Chủ Nhật, 15/12/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Sáu, 16/4/2010 19:30'(GMT+7)

Di sản V.I. Lênin trong thế giới ngày nay và sự nghiệp đổi mới ở Việt Nam

V.I.Lênin - người thầy của cách mạng vô sản, lãnh tụ vĩ đại của giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên toàn thế giới. Ảnh tư liệu

V.I.Lênin - người thầy của cách mạng vô sản, lãnh tụ vĩ đại của giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên toàn thế giới. Ảnh tư liệu

Thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Bộ Chính trị khóa X và Quyết định số 2218-QĐ/TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức các ngày lễ lớn trong 2 năm 2009-2010, hôm nay Học viện Chính tri-Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với các bộ ban ngành ở Trung ương, các học viện, nhà trường tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề:“Di sản V.I. Lênin trong thế giới ngày nay và sự nghiệp đổi mới ở Việt Nam”.

Đồng chí Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu kết luận Hội thảo


Chủ trì Hội thảo có các đồng chí: Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Nguyễn Đức Bình, Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Giám đốc Học viện chính trị- Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh; Lê Hữu Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị- Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh.

Hội thảo có sự tham gia của gần 300 nhà khoa học, các nhà lãnh đạo và quản lý, với 130 tham luận theo nhiều chủ đề phong phú. Tại Hội thảo đã có 10 tham luận trực tiếp.

Báo cáo đề dẫn tại Hội thảo, GS. TS Lê Hữu Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị- Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh nêu rõ: Nghiên cứu di sản Lênin để khẳng định những giá trị trường tồn và vận dụng vào công cuộc đổi mới toàn diện đất nước hiện nay là mục đích chính của Hội thảo này. Đây vừa là nhu cầu bức thiết của thực tiễn đổi mới vừa là vinh dự và trách nhiệm của chúng ta trong việc tiếp tục vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin. Đó là công việc to lớn và phức tạp cần có thời gian với sự hợp sức của nhiều người, nhiều ngành, nhiều giới. Trong khuôn khổ Hội thảo lần này, do điều kiện thời gian nên chúng ta cần tập trung thảo luận một số vấn đề chủ yếu sau đây:

- Những giá trị trường tồn trong di sản Lênin cả về tư tưởng, lý kuận, cả về nhân cách mẫu mực của Người trong thế giới ngày nay

- Trong điều kiện hiện nay, để tiếp tục đẩy mạnh toàn diện sự nghiệp đổi mới đất nước, những luận điểm nào, những quan điểm nào của Lênin cần được nghiên cứu để vận dụng, những cách thức, biện pháp để vận dụng sáng tạo những tư tưởng đó? Nên chăng, các vấn đề sau đây cần được tập trung thảo luận:

Thứ nhất, vận dụng tư tưởng của Lênin để nhận thức rõ hơn về mô hình CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam từ đó góp phần bổ sung cho các Văn kiện của Đại hội XI, đặc biệt là “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội”

Thứ hai, vận dụng và phát triển những quan điểm của Lênin về “Chính sách kinh tế mới” với tư cách là một hệ thống quan điểm cơ bản làm nền tảng và phương pháp luận cho sự nghiệp đẩy mạnh toàn diện sự nghiệp đổi mới hiện nay.

Thứ ba, vận dụng lý luận của Lênin về xây dựng Đảng kiểu mới của giai cấp công nhân để giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong sự nghiệp đổi mới.

Thứ tư, vận dụng và phát triển những quan điểm của Lênin để xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của dân, do dân, vì dân; phát triển nền dân chủ XHCN và phát huy tính tự giác, sáng tạo của nhân dân trong xây dựng CNXH.

Thứ năm, tiếp tục làm sâu sắc và rõ hơn những luận điểm của Lênin về thời đại ngày nay, về xu thế tất yếu đi lên CNXH của các quốc gia trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay.

Thứ sáu, tiếp tục thực hiện chủ nghĩa quốc tế XHCN và chỉ ra những biểu hiện mới của nó trong bối cảnh hiện đại.

Thứ bảy, đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống sự vu khống, xuyên tạc của các thế lực thù địch đối với di sản Lênin...

Sau khi nghe các tham luận trực tiếp tại Hội thảo, PGS.TS Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương kết luận: Hội thảo rất quan trọng này là một trong những hoạt động quan trọng, thiết thực nhằm kỷ niệm 140 năm ngày sinh của V.I.Lênin - người thầy của cách mạng vô sản, lãnh tụ vĩ đại của giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên toàn thế giới. Hội thảo là dịp để chúng ta bày tỏ lòng biết ơn và sự kính trọng sâu sắc đối với những cống hiến đặc biệt xuất sắc của Lênin cho sự nghiệp đấu tranh vì độc lập, tự do của các dân tộc, vì sự nghiệp giải phóng con người thoát khỏi nạn áp bức, bất công. Đây cũng là dịp để chúng ta nhận thức sâu sắc hơn về những giá trị bền vững trong di sản tư tưởng, lý luận phong phú cũng như nhân cách cao đẹp của một lãnh tụ vĩ đại nhằm tiếp tục vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin phục vụ sự nghiệp đổi mới đất nước hiện nay. Tại cuộc Hội thảo rất có ý nghĩa này, các nhà khoa học từ các lĩnh vực khác nhau, thông qua việc nghiên cứu sâu sắc di sản tư tưởng vĩ đại của Leenin đã tiếp tục khẳng định những cống hiến to lớn của Người trong việc bổ sung và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác; khẳng định tính chất và ý nghĩa thời đại để tiếp tục vận dụng di sản Lênin vào sự nghiệp đổi mới ở nước ta. Các công trình nghiên cứu công phu và nghiêm túc của nhiều nhà khoa học đã chỉ rõ giá trị to lớn trên nhiều mặt trong di sản Lênin đối với sự phát triển chủ nghĩa Mác, với sự nghiệp xây dựng CNXH hiện nay.

Đồng chí Tô Huy Rứa đặc biệt nhấn mạnh một số nội dung cơ bản sau:

Một là, về những cống hiến lý luận đặc sắc của Lênin đối với chủ nghĩa Mác

Lênin là người đã bảo vệ và phát triển toàn diện chủ nghĩa Mác trong thời đại ngày nay. Cả ba bộ phận cấu thành chủ nghĩa mác, gồm triết học, kinh tế chính trị và CNXH khoa học đều được Lênin bổ sung, phát triển với nhiều tư tưởng sâu sắc.

Lênin đã làm phong phú chủ nghĩa Mác trên nhiều phương diện: nhận thức luận về chủ nghĩa duy vật, nhất là chủ nghĩa duy vật lịch sử về định nghĩa vật chất, vấn đề chân lý tuyệt đối và chân lý tương đối, về thực tiễn và mối quan hệ giữa các phần này, định nghĩa về giai cấp, vấn đề nhà nước và cách mạng, nhận thức thời đại ngày nay… Lênin đã phát triển nhận thức về CNTB thời kỳ chủ nghĩa đế quốc; về quá trình hình thành CNTB ở Nga; về sự tồn tại khách quan của các thành phần kinh tế và tính không thuần nhất của sở hữu trong thời kỳ quá độ lên CNXH; về chế độ hợp tác, về vai trò và biện pháp công nghiệp hoá, cải tạo và phát triển nông nghiệp, thương nghiệp XHCN; về việc sử dụng động lực lợi ích trong quá trình xây dựng CNXH. Lênin là người vạch ra học thuyết lý luận về Đảng kiểu mới của giai cấp công nhân và xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức; lý luận cách mạng không ngừng và sự chuyển biến từ cách mạng dân chủ tư sản kiểu mới thành cách mạng XHCN, lý luận về nhà nước XHCN và cách mạng XHCN; về vai trò vĩ đại của quần chúng, mà nòng cốt là khối liên minh công - nông - trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng trong sự nghiệp xây dựng CNXH; Lênin đã bổ sung lý luận về vấn đề phân kỳ hình thái kinh tế - xã hội cộng sản chủ nghĩa và nội dung, đặc điểm, thực chất của thời kỳ quá độ lên CNXH; về vấn đề dân tộc và tôn giáo dưới CNXH; về chủ nghĩa quốc tế XHCN.v.v…

V.I.Lênin đã tỏ rõ bản lĩnh trong cuộc đấu tranh không khoan nhượng để bảo vệ sự trong sáng của chủ nghĩa Mác. Người đã đấu tranh chống ảnh hưởng của hệ tư tưởng tư sản, các biểu hiện của chủ nghĩa xét lại, cơ hội, sô vanh và vô chính phủ cùng chủ nghĩa giáo điều… Cuộc đấu tranh của Lênin chống lại các âm mưu, thủ đoạn xuyên tạc, bác bỏ chủ nghĩa Mác đã để lại nhiều giá trị khoa học và phương pháp luận quý báu cho chúng ta ngày nay.

Hai là, về giá trị chỉ đạo thực tiễn xây dựng CNXH và nhận thức thế giới đương đại

Trên tư cách nhà tư tưởng Mác xít sáng tạo, Lênin đã để lại nhiều chỉ dẫn rất quý báu cho các thế hệ cách mạng ngày nay về quá trình xây dựng CNXH hiện thực. Người đã khẳng định quan hệ biện chứng giữa tính phổ biến và tính đặc thù của con đường đi lên CNXH của các dân tộc; đã chỉ ra khả năng thắng lợi của cách mạng XHCN trong một nước là “khâu yếu của dây chuyền chủ nghĩa đế quốc”; mối quan hệ và điều kiện chuyển biến giữa cách mạng dân chủ tư sản kiểu mới với cách mạng XHCN. Người cũng chỉ rõ tính phổ biến của kinh nghiệm Cách mạng Tháng Mười Nga với nhiều nước như: giữ vững quuyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản, xác lập và hoàn thiện Nhà nước kiểu mới của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, đó là vấn đề cơ bản của cách mạng XHCN, sức sống của chế độ mới XHCN bắt nguồn từ tổ chức, xây dựng kinh tế-xã hội và phát triển dân chủ XHCN, xây dựng và phát huy vai trò to lớn của các tổ chức quần chúng trong cách mạng… Người cũng làm rõ bản chất, đặc điểm, nội dung và nhiệm vụ của thời kỳ quá độ lên CNXH ở các nước chưa qua chế độ TBCN. Đặc biệt, Chính sách kinh tế mới là một thành tựu lớn về lý luận đã thể hiện những quan điểm mới mẻ và khoa học của Lênin về CNXH và xây dựng CNXH. Những luận chứng của Lênin về “sự phát triển rút ngắn”, “về quá độ gián tiếp” tới CNXH, bỏ qua chế độ TBCN, về cải cách kinh tế, phát triển văn hoá, xây dựng thể chế dân chủ, xây dựng và chỉnh đốn Đảng trong chính sách kinh tế mới (NEP) đã chứng tỏ Lênin là nhà cách tân vĩ đại đầu tiên trong lịch sử CNXH hiện thực.

Lênin đã nêu ra các đặc điểm của chủ nghĩa đế quốc hiện đại; các đặc điểm của thời đại ngày nay; các quan điểm - nguyên tắc để giải quyết các vấn đề dân tộc, tôn giáo… Từ quá trình sáng lập và lãnh đạo Quốc tế cộng sản, Lênin đã nêu lên các nguyên tắc và biện pháp để thống nhất về chính trị, tư tưởng và hành động của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế hiện đại…

Ba là, về trí tuệ và nhân cách cao đẹp của Lênin

Từ di sản của Lênin và thông qua những nhận định, đánh giá của Chủ tịch Hồ Chí Minh về Lênin, Hội thảo còn khẳng định nhân cách cao đẹp của Lênin. Người đã cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp giải phóng giai cấp công nhân, nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới. Lênin là người đã vạch ra con đường giải phóng cho các dân tộc trong cuộc đấu tranh chống ách áp bức thống trị của CNĐQ, thực hiện quyền tự quyết của các dân tộc. Học thuyết lý luận của Lênin, thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga và thời đại mới đã có ảnh hưởng vô cùng to lớn và sâu sắc tới cách mạng Việt Nam. Người thật vĩ đại mà cũng thật giản dị, gần gũi. Nhân cách, đạo đức, tác phong của Lênin là tấm gương sáng để chúng ta noi theo.

Bốn là, về ý nghĩa thời đại của di sản Lênin và những vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu

Hội thảo đã khẳng định các giá trị thời đại từ di sản Lênin thật to lớn và phong phú. Tiếp tục vận dụng sáng tạo di sản ấy vào thực tiễn Đổi mới để xây dựng CNXH trong bối cảnh hiện nay vừa là trách nhiệm vừa là tình cảm của chúng ta đối với Lênin. Theo tinh thần đó, Hội thảo cũng đã đề cập đến những vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu để vận dụng sâu rộng và sáng tạo tư tưởng Lênin và sự nghiệp đổi mới toàn diện ở nước ta hiện nay. Trước hết, đó là tiếp tục nghiên cứu sâu và toàn diện di sản tư tưởng của Lênin để giải quyết những nhiệm vụ đặt ra từ thực tiễn đổi mới. Làm rõ những sáng tạo của Đảng ta trong quá trình vận dụng di sản tư tưởng - lý luận của Lênin, chủ nghĩa Mác-Lênin, vào sự nghiệp xây dựng CNXH ở Việt Nam. Nghiên cứu và chỉ ra những điểm cơ bản có giá trị lâu bền, những vấn đề cần phát triển cho phù hợp với điều kiện hiện nay và cả những nội dung cần nhận thức lại do hiểu chưa đầy đủ tư tưởng Lênin… Đó là thái độ khoa học đối với di sản của Người.

Một trong những vấn đề được Hội thảo quan tâm là, hiện nay vẫn có những thế lực bằng mọi cách để phủ nhận, xuyên tạc chủ nghĩa Mác-Lênin. Đấu tranh chống các tư tưởng sai trái và bảo vệ sự trong sáng của chủ nghĩa Mác-Lênin là một đòi hỏi có tính quy luật của cuộc đấu tranh giai cấp trên bình diện tư tưởng - lý luận. Đây là một phương diện cần được quan tâm và tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa trong việc vận dụng, phát triển và bảo vệ chủ nghĩa Mác-Lênin.

Hiện nay toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang tích cực triển khai nhiều nhiệm vụ quan trọng để chuẩn bị cho đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng. Di sản của Lênin đã và sẽ vẫn là một trong những nền tảng chính trị, tư tưởng và phương pháp luận cho mọi hành động của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Trung thành và vận dụng sáng tạo tư tưởng khoa học và cách mạng của Lênin là để “Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại”./.

Đức Anh

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất