Thứ Hai, 23/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Chủ Nhật, 4/3/2012 10:42'(GMT+7)

Giữ hồn trống quân Đức Bác

Hát trống quân Ðức Bác.

Hát trống quân Ðức Bác.

 
Về làng quê Đức Bác vào một ngày mưa phùn đầu xuân trong tiết trời se lạnh. Cụ Phấn đã bước sang tuổi 95 nhưng vẫn còn minh mẫn. Biết có phóng viên đến hỏi chuyện về hát trống quân, cụ rất phấn khởi. Cụ kéo chúng tôi vào trong căn phòng nhỏ chứa đầy vật dụng dùng làm nhạc cụ, làm kỷ niệm đi hát ngày xưa. Những bộ quần áo dài, những quyển sổ ghi chép bài hát, chiếc trống được cụ nâng niu, cất giữ cẩn thận để khi có dịp đem ra hát và cho mọi người xem. Dù giọng hát không còn cao và trong như ngày còn trẻ nhưng cụ vẫn nhiệt tình hát cho chúng tôi nghe những khúc hát trống quân Đức Bác vang danh một thời. Vừa hát, cụ vừa đánh trống, nhún chân, uốn tay như đang biểu diễn trên đình làng vậy, rằng: "Đi đâu từ sớm đến giờ/ Để cho anh đợi anh chờ anh mong/ Bên em còn dở hội chùa/ Cho nên em phải đi trưa thế này"... Cụ bảo, đã lâu cụ không được hát trống quân, hôm nay được hát trong người như giải tỏa được bao nỗi niềm, nhớ lại một thời yêu đương, trai trẻ...

Cụ Phấn kể cho chúng tôi một truyền thuyết đã được lưu truyền gắn liền với môn nghệ thuật văn hóa dân gian đặc sắc này. Ngày xưa, khi người Ðức Bác tập hợp xuống bãi bồi ven sông Lô tạo thành cái xóm nhỏ Trại Lép, cuộc sống dần thay đổi xuôi ngược theo con nước trên dòng Lô giang. Rồi một ngày, lũ sông Lô ồ ạt hung dữ đã lấy đi một phần đất của người Kẻ Lép (Nay cắt sang bên huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ). Trên đất ấy, có một cô bé được mẹ sinh ra trong giấc mộng, lớn lên theo Bà Trưng đi đánh giặc (nàng xưng là Nương công chúa). Thắng giặc trở về, nàng bỗng "hóa" trên phần đất của Kẻ Lép. Thấy thiêng, dân Kẻ Lép sang Phù Ninh xin tên nàng về lập đền thờ. Từ đó hai làng ven sông của Phù Ninh và Ðức Bác có quan hệ mật thiết, để hàng năm người Ðức Bác đón người Phù Ninh sang sông làm lễ cầu hạnh phúc, bình an. Lễ hội khai xuân Cầu Ðinh diễn ra đầu tháng giêng hằng năm bắt đầu từ đó.

Trong lễ hội, các chàng trai Ðức Bác mặc quần trắng, áo trắng, đầu buộc khăn đỏ, đai lưng đỏ, đeo trống, kéo nhau ra bến quán đón đào sang hội. Lễ rước đón bằng các làn điệu dân ca mà người ta vẫn hay gọi là hát trống quân Ðức Bác. Hát trống quân Ðức Bác là cuộc diễu hành nghệ thuật trao duyên mà không gian diễu hành bằng lời hát đối ứng giữa nam (kép) và nữ (đào) diễn ra suốt từ bến quán đến làng xóm, và về đến cửa đình của làng mới mãn cuộc đối đáp đôi bên. Mỗi dây thành một tốp, mỗi tốp thường có 3 kép Ðức Bác và 3 đào Phù Ninh. Họ di chuyển chậm theo những khúc hát đẩy đưa, trong những vòng tròn vây hãm của những chàng trai Ðức Bác quanh những cô gái Phù Ninh. Cụ bảo, bây giờ Ðức Bác đã tự làm được hết, không phải đón đào bên Phù Ninh sang nữa.

Câu chuyện của cụ với chúng tôi đôi lúc bị ngập ngừng vì tuổi già làm cho đôi tai của cụ không còn được nghe rõ như xưa. Bên tách trà, cụ kể về cuộc đời mình, sinh ra trong một nhà thuần nông, năm 18 tuổi cụ đã biết hát trống quân. Nhưng lần theo ông nội ra đình làng xem hát, những lời ca, làn điệu của lối hát trống quân có một sự lôi cuốn đặc biệt với cụ và từ đó niềm đam mê với hát trống quân ngấm sâu vào máu thịt cụ lúc nào chẳng nhớ nữa. Cứ mỗi lần làng mở hội, cụ lại cùng thanh niên trong làng khăn áo cùng hát vang điệu trống quân. Khi vừa biết hát trống quân được 2 năm, cụ bị thực dân Pháp bắt đi lính, gần chục nãm đi lao dịch, không được hát nhưng trong đầu cụ Phấn điệu hát trống quân lúc nào in đậm trong tâm trí. Thời gian đó đình Ðức Bác - nơi tổ chức hát trống quân bị Pháp phá vì thế trong một thời gian dài nghệ thuật hát trống quân không được tổ chức.

Khi chiến tranh kết thúc, dân làng Ðức Bác lại nhớ đến "món ăn tinh thần" là văn hóa hát trống quân một thời lừng lẫy, do vậy đã tìm mọi cách khôi phục lại. Cụ Phấn lại được đứng trên sân đình hát lên những khúc hát trống quân như năm nào. Được đem điệu trống quân được học năm nào truyền dạy lại cho con cháu. Theo cụ Phấn, so những làn điệu dân ca giao duyên khác như hát đúm, hát ghẹo, hát xoan, hát ví, thì hát trống quân là một thể hát có thể nói là đơn giản nhất về cả âm nhạc lẫn cách diễn xướng. Nhạc cụ gõ duy nhất là chiếc trống quân giữ nhịp, tạo tiết tấu. Vì thế mà ngày đó, dân làng Đức Bác không ai là không biết hát trống quân.

Nhấp chén trà xanh, cụ Phấn tâm sự: “ Trong làng, xã bây giờ những người am hiểu về hát trống quân không còn nhiều, thế hệ trẻ thì nhiều hầu như không nói gì đến hát trống quân nữa… còn bản thân mình đã già chẳng biết lúc nào về với cõi âm, chỉ sợ khi mình nhắm mắt xuôi tay rồi thì chẳng ai biết đến hát trống quân nữa, như thế thì có tội với tổ tiên ”. Cụ nuối tiếc, ước gì đôi chân còn khỏe, đôi tay còn nhanh nhẹn để có thể đi hát, đi dạy những lớp trẻ yêu thích trống quân của quê hương. Vì cuộc sống mưu sinh mà trong gia đình cụ không có ai theo đuổi được điệu hát trống quân như cụ.

Thời gian gần đây, huyện Sông Lô đã phối hợp mở nhiều khóa học và đào tạo hát trống quân nhằm bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa tinh thần của điệu hát trống quân. Ông Bùi Anh Dũng, cán bộ văn hóa xã cho biết: Hát trống quân những năm gần đây đã quay trở lại với đời sống sinh hoạt tinh thần người dân Đức Bác. Xã đã kết hợp với ngành Văn hóa của tỉnh mở được các lớp dạy hát trống quân cho lớp trẻ trong xã có niềm yêu thích với trống quân. Tuy nhiên, ông Dũng cũng trăn trở, những nghệ nhân còn hát được những điệu trống quân cổ đã ở cái tuổi "xưa nay hiếm" và cũng chỉ điếm được trên đầu ngón tay, do đó việc truyền dạy những điệu trống cổ phần nào gặp nhiều khó khăn.

Rời Đức Bác, mang trong lòng sự quyến luyến với những khúc hát trống quân và về con người dành cả đời cho những điệu hát dân gian, chúng tôi hi vọng vào mùa hội năm sau trở về Đức Bác lại được nghe điệu hát trống quân vang lên./.



Nguyễn Thị Thảo/TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất