Nhiều ý kiến cho rằng, việc
giảm hình sự hóa tội danh này là một tín hiệu tích cực và là động lực
thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp phát triển.
Giải
thích lý do loại bỏ điều 292 trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số
điều của BLHS 2015, Bộ Tư pháp cho biết, việc này nhằm bảo đảm sự thống
nhất, bình đẳng trong chính sách xử lý đối với các hành vi kinh doanh
trái phép. Theo đó, BLHS đã bỏ tội kinh doanh trái phép nhưng điều 292
lại quy định tội “kinh doanh trái phép trên mạng” là không phù hợp.
Bên cạnh đó, đây là một trong 10 tội trong lĩnh vực công nghệ thông tin,
mạng viễn thông có khách thể xâm hại là an toàn công cộng, trật tự công
cộng. Tuy nhiên, xét theo nội dung quy định tại điều 292 thì thấy rằng,
trong cấu thành tội phạm này không có yếu tố nào phản ánh rõ mối nguy
hại cho an toàn công cộng, trật tự công cộng cũng như thể hiện sự xâm
hại đến lợi ích của tổ chức, cá nhân. Đặc biệt, trong danh mục các
ngành, nghề kinh doanh có điều kiện có đến 267 ngành nghề nhưng điều 292
chỉ quy định xử lý hình sự đối với một số ít ngành nghề là có sự bất
bình đẳng. Do đó, quy định này gây ảnh hưởng đến chủ trương khuyến khích
và phát triển công nghệ thông tin ở nước ta.
Hoan nghênh đề
xuất của Chính phủ, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế Phòng Thương
mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khẳng định, đây là một tín hiệu tích
cực đối với cộng đồng doanh nghiệp. Theo ông Tuấn, tư duy quản lý Nhà
nước theo cách thức như Điều 292 là nguy hiểm cho doanh nghiệp khởi
nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Bởi đặc điểm của
kinh doanh trên mạng là “tính thử sai” rất lớn, tức là sản phẩm được
cung cấp thử nghiệm cho người dùng, nếu thành công và được đón nhận thì
nhà sáng lập mới bắt đầu tính đến việc đầu tư sâu hơn, trong đó bao gồm
cả việc thực hiện các thủ tục pháp lý như đăng ký kinh doanh.
Nhấn
mạnh việc không ai bỏ tiền đi đăng ký, xin phép cho một sản phẩm mà có
thể sẽ phải vứt bỏ trong vài tuần tới, ông Đậu Anh Tuấn cho rằng, việc
yêu cầu sản phẩm phải đăng ký/cấp phép chính là việc làm gia tăng chi
phí gia nhập thị trường từ đó cản trở đáng kể ngành này. “Điều này sẽ
tạo nên hệ lụy là các doanh nghiệp sẽ đăng ký kinh doanh ở các nước
khác. Thực tế, đã có nhiều doanh nghiệp sang Hong Kong, Singapore… để
đăng ký kinh doanh và vẫn cung cấp dịch vụ trở lại Việt Nam”, ông Đậu
Anh Tuấn nhận định.
Đồng tình với quan điểm nên bãi bỏ Điều 292
quy định tội danh “cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng
viễn thông”, PGS. TS Hoàng Thế Liên, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp cho
rằng chính sách phải tính đến thực tiễn. “Mạng Internet là toàn cầu, cấm
dân mình làm thì người nước ngoài vẫn làm mà không thể xử lý được? Thêm
vào đó, trong 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện chỉ có ngành nghề
này bị xử lý hình sự mà không giải thích được lý do tại sao?” PGS Hoàng
Thế Liên đặt vấn đề.
Bên cạnh những ý kiến tán thành, nhiều ý
kiến đề nghị giữ lại và đưa vào các chương tương ứng quy định hành vi
cấm kinh doanh vàng tài khoản (đã được quy định tại Nghị định số
24/2012/NĐ-CP của Chính phủ); kinh doanh đa cấp bất chính (được quy định
tại Nghị định số 45/2014/NĐ-CP của Chính phủ)… trên mạng máy tính, mạng
viễn thông vì phạm vi ảnh hưởng, tính chất và mức độ nguy hiểm cao cho
xã hội, hậu quả lớn, rất khó khắc phục.
BLHS
năm 2015 đã bổ sung một tội danh mới liên quan để xử lý hành vi cung
cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông đối với 5 nhóm
dịch vụ: kinh doanh vàng trên tài khoản, sàn giao dịch thương mại điện
tử, kinh doanh đa cấp, trung gian thanh toán, trò chơi điện tử trên mạng
và các loại dịch vụ khác mà không có giấy phép hoặc không đúng nội dung
được cấp phép.
Thu Phương/Báo Tin tức