Bảo tàng được xem như một thiết chế văn hóa đặc biệt, đóng vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa của mỗi quốc gia. Thế nhưng, hệ thống bảo tàng của nước ta trong nhiều năm vẫn chưa tạo được sức hấp dẫn, mà nguyên nhân chính là do quy hoạch không đồng bộ và cung cách phục vụ chưa tốt.
Mặt khác, cũng phải nhìn nhận ở khía cạnh mặt bằng trình độ dân trí của xã hội chưa cao, lại phân bố không đều; mức sống nói chung còn thấp dẫn đến nhu cầu về văn hóa - tinh thần bị phân tán nhỏ lẻ, thiếu tập trung, chưa hình thành nhu cầu xã hội lớn đã phần nào ảnh hưởng đến sự phát triển của hệ thống bảo tàng.
Cụ thể hơn, vị trí xây dựng các bảo tàng ở trung tâm các khu đô thị, khu dân cư nhưng diện tích nhỏ hẹp, thiếu kiến trúc phong cảnh, chủ yếu tập trung phát triển kiến trúc công năng phục vụ công tác trưng bày. Nội dung trưng bày ở các bảo tàng địa phương về cơ bản lại gần giống nhau: Thiên nhiên-con người-lịch sử đấu tranh cách mạng... của địa phương và cả vùng đất, dẫn tới Bảo tàng Thái Bình giống Bảo tàng Hải Dương, giống Bảo tàng Nam Ðịnh, v.v. Một số chuyên gia nêu ý kiến nên có quy hoạch xây dựng Bảo tàng vùng. Thí dụ như Bảo tàng Bắc Bộ, Bảo tàng Bắc Trung Bộ, Bảo tàng Việt Bắc,... Với một số bảo tàng chuyên ngành vì nhiều nguyên nhân nên quy mô xây dựng nhỏ, mức đầu tư không lớn. Khả năng đáp ứng nhu cầu cho du khách hẹp. Chủ yếu phục vụ chuyên môn khoa học nên không thu hút số đông công chúng.
Nội dung trưng bày bảo tàng còn mang tính triển lãm, phô bày, giới thiệu..., chưa chú ý tính giáo dục, định hướng, thu hút thông qua cách trưng bày. Phương cách trưng bày mang tính "đây là" chứ chưa mang tính "cái gì?", "tại sao?"...Chủ yếu mới "trưng bày theo chuyên đề" chưa tập trung phát triển "trưng bày theo sự kiện". Bên cạnh đó, trình độ đội ngũ cán bộ chuyên môn còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu. Hiện nay những khối ngành văn hóa - nghệ thuật không thu hút những học sinh- sinh viên giỏi theo học và theo nghề.
Cơ chế, chính sách, luật pháp liên quan đến hoạt động văn hóa - xã hội trong đó có hoạt động bảo tàng khá đầy đủ nhưng lại thiếu cụ thể, tạo "khoảng trống" cho sự lách luật hoặc đôi khi cứng nhắc làm kìm hãm sự chủ động sáng tạo của các cá nhân và tập thể. Vì lẽ đó, nhiều bảo tàng phải "bung ra" làm dịch vụ. Nhiều dịch vụ không gắn gì với văn hóa - xã hội mà mang tính dân sinh, xô bồ...
Trên một mặt bằng chung như vậy, đã có một số bảo tàng tạo được dấu ấn riêng trong hoạt động, thu hút rất đông công chúng đến với các chương trình sinh hoạt chuyên đề sinh động và bổ ích. Sự mở rộng quan hệ, tầm nhìn với các bảo tàng các nước trên thế giới cũng đang giúp các bảo tàng và đội ngũ cán bộ chuyên môn có cách nhìn sâu và rộng hơn về phương pháp hoạt động bảo tàng trong đời sống hiện đại. Ðó là những hướng mở hiệu quả, hứa hẹn mang tới một diện mạo, vị trí ấn tượng hơn của hệ thống bảo tàng trong đời sống tinh thần xã hội.
Nguồn: Nhân Dân