Thứ Năm, 28/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Chủ Nhật, 5/7/2009 21:56'(GMT+7)

Giữ gìn và bảo tồn văn hóa Quan họ

Dân ca quan họ trước nguy cơ thất truyền

Kinh Bắc vốn là chiếc nôi của văn hóa quan họ từ nhiều thế kỷ nay. Do hoàn cảnh chiến tranh và điều kiện vật chất khó khăn, quan họ đã bị thất truyền một số làn điệu. Chưa kể, lời ca giao duyên cổ truyền cũng cách tân theo lối hát mới. Sau khi nước nhà thống nhất, nền kinh tế bao cấp chuyển đổi sang cơ chế kinh tế thị trường, đời sống văn hóa từ đó được nâng lên, nhưng trước vòng xoáy của kinh tế thị trường, quan họ cũng như nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống khác, không tránh khỏi nguy cơ bị mai một. Những điều hay, lẽ đẹp của quan họ truyền thống đang bị lấn át bởi những xu hướng mang tính phổ cập, thị trường.

Khái niệm quan họ truyền thốngquan họ mới ra đời là quy luật phát triển tất yếu của quan họ. Chưa kể, việc xuất hiện nhiều thuật ngữ nôm na khác, như “quan họ đài”, “quan họ chèo”, “quan họ Tây”, “quan họ sân khấu”. Về hình thức, quan họ truyền thống không có nhạc đệm và chủ yếu hát đôi, đôi nam ca đối đáp với đôi nữ (hát hội, hát canh) và hát cả bọn, cả bọn nam ca đối đáp cùng cả bọn nữ (hát chúc, mừng, hát thờ). Quan họ mới hình thức biểu diễn phong phú hơn, bao gồm cả hát đơn, hát đôi, hát tốp, hát có múa phụ họa...Vào những năm 1980, phong trào quan họ sân khấu phát triển mạnh với những cái tên như Thúy Cải, Thúy Hường... Sự phát triển của quan họ sân khấu đã làm sống lại quan họ, nhưng lại theo hướng hiện đại. Cái gốc quan họ không còn thuần túy như trước. Thực tế không gian và những sinh hoạt theo lề lối cổ của quan họ không còn như trước. Chỉ có 70/213 làn điệu quan họ được sử dụng phổ biến, còn lại chỉ tồn tại ở dạng văn bản. Các gia đình không còn mặn mà với truyền thống bố mẹ truyền bí quyết hát canh đúng lề lối cũ cho con cái để làm vốn “thi đấu” với bạn bè vì lề lối của các bài quan họ cổ thường được hát ở nhịp độ chậm, bài bản, có nhiều tiếng đệm, lời phụ. Người hát những bài quan họ lề lối phải biết kỹ thuật hát vang, rền, nền, nảy, lấy hơi, nhả chữ. Quan họ cổ không cần nhạc đệm, không cần tăng âm, mi-crô nhưng vẫn đảm bảo vang, nghe được dù trong lễ hội đông người là việc khó thực hiện.

Đặc biệt, những năm gần đây, trong khi các dòng nhạc nhẹ, nhạc ngoại du nhập và phát triển, trở thành trào lưu, quan họ phải đối mặt với bao sóng gió. Đa số giới trẻ không hát được những ca khúc thuộc hệ thống hát giọng lề lối và giọng ả phiền. Kể cả ca sĩ chuyên nghiệp cũng hiếm người hát được những bài khó nhất của dân ca quan họ với âm điệu trúc trắc, rất độc đáo như Hừ la. Do đó, nhiều bài quan học cổ đã bị thất truyền. Quan họ mới có nhiệm vụ tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá quan họ trên diện rộng, giúp đông đảo nhân dân trong cả nước và quốc tế biết đến.

Nhiều năm việc truyền dạy đã bị ngắt đoạn. Đội ngũ nghệ nhân ít, tuổi già, sức yếu, lại không có người nối nghiệp nên nhiều giọng ca quý, làn điệu hay từ cách đây vài chục năm chỉ còn lữu giữ trong băng từ. Nuôi dưỡng một đội ngũ nghệ sỹ quan họ chuyên nghiệp phải mất hàng chục năm khổ luyện, trong khi đó trào lưu nhạc trẻ ra đời quá nhiều “sao” (có phần dễ dãi) với cát sê “ngất ngưỡng” đang tấn công mạnh mẽ vào thị trường âm nhạc. Hiện trạng đó đang tác động vào lực lượng nghệ sĩ đang lưu giữ quan họ với những đòi hỏi khắt khe có tính đặc thù.

Ngày nay, dân ca quan họ đã phát triển và hoàn chỉnh cả về phương diện âm nhạc, lời ca và hình thức trình diễn. Các làn điệu quan họ ngày càng phong phú hơn và đều có phong cách riêng kết hợp nhuần nhuyễn giữa truyền thống và hiện đại. Song cũng chính thế việc bảo tồn văn hóa bộc lộ nhiều bất cập. Lối hát quan họ mới được công chúng chấp nhận vì dễ học, dễ hát, không phải tập luyện nhiều, tiết tấu nhanh, phát âm tiếng đơn rất ít kỹ thuật rền nảy. Quan họ mới thường sử dụng dàn Organ nên không tránh khỏi sự gấp gáp, khô cứng làm mất đi chất mượt mà, thanh cao, bác học vốn có của dân ca quan họ cổ. Từ nhận thức chưa thấu đáo, không ít người làm nhiệm vụ lưu giữ quan họ xác định chưa đúng mục đích lễ hội, vừa muốn gìn giữ giá trị cổ truyền, vừa muốn có doanh thu, nên các đoàn “quan họ xung kích”, “quan họ ngả nón xin tiền” với kiểu hát khác hẳn lối hát canh, có trình tự của các nghệ nhân đã ít nhiều làm biến dạng văn hóa quan họ.

Tuy nhiên, theo dòng chảy của thời gian, sự biến dạng từ quan họ gốc đến quan họ hiện đại là điều khó tránh khỏi. Theo Tiến sĩ Lê Đức Toàn, điều quan trọng là phải nhận thức rạch ròi các khái niệm, xác định chính xác hình thức cần bảo tồn nguyên dạng, hình thức được phép cải tiến, phát huy. Việc giữ quan họ sống trong lòng dân là công việc hết sức khó khăn, đòi hỏi sự quyết tâm lớn của ngành văn hóa, chính quyền và trong nhận thức của chính người quan họ.

Nỗ lực để quan họ "sống" trong thời hiện đại

Việc bảo tồn các loại hình di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có quan họ được Nhà nước và các cơ quan hữu quan đặc biệt quan tâm bằng những việc làm thiết thực. Bên cạnh những loại hình nghệ thuật như ca trù, nhiều năm nay, Nhà nước đã cố gắng để có thể tôn vinh, phục dựng nghệ thuật quan họ cổ truyền với nhiều hình thức, tôn vinh, phong danh hiệu cho các nghệ nhân lão thành và gần đây là các cuộc điền dã để nghiên cứu xây dựng hồ sơ quan họ trình UNESCO...

Như vậy, việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản là chuyện không của riêng ai, mà là một chương trình hành động Quốc gia, cần đến sự chung tay của cả cộng đồng, trong đó ngoài việc quan tâm của nhà nước là nỗ lực cao, huy động cộng đồng trách nhiệm của người dân vùng Kinh Bắc – chủ nhân của vùng văn hóa quan họ.

Tuy nhiên, vấn đề bảo vệ văn hóa quan họ không chỉ phụ thuộc vào kinh phí, mà muốn bảo tồn đúng, phù hợp với cuộc sống đương đại cần tính đặc thù loại hình nghệ thuật độc đáo này. Sinh hoạt văn hoá quan họ xưa nay vẫn tồn tại dưới dạng tổng thể hoàn chỉnh bao gồm: Dân ca, lễ hội, tín ngưỡng, tục kết bạn và ứng xử. Các mặt hoà hợp, thống nhất và chi phối lẫn nhau, trong đó dân ca quan họ là mặt hoạt động trọng tâm, là phương tiện để người quan họ thực hiện các nhu cầu văn hoá tinh thần. Ứng xử, giao tiếp văn hoá quan họ được xem như là chất xúc tác, biểu hiện tình người, niềm đam mê, hào hứng và cuốn hút trong sinh hoạt văn hoá quan họ.

Chính vì vậy, muốn bảo tồn quan họ đem lại hiệu quả toàn diện tất yếu phải bảo tồn dưới dạng tổng thể. Hiện bảo tồn quan họ đang theo hai hình thức: bảo tồn “động” và bảo tồn “tĩnh”.

Giữ gìn và bảo tồn văn hóa Quan họ cho mai sau

Bảo tồn dân ca quan họ trong cộng đồng

Mô hình bảo tồn tốt nhất mà UNESCO đề xướng là bảo tồn trong cộng đồng, trong chính môi trường diễn xướng của loại hình nghệ thuật dân gian đó. Bởi chính cộng đồng sở hữu di sản phải ý thức được giá trị sản phẩm văn hóa của mình, để rồi gìn giữ, phát huy nhân rộng nó.

Quan điểm trên cho thấy sự cần thiết phải bảo tồn dân ca quan họ, sinh hoạt văn hoá quan họ ở chính nơi nó sinh ra. Điều đó hoàn toàn đồng nhất trong chủ trương của ngành văn hóa là bảo tồn trong môi trường xã hội đương đại không phải là bảo tồn ở bảo tàng, mà phải ở cộng đồng dân cư, trong môi trường cảnh quan của chính vùng quan họ. Việc bảo tồn, người trực tiếp thực hiện là nhân dân, ngành văn hóa chỉ làm nhiệm vụ nghiên cứu, định hướng.

Các liền chị quốc tế

Từ nhận thức sâu sắc đó, hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang đã quyết tâm bảo tồn giá trị của quan họ trên chính mảnh đất sinh ra nó - nơi có 49 làng quan họ gốc tiêu biểu, 44 làng nằm ở các huyện Tiên Du, Yên Phong, Từ Sơn, thành phố Bắc Ninh (Bắc Ninh) và 5 làng ở huyện Việt Yên (Bắc Giang). Việc đầu tiên tỉnh tập trung khôi phục một số lễ hội truyền thống mang đúng bản sắc văn hóa của lễ hội xưa như: hội Lim, hội làng Diềm...; khôi phục lại những nét sinh hoạt văn hóa của các làng quan họ gốc, các nghi thức, lề lối chơi quan họ...

Kết tinh độc đáo của vùng văn hoá Kinh Bắc, Hội Lim trở thành ngày hội lớn nhất hàng năm của làng quan họ, diễn ra từ ngày 10–15 (tháng Giêng) tôn vinh loại hình dân ca độc đáo này. Đến hẹn lại lên, các liền anh, liền chị ở các làng quan họ và những người yêu mến quan họ hội tụ về đồi Lim thưởng thức văn hóa quan họ. Những làn điệu quan họ được truyền giữ từ bao đời, qua các kỳ hội làm say lòng người bởi vẻ mặn nồng, nghĩa tình, e ấp từ lời từ điệu và chất giọng đặc trưng của các liền anh, liền chị.

Xác định được đặc trưng của dân ca quan họ là phải gắn kết chặt chẽ với lễ nghĩa, tín ngưỡng, lễ hội, đánh thức tiềm năng sáng tạo của cộng đồng bằng việc tổ chức các cuộc thi ứng tác quan họ trong lễ hội như ngày xưa, ngành văn hóa Bắc Ninh, Bắc Giang đã có chủ trương tăng cường quảng bá về các giá trị độc đáo của dân ca quan họ như: tổ chức các hội thi hát dân ca, dạy hát cho lớp trẻ, thi sáng tác, thi trình diễn trang phục, giới thiệu quan họ trên các phương tiện truyền thông, đại chúng, tổ chức trở lại Liên hoan Tiếng hát Quan họ Người Cao tuổi định kỳ hàng năm và quan tâm đến nội dung thi hát đối đáp quan họ đầu xuân...

Từ năm 1992 đến nay, đã thành thông lệ, cứ đến trước ngày Hội Lim, Hội thi hát quan họ đầu xuân được tổ chức nhằm chọn ra những cặp hát đối hay nhất, những giọng hát quan họ trẻ hay nhất và những tập tục văn hóa quan họ truyền thống nền nếp nhất. Chương trình "Hát đối quan họ" và "Ðậm đà khúc hát dân ca" do Ðài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Bắc Ninh thực hiện đều đặn là một trong những hoạt động góp phần tích cực vào việc quảng bá, nâng cao hiểu biết và kỹ năng diễn xướng quan họ trong cộng đồng dân cư, khuyến khích các thí sinh hướng tới việc sáng tạo, ứng tác, nhất là trong chương trình "Hát đối quan họ".

Bên cạnh đó, ngành văn hoá đã có chủ trương gây dựng lại cách chơi quan họ cổ giữa các bọn, chạ, với lề lối hát đối đáp, hát giao duyên, kết bạn... bằng cách cử các diễn viên Đoàn Quan họ Bắc Ninh về các làng quan họ gốc học từ nghệ nhân: hát các làn điệu cổ, học lời ca cổ, lối chơi quan họ cổ truyền...

Ngoài ra, ngành chỉ đạo tiếp tục truyền dạy quan họ cho lớp trẻ và quảng bá tới rộng rãi công chúng. Bắc Ninh hiện có 30 câu lạc bộ (CLB) những người yêu thích quan họ sinh hoạt định kỳ hàng tháng. Tỉnh tổ chức hàng chục lớp học truyền dạy quan họ cổ cho hàng trăm thanh, thiếu niên tại thành phố Bắc Ninh và 2 huyện Tiên Du, Yên Phong. Mỗi lớp học tổ chức trong vòng 3 tháng, các nghệ nhân tiêu biểu ở các làng quan họ gốc truyền dạy các kĩ thuật cơ bản của hát Quan họ cổ như: giọng vặt, giọng lề lối, giọng giã bạn, giọng la rằng, la hừ… Sau khóa học, tất cả học sinh đã hát được 10-15 bài, trong đó có nhiều bài khó như: Súc miệng ấm đồng, Lòng vẫn đợi chờ, Nhất ngon là mía Lam Điền, Chuông vàng gác cửa tam quan… Đặc biệt, tại các làng Viêm Xá, Châm Khê, các nghệ nhân còn truyền dạy các bài vế đối, hát giọng đơn, hát kép theo truyền thống…Huyện Yên Phong - nơi có Thủy Tổ quan họ làng Diềm đã đặt chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2014 toàn huyện có 70% các xã, thị trấn; 50% thôn làng; 7% cơ quan, trường học có CLB quan họ hoạt động thường xuyên và 5 thôn làng có thiết chế không gian văn hóa quan họ.Để đạt được điều đó, hàng năm, huyện tổ chức mở từ 3 - 5 lớp dạy hát quan họ, thường xuyên tổ chức các buổi giao lưu giữa các CLB quan họ, vào các dịp đầu xuân tổ chức thi hát đối đáp quan họ…

Giữ cho không gian văn hóa quan họ cổ bờ Bắc sông Cầu trước tác động của trào lưu các dòng nhạc nhẹ, nhạc ngoại du nhập và phát triển, làng quan họ Hữu Nghi ở Việt Yên (Bắc Giang) vẫn giữ được lề lối hát của dân ca quan họ nguyên bản mà không bị lai căng, pha trộn. Đây là một trong 5 làng cổ trong tổng số 49 làng quan họ cổ của vùng Kinh Bắc nằm trong hồ sơ chính thức gửi UNESCO xét công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân. Từ nhiều năm nay, làng quan họ này là nơi sinh hoạt của gần 40 liền anh, liền chị trong CLB họ thôn Hữu Nghi. Ngoài việc thu hút bà con nông dân, CLB còn trở thành những lớp học truyền dạy quan họ cho thiếu niên, nhi đồng trong làng. Là nơi tập trung các làng quan họ cổ, huyện Việt Yên thường xuyên tổ chức Hội thi Tiếng hát quan họ tại chùa Bổ Đà, xã Tiên Sơn vào giữa tháng 12 (âm lịch) hàng năm. Từ quy mô làng, xã, hội thi đã trở thành sân chơi văn hóa của cả vùng, là lễ hội lớn có sự giao lưu của các đội quan họ thuộc bờ Nam sông Cầu (Bắc Ninh). Hội thi được tổ chức với hai hình thức: Thi giọng hát hay và thi thuộc nhiều bài hát quan họ để tạo tiền đề đến năm 2010 sẽ tổ chức thi hát quan họ toàn tỉnh.

Bắc Giang tập hợp các nghệ nhân quan họ thành từng nhóm để làm hạt nhân cho phong trào hát quan họ ở cơ sở; xây dựng các tổ, đội, nhóm và các CLB thường xuyên gặp gỡ, giao lưu, hát đối đáp, tạo môi trường cho quan họ bờ Bắc sông Cầu phát triển. Trong không gian đầm ấm của đình làng cổ, các liền anh, liền chị, những nghệ sĩ không chuyên bắt nhịp, nhấn nhá, luyến láy từng ca từ. Không cần nhạc đệm, không cần tăng âm, mi-crô nhưng lời ca của "Ðá đông chiểu", "Bèo dạt mây trôi", "Cổ tay vừa trắng vừa tròn", "Xuôi ngược sông Cầu"... vẫn ngân lên vang, rền, nền, nảy.

Bảo tồn, khôi phục quan họ cổ và phát triển các giá trị cổ sao cho thích nghi với đời sống hiện đại. Cái cũ sống được trong đời sống hiện đại thì mới có giá trị và cái mới phải dựa trên nền tảng giá trị nhân văn của cái cũ, phù hợp giá trị văn hóa hiện đại. Việc "sân khấu hóa", chuyên nghiệp hóa là một xu hướng khai thác di sản nhằm thích ứng với cuộc sống hiện đại, cần phải được nghiên cứu kỹ để có định hướng sao cho hợp lý và được cộng đồng chấp nhận. Theo nhạc sĩ Đức Miêng “Việc gìn giữ, bảo tồn quan họ và việc tổ chức cho các nghệ nhân nghiệp dư diễn xướng trong không gian công cộng, kết hợp văn hóa với du lịch, "lấy quan họ để nuôi quan họ" là cách làm sáng tạo và là một trong những biện pháp "cứu" quan họ trước khi nó bị mai một” là việc rất nên làm. CLB quan họ làng Đặng Xá, Yên Phong, Bắc Ninh triển khai một mô hình du lịch với “sản phẩm” chính là quan họ cổ. Đó cũng là hoạt động bảo tồn đúng với bản chất nội tại của quan họ.

Năm Ngoại giao văn hóa 2009, Bộ Ngoại giao phối hợp với tỉnh Bắc Ninh tổ chức giao lưu văn hóa của người quan họ tại tại đình Tam Tảo, xã Phú Lâm, huyện Tiên Du – địa chỉ thường xuyên tổ chức những canh hát dân ca Quan họ. Sự quan tâm của 45 Đoàn ngoại giao và các tổ chức Quốc tế tại Việt Nam đã cho thấy giá trị đặc sắc của văn hoá quan họ bắt nguồn từ tục kết chạ giữa các làng của người dân Kinh Bắc.

Bảo tồn Quan họ ở dạng tĩnh

Với phương thức bảo tồn “tĩnh”, lưu giữ “kho báu" cho vùng Kinh Bắc, Bắc Ninh, Bắc Giang đã có chủ trương bảo tồn, phát huy di sản văn hoá Quan họ, nhất là trong thời điểm giá trị văn hoá này đang dần bị mai một.

Không chờ đến những năm gần đây, việc phục hồi Quan họ đã được triển khai khá sớm. Năm 1974, các liền anh liền chị đã âm thầm tổ chức những canh quan họ để hát lại cho nhau nghe sau thời gian dài đã bỏ quên. Cùng năm ấy, bộ phim Đến hẹn lại lên ra đời. Sau khi nước nhà thống nhất, năm 1978, xưởng phim Quân đội về làm bộ phim Tình quê Quan họ.

Ngóng đợi các liền chị tới chơi nhà


Ngành Văn hóa - Thông tin Hà Bắc trước đây, Bắc Ninh và Bắc Giang ngày nay đã đầu tư công sức, kinh phí để khai thác, bảo tồn và phát triển dân ca quan họ, một loại hình dân ca giàu tính nhân văn và là sản phẩm riêng có của Kinh Bắc; tích cực phục dựng toàn bộ hình thức hát đối đáp cổ truyền, có kế hoạch tập hợp các nghệ nhân quan họ thành từng nhóm để làm hạt nhân cho phong trào hát quan họ ở cơ sở; tích cực chuẩn bị tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá văn hoá Quan họ: xây dựng tư liệu, tài liệu dịch ra tiếng Anh, tờ rơi...

Giữ trong tay kho báu đó, Bắc Ninh đã tập trung tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng dân cư về giá trị của dân ca quan họ, động viên mọi người chung sức giữ gìn, bảo tồn tinh hoa văn hóa quan họ, khắc phục những biểu hiện lệch lạc trong khai thác và phát triển dân ca quan họ, chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở gắn quan họ với các lễ hội. Tỉnh đã thành lập ban chuyên nghiên cứu, sưu tầm văn hóa quan họ bao gồm các tư liệu: phim, tranh ảnh, lời ca, băng hình... làm tư liệu bảo vệ trước hội đồng di sản văn hóa quốc gia cũng như thế giới; thực hiện nhiều công trình nghiên cứu, sưu tầm tập hợp tư liệu, xuất bản sách về văn hóa quan họ; thực hiện các đề án khôi phục và phát triển hội Lim, bảo tồn làng quan họ gốc Viêm Xá; tổ chức biểu diễn và giới thiệu dân ca quan họ tới nhân dân cả nước và quốc tế…

Tỉnh phối hợp Viện Văn hóa - Nghệ thuật Việt Nam kiểm kê di sản và các nghệ nhân quan họ, đề xuất tiêu chí để tôn vinh các nghệ nhân, mở rộng việc quảng bá, truyền dạy quan họ cổ, khôi phục các lễ hội quan họ truyền thống, xúc tiến chuẩn bị Festival Văn hóa, Du lịch Bắc Ninh năm 2010, lấy dân ca quan họ làm nội dung chủ đạo; triển khai đề án bảo tồn và phát triển văn hóa quan họ giai đoạn 2009 - 2014 nhằm tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động của các cấp chính quyền địa phương, các ngành chức năng về việc bảo tồn văn hóa quan họ, quan tâm củng cố, phát triển CLB đã được thành lập, sưu tầm các bài hát quan họ cổ, các làn điệu quan họ để từng bước khôi phục và phát triển văn hóa quan họ trên địa bàn, huyện Yên Phong. Nhiều công trình nghiên cứu ra đời, đáng kể là tập sách 300 bài Quan họ (Viện Âm nhạc Việt Nam xuất bản); Dự án bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá do Quỹ Ford tài trợ "Đưa sân khấu truyền thống vào nhà trường"; Dự án của UNESCO... Cơ quan văn hóa đã khai thác, sưu tầm và in sách 300 bài hát quan họ; ghi vào băng từ hơn 200 làn điệu với hơn 500 bài quan họ, phát hành những năm qua. Nhà xuất bản Âm nhạc vừa thực hiện DVD Lối chơi quan họ qui tụ nghệ nhân nhiều thế hệ thuộc các làng quan họ cổ vùng Kinh Bắc sau thành công của CD Xẩm Hà Nội, Nhã nhạc - Âm nhạc cung đình Huế. Album giới thiệu những bài dân ca quan họ cổ truyền cùng những lề lối, tập quán được thể hiện trong những hình thức ca hát đặc sắc của người quan họ: Nhác trông thấy bóng đôi người, Bây giờ còn sớm người ơi, Chơi cho hòn đá nảy mầm, Em ngồi em bấm lá sen, Lênh đênh ba bốn chiếc dồng dềnh, Lênh đênh đôi ba chiều thuyền kề, Chúc mừng thượng đẳng tối linh, Thoạt chân em bước vào đình, Đôi bên bàn định đã lâu, Sông Ngân mượn thợ bắc cầu. Các kết quả nghiên cứu là cơ sở khoa học, tư vấn cho lãnh đạo bộ để đề ra chính sách, kế hoạch, biện pháp cụ thể trong sự nghiệp phát huy di sản văn hoá dân tộc.

Nhằm gây dựng lại cách chơi quan họ cổ giữa các bọn, chạ, với lề lối hát đối đáp, hát giao duyên, kết bạn... ngành văn hoá Bắc Ninh đã cử các diễn viên Đoàn Quan họ Bắc Ninh về các làng quan họ gốc học từ nghệ nhân: hát các làn điệu cổ, học lời ca cổ, lối chơi quan họ cổ truyền... Cũng từ đó, các làng quan họ gốc đua nhau tìm lại lời ca cổ, làn điệu cổ, các nghệ nhân tuổi từ 70 đến gần trăm tuổi đều rất hào hứng nhớ lại lời cũ, làn điệu cổ, cách chơi đúng lề lối, niêm luật để truyền lại cho con cháu.

Tỉnh Bắc Giang đang thực hiện chương trình bảo tồn văn hóa quan họ từ nay đến năm 2015 nhằm tôn vinh giá trị văn hóa của quan họ và nâng cao nhận thức, khơi dậy niềm tự hào, ý thức giữ gìn trong nhân dân, đưa các sinh hoạt quan họ trở về cộng đồng. Công tác giữ gìn và phát triển dân ca quan họ đã được quan tâm và triển khai từ nhiều năm về trước. Tỉnh tập trung khôi phục, bảo tồn 5 làng quan họ cổ đã được công nhận và 13 làng đã được xác định thêm từ năm 2006, phục dựng lại toàn bộ hình thức hát đối đáp cổ truyền ở các làng quan họ. Ngành văn hóa phối hợp các địa phương xây dựng một số tụ điểm hát quan họ ở các làng Thổ Hà, Trung Đồng, Hữu Nghi, Nội Ninh, Giá Sơn, Sen Hồ ở huyện Việt Yên.

Ý tưởng cho ra đời các lớp quan họ cổ để khôi phục và bảo tồn bản sắc văn hóa quan họ cổ, tránh những ảnh hưởng của cách dạy và hát quan họ mới cũng như trước làn sóng nhạc trẻ và hội nhập toàn cầu ngày nay, Trung tâm UNESCO đã mở rộng địa bàn, mở lớp học dân ca quan họ cổ ở Hà Nội và một số địa phương. Lớp học đã thu hút sự tham gia của cả học sinh nước ngoài (Nhật, Mỹ...) say mê tìm hiểu văn hóa Việt Nam và văn hóa Quan họ. Sinh hoạt của các lớp quan họ cổ đã có tính chuyên nghiệp. Ngoài các buổi học hát lời cổ, còn có các hoạt động giao lưu. Học viên đã hát được hàng trăm lời bài hát quan họ cổ đòi hỏi kỹ thuật hát và sự luyện tập nghiêm túc. Nhiệm vụ của Trung tâm UNESCO Quan họ cũng như các lớp học quan họ và những người yêu dân ca quan họ là đi sâu khai thác, nâng cao chất lượng sinh hoạt văn hóa quan họ, nhất là cách hát, kỹ thuật hát, lối chơi quan họ, đồng thời tuyên truyền, phổ cập văn hóa quan họ trong đời sống cộng đồng.

Nhiều cuộc tọa đàm, trao đổi về chủ đề “Bảo tồn Quan họ cổ Bắc Ninh” không ngoài mục đích đi vào chiều sâu, làm rõ những công việc cụ thể trong công tác bảo tồn quan họ. Nội dung cụ thể, sâu sắc đã được đưa ra bàn thảo: Bảo tồn Quan họ cổ Bắc Ninh cần thực hiện dưới dạng biến động phù hợp với hoàn cảnh cụ thể trong từng giai đoạn xã hội nhất định. Công việc truyền dạy giữ gìn Quan họ cổ cần được Nhà nước quan tâm, đầu tư kinh phí thích đáng, nhất là với các thế hệ trẻ ở các làng Quan họ gốc. Cần tôn vinh, hỗ trợ kinh phí cho lớp nghệ nhân cao tuổi tham gia vào công tác truyền dạy, giữ gìn phong trào ca hát Quan họ ở mỗi làng. Nên chia đoàn Dân ca Quan họ Bắc Ninh thành 2 bộ phận: Bộ phận diễn viên trẻ có trách nhiệm biểu diễn, giới thiệu về Quan họ, khai thác những bài Quan họ phù hợp với biểu diễn trên sân khấu, phát triển và tiếp thu tinh hoa các dân ca khác gần với Quan họ, cùng một số ca khúc được sáng tác trên âm hưởng Quan họ để hình thành chương trình ca nhạc Quan họ có tính hấp dẫn, thực hiện vai trò của một đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp. Lớp diễn viên cao tuổi hạn chế về biểu diễn sân khấu, chuyển sang làm nhiệm vụ sưu tầm những làn điệu truyền thống còn lưu giữ ở các nghệ nhân cao tuổi, tham gia giới thiệu Quan họ theo yêu cầu của khán giả về bài bản Quan họ cổ, giữ vai trò hạt nhân trong công tác bảo tồn dân ca Quan họ. Ngành Văn hóa-Thông tin cần phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng xây dựng những chuyên đề giới thiệu về kiến thức văn hóa Quan họ…

Hội thảo quốc tế: "Bảo tồn và phát huy dân ca trong xã hội đương đại (qua trường hợp quan họ Bắc Ninh)" do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch tổ chức năm 2006 đã thu hút sự tham gia của hàng trăm nhà nghiên cứu khoa học, nhà hoạt động văn hoá, nhà quản lý...trong và ngoài nước. Trên 520 công trình nghiên cứu và được chọn, trong số đó tuyển tập "Không gian văn hoá quan họ Bắc Ninh" (hơn 1.300 trang); tham luận của các học giả trong, ngoài nước.. được coi là tài liệu tham khảo đáng tin cậy, làm phong phú thêm những hiểu biết về vùng văn hoá đặc sắc này.

Cùng với việc đầu tư của Nhà nước, nhân dân địa phương, các cá nhân trong và ngoài nước đóng góp hiệu quả vào việc bảo tồn và phát huy di sản văn hoá Kinh Bắc. Nhiều nhà nghiên cứu đã dày công tìm hiểu loại hình nghệ thuật độc đáo. Với cuốn sách hơn 700 trang ghi 300 làn điệu quan họ (xuất bản năm 2002) được đưa vào ô nhịp theo hệ thống thang âm của phương tây, nhạc sĩ Hồng Thao mong muốn lưu giữ được lời của làn điệu quan họ sau nhiều năm miệt mài nghiên cứu. Để kết nối cộng đồng cư dân mạng - những người say mê quan họ trong và ngoài nước, Hội đồng hương sinh viên Kinh Bắc tại Hà Nội thành lập CLB Quan họ internet trên website (http://svkinhbac.com) chia sẻ kiến thức, truyền dạy hát quan họ và cùng giúp nhau tìm hiểu về nét đẹp trong văn hoá quan họ…Đây cũng là một cách bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá quan họ độc đáo, mang phong cách đặc trưng riêng của thế hệ trẻ, vừa nhạy bén, sáng tạo vừa tâm huyết, thiết tha với dân ca quan họ.

  • TS. Lê Thị Bích Hồng
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất