Thứ Sáu, 27/9/2024
Văn hóa
Thứ Sáu, 4/11/2016 9:3'(GMT+7)

“Di sản Việt Nam - Góc nhìn mới”: Thể nghiệm mới trong bảo tồn di sản Việt

Bức tượng Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn phục dựng thu nhỏ (Ảnh: TA)

Bức tượng Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn phục dựng thu nhỏ (Ảnh: TA)

“Di sản Việt Nam - Góc nhìn mới” là tên chủ đề triển lãm mỹ thuật vừa được khai mạc vào tối 03/11 tại Trung tâm giao lưu văn hóa phố cổ (50 Đào Duy Từ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Triển lãm do Hội Quán Di Sản và Circle Group tổ chức dưới sự phối hợp và bảo trợ của Hội sử học Việt Nam, Liên hiệp Club Unesco Hà Nội.

Nhà nghiên cứu lịch sử Dương Trung Quốc đánh giá cao sự sáng tạo của Hội quán Di sản và nhóm Cirle Group, cho rằng: "Chúng ta có một kho tàng di sản, nhưng trong đời sống hàng ngày, chúng ta lại vay mượn rất nhiều yếu tố trang trí của nước ngoài. Hội quán Di sản và nhóm Cirle Group đã đưa những nét đẹp của các di sản vào cuộc sống thông qua các sáng tạo, các thử nghiệm của mình".

 
 Tác phẩm Thông điệp ngàn năm (Ảnh: TA)

Những thể nghiệm mới mẻ về di sản Việt Nam thông qua các mẫu thiết kế được tạo thành từ việc thu nhỏ những bức tượng cổ nổi tiếng của Việt Nam như: tượng Phật A-di-đà ở chùa Phật Tích (Bắc Ninh), tượng Tuyết Sơn ở chùa Tây Phương...; thu nhỏ những bước tượng, những mô-tip trang trí trong di tích Việt như: cột đá chùa Dạm (Bắc Ninh), đầu rồng, phù điêu, bộ thờ... để có thể sử dụng làm tượng thờ, làm đồ trang trí ở những nơi trang trọng trong gia đình hoặc đền chùa...Đây là một hướng đi mới đầy sáng tạo vừa có tính bảo tồn các di sản văn hóa, quảng bá hình ảnh các di sản đặc sắc của Việt Nam ra với thế giới, vừa tạo ra những sản phẩm có giá trị nghệ thuật cao.

Trước kia chúng ta thường quen với các tượng Phật, các tích truyện của nước ngoài trong thờ cúng, trong làm các đồ trang trí như bình phong, các tranh tứ quý,... mà vô hình quên mất chúng ta cũng có bề dầy lịch sử hàng ngàn năm văn hóa trầm tích với những tượng, đình, đền, mẫu vật mang nét kiến trúc thuần Việt, có đặc trưng văn hóa riêng đặc sắc.


 Nhà nghiên cứu lịch sử Dương Trung Quốc (giữa) tham quan buổi triển lãm (Ảnh: Tuấn Anh)

Chính bởi vậy, Triển lãm là dấu ấn đậm nét nhằm giới thiệu  tới công chúng những sản phẩm tiêu biểu được phục dựng, mô phỏng, thiết kế từ những bảo vật quốc gia, những hiện vật tiêu biểu của từng triều đại phong kiến Việt Nam. Tại triển lãm, lần đầu tiên công chúng trong và ngoài nước được thưởng ngoạn “Pho tượng Phật hoàng gia” - bảo vật Quốc gia tượng A-Di-Đà được phục dựng hoàn chỉnh với tỉ lệ nhỏ nhất. Cũng trong triển lãm này, những đồ án đồ gỗ nội thất mang dấu ấn thời Lý, thời Trần, thời Lê, thời Mạc... sẽ lần đầu tiên ra mắt trong bộ sưu tập. Bên cạnh đó là hàng loạt những sản phẩm có tính ứng dụng cao dựa trên nền tảng chất liệu sơn mài, gỗ, đồng..  là những hoa văn,  họa tiết đặc trưng Việt Nam.

Triển lãm cũng giới thiệu bức tranh "Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ" - mô tả Sơ tổ của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử xuống núi - được chuyển thể sang tranh gỗ khảm ốc, bình gỗ tranh trí khảm ốc.

Trong khuôn khổ của triển lãm, buổi tọa đàm về Bảo vật quốc gia tượng A-di-đà chùa Phật Tích và tọa đàm về Mỹ thuật truyền thống ứng dụng vào sản phẩm mỹ thuật công nghiệp cũng sẽ diễn ra tại Hà Nội./.

Nhật Minh

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất