Từ khi thực hiện Chỉ thị 27/CT-TW của Bộ Chính trị, nếp sống văn minh mới trong việc cưới, việc tang và lễ hội đã đi vào đời sống của người dân trên vùng đất ba zan này, góp phần đẩy lùi những hủ tục lạc hậu và làm thay đổi diện mạo đời sống tinh thần của người dân nơi đây. Trên thực tế, việc vận động người dân từ bỏ những thói quen truyền thống đã ăn sâu bén rễ từ đời xưa không phải là chuyện dễ làm. Cái mới, dù có văn minh, hiện đại cũng không dễ dàng được chấp nhận trong một sớm một chiều. Nếu không nhận thức được điều này, phong trào xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, tang và lễ hội rất dễ sa vào hình thức, phô trương.
Trong những năm gần đây, phong trào “Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, tang và lễ hội” đã thổi một luồng gió mát lành, trong sáng vào đời sống văn hóa, tinh thần của người dân Đắk Nông. Dần dần nếp sống văn minh trong các hoạt động trên đã được bà con chấp nhận. Một gia đình, một địa phương thực hiện đã kéo theo nhiều gia đình, nhiều địa phương khác làm theo, dần dần trở thành thói quen mới thay thế cho những thói quen cũ đã trở nên lạc hậu, không còn phù hợp trong nhịp sống văn minh, hiện đại.
Là tỉnh thuộc Tây Nguyên, có nhiều dân tộc và tôn giáo, do đó Đắc Nông cũng có nhiều lễ hội, trong đó lễ hội mang tính cộng đồng chủ yếu diễn ra trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ. Chỉ tính riêng dân tộc M’nông, hàng năm có tới khoảng 60 nghi lễ và lễ hội, đặc biệt là lễ hội đâm trâu. Những lễ hội của người dân nơi đây được xem là một thế mạnh, đồng thời là cơ sở để bảo tồn và phát huy giá trị và bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc M’nông. Cùng với lễ hội, các loại hình hoạt động văn hóa gắn liền với lễ hội cũng được tổ chức rộng rãi.
Hiện toàn tỉnh có khoảng 40 đội văn nghệ dân gian, 80 đội cồng chiêng, 128/128 bon đồng bào dân tộc thiểu số có nhà văn hóa cộng đồng. Có thể nói, hoạt động văn hóa, văn nghệ dân gian truyền thống của các vùng, miền, dân tộc, vùng sâu, vùng xa được khôi phục và phát huy; nhiều hoạt động văn hóa thể thao, sắc thái lễ hội đặc trưng truyền thống dân gian được bảo tồn, phát huy hiệu quả; lễ hội làng mang đậm nét văn hóa ở các địa phương được tổ chức tốt phần nào đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ và tham gia sáng tạo văn hóa của nhân dân. Qua đó khơi dậy tinh thần đoàn kết, ý thức gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong mỗi người dân.
Việc cưới trên địa bàn tỉnh được cán bộ, đảng viên, công chức và các tầng lớp nhân dân thực hiện đúng theo pháp luật. Nhất là việc cưới xin trong đồng bào các dân tộc thiểu số tại chỗ như M’nông, Êđê, Mạ có nhiều thay đổi tích cực. Hiện tục “nối nòi” (bà chết - ông lấy cháu, chồng chết - vợ lấy em chồng…) khắc nghiệt và lạc hậu không còn tồn tại, hoặc việc thách cưới nặng nề, tốn kém theo tục mẫu hệ đã giảm nhiều, chỉ mang tính hình thức tượng trưng. Nhiều đám cưới được tổ chức đơn giản, trang trọng và có tính kế thừa phong tục truyền thống. Ngày càng có nhiều đám cưới giữa thanh niên các dân tộc thiểu số và dân tộc đa số, giữa dân tộc thiểu số với các dân tộc nơi khác đến.
Với việc tang, đây là vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống tâm linh và nhạy cảm. Sau nhiều năm tuyên truyền, vận động đồng bào từ bỏ những hủ tục lạc hậu như người chết để lâu trong nhà, tổ chức ăn uống linh đình, tốn kém, không đảm bảo vệ sinh môi trường, nay về cơ bản không còn nữa. Hiện đa số đồng bào thực hiện theo nếp sống văn minh, hạn chế nghi thức cúng bái không cần thiết. Người qua đời nêu không có người thân và gia đình đứng ra lo liệu thì chính quyền phối hợp với các đoàn thể quần chúng tổ chức đám tang.
Trong quá trình thực hiện Chỉ thị, bên cạnh những kết quả tích cực, một số cấp ủy Đảng, chính quyền ở một vài địa phương trong tỉnh có hiện tượng xao lãng, thiếu quan tâm chỉ đạo, kiểm tra sâu sát việc thực hiện các chủ trương về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và thực hiện nếp sống văn minh, nhất là trong tổ chức tiệc cưới và tang lễ; đáng lưu ý là tệ “bán cổ ăn tiền” có chiều hướng diễn biến phức tạp, biến tướng mới, nhất là trong việc tổ chức lễ cưới rườm rà, đông người, vận động quyên góp tổ chức lễ hội đình làng hát xướng linh đình, ăn uống nhiều ngày, gây bức xúc trong dư luận xã hội, tác động xấu đến môi trường văn hóa của cộng đồng dân cư; một số cấp ủy Đảng chưa có biện pháp xử lý nghiêm túc các trường hợp vi phạm, một số cán bộ, đảng viên có chức, có quyền chưa thực sự nêu gương gây dư luận xấu, ảnh hưởng đến uy tín của cán bộ, đảng viên và làm giảm sút lòng tin của quần chúng nhân dân đối với Đảng, chính quyền.
Có thể nói, đạt được kết quả trên là do sự quan tâm, chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể của tỉnh, đặc biệt là ngành văn hóa thông tin cùng vào cuộc, hướng dẫn thường xuyên trong việc thực hiện Chỉ thị 27 của Bộ Chính trị đã tác động tích cực đến ý thức của đại bộ phận nhân dân trong việc tổ chức việc cưới, tang, lễ hội. Chính từ việc thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả trên đã làm cho môi trường văn hóa - xã hội trên địa bàn tỉnh có những chuyển biến tích cực, góp phần từng bước đẩy lùi các hủ tục lạc hậu, mê tín, dị đoan, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, làm thay đổi diện mạo đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào ở vùng sâu, vùng xa.
Sự chuyển biến theo hướng tích cực, tiến bộ trong việc cưới, tang, lễ hội còn là nhân tố tích cực trong phong trào xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa, góp phần nâng cao chất lượng bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp của đồng bào nơi đây.
Từ thực tiễn triển khai thực hiện việc cưới, việc tang, lễ hội của tỉnh Đắc Nông thời gian qua có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm:
Thứ nhất, gắn việc thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” với việc đẩy mạnh phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Đồng thời nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy gia trị, bản sắc văn hóa truyền thống của người dân. Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các hương ước, quy ước, đi đôi với việc nêu cao vai trò, trách nhiệm của ban tự quản thôn, bon, các già làng, trưởng tộc trong việc thực hiện nếp sống văn minh.
Thứ hai, phải có biện pháp cần thiết, cụ thể để quản lý và xử lý những vi phạm trong việc cưới, tang, lễ hội. Mỗi cán bộ, đảng viên phải nêu cao vai trò nòng cốt, gương mẫu thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, tang, lễ hội. Bên cạnh đó chú trọng xây dựng những nghi lễ và hình thức sinh hoạt văn hóa mới tiến bộ, phù hợp với tâm lý và truyền thống của đồng bào các dân tộc. Đồng thời xây dựng những cá nhân, tập thể, địa phương điển hình, tiến tiến trong việc thực hiện nếp sống văn minh để nêu gương cho mọi đối tượng học tập, noi theo.
Thứ ba, cần phải đưa nội dung xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, tang, lễ hội vào nội dung công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền. Mặt khác, phải có sự phối hợp thống nhất, đồng bộ giữa các cơ quan, ban, ngành, MTTQ và các đoàn thể trong việc chỉ đạo, tổ chức, hướng dẫn, vận động nhân dân thực hiện.
Xác định việc cưới, tang và lễ hội có ý nghĩa văn hóa lớn đối đời sống tinh thần của mỗi con người, gia đình, địa phương, nó mang tính chất nhạy cảm do gắn chặt với đời sống tâm linh của người Việt, nên trước những hạn chế còn tồn tại, tỉnh Đắc Nông có chủ trương phải kiên trì, bền bỉ và lâu dài.
Để phát huy truyền thống tốt đẹp của việc cưới, việc tang, lễ hội, Tỉnh ủy Đắk Nông đã đưa ra một số giải pháp cơ bản để tiếp tục đẩy mạnh Cuộc vận động “Xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, tang và lễ hội”. Trong đó nhấn mạnh đến giải pháp tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn, thuyết phục nhân dân; đồng thời nhấn mạnh vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên để quần chúng noi theo. Đồng thời kết hợp phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” với việc thực hành tiết kiệm, văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội.
Bên cạnh đó, tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các hoạt động văn hóa, lễ hội, phát huy vai trò làm chủ của nhân dân trong việc tổ chức xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, trong các hoạt động lễ hội, góp phần hạn chế và đẩy lùi những tiêu cực trong đời sống văn hóa hiện nay, từng bước xây dựng Đắc Nông trở thành tỉnh kiểu mẫu về văn hóa của Tây Nguyên, đồng thời góp phần cùng các tỉnh trong khu vực bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống văn hóa dân tộc của đồng bào nơi đây./.
Thành Huy