Thứ Tư, 9/10/2024
Giáo dục
Thứ Ba, 9/9/2008 7:44'(GMT+7)

Mười năm thực hiện Chỉ thị 34-của Bộ Chính trị ở Bắc Ninh

Hát Quan họ-một nét văn hóa độc đáo của người kinh Bắc

Hát Quan họ-một nét văn hóa độc đáo của người kinh Bắc

Thực hiện Chỉ thị 34 -CT/TW, ngày 30-5-1998 của Bộ Chính trị (khoá VIII) về "Tăng cường công tác chính trị tư tưởng; củng cố tổ chức Đảng, đoàn thể quần chúng và phát triển đảng viên trong các trường học", Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã xây dựng Kế hoạch số 08 -KH/TU ngày 31-7-1998 chỉ đạo các cấp uỷ đảng, các ban, ngành liên quan tổ chức triển khai, quán triệt và xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện chỉ thị.

Theo đó, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ phối hợp với Sở GD-ĐT và các huyện uỷ, thị uỷ hướng dẫn chỉ đạo các chi bộ trường học, nhà trường tổ chức triển khai thực hiện chỉ thị tới cán bộ, đảng viên, giáo viên và cán bộ công nhân viên trong toàn ngành với trên 95% đối tượng được quán triệt học tập, trong đó tỷ lệ đảng viên đạt trên 97%; cán bộ, giáo viên đạt trên 93%.

Các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, Nhà nước về giáo dục-đào tạo, nhiều tấm gương người tốt việc tốt, điển hình tiên tiến đã kịp thời được động viên, cổ vũ tạo khí thế thi đua sâu rộng trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, giáo viên…

Qua 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 34 -CT/TW, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, sự nỗ lực của mỗi cấp uỷ, trường học... công tác chính trị tư tưởng; củng cố tổ chức Đảng, đoàn thể quần chúng và phát triển đảng viên mới trong các trường học có bước chuyển biến tích cực. Hàng tháng, thông qua định kỳ các buổi sinh hoạt chính trị, tư tưởng, học tập các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và Nhà nước về giáo dục-đào tạo, qua chất lượng giảng dạy và học tập các môn học chính trị, GDCD trong các nhà trường, nhằm tăng cường giáo dục chủ nghĩa Mác- Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, giáo dục đạo đức, pháp luật, truyền thống gắn với thực tiễn xã hội cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, giáo viên, học sinh… Trên cơ sở đó, củng cố xây dựng lý tưởng cách mạng, lòng yêu ngành, yêu nghề, tận tâm, tận lực với sự nghiệp giáo dục-đào tạo đáp ứng lòng tin của Đảng và nhân dân.

Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" và Cuộc vận động "Hai không" do Bộ GD-ĐT phát động được các chi bộ, nhà trường tổ chức thực hiện bước đầu đạt hiệu quả. Qua đánh giá xếp loại hàng năm đội ngũ cán bộ, đảng viên, giáo viên trong ngành về cơ bản có đủ phẩm chất đạo đức, vững vàng về chính trị, tư tưởng, chuẩn hoá về trình độ và kỹ năng nghiệp vụ chuyên môn đáp ứng yêu cầu đổi mới của công tác giáo dục.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 71 trong 141 trường mầm non, 140 trong 150 trường tiểu học, 100% trường THCS, trường THPT, TTGDTX có chi bộ độc lập; trên địa bàn tỉnh hiện có 17 trường ĐH, CĐ, THCN & dạy nghề, trong đó có 91% số trường (hệ công lập) thành lập đảng bộ, chi bộ cơ sở. Riêng các trường ngoài công lập, tỷ lệ trường có chi bộ riêng mới đạt 33,3%. Năm 1998, tỷ lệ trường có chi bộ riêng là 68,1%, đến năm 2007 đã tăng lên 83%, theo đó số chi bộ ghép giảm dần từ 31,9% xuống còn 17%. Các tổ chức đảng, đoàn thể quần chúng trong các trường học thường xuyên được kiện toàn, củng cố, phát huy tốt vai trò tiền phong gương mẫu, nhiều chức vụ chủ chốt trong các đoàn thể do đảng viên đảm nhiệm: từ 23,7% số trường có bí thư đoàn (BTĐ), 30,5% số trường có tổng phụ trách đội (TPT) và 59,1% số trường có chủ tịch công đoàn (CTCĐ) và đảng viên (năm học 1997-1998) đến năm học 2006-2007 tỷ lệ BTĐ trường và đảng viên tăng lên 70%, TPT 73,6%, 100% CTCĐ là đảng viên. Chức danh Bí thư Đảng bộ, chi bộ trường học chủ yếu do hiệu trưởng hoặc phó hiệu trưởng đảm nhiệm.

Trong mỗi nhiệm kỳ và hàng năm cấp uỷ các trường học đều xây dựng kế hoạch phát triển đảng viên mới. Thông qua phong trào thi đua thực hiện nhiệm vụ chính trị dạy và học, các phong trào hoạt động cách mạng của các đoàn thể, cấp uỷ lựa chọn nguồn đảng viên mới, do vậy số đoàn viên, giáo viên ưu tú được lựa chọn kết nạp tăng theo các năm cả về số lượng và chất lượng.
Tính riêng năm 2007, toàn ngành đã kết nạp được 447 đảng viên mới, cao hơn so với năm 1998 và 153 đảng viên; khối các trường ĐH, CĐ, THTN và dạy nghề đã kết nạp được 52 đảng viên mới, trong đó có 15 đảng viên mới và học sinh, sinh viên. Số đảng bộ, chi bộ trường học được xét công nhận trong sạch vững mạnh hàng năm đều tăng: năm 2007, có 87,7% số chi bộ các trường mầm non và các khối trường phổ thông, Trung tâm giáo dục thường xuyên đạt trong sạch vững mạnh (TSVM); 100% Đảng bộ, chi bộ các trường ĐH, CĐ, THCN và dạy nghề đạt TSVM; không có tổ chức cơ sở đảng yếu kém.

Bằng các hình thức liên kết phối hợp với các Trung tâm Bồi dưỡng chính trị cấp huyện, thành phố và Trường Chính trị Nguyễn Văn Cừ tổ chức các lớp hệ sơ, trung cấp LLCT cho đội ngũ cán bộ quản lý và đảng viên, đến nay, tỷ lệ đảng viên có trình độ trung cấp LLCT đạt 30%, tỷ lệ đảng viên trong toàn ngành đạt trên 29%, 100% cán bộ quản lý được bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước và quản lý giáo dục.

Sau 10 năm triển khai, công tác chính trị tư tưởng, công tác xây dựng Đảng và đoàn thể trong các trường học của tỉnh đã có những chuyển biến tích cực trên nhiều mặt. Nhận thức của cán bộ, đảng viên và quần chúng trong các trường học về lý tưởng mục tiêu của Đảng, về các chủ trương, chính sách nhiệm vụ và mục tiêu cơ bản của công tác giáo dục-đào tạo được nâng lên. Công tác giáo dục chính trị tư tưởng, rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng trong đội ngũ giáo viên, học sinh, sinh viên… được tăng cường; chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nói chung không ngừng được nâng lên cả về nghiệp vụ chuyên môn, năng lực quản lý và trình độ lý luận chính trị. Tổ chức Đảng và đoàn thể quần chúng trong các trường học được củng cố, phát triển, số chi bộ kết nạp được đảng viên và tỷ lệ đảng viên được kết nạp tăng theo từng năm cả về số lượng và chất lượng. Vai trò của đảng viên, chi bộ trong các trường học được phát huy. Mối quan hệ giữa tổ chức đảng trường học, chi bộ phòng GD-ĐT với cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể địa phương được gắn kết chặt chẽ hơn. Quá trình thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn, nhiệm vụ chính trị của ngành, địa phương được các chi bộ trường học, nhà trường triển khai thực hiện tốt, hiệu quả.

Đạt được những kết quả trên, trước hết, là có sự chỉ đạo của các cấp uỷ và chính quyền. Sự vận dụng Chỉ thị phù hợp với mỗi loại hình trường học của mỗi cấp uỷ, lãnh đạo nhà trường. Ở đâu có sự quan tâm đầy đủ, chỉ đạo chặt chẽ thường xuyên, ở đó có sự chuyển biến rõ nét. Hai là, trong quá trình triển khai tổ chức thực hiện cần nâng cao hiệu quả công tác tham mưu, đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến và học tập chỉ thị, nghị quyết của Đảng và Nhà nước về công tác xây dựng Đảng, công tác giáo dục-đào tạo. Ba là, xây dựng đội ngũ có đủ phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực chuyên môn, có trách nhiệm và tâm huyết với nghề nghiệp, coi đây là nguồn để phát triển đảng viên và là nhân tố quyết định sự phát triển chất lượng giáo dục-đào tạo. Bốn là, duy trì thường xuyên chế độ sinh hoạt Đảng, gắn nội dung sinh hoạt với chỉ đạo nhiệm vụ chuyên môn; coi trọng công tác xây dựng Đảng, đoàn thể quần chúng, đấu tranh tự phê bình và phê bình trên cơ sở giữ vững khối đại đoàn kết nội bộ. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phối hợp giữa ngành giáo dục-đào tạo với cấp uỷ, chính quyền và các đoàn thể nên quan trong công tác giáo dục, rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức mối sống trong cán bộ, đảng viên, giáo viên, học sinh, sinh viên.

Những kết quả và bài học kinh nghiệm qua 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 34-CT/TW của Bộ Chính trị là tiền đề quan trọng, tạo nên bước chuyển mới trong công tác chính trị tư tưởng; củng cố tổ chức Đảng, đoàn thể quần chúng và công tác phát triển đảng viên trong các trường học ở tỉnh Bắc Ninh trong những năm tiếp theo./.

Hoàng Văn Thái
Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Bắc Ninh

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất