(TCTG) - Là một trong 2 di sản văn hóa thế giới ở Quảng Nam, khu đền tháp Mỹ Sơn (xã Duy Phú, Duy Xuyên) được biết đến như là điểm đến hấp dẫn của du khách trong nước và quốc tế những năm gần đây. Cùng với sự gia tăng không ngừng của du khách là áp lực ngày càng lớn lên di sản, xử lý mối quan hệ giữa phát triển du lịch và bảo tồn di tích vẫn là bài toán khó chưa có lời đáp.
Lo… đông khách
Thực tế những năm gần đây, lượng khách đến Mỹ Sơn luôn tăng vọt. Nếu như năm 1999, thời điểm khu di tích này trở thành di sản văn hóa, lượng khách đến tham quan chỉ là trên 27 ngàn lượt thì đến năm 2011 tổng lượng khách đã tăng lên hơn 7 lần đạt con số gần 210 ngàn lượt, doanh thu từ vé hơn 10 tỷ 700 triệu đồng. Bình quân mỗi ngày khu di tích đón từ 500 – 700 khách cá biệt những ngày cuối tuần hoặc lễ tết lượng khách tăng lên 1.200 – 1.500 khách. Đi cùng với đó là những dịch vụ như ăn uống, nghỉ ngơi, thuyết minh và trung chuyển khách vào tham quan di tích, đòi hỏi cũng phải tăng tương xứng nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách tham quan.
|
Du khách đến Mỹ Sơn chủ yếu vào buổi sáng. Ảnh: VL |
Nếu như ở Hội An, lượng khách trải đều trong ngày và trong một không gian rộng thì tại di tích Mỹ Sơn chủ yếu tập trung cao độ từ khoảng 9 – 11 giờ sáng, chen chúc trong một không gian hẹp đường kính chỉ vài trăm mét. Sự quá tải thể hiện rõ nét nhất trong việc phục vụ hướng dẫn thuyết minh và trung chuyển khách từ cầu Khe Thẻ vào di tích, dù luôn có những khuyến cáo từ các nhà bảo tồn khi cho các loại xe tải trọng lớn vào di tích, nhưng do số lượng khách qúa đông nên những khuyến cáo cũng không giảm được áp lực của khách. Khu Nhà đôi cách di tích không xa vô tình trở thành bãi đậu xe với số lượng hàng vài chục chiếc mỗi buổi sáng.
Ông Nguyễn Công Hường, Trưởng Ban Quản lý di tích và Du lịch Mỹ Sơn cho rằng, sự gia tăng du khách đến Mỹ Sơn hàng năm là tín hiệu đáng mừng vì sẽ góp phần tạo doanh thu cho địa phương nhưng đi cùng với đó là những quan ngại “thẳng thắn mà nói thì lượng khách đến Mỹ Sơn tăng bên cạnh niềm vui thì cũng nhiều lo ngại vì bản thân Mỹ Sơn đã là phế tích nhưng mỗi sáng phải đón một lượng khách lên đến cả ngàn người thì nhiều tác động vô tình hay hữu ý lên di tích là điều không tránh khỏi”, ông Hường bộc bạch. Cũng theo ông Hường, hiện Ban quản lý có 6 xe trung chuyển và khoảng 12 hướng dẫn viên tại chỗ, giờ cao điểm hầu như tất cả đều hoạt động hết công suất nhưng vẫn không đáp ứng kịp. Tuy nhiên, không thể tăng cường thêm xe và hướng dẫn viên được vì đại đa số khách chỉ đến tham quan vào buổi sáng còn buổi chiều thì vắng vẻ. “giờ cao điểm không chỉ 6 xe mà 20 xe cũng không thể phục vụ kịp nhưng buổi chiều xe, hướng dẫn lại thảnh thơi, ở đây thiếu mà thừa là vậy”.
Điều phối khách?
Dù việc gia tăng du khách trong một thời điểm cố định sẽ tạo những áp lực mạnh mẽ, nhưng bản thân Ban quản lý Di tích và Du lịch Mỹ Sơn vẫn khó có giải pháp hiệu quả để điều phối khách vì điều này phụ thuộc vào các công ty du lịch đưa khách đến tham quan. “tôi nghĩ rằng cần có sự vào cuộc của Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch và Hiệp hội Du lịch Quảng Nam trong việc kêu gọi, khuyến khích các doanh nghiệp lữ hành điều chỉnh lại thời gian đưa khách đến Mỹ Sơn để tránh tình trạng dồn ứ vào thời điểm cố định là buổi sáng như hiện nay” ông Hường mong muốn.
|
Xe điện trung chuyển khách ở Mỹ Sơn. Ảnh: VL |
Cũng theo ông Hường, trong khi chờ sự phối hợp chia sẻ từ các cấp quản lý và doanh nghiệp thì thời gian đến Ban quản lý Di tích cũng sẽ có những giải pháp cụ thể nhằm giảm tải áp lực khách lên di sản như sẽ chuyển những đoàn khách đi theo dạng công văn, miễn vé vào buổi chiều. Đặc biết, trong quý hai năm nay sẽ cải tạo nâng cấp con đường từ cầu Khe Thẻ vào Mỹ Sơn tạo thuận tiện hơn cho việc lưu thông vận chuyển khách ra vào di tích. Đồng thời với đó, cũng sẽ nâng dần số lượng xe điện trung chuyển khách nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường sinh thái xung quanh và tiếng ồn khu vực di tích. Ngoài ra, có thể áp dụng các biện pháp khác như chiết giảm vé cho các đoàn đến tham quan buổi chiều; quy định thời gian cụ thể cho mỗi xe vào di tích; tập trung hoàn thiện hệ thống thuyết minh, xây dựng lộ trình tham quan phù hợp để giãn du khách theo những tuyến điểm, thời gian cụ thể; tăng cường biểu diễn văn nghệ hát múa Chăm sang cả buổi chiều … tất cả đều hướng đến mục đích điều tiết một cách tốt nhất lượng khách đến tham quan di sản.
Phát triển du lịch và bảo tồn di sản luôn là bài toán khó không riêng của Mỹ Sơn mà ở tất cả các địa phương có di tích. Khách tham quan tăng, bên cạnh niềm vui doanh thu thì cũng không ít hệ lụy đi kèm nếu như sự phát triển của dịch vụ, hạ tầng, công tác quản lý bảo tồn di tích không theo kịp. Đã đến lúc cần có những giải pháp hợp lý để không chỉ giữ vững thương hiệu Mỹ Sơn mà những đền tháp hàng ngàn năm tuổi nơi đây vẫn bình yên dưới những bước chân du khách.
Vĩnh Lộc (Quảng Nam)