Ðể khắc phục, đã có không ít bài viết, buổi tọa đàm, trao đổi, cuộc khảo sát để tìm ra nguyên nhân và đề xuất giải pháp, tìm ra phương cách có hiệu quả để mang sách đến với công chúng. Một trong các hoạt động nhằm khơi dậy sự quan tâm và khích lệ niềm yêu mến sách chính là tổ chức các triển lãm, hội chợ giới thiệu sách ở các thành phố lớn trong cả nước.
Hội chợ sách TP Hồ Chí Minh diễn ra vào trung tuần tháng 3 vừa qua đã quy tụ hơn 200 nhà xuất bản và đơn vị phát hành, khoảng 200 nghìn đầu sách được trưng bày và 850 nghìn lượt người tới hội chợ... Ưu điểm của hội chợ lần này là cách thức tổ chức gian hàng khá hợp lý, như: quầy sách của các nhà xuất bản lớn đặt ở vị trí trung tâm dễ nhận thấy, sách nước ngoài bố trí riêng, gần cổng hay lối đi là khu văn phòng phẩm, thiết bị học đường và truyện tranh. Hội chợ có trung tâm thông tin hướng dẫn, hệ thống đèn chiếu sáng trang trí đẹp mắt, thuận lợi cho việc đọc sách khi trời tối, khu vực riêng dành cho các hoạt động bên lề hội chợ như triển lãm ảnh, giới thiệu sách, giao lưu giữa tác giả và độc giả, tọa đàm về văn hóa đọc, đã làm tăng thêm tính đa dạng của những ngày diễn ra hội chợ, tránh sự nhàm chán đối với người tham gia. Ðiểm nhấn đáng chú ý của hội chợ là sự xuất hiện của các gian hàng giới thiệu sách điện tử - một xu thế mới trên thị trường sách
hiện nay. Các yếu tố nêu trên cho thấy một thực tế: Nếu sách vẫn nhận được sự quan tâm của độc giả, thì cách thức tổ chức tạo nên sự hấp dẫn trong khi đem sách đến bạn đọc cũng là vấn đề cần chú ý. Tuy nhiên, hội chợ cũng còn có một số vấn đề cần khắc phục, như: Dù nhiều hoạt động ngoài lề được tổ chức đồng thời với việc giới thiệu sách, nhưng các hoạt động này chưa thật sự lôi cuốn; người đến hội chợ sách chủ yếu vẫn là tìm mua sách giảm giá, vài ngày cuối cùng khách đến đông hơn hẳn vì có nhiều loại sách được giảm giá tới 30 đến 50%; số lượng đầu sách lớn với hơn 20 triệu bản in nhưng mức độ thu hút độc giả còn chênh lệch nhau, có cuốn sách bán hết 10 nghìn bản chỉ trong một thời gian ngắn, nhưng lại có những cuốn sách nhận được rất ít sự quan tâm. Ðiều này phản ánh tình trạng chung của hoạt động xuất bản sách ở Việt Nam hiện nay, khi chất lượng sách, cả về nội dung và hình thức, chưa đáp ứng được nhu cầu rộng rãi của người đọc.
Xây dựng, duy trì, củng cố thói quen đọc sách là xây dựng một quá trình văn hóa, một việc làm rất thiết thực trực tiếp góp phần mở mang, phát triển tri thức từ mỗi người cho đến toàn xã hội. Ðể hiện thực hóa điều này, bên cạnh các yêu cầu đối với người viết và cơ quan xuất bản, thì vai trò của hệ thống phát hành là rất quan trọng. Vì thế, cần tạo lập một hệ thống phát hành theo cả chiều rộng và chiều sâu ở mọi vùng miền, mọi địa phương, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Từ ý nghĩa xã hội rộng rãi của hội chợ sách, phải chăng cần đặt vấn đề mở rộng loại hình sinh hoạt văn hóa này ra ngoài phạm vi các thành phố lớn, với sự hỗ trợ của Nhà nước?
Nguyễn Hòa/ Nhân Dân