Chủ Nhật, 29/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Hai, 6/7/2009 21:19'(GMT+7)

Để vừa “thuận”, vừa “lợi”

Bìa một số bộ toàn tập do NXB Văn học ấn hành được dư luận hoan nghênh.

Bìa một số bộ toàn tập do NXB Văn học ấn hành được dư luận hoan nghênh.


Ngoài những toàn tập tác giả cổ điển đã làm từ trước, nay được sửa chữa, bổ sung hoàn chỉnh hơn như toàn tập của Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Ngô Thời Nhậm, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Khuyến,… đã có nhiều tác giả hiện đại được tiến hành làm toàn tập như Tản Đà, Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Hoài Thanh, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Bính, Nguyễn Công  Hoan, Nguyễn Tuân, Nguyên Hồng, Nam Cao, Phạm Tiến Duật, Ma Văn Kháng… Việc này cho thấy kích thước bề thế của một nền văn học.

Với các toàn tập văn chương hiện đại, chúng ta đã thật sự khẳng định được những đóng góp của người viết thời nay vào tiến trình văn mạch dân tộc. Chúng ta đã lưu giữ được, ngay từ rất sớm, toàn bộ tác phẩm của những tài năng đương đại giúp cho việc nghiên cứu sau này, tránh cho hậu thế nỗi xót xa của người xưa phải nhặt từng trang rách, chữ nát để dựng chân dung văn học cho nước nhà.

Ý nghĩa thật trọng đại. Tuy nhiên, xung quanh việc làm toàn tập, cũng có nhiều việc phải bàn.

Trước hết là "danh mục tác giả" được biên soạn toàn tập. Việc này có liên quan đến tiêu chí chọn lựa của người / nhóm / nhà xuất bản chủ trương. Tiêu chí có thể hẹp hay rộng. Thậm chí có thể khác biệt nhau về quan điểm đánh giá, từ nội dung đến nghệ thuật. Những khác biệt ấy  trong không khí văn chương hiện nay là việc bình thường, nó tạo nên sự sầm uất cho văn đàn, sự phong phú cho thị hiếu và chắc chắn, nó cổ vũ những khuynh hướng tìm tòi.

Sự tranh luận về giá trị các công trình toàn tập đó có thể xảy ra, kéo theo các hệ thống thẩm mỹ được trình bày, phổ biến, càng giúp bạn đọc thu nhận sâu sắc hơn phẩm chất văn chương đương đại. Điều cần tránh, có chăng, chỉ là sự công kích hay áp đặt.  Tiêu chí chọn lựa hình thành từ cá nhân hay nhóm các nhà nghiên cứu thường nhất quán và có tính hệ thống.

Trong những năm qua, Trung tâm Quốc học do Mai Quốc Liên chủ trương đã có một số toàn tập các tác giả cổ điển (mới chỉ dừng lại ở các tác giả cổ điển) bề thế, tin cậy, khắc phục được nhiều thiếu sót của các toàn tập trước.

Toàn tập do Nhà xuất bản Văn học chủ trương thường được tiến hành theo đơn đặt hàng của nhà nước, số bản in không nhiều nhưng danh mục các tác gia tiêu biểu từ thời có văn chương quốc ngữ đến nay thì khá phong phú. Các nhà xuất bản khác cũng ra toàn tập, không hệ thống và không đều kỳ, tuy mỗi toàn tập tác giả cũng sưu tập khá đầy đủ tác phẩm của người viết, đảm bảo chức năng sưu tập cho mai sau.

Điều thứ hai cần nói là "phạm vi sưu tập". Hầu hết soạn giả sưu tầm chọn lựa, quan niệm: Đã là toàn tập đương nhiên phải chứa đựng toàn bộ những tác phẩm đã in hoặc chưa in của tác giả.

Nhưng khi bắt tay vào việc, gặp phải những bài viết non lép, tác giả viết chạy bút nhằm đáp ứng một yêu cầu báo chí hay thời sự văn chương nào đó, mà khi sinh thời chính tác giả cũng không coi đó là văn phẩm đáng nói tới của mình thì những soạn giả thường tự loại bỏ.

Nhà phê bình Từ Sơn khi làm toàn tập Hoài Thanh đã có lời thưa "Cùng bạn đọc": "Trong công việc sưu tầm biên soạn, tôi luôn luôn giữ vững một nguyên tắc căn bản: tôn trọng những trang viết của Hoài Thanh đã in thành sách, đăng trên báo hoặc còn ở dạng di cảo để lại trong các quyển vở, sổ tay và thư từ mà  gia đình còn giữ được. Điều này có nghĩa là những trang in trong tuyển tập này Hoài Thanh vốn viết như thế nào thì giữ nguyên như vậy".

Nhưng chỉ mấy dòng sau, ông đã phải viết: "Một số bài, một số đoạn viết của Hoài Thanh chúng tôi không đưa vào Toàn tập nếu xét thấy không phù hợp với hoàn cảnh lịch sử cụ thể hiện nay, dù trước đây các bài, đoạn viết ấy đã được in trên sách báo".

Nghĩa là: Toàn tập mà vẫn không là toàn tập. Những bài "không phù hợp với lịch sử cụ thể” vẫn bị bỏ ra. Mà những bài ấy thì không biết là ít hay nhiều, là quan trọng hay không quan trọng khi xét tầm vóc tâm hồn trí tuệ tác giả. Hơn nữa cái "hoàn cảnh lịch sử cụ thể" ấy nó rất linh hoạt và nhiêu khê.

Nước ta trong già nửa thế kỷ vừa qua lại lắm đổi thay, thành ra mỗi giai đoạn lại có thể sản sinh ra một thứ "toàn tập" khác biệt nhau của cùng một tác giả. Chân dung tâm hồn, tầm vóc trí tuệ và quan điểm xã hội của tác giả cũng không còn nhất quán và sẽ bị xuyên tạc theo từng toàn tập như thế.

Vậy cách làm của nhà văn Từ Sơn và nhiều ông bà khác cùng quan điểm đó đã là tối ưu chưa?

Theo quan điểm của tôi, nếu phải in tất cả những gì đã viết, kể cả những bài kém, những quan điểm lạc hậu mà chính tác giả khi còn sống đã từ bỏ, thì quả thật không có ích gì cho người thưởng thức mà còn làm giảm tầm vóc của tác giả.

Lúc đó "toàn tập" chỉ có giá trị như một kho tư liệu giúp người nghiên cứu lần ra quá trình hình thành sự nghiệp với tất cả những bước trồi trụt của tác giả. Còn nếu chủ trương: "Toàn tập" cũng cứ loại bớt những gì là non kém hoặc đã bị thời gian và công chúng vượt qua như nhiều người biên soạn hiện nay đã làm với nhiều toàn tập thì cũng cần nói rõ và chỉ nên coi là "toàn tập gần đủ" hay "tuyển tập mở rộng"./.

(Theo: Vũ Quần Phương/CAND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất