Với chức năng, nhiệm vụ giúp cấp ủy tỉnh triển khai và tổ chức thực hiện, từ tháng 5/2005, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hưng Yên chủ trì cùng các sở, ngành trong khối khoa giáo soạn thảo, thống nhất ban hành Quy chế phối hợp. Việc ban hành Quy chế phối hợp trong khối khoa giáo có ý nghĩa quan trọng, là cơ sở để các bên tiếp tục phát huy, tạo bước phát triển mới cho các lĩnh vực khoa giáo tỉnh Hưng Yên trong thời kỳ sau tái lập tỉnh.
Đẩy mạnh hiệu quả phối hợp, nâng cao chất lượng công tác khoa giáo
Công tác phối hợp khoa giáo tập trung vào các vấn đề: Giáo dục và đào tạo thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo; Khoa học tự nhiên và công nghệ, khoa học xã hội và nhân văn thuộc Sở Khoa học và Công nghệ; chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, dân số - kế hoạch hoá gia đình thuộc Sở Y tế; thể dục, thể thao và gia đình thuộc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch; dạy nghề, bảo vệ và chăm sóc trẻ em thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội; bảo vệ môi trường thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường. Theo đó, những nội dung phối hợp tập trung vào tham mưu với Tỉnh uỷ, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ xây dựng các nghị quyết, chỉ thị, chương trình hành động… về các lĩnh vực khoa giáo; hướng dẫn, kiểm tra và đôn đốc các ngành khoa giáo quán triệt, xây dựng chương trình hành động, kế hoạch thực hiện các nghị quyết, chỉ thị… của Trung ương, của Tỉnh uỷ về lĩnh vực khoa giáo; thẩm định, thẩm tra về việc quán triệt đường lối, chủ trương, quan điểm chính trị, tư tưởng trong các đề án của các ngành khoa giáo trước khi trình Ban Thường vụ Tỉnh uỷ hoặc Tỉnh uỷ xem xét, quyết định; tiến hành kiểm tra, đánh giá, sơ kết, tổng kết việc thực hiện nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, Tỉnh uỷ; nghiên cứu tổng kết những nhân tố mới, mô hình mới nhằm tham mưu đề xuất chủ trương, biện pháp để thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, của Tỉnh uỷ về công tác khoa giáo; tham gia ý kiến với các ngành khoa giáo về phương hướng, nhiệm vụ công tác hàng năm, về báo cáo đánh giá kết quả thực hiện chỉ thị, nghị quyết theo yêu cầu của cấp trên, đồng thời tham khảo ý kiến của các ngành khoa giáo khi xây dựng báo cáo, đề án, chương trình hành động, kế hoạch kiểm tra,… liên quan đến lĩnh vực khoa giáo; tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng về công tác khoa giáo; kết quả hoạt động khoa giáo các cấp.
Thực hiện Quy chế phối hợp, bám sát vào nhiệm vụ trọng tâm hằng năm của từng đơn vị, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chỉ đạo ban tuyên giáo các huyện, thành ủy trực thuộc Tỉnh ủy xây dựng quy chế phối hợp công tác giữa ban tuyên giáo với các phòng, ngành trong khối; xây dựng chương trình phối hợp công tác khoa giáo hằng năm; tổ chức hội nghị giao ban định kỳ giữa các ngành trong khối. Trên cơ sở định hướng nhiệm vụ công tác khoa giáo, ban tuyên giáo xây dựng kế hoạch kiểm tra, đánh giá, sơ kết, tổng kết các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, của Tỉnh ủy và của địa phương về lĩnh vực khoa giáo; kịp thời tham mưu, đề xuất các nội dung, giải pháp thiết thực nhằm thực hiện hiệu quả; Chú trọng chỉ đạo, hướng dẫn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác khoa giáo ở các xã, phường, thị trấn. Đẩy mạnh việc tổ chức triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, theo đó các bên đã chú trọng sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả đạt được và cả những hạn chế, trên cơ sở đó đề xuất những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của công tác khoa giáo.
Hằng năm, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và các sở, ngành trong khối khoa giáo tổ chức hội nghị đánh giá kết quả thực hiện năm trước và thống nhất xây dựng chương trình phối hợp năm sau. Các chương trình không chỉ xác định nội dung, phương thức, thời gian phối hợp cụ thể mà còn xác định rõ cơ quan chủ trì và cơ quan tham gia; quy định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan trong việc triển khai thực hiện nội dung phối hợp. Với cách làm đó, sau 10 năm thực hiện Quy chế được cụ thể hóa thành 10 chương trình phối hợp, sự gắn kết giữa Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ - cơ quan tham mưu của Tỉnh uỷ - với các sở, ngànhkhối khoa giáo - cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân tỉnh - đã được tăng cường và đạt nhiều kết quả.
Nhìn lại 10 năm thực hiện, công tác phối hợp giữa Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và các sở, ngành khối khoa giáo được triển khai toàn diện, đã tạo nên những ddieeme nhấn, dấu ấn nổi bật từ khâu đầu tiên là tham mưu giúp cấp ủy tỉnh cụ thể hóa chỉ thị, nghị quyết của Đảng thành kế hoạch, chương trình hành động đến khâu cuối cùng là tổng kết và tiếp tục tham mưu đề xuất chủ trương, biện pháp thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết Đảng về công tác khoa giáo trong tình hình mới. Trọng tâm của công tác phối hợp không chỉ dừng lại ở nhiệm vụ tham mưu cấp ủy tỉnh mà còn hướng vào mục đích bổ trợ, đồng hành cùng các bên thực hiện trên từng lĩnh vực. Trong đó, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tập trung hướng dẫn các sở, ngành khối khoa giáo quán triệt, xây dựng chương trình hành động, kế hoạch thực hiện; thẩm định, thẩm tra về đường lối, chủ trương, quan điểm chính trị, tư tưởng trong các đề án, chương trình của sở, ngành; tham gia ý kiến về phương hướng, nhiệm vụ công tác hàng năm, về báo cáo đánh giá kết quả thực hiện chỉ thị, nghị quyết theo yêu cầu của cấp trên; tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, kết quả hoạt động về các lĩnh vực khoa giáo. Các sở, ngành khối khoa giáo phối hợp chặt chẽ với Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ trong việc xây dựng dự thảo, sơ kết, tổng kết chỉ thị, nghị quyết, chương trình hành động của Tỉnh ủy; tham gia các đoàn thanh tra, kiểm tra việc tổ chức thực hiện các chỉ thị, nghị quyết về lĩnh vực khoa giáo.
Đánh giá nguyên nhân của những thành tựu trên các lĩnh vực khoa giáo từ khi thực hiện Quy chế phối hợp và nhất là trong nhiệm kỳ 2011 – 2015, có thể khẳng định với cách làm này, sức mạnh của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở đã được huy động, nhiều nhiệm vụ, giải pháp trên các lĩnh vực khoa giáo được cụ thể hóa và thực hiện có hiệu quả, đạt và vượt các mục tiêu đề ra. Đây thực sự là động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, tạo nền tảng để tỉnh Hưng Yên sớm trở thành tỉnh công nghiệp.
Công tác giáo dục và đào tạo các bậc học mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông tỉnh Hưng Yên tiếp tục ổn định và phát triển. Quy mô giáo dục, đào tạo được giữ vững và từng bước được chuẩn hóa. Đội ngũ nhà giáo được đảm bảo về số lượng, cân đối ở các ngành học, cấp học và ngày càng nâng cao về chất lượng. Đến nay, 100% giáo viên đạt chuẩn, trong đó trên chuẩn ở khối mầm non 63%, tiểu học 88,3%, trung học cơ sở 60%, trung học phổ thông 13,2%. Cơ sở vật chất, phòng học được tăng cường, xây mới, nâng tổng số phòng học kiên cố cao tầng lên 7.525 phòng (đạt 86%). Công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia được đẩy mạnh, có 265 trường đạt chuẩn quốc gia. Chất lượng giáo dục và đào tạo được củng cố: là tỉnh thứ 6 đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, là tỉnh thứ 7 đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ II; học sinh tốt nghiệp đạt tỷ lệ cao; tỷ lệ thi đỗ đại học đạt 51%, thuộc nhóm tỉnh cao trong cả nước. Công tác dạy nghề, việc làm được đẩy mạnh; bình quân mỗi năm tạo việc làm mới cho hơn 2 vạn lao động; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 54%, trong đó đào tạo nghề đạt 38%.
Công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân được tăng cường. Đội ngũ thầy thuốc được bổ sung đủ về số lượng và chất lượng được nâng cao. Thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia về y tế, dân số, kế hoạch hóa gia đình. Chất lượng khám, chữa bệnh được nâng lên, một số dịch vụ y tế chuyên sâu, kỹ thuật cao được triển khai đạt kết quả. Trên 60% xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; tỷ lệ xã có bác sỹ biên chế tại trạm đạt 65%. Tuổi thọ trung bình của người dân đạt 74 tuổi; tỷ suất tử vong trẻ em dưới 5 tuổi, sản phụ đều ở mức thấp so với toàn quốc. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên duy trì ở mức dưới 1%.
Hoạt động khoa học và công nghệ chuyển mạnh sang thực hiện các đề tài, dự án ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, thiết thực, hiệu quả, đã góp phần tích cực phát triển công nghiệp, nông nghiệp, bảo vệ môi trường và văn hóa, xã hội. Triển khai 129 đề tài, dự án và hàng trăm sáng kiến khoa học được nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao vào thực tiễn sản xuất và đời sống có hiệu quả. Tỉnh quan tâm xây dựng, đăng ký và bảo vệ thương hiệu những sản phẩm chủ lực của địa phương, tăng sức cạnh tranh và phát triển bền vững. Công tác quản lý nhà nước về môi trường được chú trọng, ý thức, trách nhiệm về bảo vệ môi trường của các tầng lớp nhân dân được nâng lên. Tỷ lệ rác thải công nghiệp được thu gom, xử lý đạt cao; các khu công nghiệp đang hoạt động đều có hệ thống xử lý nước thải. Môi trường đô thị, công nghiệp có chuyển biến tích cực. Rác thải sinh hoạt nông thôn được thu gom, xử lý đạt 60%; 447 thôn có bãi chôn lấp, điểm tập kết rác thải; 18.902 hộ gia đình thực hiện phân loại, xử lý rác thải hữu cơ; 815 tổ đội vệ sinh môi trường ở các thôn, khu dân cư thực hiện công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải.
Phong trào thể dục, thể thao quần chúng được duy trì thường xuyên và không ngừng phát triển. Đến năm 2015, toàn tỉnh có 25,7% số người tham gia luyện tập thể dục, thể thao thường xuyên; 16% số gia đình đạt gia đình thể thao; trên 2000 câu lạc bộ thể thao được thành lập và duy trì hoạt động hiệu quả. Công tác giáo dục thể chất trong trường học được tăng cường, 100% số trường đảm bảo chương trình nội khóa, 60% số trường hoạt động ngoại khóa thường xuyên, trên 90% số học sinh đạt tiêu chuẩn rèn luyện thể thao thường xuyên. Hoạt động thể dục, thể thao trong lực lượng vũ trang được đẩy mạnh với 100% cán bộ, chiến sỹ duy trì việc tập luyện thể dục, thể thao thường xuyên. Công tác xây dựng, phát triển các môn thể thao trọng điểm, bồi dưỡng năng khiếu và tài năng thể thao của tỉnh được chú trọng đầu tư. Phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở tiếp tục được quan tâm với nhiều hình thức phong phú, số làng, khu phố văn hóa đạt 86%, số gia đình văn hóa đạt 89%. Công tác tuyên truyền về phòng, chống bạo lực gia đình ở các xã, phường, thị trấn được triển khai thường xuyên…
Nâng cao chất lượng công tác khoa giáo, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới
Ngày nay, trong công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, Đảng ta càng coi trọng công tác khoa giáo hơn bao giờ hết. Trong nhiệm kỳ vừa qua, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã xem xét và ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, kết luận quan trọng liên quan đến từng lĩnh vực cụ thể trong công tác khoa giáo, không chỉ có ý nghĩa trước mắt mà còn có ý nghĩa lâu dài và có tầm ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của tỉnh. Với định hướng đó, chắc chắn trong thời gian tới công tác khoa giáo sẽ được nâng lên một tầm cao hơn, hiệu quả hơn, đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Song, để đưa công tác này lên một tầm cao mới ngang tầm với những đòi hỏi của đất nuớc, của tỉnh trong giai đoạn cách mạng mới, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ cùng các sở, ngành khối khoa giáo hơn lúc nào hết phải thấu hiểu hơn trách nhiệm của mình trước Đảng, Nhà nước và nhân dân, trăn trở để tìm ra các giải pháp đột phá, triển khai hiệu quả các mục tiêu về khoa giáo đã đề ra trong Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết Đảng bộ tỉnh Hưng Yên lần thứ XVIII. Trong đó, đặc biệt chú trọng vào những nhiệm vụ, giải pháp sau:
Thứ nhất, trước mắt, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và các sở, ngành khối khoa giáo tập trung giúp cấp uỷ Đảng tổ chức nghiên cứu, quán triệt sâu sắc nội dung Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII tới toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức của sở, ngành và đơn vị trực thuộc. Bám sát nhóm mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của các Nghị quyết và căn cứ vào điều kiện thực tiễn của tỉnh để chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình hành động và tổ chức thực hiện trong toàn ngành.
Thứ hai, sau 10 năm tổ chức thực hiện, Quy chế phối hợp đến nay đã bộc lộ những hạn chế, vướng mắc. Để nâng cao trách nhiệm và hiệu quả phối hợp, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và các sở, ngành trong khối khoa giáo cần tổng kết, rút kinh nghiệm, bổ sung và hoàn thiện Quy chế phối hợp mới; gắn việc triển khai Quy chế phối hợp khối khoa giáo với thực hiện Quy chế phối hợp giữa Ban Tuyên giáo các cấp với cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp trong triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết các vấn đề bức của nhân dân.
Thứ ba, các đơn vị phối hợp khối khoa giáo phân công đồng chí lãnh đạo trực tiếp chỉ đạo việc phối hợp; mỗi cơ quan cử bộ phận, cán bộ giúp lãnh đạo theo dõi và triển khai thực hiện nhiệm vụ phối hợp. Duy trì thường xuyên chế độ báo cáo, cung cấp thông tin hai chiều; định kỳ 6 tháng và 1 năm tổ chức giao ban để chủ động nắm bắt, đánh giá, đề xuất trúng, đúng, kịp thời và có bước đi, cách làm phù hợp với điều kiện thực tế và có tính khả thi cao.
Thứ tư, các đơn vị phối hợp đổi mới phương thức hoạt động, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính; tăng cường tính chủ động, đưa công tác phối hợp vào chiều sâu, đặc biệt là tạo chuyển biến quan trọng trong việc hướng công tác khoa giáo cơ sở, hướng hoạt động vào thực tiễn của địa phương để khơi dậy các nhân tố tích cực cho sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Thứ năm, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng và bối trí, sử dụng hợp lý, hiệu quả đội ngũ cán bộ làm công tác khoa giáo các cấp. Cán bộ, công chức, viên chức trong khối khoa giáo, nhất là cán bộ lãnh đạo cần nâng cao trách nhiệm, đi đầu trong thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về các lĩnh vực khoa giáo (nhất là trong thực hiện chính sách về y tế, dân số-kế hoạch hóa gia đình, môi trường), gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Thứ sáu, thực hiện tốt công tác thi đua, khen thưởng. Những tập thể, cá nhân thực hiện tốt Quy chế, chương trình phối hợp được xem xét, đề nghị khen thưởng theo quy định hiện hành. Đồng thời, những tập thể, cá nhân được giao trách nhiệm nhưng không thực hiện hoặc thực hiện không nghiêm Quy chế, gây hậu quả xấu thì bị xem xét, xử lý theo các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Trần Hữu Chất
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hưng Yên