Thứ Năm, 28/11/2024
Giáo dục
Thứ Sáu, 17/3/2017 10:20'(GMT+7)

Vĩnh Long: Đẩy mạnh công tác phân luồng học sinh sau trung học cơ sở

Ông Phạm Văn Hồng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Long cho biết, công tác phân luồng học sinh sau trung học cơ sở trên địa bàn tỉnh gặp một số khó khăn dẫn đến việc khó hoàn thành mục tiêu đề án. Theo đó, nhiều phụ huynh và học sinh còn tâm lý coi trọng bằng cấp, một số học sinh do hoàn cảnh khó khăn nên tham gia lao động sớm. Mạng lưới các trường đào tạo nghề, đào tạo trung cấp chuyên nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu về quy mô và hiệu quả. Công tác đào tạo nghề chưa gắn với việc làm nên tỷ lệ có việc làm sau khi ra trường chưa cao. Ngoài ra, một số trường chưa đa dạng được ngành nghề đào tạo phù hợp với địa phương và nhu cầu người lao động; thiếu những chính sách khuyến khích thu hút học sinh vào giáo dục nghề nghiệp…

Để thực hiện đạt mục tiêu phân luồng học sinh theo đề án, trong thời gian tới, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Long tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền về tầm quan trọng và ý nghĩa của công tác phân luồng học sinh sau trung học cơ sở đến phụ huynh và học sinh. Ngoài việc tuân thủ theo chương trình Giáo dục hướng nghiệp của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường trung học cơ sở đẩy mạnh liên kết với các trung tâm dạy nghề và trường trung cấp nghề, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động hướng nghiệp cho học sinh thông qua các buổi hội thảo, tư vấn hướng nghiệp, giúp học sinh hiểu rõ năng lực và điều kiện gia đình để lựa chọn hướng đi phù hợp. Các trường nghề nâng cao năng lực đào tạo, đa dạng hóa và bổ sung thêm ngành nghề phù hợp với đặc thù của từng trường; gắn kết với doanh nghiệp trong việc xây dựng chương trình, gửi học sinh thực hành, thực tập và giới thiệu việc làm sau khi tốt nghiệp.

Bên cạnh đó, ngành Giáo dục phối hợp với các ngành chức năng tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối với người học trung cấp để thu hút học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở hướng vào con đường giáo dục nghề nghiệp. Ngành tăng cường các chính sách đối với giáo viên, cán bộ quản lý, tạo điều kiện để giáo viên và cán bộ quản lý nâng cao trình độ, tăng cường hiệu quả hoạt động dạy nghề và giới thiệu việc làm cho học viên.

Theo thống kê, qua 5 năm thực hiện (2013 - 2017), nhiều mục tiêu của đề án đạt tỷ lệ rất thấp, chưa đạt so với yêu cầu đã đề ra. Cụ thể, hiện nay số học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vào giáo dục nghề nghiệp chỉ đạt 3,8% trong khi mục tiêu của đề án là phải đạt 13% vào năm 2015. Số học sinh vào giáo dục thường xuyên chỉ đạt 7,65% trong khi mục tiêu của đề án là phải đạt 12% vào năm 2015. Bên cạnh đó, tỷ lệ các em học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vào thẳng thị trường lao động hoặc đi theo hướng khác mà chưa qua đào tạo lại chiếm tỷ lệ khá lớn 6,49%, trong khi mục tiêu của đề án là ổn định ở mức thấp khoảng 5% vào năm 2015. Số học sinh vào trung học phổ thông cũng cao hơn mục tiêu đề ra, chiếm 82,06% trong khi mục tiêu của đề án là 70% vào năm 2015./.

Lê Thúy Hằng/TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất