Thứ Hai, 9/12/2024
Lý Luận
Thứ Bảy, 5/12/2020 11:2'(GMT+7)

Địa vị chính trị, kinh tế, xã hội của giai cấp công nhân Việt Nam hiện nay và kiến nghị Đại hội XIII của Đảng

ĐỊA VỊ CHÍNH TRỊ, KINH TẾ, XÃ HỘI CỦA GIAI CẤP CÔNG NHÂN VIỆT NAM - LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN

1. Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện luôn nhất quán, kiên định lập trường, quan điểm về vai trò, sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân Việt Nam. Ngay trong những tác phẩm lý luận đầu tiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định mối quan hệ máu thịt giữa Đảng Cộng sản và giai cấp công nhân: “Đảng là đội tiên phong của vô sản giai cấp, phải thu phục cho được đại bộ phận giai cấp mình, phải làm cho giai cấp mình lãnh đạo được dân chúng”(1). Vận dụng, phát triển sáng tạo nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin về sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, và từ thực tiễn cách mạng Việt Nam, Người nhiều lần khẳng định: “Lại là vì giai cấp tiên tiến nhất trong sức sản xuất, gánh trách nhiệm đánh đổ chế độ tư bản và đế quốc, để xây dựng một xã hội mới, giai cấp công nhân có thể thấm nhuần một tư tưởng cách mạng nhất, tức là chủ nghĩa Mác - Lênin. Đồng thời tinh thần đấu tranh của họ ảnh hưởng và giáo dục các tầng lớp khác. Vì vậy, về mặt chính trị, tư tưởng, tổ chức và hành động, giai cấp công nhân đều giữ vai trò lãnh đạo”(2). Bước vào thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1946 - 1954), Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, mà xa rời sự lãnh đạo của giai cấp công nhân và của Đảng, là một điều không thể tưởng tượng”(3).

Trong suốt 90 năm lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam  trước sau như một kiên định đứng vững trên lập trường giai cấp công nhân; khẳng định địa vị lãnh đạo của giai cấp công nhân trên các lĩnh vực của đời sống xã hội; nhấn mạnh quan hệ không thể tách rời giữa Đảng và giai cấp theo nguyên lý Hồ Chí Minh: “Giai cấp mà không có Đảng lãnh đạo thì không làm cách mạng được. Đảng mà không có giai cấp công nhân cũng không làm được gì”(4). Tư tưởng, quan điểm của Đảng được thể hiện xuyên suốt trong văn kiện các đại hội Đảng, các hội nghị Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư các khóa, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 6 khóa IX, năm 2008 về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

Nghị quyết Trung ương 6 khóa IX đã xác định rõ địa vị của giai cấp công nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Về địa vị chính trị, giai cấp công nhân là giai cấp lãnh đạo cách mạng thông qua đội tiên phong là Đảng Cộng sản Việt Nam; là lực lượng tiên phong trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội; Về địa vị kinh tế, giai cấp công nhân đại diện cho phương thức sản xuất tiên tiến; lực lượng đi đầu trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế; Về xã hội, giai cấp công nhân là lực lượng xã hội to lớn, đang phát triển; là lực lượng nòng cốt trong liên minh giai cấp với giai cấp nông dân, đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng(5).

Nghị quyết Trung ương 6 khóa IX nhấn mạnh: xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị, của mỗi người công nhân và toàn xã hội. 

Trên cơ sở đánh giá toàn diện tình hình giai cấp công nhân qua hơn 20 năm đổi mới, Nghị quyết đã chỉ rõ quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục xây dựng, phát huy vai trò, địa vị của giai cấp công nhân, tạo điều kiện tiên quyết bảo đảm thành công của công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước(6). Hơn một thập kỷ đã đi qua, Nghị quyết Trung ương 6 khóa IX vẫn còn nguyên giá trị định hướng, dẫn dắt quá trình tiếp tục xây dựng, phát huy vai trò giai cấp công nhân nước ta trong thời kỳ phát triển mới.

Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XII, nhiệm kỳ 2018 - 2023 ra mắt tại Đại hội

Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XII, nhiệm kỳ 2018 - 2023 ra mắt tại Đại hội

2. Qua gần 35 năm đổi mới, hơn 12 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa IX, giai cấp công nhân Việt Nam đã lớn mạnh về số lượng, trưởng thành về chất lượng và khẳng định, phát huy vai trò, địa vị của mình trong thực tiễn xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Về chính trị, giai cấp công nhân thật sự là chủ thể quan trọng trong đời sống chính trị của đất nước; phát huy vai trò lãnh đạo thông qua Đảng cầm quyền; phát huy quyền làm chủ thông qua Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, tổ chức công đoàn và các tổ chức chính trị - xã hội .

Về kinh tế, giai cấp công nhân đóng vai trò quan trọng trong đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa; từng bước nâng cao năng suất lao động,  chất lượng, sức cạnh tranh của nền kinh tế, của doanh nghiệp và sản phẩm; đóng góp to lớn nâng cao tiềm lực kinh tế đất nước(7).Tuy chỉ chiếm tỷ lệ trên 14% dân số, 27% lực lượng lao động xã hội, song hằng năm  giai cấp công nhân Việt Nam đã tạo ra trên 65% giá trị tổng sản phẩm xã hội và hơn 70% ngân sách nhà nước(8).

Về xã hội, giai cấp công nhân với bản lĩnh cách mạng và tính tích cực chính trị - xã hội thật sự là nòng cốt của khối đại đoàn kết toàn dân trên cơ sở liên minh công nhân, giai cấp nông dân, đội ngũ trí thức xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng; góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, tiến bộ.

Tuy nhiên, do trình độ phát triển kinh tế - xã hội  đất nước còn thấp, do những hạn chế chậm được khắc phục trong lãnh đạo, quản lý của Đảng, Nhà nước, hoạt động của công đoàn và các tổ chức của hệ thống chính trị và do những hạn chế của bản thân giai cấp công nhân trong quá trình phát triển, vai trò, địa vị của giai cấp công nhân chưa được phát huy đầy đủ. Còn nhiều vấn đề lý luận, thực tiễn cần tiếp tục làm rõ và thực hiện tốt hơn để tiếp tục xây dựng, phát huy đầy đủ, hiệu quả vai trò, địa vị của giai cấp công nhân, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới.

ĐẠI HỘI XIII CỦA ĐẢNG - NHỮNG ĐỊNH HƯỚNG QUAN TRỌNG VÀ MỘT SỐ ĐỀ XUẤT, KIẾN NGHỊ

1. Đại hội XIII của Đảng có tầm quan trọng đặc biệt đối với sự phát triển của đất nước từ nay đến năm 2025, 2030, tầm nhìn đến 2045 gắn với hai sự kiện trọng đại: 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và 100 năm thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Các dự thảo văn kiện trình Đại hội được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, khoa học, có  nhiều điểm mới, điểm nhấn, trong đó có những nội dung quan trọng liên quan đến vấn đề tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò, địa vị của giai cấp công nhân trong thời kỳ mới. Nội dung dự thảo các văn kiện, nhất là văn kiện trung tâm - Báo cáo Chính trị đề cập đến vấn đề này trên hai khía cạnh: 1) Giai cấp công nhân với tư cách là một bộ phận quan trọng trong nhân dân; 2) Giai cấp công nhân với tư cách là một lực lượng xã hội to lớn, đang phát triển, có địa vị đặc biệt.

Ở khía cạnh thứ nhất, dự thảo các văn kiện, đặc biệt là dự thảo Báo cáo Chính trị, đề cao vai trò, quyền làm chủ và chăm lo đời sống của nhân dân nói chung, của giai cấp công nhân nói riêng. Đúc kết bài học kinh nghiệm từ thực tiễn đổi mới, trực tiếp là 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, dự thảo Báo cáo Chính trị nhấn mạnh: quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc quan điểm “dân là gốc”, nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân; lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu, củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa. Về định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030, dự thảo Báo cáo Chính trị chỉ rõ: bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; xây dựng môi trường văn hóa, đạo đức xã hội lành mạnh, văn minh; quan tâm đến mọi người dân, bảo đảm chính sách lao động, việc làm, thu nhập, thực hiện tốt an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, không ngừng cải thiện toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Đề cập đến vấn đề bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa trong phát triển kinh tế thị trường, giải quyết tốt quan hệ Nhà nước - thị trường - xã hội, dự thảo xác định: các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội có vai trò tạo sự liên kết, phối hợp họat động, giải quyết những phát sinh giữa các thành viên, bảo vệ lợi ích của các thành viên trong quan hệ với các chủ thể, đối tác khác; phản ánh nguyện vọng, lợi ích của các tầng lớp nhân dân với Nhà nước; giám sát các cơ quan và đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước trong việc thực thi pháp luật. Những định hướng nêu trên là đúng đắn, có ý nghĩa sâu sắc đối với việc chăm lo bồi dưỡng sức dân, phát huy vai trò, quyền làm chủ của nhân dân, trong đó, đặc biệt phù hợp với yêu cầu bảo đảm, phát huy địa vị của giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn.

Ảnh minh họa

Các dự thảo văn kiện trình Đại hội được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, khoa học, có  nhiều điểm mới, điểm nhấn, trong đó có những nội dung quan trọng liên quan đến vấn đề tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò, địa vị của giai cấp công nhân trong thời kỳ mới. 

 

Ở khía cạnh thứ hai, dự thảo Báo cáo Chính trị xác định ba vấn đề vừa cơ bản, vừa cấp thiết về xây dựng, phát huy vai trò giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn.

Một là, phát triển giai cấp công nhân cả về số lượng và chất lượng, trọng tâm là nâng cao bản lĩnh chính trị, nhận thức chính trị, tư tưởng, trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Hai là, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, nhà ở, phúc lợi xã hội cho công nhân, người lao động; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân.

Ba là, đổi mới tổ chức và hoạt động của công đoàn với ba yêu cầu: 1) phù hợp với biến đổi cơ cấu lao động, nhu cầu của công nhân và yêu cầu hội nhập quốc tế; 2) lấy nhu cầu, lợi ích hợp pháp, chính đáng của tập thể công nhân làm cơ sở cho hoạt động; 3) định hướng, quản lý tốt sự ra đời, hoạt động của các tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp.

Những định hướng lớn từ cả hai khía cạnh nêu trên phù hợp với đòi hỏi khách quan của quá trình tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân, tổ chức công đoàn Việt Nam trong bối cảnh mới; phù hợp với nguyện vọng của công nhân, lao động và cán bộ, đoàn viên công đoàn Việt Nam hiện nay.

2. Để hoàn thiện dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII, đặc biệt là dự thảo Báo cáo Chính trị, nhằm phát triển mạnh mẽ giai cấp công nhân, tổ chức công đoàn; bảo đảm, bảo vệ, phát huy hiệu quả hơn vai trò, địa vị của giai cấp công nhân Việt Nam trước tình hình, nhiệm vụ mới, cần thiết đề xuất, kiến nghị một số vấn đề sau đây:

Thứ nhất, các văn kiện Đại hội cần quán triệt và thể hiện đậm nét hơn tư tưởng Hồ Chí Minh về giai cấp công nhân, công đoàn và tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 khóa IX về  xây dựng giai cấp công nhân trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Những quan điểm, định hướng rất sâu sắc về vai trò, địa vị của giai cấp công nhân trong cách mạng xã hội chủ nghĩa, trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; về mối quan hệ máu thịt giữa giai cấp công nhân với Đảng, giữa Đảng với giai cấp công nhân và những quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân, cho đến hôm nay và trong giai đoạn sắp tới vẫn là kim chỉ nam về nhận thức và hành động của Đảng, của hệ thống chính trị và bản thân giai cấp công nhân trên con đường phấn đấu xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Thứ hai, trong nội dung về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức, cán bộ, cần nhấn mạnh yêu cầu giữ vững và phát huy bản chất giai cấp công nhân; xây dựng tư tưởng, lập trường, đạo đức, ý thức tổ chức, kỷ luật của giai cấp công nhân; chú trọng bồi dưỡng kết nạp những công nhân ưu tú vào Đảng và quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí thành cán bộ chủ chốt các cấp.

 Cần đẩy mạnh tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận về giai cấp công nhân trong thời kỳ mới; chú trọng giáo dục, tuyên truyền trong Đảng, trong hệ thống chính trị và toàn xã hội về vai trò, sứ mệnh lịch sử, truyền thống vẻ vang của giai cấp công nhân Việt Nam; hình thành nhận thức chung về yêu cầu, trách nhiệm toàn Đảng, cả hệ thống chính trị, toàn xã hội chung tay xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong một lần đối thoại với công nhân lao động miền Trung. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong một lần đối thoại với công nhân lao động miền Trung. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Thứ ba, về nội dung phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa cần nhấn mạnh yêu cầu thực hiện đầy đủ quyền làm chủ về mọi mặt của giai cấp công nhân, trực tiếp là quyền làm chủ ở cơ sở. Cần hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách để bảo đảm, bảo vệ địa vị, quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của giai cấp công nhân, nhất là địa vị về chính trị. Dù làm việc ở loại hình doanh nghiệp nào - doanh nghiệp nhà nước hay doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài - công nhân vẫn là chủ thể chính trị, chủ thể xã hội của một đất nước độc lập, của một thể chế do nhân dân làm chủ. Cần định hướng và có cơ chế, chính sách bảo đảm xây dựng quan hệ lao động hài hòa, lành mạnh; đề cao trách nhiệm, nghĩa vụ của người sử dụng lao động đối với công nhân; có chế tài đủ mạnh và kiên quyết xử lý theo pháp luật những hành vi xâm hại quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của công nhân. 

Thứ tư, để giai cấp công nhân có thể thật sự thực hiện, phát huy địa vị chính trị, kinh tế, xã hội và quyền làm chủ, Đảng, Nhà nước cần quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư xây dựng giai cấp công nhân về mọi mặt. Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang và sẽ thâm nhập, tác động rất nhanh, toàn diện đến nước ta, ảnh hưởng lớn đến cơ cấu lao động, việc làm, cần đặc biệt chú trọng đào tạo, đào tạo lại lực lượng công nhân theo hướng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là trình độ học vấn, chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng công nghệ, tác phong công nghiệp, đào tạo công nhân lành nghề, công nhân kỹ thuật theo hướng trí thức hóa công nhân. Cần chăm lo nhiều hơn phúc lợi xã hội đối với công nhân, giải quyết từng bước, hiệu quả những nhu cầu thiết yếu về nhà ở, nhà trẻ, mẫu giáo, chế độ chăm sóc sức khỏe, phòng chống dịch bệnh, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa..., bảo đảm để công nhân được thụ hưởng lợi ích tương xứng với thành quả đổi mới và công sức đóng góp. Những vấn đề này cần được thể hiện đậm nét hơn trong các dự thảo văn kiện Đại hội XIII.

Thứ năm, cần nhấn mạnh hơn trong dự thảo văn kiện vai trò, vị trí, mối quan hệ của tổ chức công đoàn với các tổ chức trong hệ thống  chính trị nói chung, các tổ chức chính trị - xã hội nói riêng, tương thích với vai trò nòng cốt của giai cấp công nhân trong khối liên minh giai cấp công nhân, đội ngũ trí thức, đội ngũ doanh nhân. Trên cơ sở đó, xây dựng các tổ chức chính trị - xã hội vững mạnh, đồng bộ và có sự liên kết, phối hợp chặt chẽ với tổ chức công đoàn vì sự nghiệp xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam phát triển toàn diện./.
____


   
  GS. TS. PHÙNG HỮU PHÚ  
Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương

 

 _____________________

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, H, 2011, t.3, tr.3.
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.8, tr.256. 
(3) Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, t.9, tr.562.
(4) Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, t.7, tr. 477.
(5) (6) Nghị quyết 20-NQ/TW, ngày 28/1/2008 - Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương, khóa IX về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, tài liệu lưu Văn phòng Trung ương Đảng.
(7) Trong giai đoạn 2011-2020, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng bình quân 8%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng hơn 10%; năng lực cạnh tranh toàn cầu của công nghiệp Việt Nam từ vị trí thứ 58, năm 2010 lên vị trí thứ 44, năm 2018; giá trị sản phẩm công nghệ cao, ứng dụng công nghệ cao tăng từ 26%, năm 2010 lên 45%, năm 2019. (Tài liệu của Tiểu ban Kinh tế - Xã hội, Đại hội XIII của Đảng).
(8) Minh Duyên: Giai cấp công nhân Việt Nam - lực lượng tiên phong của cách mạng Việt Nam, baokiemtoannhanuoc, 27/4/2020.

Phản hồi

Các tin khác

Cơ đồ của đất nước - Từ kết quả phát triển kinh tế gắn với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội ở Việt Nam

(TG) - Trong bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng Tiểu ban văn kiện, nhân dịp kỷ niệm 75 năm Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2/9 và chuẩn bị Đại hội các đảng bộ trực thuộc Trung ương, tiến tới Đại hội XIII của Đảng, đồng chí Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “ Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Từ một nước nghèo nàn, lạc hậu, trình độ rất thấp, hầu như không có tên trên bản đồ thế giới, ngày nay Việt Nam đã vươn lên trở thành một nước có quy mô gần 100 triệu dân, đang phát triển, có thu nhập trung bình, có quan hệ với hầu hết các nước trên thế giới, tham gia hầu hết các tổ chức quốc tế và là thành viên, đối tác tin cậy và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế” và “Trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ, phải hết sức chú trọng tính đồng bộ, toàn diện…xây dựng đồng bộ thể chế phát triển các mục tiêu lâu dài, cơ bản và bền vững của đất nước theo hướng bảo đảm hài hòa giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị, văn hóa, xã hội; giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, con người, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội”.

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất