Thứ Ba, 24/9/2024
Giáo dục
Thứ Năm, 23/3/2017 9:5'(GMT+7)

Đề thi thử của Hà Nội gặp sự cố do chưa chuẩn hóa?

(Ảnh minh họa: Dương Mai)

(Ảnh minh họa: Dương Mai)

Từ ngày 20 đến 22-3, tất cả các học sinh lớp 12 ở Hà Nội (hệ THPT và giáo dục thường xuyên) đã bước vào kỳ khảo sát kiến thức. Theo Sở GD-ĐT Hà Nội, kỳ khảo sát được tổ chức với hình thức, đề thi, công tác coi thi, chấm thi… bám sát Quy chế Kỳ thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp năm 2017 của Bộ GD-ĐT ban hành. Vì vậy, đây còn được gọi là kỳ “thi thử” trước khi các em thi chính thức vào tháng 6 tới.

 

Kỳ “thi thử” được tổ chức trên quy mô toàn thành phố, với hơn 62 nghìn thí sinh dự thi ở 141 điểm thi.

Ông Phạm Hữu Hoan, Trưởng phòng Giáo dục phổ thông, Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết: Việc khảo sát với mục đích cho học sinh làm quen với đề thi, cách thức tổ chức kỳ thi quốc gia để khi đi thi cho khỏi bỡ ngỡ. Đồng thời, dựa vào kết quả khảo sát để đánh giá chất lượng của học sinh như thế nào, từ đó hướng dẫn các trường ôn tập cho phù hợp.

Mặc dù kết quả khảo sát sẽ không được sử dụng để ghi nhận vào bất cứ kết quả học tập nào của thí sinh, nhưng với những ý nghĩa như trên, kỳ thi được học sinh, phụ huynh đánh giá ở mức độ quan trọng và tập trung tham gia khảo sát.

Trong khi kỳ thi đang diễn ra, đã xảy ra sự cố về đề thi đối với nội dung của môn Hóa học và Toán trong bài thi Khoa học Tự nhiên. Môn Hóa học, có mã đề không có nội dung ở đáp án. Môn Toán học cũng có câu không có đáp án. Mặc dù Sở GD-ĐT Hà Nội đang băn khoăn việc sai sót “không rõ do lỗi đánh máy hay chuyên môn nhầm lẫn” và đưa ra nhận định đây là “lỗi kỹ thuật” nhưng ông Phạm Hữu Hoan cũng thừa nhận: “Lỗi rất nhỏ nhưng ảnh hưởng đến kết quả”.

Để khắc phục, hướng xử lý theo dự kiến là tất cả các học sinh đều được điểm ở các câu đề thi xảy ra sai sót. Tuy vậy, nếu “thi thật” mà gặp sự cố tương tự, việc giải quyết như vậy sẽ là không thỏa đáng, công bằng cho các thí sinh tham gia.

Nhiều thí sinh, phụ huynh đã rất băn khoăn: Đề thi thử của Hà Nội được xây dựng như thế nào? Có chuẩn hóa hay không?, và lo ngại về xác xuất sai sót có thể xảy ra với đề thi chính thức của Kỳ thi THPT quốc gia 2017.

Một chuyên gia khảo thí nhận định: Mục đích và ý nghĩa của kỳ khảo sát, thi thử là tốt, như để học sinh, các nhà trường biết được phần kiến thức nào học sinh còn hổng, khiếm khuyết để kịp thời hỗ trợ các em ôn luyện, bồi dưỡng thêm.

Tuy nhiên, khi tổ chức, đặc biệt trong khâu ra đề cần phải có những người am hiểu quy trình, cách thức làm đề trắc nghiệm khách quan, bảo đảm chuẩn hóa. “Ý nghĩa của các kỳ thi thử thì tốt nhưng phải có quy trình chuẩn” – chuyên gia nhấn mạnh.

"Có thể, đề của Hà Nội được ra dựa vào đề thi minh họa đã được Bộ GD-ĐT công bố cho thí sinh tham khảo trước đó" - chuyên gia này cho biết.

Thông thường hiện nay, tại các nhà trường, các địa phương ra đề chủ yếu theo phương pháp chuyên gia, thiếu phần thử nghiệm, phân tích nên hay gặp phải vấn đề sai sót tương tự.

Để hạn chế sai sót, theo chuyên gia, khi ra đề thi, các trường cần bám sát ma trận đề thi của Bộ GD-ĐT mà các giáo viên đã được hướng dẫn, đặc biệt bám sát chuẩn kiến thức để tránh việc ra đề quá khó thì gây tâm lý hoang mang cho thí sinh, đề quá dễ thì học sinh lại chủ quan.

Thông tin từ Cục Khảo thí và Kiểm định Chất lượng Giáo dục, Bộ GD-ĐT, cho biết đến nay các câu hỏi đã được hoàn tất thử nghiệm. Sau khi chỉnh sửa, Bộ sẽ tiến hành bước tiếp theo là thử nghiệm các đề thi. Các câu hỏi sau khi được thử nghiệm và chỉnh sửa này sẽ được lựa chọn để đưa vào ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa. Đề thi chính thức của Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017 sẽ được lấy từ ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa thông qua phần mềm máy tính và được các chuyên gia trong Hội đồng đề thi Kỳ thi THPT quốc gia 2017 thẩm định, rà soát kỹ trước khi chuyển cho các hội đồng thi để in sao.
Lê Hà/Nhân Dân

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất