Thứ Ba, 24/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Hai, 26/12/2011 14:38'(GMT+7)

Di sản - giá trị đích thực để phát triển

Thời gian không đợi

Tính từ thời điểm Quần thể Di tích Cố đô Huế được UNESCO chính thức công nhận và ghi danh vào Danh mục Di sản Thế giới (ngày 11/12/2008) đến nay đã 18 năm. Gần 20 năm qua, Việt Nam đã có 13 di sản vật thể và phi vật thể được vinh danh là di sản văn hoá tiêu biểu của thế giới. Đây là những di sản tiêu biểu, nổi bật trong số hơn 4 vạn di tích và danh lam thắng cảnh được kiểm kê và xếp hạng, cùng số lượng di sản phi vật thể thì vô cùng phong phú, đa dạng.

Sự kết hợp giữa văn hoá và du lịch và một sự kết hợp cực kỳ có hiệu quả trong quảng bá về hình ảnh đất nước và con người VN. Chính những di tích, di sản văn hoá là tiền đề để cho công tác du lịch phát triển. Nếu chúng ta kết hợp được hài hoà hai lĩnh vực này thì việc phát huy giá trị di sản văn hoá thông qua các hoạt động quảng bá du lịch là hết sức thành công.

Với ngành du lịch Việt Nam, năm 2012 là thời điểm thuận lợi nhất để phát triển du lịch di sản, bởi thời gian vừa qua chúng ta có những thành công rất lớn trong việc quảng bá với bạn bè thế giới về những vẻ đẹp của các di sản của chúng ta. Phát triển du lịch di sản sẽ đem lại rất nhiều lợi ích cho Việt Nam, không chỉ là vấn đề kinh tế mà quan trọng hơn là quảng bá hình ảnh đất nước, con người, văn hoá Việt Nam.

Vấn đề gắn di sản di tích nói riêng và văn hóa nói chung với hoạt động du lịch là một xu hướng tất yếu là một yêu cầu của 2 bên. Chính di sản, các giá trị văn hóa là tài nguyên du lịch, là sản phẩm du lịch, địa chỉ du lịch mang đến cho du khách những trải nghiệm tốt nhất về hình ảnh của một đất nước, nhưng cũng chính du lịch lại mang lại sức sống, phát huy, hiểu biết, trải nghiệm khám phá của con người đối với các di tích này- Ông Trần Văn Tuấn - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch khẳng định.

Tuy nhiên, trả lời phỏng vấn báo chí gần đây, ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục Du lịch thừa nhận rằng, ngành du lịch vẫn chưa có được sự chuẩn bị tốt cho mục tiêu này. Tiềm năng du lịch của chúng ta rất lớn nhưng chúng ta chưa phát huy và khai thác tốt tiềm năng, kể cả di sản thế giới lẫn di sản quốc gia và các địa phương.

Theo Nguyễn Hữu Toàn- Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL), di sản và du lịch luôn luôn gắn bó với nhau, tác động với nhau, nhưng nhiều khi sự phát triển của du lịch gây những ảnh hưởng chưa hẳn là đã tích cực đối với việc bảo vệ di sản. Ông Toàn nêu lên bằng chứng; Việc tăng số lượng khách du khách đến các di sản sẽ có những tác động tích cực và cả tiêu cực. Có thể vô tình hay hữu ý chúng ta sẽ làm cho môi trường cảnh quan của di tích bị vi phạm hoặc ảnh hưởng. Các hoạt động dịch vụ tại khu vực này vì mục đích thu nhập đơn thuần sẽ làm ảnh hưởng tới di sản, đặc biệt là với các di tích gắn liền với các yếu tố tâm linh, văn hóa...

Không thể phủ nhận một thực tế là do bị khai thác du lịch một cách cẩu thả, nhiều di tích, danh lam thắng cảnh trong cả nước xuống cấp nghiêm trọng. Thời gian không đợi ai, Năm du lịch quốc gia 2012 đã đến, mà những "tồn tại" này liệu rằng có được khắc phục kịp thời?

Để bảo tồn di sản đôi khi phải biết "nói không" với du lịch

Là người gắn bó lâu năm với di sản văn hoá Huế, Kiến trúc sư Phùng Phu- Giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích Cố đô Huế (tỉnh Thừa Thiên- Huế) nhấn mạnh: bản thân di sản là một giá trị để phát triển. Chính vì thế bảo vệ di sản là phải bảo vệ những giá trị đích thực của nó. Bảo vệ di sản để phát triển du lịch cần có một cái nhìn tổng thể. KTS Phùng Phu ví von rằng, phải coi bảo vệ di sản và phát triển du lịch bền vững là làm cái bánh to, chứ không phải là nhiều cái bánh. Khi Festival Huế được tổ chức 2 năm một lần, thì lượng khách đến Phong Nha- Kẻ Bàng, Mỹ Sơn và Hội An tăng lên, nguồn thu tăng lên. Đó là sự kết nối, chứ không phải là sự dàn trải.

Người dân Quảng Nam giàu lên nhờ biết làm du lịch từ bảo tồn tốt các di sản là một thực tế. Theo ông Đinh Hài- Giám đốc Sở VHTTDL Quảng Nam, hơn 13 năm qua, người dân Hội An tham gia vào quá trình gìn giữ và phát huy di tích. Họ coi di sản Hội An là của chính họ, gắn bó với đời sống của chính họ. Theo kinh nghiệm của tỉnh Quảng Nam, phải xây dựng những qui định cụ thể cho du khách ở từng điểm di sản. Phải qui hoạch các vùng trong từng di sản cụ thể để có sự quản lý và bảo vệ phù hợp với từng di sản.

TS Trần Hữu Sơn- Giám đốc Sở VHTTDL Lào Cai cảnh báo: khách du lịch khi đến Sa Pa hoặc Tây Bắc thì họ đến với vẻ đẹp văn hoá nguyên sơ. Nếu chúng ta không giữ được nếp sống, phong tục, không kiểm soát tệ chèo kéo khách thì lượng du khách giảm nhiều. TS Trần Hữu Sơn nêu ví dụ cụ thể: ở Sa Pa có hai làng: ở Tả Phìn, du khách không quản lý được tốt, người dân làng ý thức cộng đồng chưa cao, chèo kéo khách mạnh thì lượng khách giảm xuống. Ngược lại ở Tả Van, nhờ phát triển du lịch cộng đồng và nhờ người dân tích cực hưởng ứng tham gia thì du khách lại tăng lên rất nhiều và tăng gần như gấp đôi với Tả Phìn.

Chính vì thế, bà Nguyễn Thị Hoa- Phó GĐ TT Triển lãm văn hoá nghệ thuật VN cho rằng: việc bảo tồn di sản và phát triển du lịch liên quan đến rất nhiều vấn đề. Bởi vì nhiều khi du lịch mà chúng ta làm không chuẩn, không thận trọng thì sẽ tác động xấu tới di sản. Lượng người đến đông mà dịch vụ phục vụ không tốt thì chắc chắn nó sẽ bị ảnh hưởng. Cho nên đây là cả một vấn đề tổng thể trong việc  giữ gìn những giá trị về di sản văn hoá, về di tích lịch sử, về danh lam thắng cảnh, về những cảnh đẹp của chúng ta. Bên cạnh đó cần sự vào cuộc hết sức đồng bộ cả về quản lý, môi trường, giao thông, dịch vụ, kể cả dịch vụ ăn uống, dịch vụ phục vụ... Tất cả những khâu này phải đồng bộ thì mới có thể gắn kết giữa du lịch và văn hoá.

PGS-TS Nguyễn Văn Huy- Giám đốc Trung tâm Di sản các nhà khoa học cho rằng các di sản của chúng ta muốn tồn tại được phải gắn với cộng đồng. Chính vì thế, để giải quyết tốt bài tóan giữa vảo tồn di sản và phát triển du lịch thì chúng ta phải làm cho những người dân trong cộng đồng được hưởng lợi từ di sản. Chỉ có việc gắn tốt với cộng đồng thì người ta mới bảo vệ di sản được tốt và từ đó du lịch mới khai tốt được.

Nói về sự kết hợp giữa bảo tồn di sản và phát triển du lịch ở các di tích, TS Lê Thị Minh Lý- Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát huy giá trị Di sản văn hóa (Hội Di sản văn hóa VN) cho rằng: Các di sản được khai thác khi các di sản ấy cho phép được tham quan, được giới thiệu khi nó không ảnh hưởng đến di sản. Có những di sản là vật thể thôi, nhưng nó nhạy cảm thì không thể có việc khối lượng khách tham quan đông được. Ví dụ như Hoàng thành thì khi được công nhận là di sản thế giới thì UNESCO cũng khuyến nghị cần phải cẩn thận với du lịch đại trà vì du lịch đại trà sẽ ảnh hưởng đến việc bảo tồn di sản. Hoặc Hội Gióng cũng vậy, khi Hội Gióng được công nhận thì chúng ta ngay lập tức nghĩ tới việc khai thác du lịch. Nhưng Hội Gióng là nghi lễ của một cộng đồng nhỏ và nghi lễ ấy chỉ thực sự có giá trị khi bản thân cộng đồng ấy thực hành theo đúng nghĩa của họ. Còn nếu như họ đã ý thức rằng họ đang thực hành để phục vụ du lịch thì câu chuyện ấy lại khác. Và không ai khác cộng đồng ấy sẽ tự nhiên làm sai lệch di sản của mình. Chính vì thế, di sản và du lịch là cả một câu chuyện hết sức là khó khăn để tìm ra bài tóan hợp lý, mà nhiều khi những người quản lý di sản cũng cần biết "nói không" với du lịch để bảo vệ di sản.

Mỗi di sản của của Việt Nam đòi hỏi một cách làm uyển chuyển và sáng tạo, bởi theo bà Katherin Muller-Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam, phải để các di sản "sống" trong thời kỳ hiện đại mà không bị “bóp méo”. Các di sản cần được quản lý và tổ chức tốt, như giới hạn số lượng du khách cụ thể thăm một địa điểm cụ thể. Điều quan trọng là tổ chức được cho các du khách đến và tham gia vào sự kiện đó.

Bà Bà Katherine Muller chia sẻ kinh nghiệm: Không thể có một giải pháp áp dụng cho tất cả các di sản, các địa danh. Nếu chúng ta làm thay đổi quá nhiều di sản, nó sẽ không còn là chính nó nữa và mất đi sự quan tâm của du khách với di sản. Chẳng hạn như với phố cổ Hội An hoặc phố cổ Hà Nội, nếu như chúng ta cố gắng đưa người dân ra khỏi các ngôi nhà của họ, chỉ còn lại những ngôi nhà cũ thì mối quan tâm với di sản của du khách sẽ sụt giảm, vì họ đến đó không chỉ để tìm hiểu di sản mà muốn quan sát cuộc sống của người dân diễn ra sống động ở đó. Điều quan trọng là phải nỗ lực để đạt được sự cân bằng trong trong việc gìn giữ, phát huy di sản và phát triển du lịch./.

- Mai Hồng -

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất