Thứ Ba, 26/11/2024
Chính sách
Thứ Ba, 28/6/2011 22:17'(GMT+7)

Đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật bảo vệ chăm sóc trẻ em

 Ông Đặng Hoa Nam, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em cho biết: Việc sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em nên tập trung vào 5 vấn đề. Đầu tiên là vấn đề tuổi trẻ em, cần sự nhất quán trong hệ thống luật pháp quốc gia về trẻ em và vị thành niên, hai lứa tuổi này được hưởng lợi từ thành quả phát triển kinh tế, xã hội. Tiếp đó là vấn đề liên quan đến trách nhiệm, quyền hạn đáp ứng quyền trẻ em theo các nguyên tắc nhất quán; trách nhiệm, quyền hạn giám sát, kiểm tra việc thực hiện quyền trẻ em; thực hiện quyền tham gia của trẻ em. Một vấn đề nữa là bảo vệ trẻ em trong đó có phòng ngừa xâm hại, gây tổn hại cho trẻ em và hệ thống tư pháp trẻ em.

Ông Đặng Nam cũng nêu rõ: Cần phải định nghĩa rõ các hình thức gây tổn hại, xâm hại, bạo lực, sao nhãng đối với trẻ em; trách nhiệm xác định, thủ tục tách trẻ em khỏi cha mẹ, người giám hộ, chăm sóc thay thế trong trường hợp chính cha, mẹ, người giám hộ, người chăm sóc thay thế có nguy cơ, thực hiện hành vi xâm hại, bạo lực với trẻ em. Đồng thời quy định hệ thống cung cấp dịch vụ, phúc lợi xã hội bảo vệ trẻ em, các biện pháp đặc biệt cho trẻ em là nạn nhân bị xâm hại, bạo lực gia đình...

Ban điều phối của Mạng bảo vệ quyền trẻ em cũng đề xuất một số vấn đề cần sửa đổi trong Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Trong đó có phần sửa đổi, bổ sung một số quyền cơ bản, chính sách Nhà nước dành cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn: còn cha mẹ nhưng không có nguồn nuôi dưỡng, trẻ khuyết tật, trẻ nhiễm chất độc da cam nhưng không thuộc diện gia đình chính sách. Để phục vụ cho việc sửa đổi, bổ sung Luật, các thành viên của Ban điều phối đã viết dự án "Nghiên cứu việc thực hiện chính sách của Nhà nước với trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em bị bỏ rơi ở cộng đồng và cơ sở trợ giúp trẻ em ngoài công lập ở một số địa phương có Chi hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam". Dự án này dự kiến sẽ triển khai từ tháng 7/2011 do Quỹ sáng kiến tư pháp (JIFF) tài trợ...

Mạng bảo vệ quyền trẻ em là mạng lưới tự nguyện kết nối giữa các tổ chức xã hội, xã hội nghề nghiệp, tổ chức phi chính phủ trong nước, tổ chức phi chính phủ của nước ngoài hoạt động ở Việt Nam, cá nhân hoạt động trên lĩnh vực trẻ em. Mạng lưới được hình thành từ tháng 4/2010 với 33 thành viên ở 2 miền Nam, Bắc; Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam giữ vai trò điều phối hoạt động của mạng lưới này.../.

TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất