Thứ Bảy, 28/9/2024
Giáo dục
Thứ Hai, 2/6/2014 22:43'(GMT+7)

Đề thi Sử hay, sát với tình hình thực tiễn về chủ quyền biển đảo

* Học sinh thích thú vì đề thi Sử gắn với chủ quyền biển, đảo

Tại Hội đồng thi trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An), nhiều thí sinh rất phấn khởi khi bước ra từ phòng thi vì đề thi tốt nghiệp năm nay. Đặc biệt đề thi môn Lịch sử có câu hỏi số 3 phần b là phần liên hệ với việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam hiện nay, được các thí sinh đánh giá là khá hay và sát với tình hình thực tiễn về chủ quyền biển đảo của nước ta. Các thí sinh tỏ ra khá thích thú khi làm bài. Trong bài làm, nhiều thí sinh đã lồng ghép tình yêu quê hương đất nước, ý thức bảo vệ chủ quyền độc lập dân tộc.

Em Trần Thị Trinh, học sinh lớp 12C1 trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) cho biết: Em thấy đề thi năm nay rất hợp lý, không quá dài. Mặt khác, với quy định mới năm nay chỉ thi 4 môn, trong đó có hai môn tự chọn thay vì thi 6 môn như các năm trước nên em và các bạn khác đều có tâm lý khá thoải mái khi bước vào kỳ thi. "Vì chỉ thi 4 môn nên thời gian để ôn thi các môn cũng nhiều hơn, học sinh sẽ nắm chắc kiến thức cơ bản hơn. Đồng thời, năm nay lại có 2 môn thi tự chọn để đăng ký dự thi nên chúng em luôn chọn các môn mình có học lực cao nhất, em học chuyên về khối C nên em chọn môn Lịch Sử và Địa lý để đăng ký dự thi", em Trần Thị Trinh chia sẻ.

Theo thí sinh Hoàng Dương An Ngân, học sinh lớp 12/24 trường THPT Phan Chu Trinh (Thành phố Đà Nẵng), đề thi năm nay khá hay, không bắt học sinh phải nhớ chi tiết về ngày tháng lịch sử cụ thể nên cũng "dễ thở". Em rất thích câu liên quan đến nguyên tắc của Liên hợp quốc và liên hệ với việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam. Nó vừa đòi hỏi tư duy nhưng vừa đánh giá được sự quan tâm của chúng em đến vấn đề biển đảo của Tổ quốc.

* Giáo viên đánh giá cao cách ra đề môn Sử

Đa phần các giáo viên đánh giá khá cao đề thi môn Sử năm nay, không bắt học sinh phải nhớ chi tiết ngày tháng lịch sử mà yêu cầu thí sinh phải có sự đánh giá riêng của bản thân. Thầy giáo Ngô Tùng Sơn, Tổ trưởng Tổ Lịch sử của trường THPT Nguyễn Hiền (Thành phố Đà Nẵng) đánh giá: Nội dung đề thi năm nay bám sát với chương trình học của các em. Thời gian thi phù hợp với dung lượng đề ra. Năm nay, đề thi có một câu rất hay đó là: "Tại sao Liên hợp quốc xác định một trong những nguyên tắc hoạt động là giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình?" và từ đó để các em liên hệ với việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam hiện nay, đây là câu hỏi mở đánh giá sự quan tâm của các em với những vấn đề mang tính thời sự và gắn với trách nhiệm của thế hệ trẻ.

Cô Hứa Thị Hoa Mai, giáo viên dạy sử trường THPT Lê Viết Thuật, TP Vinh (Nghệ An) - một giáo viên dạy Lịch sử lâu năm cho biết: Đề thi năm nay cũng có phần liên hệ có tính đổi mới trong cách ra đề và mang tính giáo dục về lòng yêu nước, tinh thần độc lập chủ quyền rất cao. Học sinh nếu nắm chắc kiến thức trong sách giáo khoa hoàn toàn có khả năng đạt điểm 7 - 8. Tuy nhiên đề ra cũng có tính phân loại thí sinh khá cao ở câu 1: “Nêu nội dung cơ bản của Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng do Nguyễn Ái quốc soạn thảo…” còn có vế câu hỏi nêu tư tưởng cốt lõi của Cương lĩnh là gì? Với câu hỏi này đòi hỏi các thí sinh vừa nắm chắc các kiến thức, các sự kiện lịch sử đồng thời phải nêu bật được tư tưởng cốt lõi trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo đó là tư tưởng độc lập, tự do.

Thầy Đặng Văn Lành, giáo viên bộ môn Lịch sử trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Trường Xuân, huyện Thới Lai, thành phố Cần Thơ cho biết: Đề thi môn Lịch sử năm nay bám sát chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cấu trúc đề thi hợp lý, thời gian làm bài phù hợp, đề thi mang tính giao dục cao khi đặt ra vấn đề chủ quyền biển, đảo. Đây là phần nâng cao đòi hỏi sự suy nghĩ và sự am hiểu tình hình thời sự của học sinh.

Cô Nguyễn Thanh Hoàng, giáo viên bộ môn Lịch sử trường Trung học phổ thông Châu Văn Liêm, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ nhận xét: Đề thi nằm trong nội dung chương trình được giới hạn ôn thi. Câu hỏi hay nhưng tương đối khó. Đặc biệt là đối với câu 1 về tư tưởng cốt lõi của cương lĩnh chính trị của Đảng, là dạng câu hỏi nâng cao khó lấy điểm. Nhưng giáo viên đã hướng dẫn học sinh ôn tập kỹ. Do vậy, hầu hết các giáo viên cho rằng với đề thi này học sinh trung bình có thể đạt điểm cao./.
 
Theo TTXVN


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất