Thứ Ba, 26/11/2024
Thực tiễn kinh nghiệm
Thứ Bảy, 18/6/2011 18:24'(GMT+7)

Để viết cho hay, viết cho thật, viết cho hùng hồn

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ 2 (28/2/1957). Ảnh tư liệu BTHCM.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ 2 (28/2/1957). Ảnh tư liệu BTHCM.

1. Từ kinh nghiệm hoạt động thực tiễn, Hồ Chí Minh đã nêu lên bài học đầu tiên đối với những người làm báo, đó là họ phải luôn tâm niệm và trả lời được 3 câu hỏi: “viết cho ai”, “viết để làm gì”, “viết như thế nào”? Từ đó, Người yêu cầu những người làm báo cách mạng phải hiểu rõ đối tượng, phải tìm hiểu quần chúng, đánh giá đúng trình độ và giải đáp đúng yêu cầu của họ. Muốn vậy, người làm báo phải quan hệ mật thiết với quần chúng, và khi xác định viết cho quần chúng xem, thì phải tránh viết dài mà sáo rỗng, lời nhiều, ý ít, lượng thông tin thấp. Mỗi bài báo phải hướng đến mục đích “để giáo dục, giải thích, cổ động, phê bình. Để phục vụ quần chúng” (1).

Theo quan điểm của Người, nhà báo phải lấy nhiệm vụ chung của toàn Đảng, toàn dân để chỉ đạo suy nghĩ, điều khiển ngòi bút. Yêu cầu đầu tiên về đạo đức của người làm báo cách mạng không gì khác hơn là sự tuyệt đối trung thành với lý tưởng cách mạng của Đảng, chiến đấu cho sự thắng lợi của chân lý cách mạng, vì Tổ quốc và nhân dân phục vụ. Sâu sát thực tế, sâu sát quần chúng, nói lên sự thật đó là phong cách làm báo của nhà báo Hồ Chí Minh, vì vậy, Người dạy rằng viết báo không chỉ viết những cái tốt, mà còn phải viết những cái xấu để phê phán một cách đúng đắn, chân thành.

Nhà báo vĩ đại Hồ Chí Minh luôn "dị ứng bẩm sinh với bệnh giáo điều rập khuôn, bệnh công thức sáo mòn", nên đã từng phê phán phong cách làm báo của một số nhà báo thiếu đi sâu vào đời sống thực tiễn, chuyên viết ba hoa, viết “dây cà ra dây muống” hoặc “tầm chương trích cú” khiến cho người đọc như lạc vào “mê cung”, “rừng rậm”,... Từng đem kinh nghiệm làm báo của mình để tâm sự với các nhà báo, Người nhấn mạnh rằng trường học làm báo của mình là trường đời, cho nên Người khuyên các nhà báo là “học trong xã hội, học nơi công tác thực tế, học ở quần chúng” (2). Muốn có một bài báo tốt, nhà báo phải lăn vào thực tế, vào quần chúng, phải tìm, tức là:

1. Nghe: lắng nghe các cán bộ, nghe các chiến sĩ, nghe đồng bào để lấy tài liệu mà viết.

2. Hỏi: hỏi những người đi xa về, hỏi nhân dân, hỏi bộ đội những tình hình, những việc ở các nơi.

3. Thấy: Mình phải đến, xem xét mà thấy.

4. Xem: Xem báo chí, xem sách vở, xem báo chí trong nước và nước ngoài.

5. Ghi: Những gì đã nghe, đã thấy, đã hỏi được, đã học được thì ghi chép để dùng mà viết. Có khi xem mấy bài báo mà chỉ được một tài liệu mà thôi. Tìm tài liệu cũng như các công tác khác, phải chịu khó” (3).

2. Khi nói đến hoạt động báo chí, Hồ Chí Minh quan tâm đặc biệt đến tư cách người làm báo. Người coi nhà báo là chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, và coi bài báo là “tờ hịch” của cách mạng. Nhiệm vụ của tờ báo là tuyên truyền, cổ động, huấn luyện, giáo dục và tổ chức dân chúng, để đưa dân chúng đến mục đích chung. Nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng, nên để thực hiện nhiệm vụ trọng đại ấy, nhà báo phải có đủ phẩm chất của người cán bộ cách mạng, tức là người đi tuyên truyền, giáo dục, giác ngộ người khác, và trước hết phải làm gương cho người khác. Người từng nói “một tấm gương sống còn có giá trị hơn hàng trăm bài diễn văn tuyên truyền”, nên cũng đòi hỏi người làm báo khi nói đến “cần, kiệm, liêm, chính”, thì trước hết mình phải “cần, kiệm, liêm, chính”. Khi cầm bút, nhà báo phải phản ánh trung thực, khách quan sự vật, hiện tượng, sự kiện. Cái khó của người làm báo là ở chỗ đó, vì “viết phải thiết thực, nói có sách, mách có chứng... chống tham ô, lãng phí, thì nêu rõ ai tham ô? Ai lãng phí? Lãng phí cách nào? Ngày tháng nào?... Chớ có viết lung tung” (4).

Đặc biệt, Người nói: Phê bình và tự phê bình là vũ khí rất cần thiết và rất sắc bén, nó giúp chúng ta sửa chữa sai lầm và phát triển ưu điểm. Vì theo nội dung đó mà Đảng ta và dân ta ngày càng tiến bộ, và đối với báo chí cũng vậy. Phê bình phải nghiêm chỉnh, chắc chắn, phải phê bình với tinh thần thành khẩn, xây dựng, “trị bệnh cứu người”, tránh phê bình lung tung, không có trách nhiệm. Đối với những người (bất kỳ ở địa vị nào) và những cơ quan được báo chí góp ý, phê bình, đều phải có thái độ thật thà, khiêm tốn. Nếu thấy báo chí phê bình đúng thì phải đăng báo, nhận khuyết điểm và quyết tâm sửa chữa, nếu bị phê bình sai thì cũng nên đăng báo giải thích, quyết không được “phớt” lời phê bình và “trù” người phê bình”. Còn đối với các cơ quan báo chí, thì theo lời Người “các báo, đài cũng cần khuyến khích quần chúng gúp ý kiến và phê bình báo, đài để tiến bộ”.

Coi trọng việc phê bình và tự phê bình, coi đây là quy luật phát triển của báo chí cách mạng, theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nếu luôn làm được như vậy, báo chí sẽ góp phần đắc lực vào việc ngăn ngừa, khắc phục những sai lầm và khuyết điểm của Đảng, của đội ngũ cán bộ, đảng viên, và của quần chúng nhân dân.

3. Báo chí ra đời và phát triển là nhu cầu khách quan của xã hội về thông tin và giao tiếp, tuy nhiên, yếu tố giữ vai trò quyết định sự tồn tại và phát triển của báo chí, chính là các nhà báo. Đồng hành cùng tiến trình cách mạng, công cuộc đổi mới, hội nhập của đất nước ngày càng đòi hỏi phải nêu cao vai trò của báo chí và tầm quan trọng của đạo đức nghề nghiệp báo chí. Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, phần lớn cán bộ, đảng viên, trong đó có các nhà báo đã lấy việc trau dồi đạo đức cách mạng, thực hiện đấu tranh phê bình và tự phê bình để rèn luyện và phấn đấu. Tuy nhiên, tác động nhiều mặt của nền kinh tế thị trường, của quá trình hội nhập đã đặt ra cho báo chí nước nhà và các nhà báo những vận hội lớn và cả những thách thức mới.

Thực tế cho thấy, không chỉ phải phản ánh một cách trung thực, chân thành “đời sống thực tiễn”, các nhà báo còn “vượt qua thử thách, vượt lên chính mình”, để không bị “bẻ cong” ngòi bút trước những tác động của nền kinh tế thị trường. Bởi rằng, bên cạnh những điều tốt, những tấm gương tốt, những cái xấu, cái sai trong xã hội, trong Đảng, trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, và trong quần chúng nhân dân đã không chỉ dừng lại những hiện tượng đơn lẻ. Vì vậy, dù đã có biết bao tấm gương những nhà báo tâm huyết, yêu nghề, từng lăn lộn nơi chiến trường, đến sát thực địa các vùng lũ, lụt, bão xoáy, v.v.. để đem đến cho độc giả những phóng sự, những tin tức, những thước phim tài liệu "nóng hỏi tính thời sự”, thì đâu đó trong nghề, cũng đã có một số nhà báo bị sa ngã, từng bước sa vào vòng lao lý.

Nguyễn Khải trong bài viết "Bớt ngượng khi đối mặt với độc giả" đã nhấn mạnh: “Người làm báo cũng có một quyền lực nhất định, vì đã được giao trọng trách làm cái gạch nối giữa Dân với Đảng, giữa Đảng với Dân. Chỉ đứng về một phía, chỉ biết có một phía, lập tức mọi xét đoán, kết luận sẽ phiến diện, bài viết sẽ thiếu hẳn sức thuyết phục, hướng dẫn. Cũng vì vậy mà xã hội có quyền đòi hỏi báo chí và người làm báo phải tuyệt đối trong sạch, phải khách quan, phải nhân hậu và phải hết sức cương trực” (5). Trên tinh thần đó, có thể thấy rõ hơn vai trò và trách nhiệm của các nhà báo trong sự nghiệp đổi mới, trong việc tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, trong việc góp phần chống âm mưu “diễn biến hòa bình” của kẻ thù, trong việc nêu gương người tốt, việc tốt, phê bình kẻ xấu, v.v..

Và cũng trên tinh thần đó, kế thừa di sản tư tưởng, tâm trong sáng, đức tận tụy hy sinh của nhà báo Hồ Chí Minh, người làm báo - người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, tư tưởng của Đảng không chỉ phải thường xuyên học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, học tập những quan điểm, tư tưởng đạo đức của Người, mà còn phải không ngừng tu dưỡng đạo đức cách mạng, đạo đức người làm báo, để làm được như điều Người căn dặn các nhà văn, nhà báo tại Đại hội Chiến sĩ thi đua toàn quốc lần II là viết cho hay, viết cho chân thật, viết cho hùng hồn. Hay theo quan điểm của Người là phải tác động vào cả lý trí và tình cảm của người đọc; chân thật phải là phải tới được bản chất  của sự thật và hùng hồn thể hiện thái độ, sự dấn thân của người làm báo trong quá trình tác nghiệp. Tổng hợp cả ba điều đó, nghĩa là mỗi nhà báo phải “mắt sáng, lòng trong, bút sắc”./.

Bảo Lam

__________________________


(1) - Hồ Chí Minh nói ngày 17/8/1952

(2) - Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. CTQG, H, 1996, t.5, tr. 663

(3) - Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.7, tr. 118

(4) - Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.7, tr. 120

(5) - Báo Văn nghệ, ngày 4/7/1987

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất