1. Vài nét về lễ hội
Giống với nhiều địa phương khác trên cả nước, các lễ hội ở Cao Bằng diễn ra chủ yếu vào mùa xuân. Toàn tỉnh có trên 100 lễ hội lớn nhỏ khác nhau, trong đó có trên 10 lễ hội có quy mô lớn là: Lễ hội Sóc Giang (Hà quảng), lễ hội Kỳ Sầm, Đống Lân, Đà Quận (Hoà An), lễ hội Sùng Phúc (Hạ lang), lễ hội Pháo Hoa, Thanh Minh (Quảng Uyên), Lễ hội Nàng Hai (Tiên thành - Phục Hoà), lễ hội Lồng Tồng (Thạch An)... Nhìn chung các lễ hội đều mang tính nhân văn sâu sắc hướng tới cái thiện, đó là cầu phúc, cầu lộc, cầu mùa, trừ tà, mong muốn cho cuộc sống ngày càng tốt đẹp. Bên cạnh đó, lễ hội còn là dịp tôn vinh các nhân vật anh hùng có công lao chống ngoại xâm giữ gìn đất nước như lễ hội Kỳ Sầm (Hoà an), Hoàng Lục (Trùng Khánh). Hầu hết các lễ hội đều mang truyền thống văn hoá dân tộc đặc sắc của các dân tộc tỉnh Cao Bằng. Mỗi địa phương tuy cùng một chủ đề lễ hội nhưng do điều kiện tự nhiên, xã hội khác nhau nên có cách thức tổ chức lễ hội cũng khác nhau.
Các lễ hội dân gian truyền thống của Cao Bằng chủ yếu ở quy mô ở cấp làng, xã và mang đậm nét văn hoá dân tộc được lưu giữ. Tiêu biểu như Lễ hội Lồng tồng, Hội chợ xuân, Lễ hội Pháo hoa, lễ hội Nàng hai …. Ngoài những lễ hội vốn đã tồn tại từ lâu đời ở các địa phương, một số lễ hội được khôi phục trong những năm gần đây đã góp phần bảo tồn bản sắc văn hoá lễ hội trên nền tảng truyền thống văn hoá dân tộc, như: Hội thi bò đẹp, Hội chọi bò (Bảo Lâm, Hà Quảng), Lễ hội văn hoá thị trấn Tà Lùng (Phục Hoà), lễ hội du lịch vùng biên giới (Trùng Khánh)... Các lễ hội được tổ chức theo nghi lễ truyền thống và khôi phục được dần các trò chơi dân gian như tung còn, đánh yến, bắn nỏ, đẩy gậy, kết hợp cùng các hoạt động văn hoá, thể thao như bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, văn nghệ quần chúng… đồng thời loại trừ các hiện tượng tiêu cực như đánh bạc, mê tín dị doan...
Lễ hội còn là môi trường bảo tồn nghệ thuật truyền thống, thông qua đó những giá trị văn hoá truyền thống, các làn điệu dân ca của các dân tộc như hát Then, Sli lượn, Phong slư, Dá hai, Hà lều… được giữ gìn, phát triển.
Có thể nói, việc bảo tồn, duy trì phát triển những giá tích cực của lễ hội cũng chính là cơ sở nền tảng, góp phần phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội của mỗi địa phương.
2. Một số lễ hội phổ biến ở Cao Bằng
Hội lồng tồng: Sau tết âm lịch, các bản trong thung lũng có đồng ruộng đều làm lễ cầu mùa, tiếng dân tộc gọi là lồng tồng (xuống đồng).Tuỳ nơi, có thể tổ chức các trũ đánh còn, rước rồng, kỳ lân, tranh pháo thăng thiên, xướng hát Sli lượn… Song có một điểm chung không thể thiếu là ông tào, bà then hoặc nàng hai đọc những câu chúc, cầu mong cho cộng đồng luôn được phong đăng hoà cốc, sản vật dồi dào, dân an quốc thái.
Hội Nàng Hai: Đây là một tục lệ cầu mùa ở Tiên Thành (Phục Hoà), Kim Đồng (Thạch An), thường được kéo dài với nhiều đêm xướng hát. Nghi thức chính là mời hồn nàng trăng nhập vào cô gái trong làng, rồi đoàn người hát theo, nhiều khúc hát được soạn từ xưa, nội dung là cầu xin các mẹ Hai trên mường trời (nơi có 6 mẹ, có nơi có 12 mẹ) cho giống má tốt, diệt trừ sâu bọ, mưa thuận gió hoà, nhân dân mạnh khoẻ. Đến ngày cuối là ngày lồng tồng tiễn đưa hồn trăng về trời.
Hội Thanh Minh: Được tổ chức hàng năm tại xã Phúc Sen, huyện Quảng Uyên. Hội do dân tộc Nùng An khởi xướng và tổ chức vào ngày thanh minh hàng năm, có ý nghĩa cầu cho mưa thuận gió hoà cho dân bản, cầu chúc hạnh phúc cho lứa đôi.
Hội Hàng Toán (còn gọi là chợ hội): Vừa có sinh hoạt vui chơi, vừa là nơi mua bán, chủ yếu là trai gái thanh niên đến dự, diễn ra hầu khắp các huyện trong tỉnh. Ngoài việc mua bán, trao đổi hàng hoá, gặp nhau ở chợ phiên, người ta có thể biết được tình hình người thân để nhắn trai gái gửi hẹn hò, tìm hiểu nhau.
Hội Pháo hoa: Được tổ chức vào tháng 2, thường diễn ra ở Quảng Hoà, Đông Khê (Thạch An). Trước kia, ngày hội thường diễn ra ở Quảng Uyên, Đống Đa, Cách Linh, Phục Hoà, Tà Lùng (Quảng Hoà), huyện Hạ Lang, Thạch An…
Hội pháo hoa là cuộc vui thể hiện sức khoẻ, rèn luyện tính nhanh nhẹn, tinh thần thượng võ, lôi cuốn các chàng trai khoẻ mạnh từ các địa phương tới tham dự hội với hy vọng khi tham gia vào cuộc tranh pháo hoa sẽ dành được chiếc vòng cầu phúc. Vì mọi người quan niệm, ai bắt được vòng lộc pháo hoa thì cả năm sẽ được may mắn, tốt lành, phát tài, phát lộc.
Hội pháo hoa được tổ chức vào ngày 2 tháng 2 âm lịch ở thị trấn Quảng Uyên (Quảng Hoà) là một trong những ngày hội pháo hoa đông vui nhất tỉnh Cao Bằng. Vì đây là huyện trung tâm giữa các huyện khu vực miền Đông Bắc, giao thông đi lại dễ dàng. Dân gian truyền rằng đầu pháo của Quảng Uyên được vị thần ở Bách Linh Tự phù hộ cho nên linh ứng nhất (Bách Linh Tự là ngôi đền dựng ở thị trấn thờ 100 vị thần thiêng).
Hội Tung còn: Hay gọi là gieo đúm là trò chơi truyền thống của các dân tộc Tày, Nùng vào dịp lễ, Tết Nguyên đán, hoặc trong những ngày hội vui xuân như hội chùa, hội đền, hội lồng tồng…
Quả còn thường được làm bằng túi vải thổ cẩm, hình tứ giác, có đai buộc, có trang trí bằng các sợi vải tua rua đủ màu sắc sặc sỡ. Bên trong quả còn có thể đựng cát, thóc hoặc sỏi, chì (nhỏ) để đường bay không bị gió tạt. Quả còn buộc với một sợi dài từ 90-100cm, phần cuối dây là tua rua xanh, đỏ gọi là “vẩu còn” để cầm khi tung.
Có hai cách tung còn phổ biến là tung còn lọt qua vòng để tranh phần thưởng và tung còn vui chơi ngày xuân trai gái kết bạn giao duyên.
Hội đền chùa: Diễn ra vào tháng giêng hàng năm. Các đền chùa được dân chúng xây dựng để thờ các bậc vĩ nhân có công với dân chúng, giúp đỡ, bảo vệ nhân dân trong vùng. Vào một ngày nhất định đã được duy trì từ “thời ông bà”, mọi người làm lễ cúng tế, có đông đảo dân chúng các làng, bản địa phương xa gần đến dự lễ. Ở huyện Hoà An, suốt từ ngày mùng 6 tháng giêng đến mùng 10 tháng giêng âm lịch là các lễ hội đền vua Lê, Đống Lân, chùa Đà Quận và hội kỳ Sầm thờ Nùng Trí Cao ở Bản Ngần. Ở huyện Hạ Lang có hội chùa Sùng Phúc (xã Thanh Nhật) vào ngày 15 tháng giêng âm lịch. Lễ hội chùa thường có hai phần là phần tế lễ cúng vái ở trong chùa và phần hội ở ngoài sân hoặc xung quanh chùa, đền.
3. Tổ chức lễ hội gắn với việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống
Để chỉ đạo, quản lý và tổ chức tốt các lễ hội trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh Cao Bằng đã ban hành Công văn số 139/UBND về việc thực hiện nếp sống văn minh trong các lễ hội, nhằm tăng cường các biện pháp ngăn ngừa, xử lý vi phạm trong các hoạt động văn hoá, dịch vụ văn hoá, bài trừ mê tín dị đoan trong lễ hội. Nhiều năm qua công tác quản lý lễ hội tiếp tục được tăng cường, tập trung vào trách nhiệm của chính quyền các địa phương, vai trò gương mẫu của cán bộ, công chức trong công tác tổ chức và quản lý lễ hội. Nội dung quản lý và tổ chức lễ hội được đưa vào thực hiện trong nội dung phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”. Các địa phương đã đưa vào hương ước, quy ước nếp sống văn hoá nội dung thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội để nhân dân tự giác thực hiện. Trước các mùa lễ hội hàng năm, Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch đều ban hành các văn bản hướng dẫn công tác quản lý, tổ chức lễ hội, đồng thời có sự phối, kết hợp chặt chẽ cùng các cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể địa phương trong quá trình chuẩn bị và triển khai tổ chức lễ hội.
Nhìn chung, thời gian qua các lễ hội trên địa bàn Cao Bằng đã diễn ra an toàn, vui vẻ, tiết kiệm, lành mạnh, thực hiện tốt theo Quyết định số 308/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ về việc ban hành Quy chế tổ chức lễ hội và Chỉ thị 27/CT-TƯ ngày 12-1-1998 của Bộ Chính trị về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, và lễ hội.
Thông qua lễ hội, đã góp phần vào giáo dục truyền thống lịch sử, văn hoá quê hương, đất nước; ghi nhớ công lao của các anh hùng trong lịch sử, cổ vũ, động viên nhân dân hướng về cội nguồn, nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc gìn giữ, tôn tạo các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh; động viên nhân dân phấn khởi đón xuân, xây dựng tính cộng đồng, tăng cường giao lưu văn hoá, củng cố tình đoàn kết giữa các dân tộc.
Xác định bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống đặc sắc là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong thời kỳ hội nhập, Tỉnh uỷ Cao Bằng đã xây dựng Chương trình bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá truyền thống đặc sắc của Cao Bằng giai đoạn 2006 - 2010 và trong những năm tới. Mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm là đẩy mạnh công tác sưu tầm, nghiên cứu, giới thiệu văn hoá dân gian; nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học giá trị văn hoá truyền thống đặc sắc; khôi phục vỡ nâng cao giá trị các lễ hội đặc sắc… nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể đặc sắc của các dân tộc tỉnh Cao Bằng, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến và đậm đà bản sắc văn hoá dân tộc, thực hiện tốt Nghị quyết lần thứ V (Khoá VIII) của Đảng.
Để thực hiện thành công chương trình, Tỉnh uỷ Cao Bằng đã đề ra những nhiệm vụ và giải pháp cụ thể, trong đó tập trung tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (Khoá VIII); đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân; tổ chức các hội nghị, hội thảo chuyên đề về bảo tồn, phát huy các lễ hội văn hoá đặc sắc của các dân tộc tỉnh Cao Bằng, gắn liền với việc thực hiện bảo tồn và phát huy giá trị của các làn điệu dân ca, các phong tục, tập quán tốt đẹp cảu đồng bào các dân tộc.
Cùng với đó là tiếp tục đầu tư, hỗ trợ có trọng điểm thông qua chương trình mục tiêu quốc gia về văn hoá và những dự án cho công tác bảo tồn văn hoá truyền thống, để làm cho giá trị của văn hóa truyền thống không chỉ được bảo tồn mà còn thấm sâu, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của đồng bào các dân tộc trong tỉnh...
Chương trình bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá truyền thống đặc sắc của Cao Bằng đã đưa ra những giải pháp cụ thể, nhấn mạnh đến việc xây dựng quy hoạch và các đề án, dự án cụ thể về bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống đặc sắc của tỉnh. Thực hiện hiệu quả các chương trình sưu tầm, nghiên cứu về văn hoá; tăng cường đầu tư cho các địa chỉ văn hoá đã và có nguy cơ xuống cấp. Đẩy mạnh công tác xã hội hoá các hoạt động và tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý và chuyên môn đáp ứng yêu cầu của công tác bảo tồn, phát huy văn hoá truyền thống đặc sắc; quan tâm đến các nghệ nhân hoạt động văn hoá và các trí thức dân tộc, văn nghệ sỹ; phát huy vai trò của các già làng, trưởng bản; chú trọng truyền nghề cho lớp trẻ. Xây dựng cơ chế chính sách phù hợp nhằm khuyến khích bảo vệ các giá trị văn hoá truyền thống đặc sắc; hoàn thiện và bổ sung các chính sách cần thiết để nâng cao mức hưởng thụ văn hoá của nhân dân các dân tộc.
Tăng cường công tác quản lý nhà nước, phát huy vai trò của các ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội và tích cực tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân nhằm khuyến khích họ tích cực tham gia bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống đặc sắc, trong đó coi trọng bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá trong các lễ hội dân gian của đồng bào các dân tộc ở Cao Bằng, để không chỉ làm phong phú thêm đời sống tinh thần của đồng bào, mà còn làm cho Cao Bằng trở thành một điểm đến “hấp dẫn” du khách mỗi độ Xuân về ./.
HOÀNG KIM LOAN