Chủ Nhật, 24/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Hai, 31/10/2016 9:44'(GMT+7)

Xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm là trung tâm văn hóa, du lịch đặc sắc của cả nước

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Qua 5 năm triển khai thực hiện, các chỉ tiêu đề ra cơ bản đạt và vượt kế hoạch, tiếp tục khẳng định Thừa Thiên Huế xứng tầm là trung tâm văn hoá đặc sắc của cả nước.

Nhiều sự kiện chính trị, văn hóa, hoạt động văn hóa nghệ thuật mang tầm quốc gia và quốc tế đã được tổ chức thành công, tiêu biểu như: Các kỳ Festival Huế, Festival Nghề truyền thống; Liên hoan Múa quốc tế lần thứ nhất 2014; Liên hoan Hợp xướng quốc tế 2012; Liên hoan Xiếc quốc tế 2016, Lễ hội tôn vinh Ca Huế “Âm sắc Hương Bình”, chương trình “Huế dịu dàng - Về miền Hương ngự”, Ngày hội khinh khí cầu quốc tế; Năm Du lịch quốc gia duyên hải Bắc Trung bộ - Huế 2012, Hội nghị Bộ trưởng Văn hóa Nghệ thuật ASEAN+3 và đón nhận danh hiệu Thành phố Văn hóa ASEAN... Tổ chức quảng bá văn hóa Huế tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và ở một số quốc gia.

Công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa được quan tâm triển khai đồng bộ; Thừa Thiên Huế là địa phương đầu tiên trong cả nước tiến hành kiểm kê các di tích và hiện vật trên địa bàn. Tỉnh cũng đã chú trong triển khai xây dựng các Đề án, đề tài nghiên cứu khoa học về Quy hoạch Khảo cổ học, Quy hoạch di tích, Đề án “Xây dựng nếp sống văn minh đô thị và nông thôn trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, Đề án phát triển thể thao thành tích cao ...

Thừa Thiên Huế đã phát huy tốt lợi thế so sánh để xứng tầm là trung tâm du lịch của cả nước

Tỉnh đã tổng thể phát triển du lịch Thừa Thiên Huế giai đoạn 2013-2030; xây dựng và triển khai thực hiện Nghị quyết số 92/NQ-CP ngày 8/12/2014 của Chính phủ về một số giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới, tăng cường các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch; đã phối hợp để huy động các nhà đầu tư có thương hiệu mạnh đến triển khai các dự án trên địa bàn. Huy động các doanh nghiệp tham gia mở đường bay Huế - Bangkok; Huế - Đà Lạt, Huế - Cam Ranh; phối hợp đón các tàu du lịch lớn cập cảng Chân Mây, tổ chức các doanh nghiệp tham gia mở và duy trì đường bay nội địa... Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011 - 2015 là 10,83% về lượt khách tham quan du lịch. Tổng doanh thu du lịch đạt tốc độ tăng bình quân 15%/năm. 

Công tác phối hợp, ký kết các văn bản thỏa thuận hợp tác với các trung tâm du lịch lớn trong cả nước và một số tỉnh, thành phố dọc tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây được chú trọng triển khai có hiệu quả. Với các tour du lịch đặc trưng “Một địa phương - ba điểm đến”, “Con đường di sản miền Trung”… liên kết 3 địa phương Quảng Nam - Đà Nẵng - Thừa Thiên Huế có vai trò quan trọng cho sự phát triển của du lịch khu vực Duyên hải miền Trung nói riêng và Việt Nam nói chung, từng bước định vị thương hiệu du lịch vùng của ba địa phương với các sản phẩm đa dạng và chất lượng.  

Công tác xúc tiến quảng bá du lịch được đẩy mạnh, đa dạng hóa các kênh thông tin, khai thác lợi thế của hệ thống thông tin đại chúng, các website, mạng xã hội nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Xúc tiến, quảng bá ở một số thị trường trọng điểm. Tổ chức đón đoàn famtrip, presstrip gồm các doanh nghiệp lữ hành, báo chí, truyền hình, Hiệp hội Du lịch của các địa phương trong và ngoài nước đến khảo sát các tour, tuyến điểm du lịch và các cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. 

Công tác gắn kết chặt chẽ giữa văn hoá với du lịch, du lịch với văn hoá  được xác định là yếu tố then chốt để thúc đẩy du lịch Thừa Thiên Huế phát triển. Nhiều sản phẩm du lịch mới như: du lịch tâm linh với các chùa cổ, quốc tự: Thiên Mụ, Diệu Đế, Túy Vân, đền thờ Huyền Trân công chúa; du lịch văn hóa: hệ thống nhà cổ Phú Mộng, Kim Long, du lịch cộng đồng: làng cổ Phước Tích, cầu ngói Thanh Toàn…

Công tác xây dựng, phát triển nguồn nhân lực về văn hoá, du lịch được chú trọng. Với lợi thế của vùng đất là trung tâm giáo dục - đào tạo đa ngành đa lĩnh vực, trên địa bàn tỉnh có Học viện Âm nhạc Huế, Trường Cao đẳng Nghề Du lịch, Trường Trung học Văn hóa - Nghệ thuật và các khoa của Đại học Huế hàng năm cung cấp nguồn nhân lực được qua đào tạo đông đảo cho lĩnh vực văn hóa, du lịch.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch được triển khai thường xuyên; phối hợp tổ chức Hội thi tay nghề quốc gia, lớp trao đổi kỹ năng ứng xử với khách du lịch cho tiểu thương các chợ; tập huấn nghiệp vụ du lịch cho lái xe xích lô, taxi, lái thuyền và nhân viên một số cơ sở dịch vụ phục vụ du lịch trên địa bàn; bồi dưỡng kiến thức định kỳ cho hướng dẫn viên du lịch theo quy định của Luật Du lịch, bồi dưỡng nghiệp vụ khách sạn cho các cán bộ quản lý, giám đốc các cơ sở lưu trú vừa và nhỏ, bồi dưỡng nghiệp vụ kỹ thuật phục vụ phòng…

Các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với triển khai đề án xây dựng nếp sống văn minh đô thị và nông thôn; công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa; tổ chức tốt các hoạt động văn hóa, lễ hội truyền thống, khai thác sản phẩm du lịch, các lễ hội cộng đồng gắn với đẩy mạnh phát triển du lịch ở từng địa phương trong tỉnh...

Công tác thanh tra, kiểm tra được tiến hành và xử lý đúng luật. Đã tịch thu và tiêu hủy nhiều VCD, DVD bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu không dán nhãn kiểm soát; buộc tháo dỡ các băng rôn, pano, bảng quảng cáo sai quy định; xử phạt vi phạm hành chính ở các lĩnh vực kinh doanh dịch vụ văn hóa, hướng dẫn viên du lịch và kinh doanh lữ hành, lưu trú du lịch. Phát hiện, tịch thu và tiêu hủy một số bản đồ không thể hiện địa giới hành chính của 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Tiếp nhận và giải quyết các đơn thư phản ánh, kiến nghị của tổ chức, công dân, không để tồn đọng, kéo dài. 

Nhìn chung, các chỉ tiêu trong nghị quyết 06 của Tỉnh ủy đã thực hiện đạt và vượt 4/7 chỉ tiêu của Nghị quyết 06-NQ/TU đề ra đến năm 2016. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số khó khăn, đó là: Công tác phối hợp đảm bảo hoạt động của môi trường văn hóa du lịch trên địa bàn tỉnh chưa đồng bộ; Một số thiết chế văn hóa ở địa phương chưa được đầu tư khai thác hiệu quả; tỷ lệ xã, phường, thị trấn có nhà văn hóa đạt 39,5%; thôn bản, tổ dân phố có nhà sinh hoạt cộng đồng đạt 53,6%, tỷ lệ này tuy có chuyển biến nhưng vẫn thuộc vào nhóm các tỉnh còn thấp so với cả nước; Việc trùng tu các di tích lịch sử cách mạng, hệ thống kho bảo quản hiện vật chưa được đầu tư đúng yêu cầu.; Việc xây dựng sản phẩm du lịch còn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của vùng; chưa có các điểm mua sắm, vui chơi, giải trí để phục vụ các đoàn khách đi với số lượng lớn (khách các tàu biển, theo tour, tuyến...).

Để thực hiện tốt hơn Nghị quyết 06-NQ/TU của Tỉnh ủy trong thời gian tới, cần sự quan tâm nỗ lực của các cấp, các ngành trong tỉnh nhằm đưa Thừa Thiên Huế tiếp tục là trung tâm văn hóa, du lịch đặc sắc của cả nước, thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam, thành phố văn hóa ASEAN./.

Châu Thu Hà 
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế

 
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất