Thứ Sáu, 27/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Sáu, 13/8/2010 10:27'(GMT+7)

Di sản văn hóa phi vật thể trước thời điểm kiểm kê

Đội Cồng chiêng Mrong Yo, Gia Lai

Đội Cồng chiêng Mrong Yo, Gia Lai

Đây có thể xem là “chìa khóa” để các tổ chức, cơ quan chức năng và cá nhân tổ chức tham gia kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể và lập hồ sơ khoa học để đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Công bố và báo cáo kết quả kiểm kê hằng năm

Thông tư số 04/2010/TT-BVHTTDL “Quy định việc kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể và lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể để đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia” bao gồm 3 chương, 14 điều được ban hành ngày 30.6.2010 và có hiệu lực thi hành từ ngày 15.8 tới.

Thông tư áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân VN; cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài và người VN định cư ở nước ngoài tham gia kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể (DSVHPVT) để đưa vào Danh mục DSVHPVT quốc gia tại VN.

Về kiểm kê DSVHPVT, Thông tư xác định rõ đối tượng là DSVHPVT đang tồn tại bao gồm: tiếng nói, chữ viết của các dân tộc VN; ngữ văn dân gian; nghệ thuật trình diễn dân gian; tập quán xã hội; lễ hội truyền thống; nghề thủ công truyền thống và tri thức dân gian.

Như vậy, đối tượng kiểm kê DSVHPVT là khá rộng. Vì thế, công việc kiểm kê DSVHPVT càng đòi hỏi phải thu thập thông tin thật cụ thể, đầy đủ. Đơn cử như với DSVHPVT có nhiều tên gọi khác nhau thì phải xác định tên thường gọi và các tên gọi khác, địa danh nơi DSVHPVT tồn tại ở nhiều địa phương khác nhau thì phải ghi cụ thể đến cấp phường, xã, thị trấn.

Quan trọng hơn, công tác kiểm kê DSVHPVT cần xác định giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học và vai trò của DSVHPVT đối với đời sống cộng đồng hiện nay. Từ đó, có thể đề xuất biện pháp bảo vệ DSVHPVT trong môi trường tương thích...

Thông tư cũng đề cập rõ đến quy trình tổ chức kiểm kê; lập hồ sơ kiểm kê; phương pháp kiểm kê DSVHPVT...

Có thể khẳng định, Thông tư vừa chi tiết lại mang tính vĩ mô về kiểm kê DSVHPVT hoàn toàn có thể đưa đến cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân có một “chìa khóa” để tham gia kiểm kê DSVHPVT một cách khoa học và ngược lại cũng có thể đem đến cho các nhà quản lý văn hóa, nhà nghiên cứu một cách nhìn mang tính hệ thống hóa về DSVHPVT ở khắp mọi miền cả nước.

Đáng chú ý, theo quy định của Thông tư, Giám đốc Sở VHTTDL ở các địa phương phải có trách nhiệm báo cáo với Chủ tịch UBND cấp tỉnh về kết quả kiểm kê và công bố kết quả kiểm kê. Kết quả kiểm kê ở địa phương, Giám đốc Sở VHTTDL các địa phương cũng phải có trách nhiệm báo cáo Bộ trưởng Bộ VHTTDL trước ngày 31.10 hằng năm.

Di sản nào được đưa vào Danh mục DSVHPVT quốc gia?

Một trong những vấn đề được dư luận thời gian qua rất quan tâm là  làm thế nào để vinh danh DSVHPVT cấp quốc gia? Liên quan đến việc lập và thẩm định hồ sơ khoa học DSVHPVT để đưa vào Danh mục DSVHPVT quốc gia, Thông tư quy định rõ những tiêu chí lựa chọn DSVHPVT để lập hồ sơ khoa học.

Theo đó, DSVHPVT được lập hồ sơ khoa học phải có đủ 4 tiêu chí. Đó là DSVHPVT có tính đại diện, thể hiện bản sắc của cộng đồng, địa phương; phản ánh sự đa dạng văn hóa và sự sáng tạo của con người, được kế tục qua nhiều thế hệ. Ngoài ra, DSVHPVT được xây dựng hồ sơ phải có khả năng phục hồi và tồn tại lâu dài; được cộng đồng đồng thuận, tự nguyện đề cử và cam kết bảo vệ.

Vinh danh DSVHPVT là một việc làm thiết thực và ý nghĩa nhưng hơn thế, vinh danh di sản sao cho có hiệu quả thì hơn hết DSVHPVT ấy phải được cộng đồng đồng thuận, tự nguyện đề cử và cam kết bảo vệ.

Có như vậy thì DSVHPVT mới được chủ thể văn hóa trân trọng, vừa biết giữ gìn bảo vệ lại vừa có thể phát huy giá trị và tiếp tục sáng tạo những giá trị mới cho di sản trong đời sống, môi trường đang tồn tại và cả trong tương lai.

Trong những năm qua, nhiều DSVHPVT của VN đã được UNESCO vinh danh như Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên, Nhã nhạc Cung đình Huế, Quan họ và Ca trù. Điều đó cho thấy chủ thể văn hóa cũng như công tác quản lý, gìn giữ và phát huy giá trị DSVHPVT của chúng ta đang đi đúng hướng.

Mặt khác, qua quá trình xây dựng hồ sơ, trải qua các bước đệ trình và được UNESCO công nhận, vinh danh cũng đã đem đến cho chúng ta những kinh nghiệm trong công tác lập hồ sơ, trình tự lập và gửi xét duyệt hồ sơ khoa học DSVHPVT.

Về trình tự, thủ tục và gửi hồ sơ khoa học DSVHPVT để đề nghị đưa vào Danh sách DSVHPVT quốc gia, Thông tư nêu rõ, Giám đốc Sở VHTTDL tổ chức lập hồ sơ khoa học trình Chủ tịch UBND cấp tỉnh để đề nghị Bộ trưởng Bộ VHTTDL đưa vào Danh mục DSVHPVT quốc gia.

Hồ sơ khoa học DSVHPVT bao gồm: lý lịch DSVHPVT; ảnh; bản ghi hình; bản ghi âm; bản đồ phân bố vị trí DSVHPVT; tư liệu khảo sát điền dã liên quan; bản cam kết bảo vệ và phát huy giá trị DSVHPVT của cá nhân hoặc đại diện nhóm, cộng đồng chủ thể văn hóa; văn bản của Sở VHTTDL trao quyền sử dụng các tài liệu kèm theo hồ sơ khoa học DSVHPVT cho Bộ VHTTDL; danh mục hồ sơ.

Cùng với các mẫu phiếu kiểm kê, lý lịch DSVHPVT... có thể nói trình tự, thủ tục lập và gửi hồ sơ khoa học DSVHPVT để đề nghị đưa vào Danh sách DSVHPVT quốc gia đã kế thừa và rất sát với yêu cầu, quy trình của UNESCO với DSVHPVT mà các quốc gia đệ trình xét vinh danh DSVHPVT thế giới.

Phúc Nghệ-Vanhoa0

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất