di sản văn hoá phi vật thể cần đuợc bảo vệ khẩn cấp.
|
Biểu diễn Nhã nhạc cung đình Huế. |
Nhã nhạc cung đình Huế - Di sản văn hoá phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại
Nhã nhạc cung đình Huế là di sản văn hóa phi vật thể đầu tiên của Việt Nam được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại vào năm 2003. Theo đánh giá của UNESCO, “trong các thể loại nhạc cổ truyền ở Việt Nam, chỉ có Nhã nhạc đạt tới tầm vóc quốc gia”.
Nhã nhạc đã đề cập đến âm nhạc cung đình Việt Nam được trình diễn tại các lễ thường niên bao gồm các lễ kỷ niệm và những ngày lễ tôn giáo cũng như các sự kiện đặc biệt như lễ đăng quang, lễ tang hay những dịp đón tiếp chính thức.
Nhã nhạc cung đình Huế là thể loại âm nhạc mang quốc hồn, quốc tuý của dân tộc, hình thành, phát triển qua nhiều triều đại như: triều Lê, triều Lý, triều Trần, triều Lê sơ và đạt đến đỉnh cao ở triều Nguyễn.
Đây là một thể loại âm nhạc cổ truyền độc đáo, đạt tới tầm vóc quốc gia, được thành lập để phục vụ các các tế lễ, sự kiện và công việc của cung đình. Bởi vậy, mỗi tiết mục đều được sử dụng nhằm phục vụ cho một nghi thức nhất định như: bản nhạc “Ngũ đối thượng, ngũ đối hạ” được tấu lên khi vua dâng hương tại các tế lễ; bản “Đăng đàn cung” sử dụng khi vua xa giá hồi cung; bản nhạc “Phú lục địch” được trình tấu khi triều đình tổ chức lễ mừng vạn thọ; bản “thập thủ liên hoàn” được sử dụng trong yến tiệc khi vua tiếp đãi quốc khách; bản nhạc “Tam luân cửu chuyển” được tấu lên cầu quốc gia hưng thịnh, quốc thái dân an... Bên cạnh đó, nó còn được sử dụng để đệm cho các điệu múa cung đình như: Múa lục cúng, múa hoa đăng, múa lân, múa phụng.
Ông Trương Quý Hải, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế cho biết: “Sau khi nhã nhạc cung đình Huế được UNESCO công nhận (07/01/2003), Nhà hát đã lên kế hoạch lâu dài về việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại này, trong đó có việc đào tạo được 20 nhạc công trẻ trong 2 năm cho dàn nhã nhạc và hiện các em đã được nhận vào công tác tại nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế.
Tại nhà hát Duyệt Thị Đường đã tổ chức mỗi ngày 4 xuất diễn để quảng bá di sản nhã nhạc cung đình Huế đến với du khách trong nước và quốc tế. Nhà hát cũng đã tổ chức các chuyến đi biểu diễn, giao lưu và quảng bá nhã nhạc đến với nhiều nước trên thế giới ở châu Âu và châu Á. Hiện nay, lượng nhạc công của nhà hát đã lên đến 65 người, diễn viên là 75 người. Đây là lực lực lượng trẻ, chủ lực đã và đang kế thừa, phát huy rất tốt về nhã nhạc cũng như ca cung đình để phục vụ nhân dân và khách nước ngoài rất hiệu quả”.
Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên - Di sản văn hoá phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại
|
Biểu diễn cồng chiêng Tây Nguyên. |
Trong đời sống tinh thần của đồng bào các dân tộc ở Tây nguyên, cồng chiêng có vị trí quan trọng. Nó không chỉ là vật thiêng, công cụ giao tiếp giữa con người và thần linh mà còn tài sản quí giá của mỗi gia đình, bản làng.
Theo GS.TS. Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam: Ở Tây Nguyên, cồng chiêng chủ yếu do nam giới chơi. Ở người Ê-đê chiêng cồng do nữ giới đánh. Ở người Mạ, người M’nông thì cả nam nữ đều chơi. Có lẽ, điều này do ảnh hưởng của xã hội mẫu hệ trong những tộc này còn tương đối mạnh. Xưa kia cồng chiêng chỉ dùng trong nghi lễ bởi nhân dân tin rằng tiếng cồng chiêng có sức mạnh thiêng, thần bí. Nên con người dùng cồng chiêng để đối thoại với thần linh. Hơn nữa, nhân dân tin rằng trong mỗi cái chiêng, cồng đều có thần chiêng, thần cồng ẩn náu. Cồng chiêng càng cổ bao nhiêu thì thần chiêng càng mạnh bấy nhiêu. Là nhạc cụ có tính thực hành xã hội cao, cồng chiêng luôn có mặt trong nhiều sự kiện của cộng đồng, trong các nghi lễ nông nghiệp và sự kiện của con người từ lúc lọt lòng đến khi từ giã cõi đời như: “lễ thổi tai” của trẻ sơ sinh, “lễ xuống giống”, “lễ mừng lúa mới”, “Lễ thu hoạch”, “lễ cúng Bến nước”, “lễ chào đón người anh hùng trở về”, “lễ bỏ mả tiễn” tiễn đưa linh hồn của người chết.
Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên trải dài trên năm tỉnh Tây Nguyên: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng. Vì thế, sau khi được UNESCO công nhận năm 2005, chính quyền các tỉnh và đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên đã triển khai việc bảo tồn và phát huy di sản văn hoá phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại trong đời sống cộng đồng.
Bà Lê thị Hồng An, Trưởng phòng Nghiệp vụ Văn hoá - Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch tỉnh ĐắkNông cho biết: Hội đồng Nhân dân tỉnh ĐắkNông đã thông qua, đầu tư kinh phí cho dự án “Bảo tồn phát huy lễ hội, hoa văn, cồng chiêng và nhạc cụ của dân tộc M’nông ở tỉnh ĐăkNông. Sở Văn hóa Thể thao Du lịch triển khai dự án “Bảo tồn không gian văn hóa cồng chiêng ĐăkNông Việt Nam” do UNESCO tài trợ, tập chung vào việc khảo sát, kiểm kê di sản; tổ chức truyền dạy; tập huấn nâng cao năng lực nghệ nhân; chỉnh chiêng; năng lực diễn tấu chiêng; tập huấn tại các câu lạc bộ cồng chiêng; xuất bản ấn phẩm sách, CD về các bài chiêng; đặt hàng các nghệ nhân ở tỉnh Quảng nam chế tác khoảng 100 bộ cồng chiêng cấp cho các Nhà văn hóa, câu lạc bộ cồng chiêng; khôi phục các lễ hội dân gian và sinh hoạt cồng chiêng cộng đồng.
Theo Phòng nghiệp vụ - Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai, sau khi được UNESCO công nhận, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh đã tổ chức các lễ hội cộng đồng; mở các lớp dạy chỉnh cồng chiêng, tạc tượng, lớp dạy đánh cồng chiêng cho học sinh trường Dân tộc nội trú. Đây là hoạt động hàng năm, kinh phí nằm trong chương trình “Bảo tồn Văn hóa phi vật thể” thuộc chương trình “Mục tiêu quốc gia về bảo tồn văn hóa”.
Giám đốc Bảo tàng Đắklăk Lương Thanh Sơn cho biết: Tỉnh Đắklắk đã mở các lớp truyền dạy cồng chiêng cả chiêng đồng và chiêng tre (Ching K’ram) cho các cháu thiếu nhi các dân tộc Ê đê, M’nông, Gia rai, Xê đăng; mở các lớp chế tác nhạc cụ, chỉnh chiêng; phối hợp với Viện Văn hóa - Nghệ thuật và bảo tàng Dân tộc học Việt Nam tổ chức trưng bày hình ảnh “Âm nhạc cồng chiêng Tây Nguyên” cũng như trưng bày các bộ cồng chiêng nhân kỷ niệm ngày giải phóng tỉnh Đắklắk tháng 3/2011; hằng năm, tổ chức liên hoan các đội cồng chiêng được tuyển chọn từ các huyện; tổ chức quảng bá nghệ thuật cồng chiêng ra nước ngoài qua các chuyến đi lưu diễn của đội chiêng nam buôn Ko-siêr nhóm Ê đê Kpa’ và đội chiêng nữ buôn Trấp nhóm ÊđêBih tới các nước: Cộng hòa Pháp, Italia. Bên cạnh đó, Tỉnh còn quan tâm đến đời sống của các nghệ nhân cồng chiêng, động viên bà con theo đạo Tin lành không nên bán cồng chiêng và nếu bán thì ưu tiên bán cho Bảo tàng tỉnh; tuyên truyền Luật di sản đến đồng bào các dân tộc nhằm bảo tồn di sản; bảo tồn nghệ thuật cồng chiêng qua các lễ hội cộng đồng như: lễ cúng bến nước, lễ hội cầu mùa. Kể từ khi được UNESCO công nhận di sản, nhận thức của bà còn các dân tộc trong tỉnh Đắklắk về việc bảo tồn, phát huy nghệ thuật cồng chiêng trong cồng đồng đã ngày một nâng cao.
|
Hát "Mời trầu" - Dân ca Quan họ Bắc Ninh. |
Dân ca Quan họ Bắc Ninh - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại
Hát Quan Họ là thể loại hát đối đôi giao duyên nam nữ vào mùa xuân độc đáo của vùng Kinh Bắc, hấp dẫn người người nghe không chỉ ở nét đẹp của giai điệu âm nhạc trữ tình, thơ mộng, lời ca tinh tế và giàu tình người mà còn đẹp bởi hình thức diễn xướng phong phú, trang phục đẹp, tục kết bạn thuỷ chung, nhân ái và phong cách ứng xử thanh lịch, nho nhã của người Kinh Bắc. Độ vang của Quan họ cũng rất độc đáo. Còn độ nẩy của Quan họ cũng không giống như Chèo, Ca trù. Nẩy của Quan họ có một vẻ riêng cũng như các từ để nẩy cũng có những đặc trưng riêng của Quan họ. Nếu như Chèo chúng ta thấy xuất hiện nhiều những âm đệm “i” thì ở Quan họ là “ư” hoặc là “hư” hoặc là “ơ”, còn trong hát Ca trù thì chúng ta thấy âm để hát nẩy được là âm khác”. Dân ca Quan Họ Bắc Ninh được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào ngày 30/9/2009.
Ông Quang Nhị, Phó giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh cho biết: Năm 2009, chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh đã phê duyệt Đề án “Bảo tồn dân ca Quan họ”, tập trung vào việc tiếp tục tuyên truyền, quảng bá giá trị dân ca Quan họ Bắc Ninh trên các phương tiện truyền thông. Tỉnh đã tôn vinh 41 nghệ nhân ở các làng quan họ gốc; đưa dân ca Quan Họ vào giảng dạy ở trường học từ cấp Tiểu học đến Trung học phổ thông cũng như trong cộng đồng; bổ xung nội dung chương trình giảng dạy Dân ca Quan họ tại trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật, du lịch của tỉnh Bắc Ninh; mở các lớp tập huấn dạy hát dân ca Quan Họ trong các Câu lạc bộ, làng Quan Họ và trên truyền hình; hằng năm tổ chức các cuộc thi “hát Quan Họ” và cuộc thi “hát đối quan họ cổ đầu xuân”; nâng cấp Đoàn Dân ca Quan họ lên thành Nhà hát Quan Họ Bắc Ninh; tiếp tục nghiên cứu, xuất bản sách giáo trình “400 bài hát Quan họ”; thành lập hội “Những người yêu dân ca Quan họ Bắc Ninh” ra mắt lần thứ nhất tại Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc ở TP. Bắc Ninh; tổ chức cho đoàn Nhà hát “Dân ca Quan họ Bắc Ninh” đi giao lưu, biểu diễn tuyên truyền, quảng bá dân ca Quan họ tới các đoàn khách quốc tế, UNESCO và hàng năm kết hợp với Đài THVN tổ chức chương trình “Về miền Quan Họ” trên kênh VTV1.
Nghệ thuật Hát Ca trù - di sản văn hóa cần được bảo vệ khẩn cấp.
|
Hát ca trù. |
Ca trù còn gọi là hát thẻ là một loại hình ca hát thính phòng bác học của dân tộc có từ lâu đời, với lối hát độc đáo cùng hệ thống luật lễ chặt chẽ và hệ thống đào tạo qua các giáo phường khá qui củ.
Ca Trù hay còn gọi hát cửa đình; hát nhà tơ; hát ả đào; hát nhà trò. Chỉ với ba người gồm: đào nương vừa hát vừa gõ phách, kép đàn đệm đàn đáy và một người cầm chầu, họ đã có thể làm nên không khí sôi động của một buổi hát Ca trù. Tiếng hát Ca trù giàu sức biểu cảm, tiếng róc phách ròn tan của đào nương hoà cùng tiếng đàn đáy dùng đục của kép đàn và tiếng trống chầu "tom chát" mạnh mẽ, ngân vang của quan viên đã diễn tả được những cung bậc tình cảm và nội dung các tác phẩm thơ ca của nhiều nhà thơ nổi tiếng.
Danh hiệu “Nghệ thuật ca trù - Di sản văn hoá phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp” do UNESCO công nhận vào ngày 1/10/2009 là kết quả của những hành động thiết thực của Viện âm nhạc Việt Nam cùng các cơ quan chức năng và cả cộng đồng đã làm để bảo tồn và phát huy loại hình nghệ thuật này.
Nhằm gìn giữ, xem xét lại di sản sau khi được UNESCO công nhận, từ 13-16/10/2011, Hội nghị “Tổng kiểm kê di sản văn hóa ca trù năm 2009, 2010” và “Liên hoan ca trù toàn quốc năm 2011” do Viện âm nhạc Việt Nam, Cục di sản văn hóa thuộc Bộ VH-TT-DL phối hợp cùng sở VH-TT-DL các tỉnh có di sản văn hóa ca trù tổ chức đã diễn ra tại Hà nội. Đây là cơ hội cho các nhà quản lý văn hóa nghệ thuật, những nhà nghiên cứu âm nhạc dân gian kiểm kê, nhìn lại công việc bảo tồn nghệ thuật Ca trù, di sản văn hóa cần được bảo vệ khẩn cấp trong hai năm qua, qua đó đưa ra những giải pháp, đề xuất để bảo tồn và phát huy nó tốt hơn trong đời sống cộng đồng. Bên cạnh đó, “Liên hoan Ca trù toàn quốc năm 2011” với sự xuất hiện của ba thế hệ đào nương trẻ, trung và lớn tuổi cũng là cơ hội để các câu lạc bộ Ca trù trong toàn quốc có dịp gặp mặt, trao đổi nghệ thuật, giao lưu với nhau để góp phần bảo vệ nghệ thuật ca trù tốt hơn trong đời sống hôm nay.
|
Đêm Xoan tại Đình Lâu Thượng - Phú Thọ. |
Hát xoan Phú thọ - di sản văn hóa cần được bảo vệ khẩn cấp.
Gần đây nhất, vào những ngày cuối năm 2011, cả nước vui mưng đón tin vui Hát Xoan, Phú Thọ đã chính thức được vinh danh là Di sản văn hóa cần được bảo vệ khẩn cấp. Đây là một loại hình dân ca diễn xướng vào mùa xuân đặc sắc của người dân đất tổ.
Hát Xoan thường được tổ chức vào ngày hội tại đình làng kết nghĩa để thờ Vua Hùng và tế thần cầu thịnh.
Nhạc sĩ Hoành Loan, người có nhiều năm nghiên cứu về hát xoan cho biết: Các phường xoan trước khi đi hát ở các đình làng kết nghĩa phải hát mời đại vương tức vua Hùng tại miếu Lãi lèn. Sau đó, họ rước đại vương tức là vua Hùng về hát tại đình làng từ ngày 2 đến hết ngày 5 tết. Sau ngày mùng 5 tết, các phường xoan đi lưu diễn tại 17 đình làng kết nghĩa trên khắp vùng đất Văn Lang. Khi trình diễn tại đây, các nghệ nhân đã dung nạp nhiều loại hình nghệ thuật của các quan viên, các trai làng sở tại vào nghệ thuật của mình, nhờ vậy hát xoan có thêm nhiều điệu nhạc, trò múa đồng thời hát xoan đã hội nhập sâu hơn vào đời sống văn hóa của cộng đồng sở tại./.
NGUYỄN QUANG VINH