Thứ Năm, 19/9/2024
Cùng suy ngẫm
Thứ Ba, 19/10/2021 15:16'(GMT+7)

Đẹp mà không đẹp

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Lâu lâu tôi mới gặp lại bác cựu chiến binh sau một thời gian khá dài thực hiện giãn cách xã hội. Sau khi tay bặt mặt mừng, bác tâm sự, trong những ngày “ai ở đâu, ở yên đó”, bác ở nhà hết nghe đài, xem ti vi, rồi lướt mạng đọc tin tức. Vì muốn nắm bắt những thông tin, diễn biến dịch bệnh xảy ra trên địa bàn cư trú, ngày nào bác cũng cập nhật tin tức từ báo điện tử và chương trình thời sự trên đài phát thanh-truyền hình của địa phương. 

“Trong thời điểm đại dịch COVID-19 bùng phát, nhiều cán bộ rất gần gũi, sâu sát với nhân dân - trực tiếp đến kiểm tra, thăm hỏi, tặng quà cho bà con dân nghèo ở các ngõ sâu, ngách hiểm hay đến tận giường bệnh động viên bệnh nhân. Đó là hình ảnh đẹp của người cán bộ lãnh đạo thời nay”. Sau khi nói vậy, bác cựu chiến binh tỏ ra băn khoăn khi chứng kiến một vài cán bộ lãnh đạo vẫn “làm màu” khi đến với dân. “Làm màu” nghĩa là sao hả bác?”, tôi hỏi. Người lính già sắp vào tuổi bát tuần cho hay, “làm màu” nghĩa là người ta chỉ quan tâm đến bề nổi, mang mặc sang trọng, “diễn” sâu để có những lời nói hay, bức ảnh đẹp, khuôn hình tươi tắn xuất hiện trên các trang báo và sóng truyền hình. 

Bác cựu chiến binh kể, một nữ cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh chạc tuổi ngũ tuần, khi xuống với dân ở địa bàn cơ sở, bà ấy lúc nào cũng trang điểm kỹ càng, mang mặc sang trọng và đôi khi màu mè, diêm dúa. Thường ngày đi đôi guốc cao, ngón tay đeo nhẫn vàng, cổ tay đeo chiếc đồng hồ đẹp, trên người khi thì mặc áo màu mận chín, lúc vận áo màu tím hoa cà, có ngày lại mặc chiếc áo màu đỏ thắm, trông bà ấy luôn nổi bật khi tặng quà cho bà con nông dân nghèo hay lúc hỏi thăm một gia đình công nhân có hoàn cảnh khó khăn trong khu nhà trọ. Kể cả lúc động viên mấy chị công nhân quét rác trên đường phố, hay khi trò chuyện với mấy ông lão, bà cụ ở chốn quê lam lũ, thì bà ấy thể hiện là người quý phái trong đám đông. Mỗi khi báo tỉnh, đài tỉnh đăng ảnh, phát hình, nhìn bà ấy nhuận sắc hơn thường lệ, thế nên có người chả biết ngợi ca hay tếu táo trào lộng: “Nữ chính khách đẹp không tì vết mỗi khi xuất hiện trước đám đông và trên truyền thông!”. 

Cán bộ có quyền mang mặc đẹp đẽ, sang trọng không? Có chứ. Vì làm đẹp là  nhu cầu chính đáng của con người, dù người đó là ai, làm gì, ở đâu. Nhất là cán bộ lãnh đạo, với tư cách là hình ảnh đại diện của cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đoàn thể, là người mà “quan trên trông xuống, người dân nhìn vào” thì mang mặc càng phải chỉn chu, chuẩn mực, vì hình thức cũng là một phần biểu hiện của nội dung. Chỉn chu nghĩa là mang mặc kín đáo, không thể loàng xoàng được. Còn chuẩn mực là thể hiện suy nghĩ chín chắn, đức tính giản dị, biết mang mặc trang phục phù hợp với tầm vóc, hình dáng của mình, đồng thời phù hợp với môi trường, hoàn cảnh giao tiếp, đối tượng tiếp xúc và phù hợp với bối cảnh xã hội hiện thời. 

Sau khi chia sẻ như vậy, bác cựu chiến binh nhắc lại câu chuyện cách đây chưa lâu, khi đến tiếp hàng trăm người dân có đơn khiếu kiện đất đai ở một thành phố phía Nam, một cán bộ cao cấp ở cơ quan thanh tra trung ương tay đeo một chiếc đồng hồ đắt tiền và cầm điếu thuốc xì gà, khiến dư luận xì xào. Nhiều người thẳng thắn đặt câu hỏi, đi tiếp xúc với dân nghèo mà thể hiện tác phong sang chảnh, quý phái như thế liệu có phù hợp không? Trước hoài nghi của dư luận, chính cán bộ này sau đó cũng thừa nhận, việc thể hiện tác phong như vậy khi tiếp xúc với người dân trong hoàn cảnh tâm trạng bà con đang bức xúc vì chuyện đền bù đất đai sai luật, là không nên và thấy bản thân phải tự rút kinh nghiệm.  

Nghe bác cựu chiến binh nói vậy, tôi nhớ lại câu chuyện được học từ thời tiểu học có nhan đề “Đẹp mà không đẹp”. Một em nhỏ khéo tay vẽ một bức tranh lên nền tường trắng. Khi một bạn cùng lớp đi qua, em khoe “Mình vẽ có đẹp không?”, thì nhận được câu trả lời: “Bạn vẽ rất đẹp, nhưng việc bạn vẽ lên bức tường trắng của lớp lại là việc làm không đẹp”. Câu chuyện giản dị mà chứa đựng thông điệp dạy trẻ nhỏ vô cùng sâu sắc: Tưởng mình làm đẹp sẽ được người khác khen, nhưng cách làm đẹp không đúng lúc, đúng chỗ, đúng môi trường, đúng hoàn cảnh thì lại là hành vi không đẹp.

Thiển nghĩ, câu chuyện trên đâu chỉ dành riêng cho trẻ nhỏ, mà là bài học cho cả người lớn. Nếu cán bộ lãnh đạo nào không nhớ, không thấu, e rằng, cái sự chau chuốt làm đẹp quá mức bình thường của mình trong hoàn cảnh bao người dân còn lam lũ, khốn khó, lại dễ trở nên vô duyên, phản cảm trong con mắt người khác./.

Thiện Văn

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất