Thứ Tư, 3/7/2024
Tin hoạt động
Thứ Sáu, 12/3/2010 16:36'(GMT+7)

Điện ảnh Việt Nam: Cần có bản sắc

Những nụ hôn rực rỡ - một trong những phim tết

Những nụ hôn rực rỡ - một trong những phim tết

Trước thềm lễ trao giải Cánh diều vàng, vinh danh những tác phẩm điện ảnh và những người làm nghề trong năm – giải thưởng thường niên của Hội Điện ảnh Việt Nam, chúng tôi có cuộc trò chuyện với đạo diễn Thanh Vân về giải thưởng và những trăn trở nghề nghiệp.

Khác với mọi năm, hoặc là có tên trong danh sách thành viên BGK, hoặc là có tên trong danh sách nghệ sĩ có phim tham dự giải, năm nay, ngay khi Cánh diều vàng rục rịch chuẩn bị ở Hà Nội, thì đạo diễn Thanh Vân lại “khăn gói” vào TP. Hồ Chí Minh làm phim... truyền hình dài tập. Tuy vậy, sự quan tâm của anh đối với điện ảnh, những băn khoăn, trăn trở với việc làm nghề dường như không vì thế mà “nguội” đi.

Giải thưởng-mười năm nữa vẫn khó thay đổi

- Thưa đạo diễn Thanh Vân, anh trông đợi gì ở mùa giải Cánh diều vàng năm nay?


Đạo diễn Thanh Vân là “chủ sở hữu” của nhiều
giải thưởng điện ảnh trong nước và quốc tế.

- Cũng không nhiều lắm. Giải thưởng hiện tại còn nhiều bất cập. Phim ít, phát hành phim chủ yếu chỉ tập trung vào cuối năm, thời gian phim ra rạp rất ngắn, chưa có sự thẩm định của khán giả. Giải thưởng dường như vẫn chỉ giới hạn trong những người làm nghề với nhau. Nhiều năm nay vẫn thế và có lẽ mười năm nữa vẫn khó thay đổi.

Năm nay, từng ấy phim vừa tham dự Liên hoan phim quốc gia diễn ra cách đây mấy tháng, giờ lại tranh giải Cánh Diều vàng, khó để tìm sự mới mẻ. Có thể đếm trên tay mấy bộ phim: Chơi vơi, Đừng đốt, và “cụm” phim Tết vừa qua.

Tôi có nghe có bộ phim mới ra lò của Hãng phim Giải phóng, và cũng chờ đợi một chút ở các đạo diễn như Bùi Ngọc Phong, Trần Trung Dũng, bên cạnh những anh tài đã rõ mặt như Đặng Nhật Minh, Bùi Thạc Chuyên, nhưng nói chung là cũng không nhiều. Phim Tết thì có lẽ chẳng có gì để nói.

- Vâng, một  giải thưởng được coi là “Oscar” của Việt Nam, dẫu sao cũng được người trong nghề đón đợi hằng năm, cứ cho là tác phẩm tham dự không có nhiều và không mới, nhưng vẫn có thể tìm thấy cho mình một cách thức nào đó để hấp dẫn công chúng?


Cảnh phim Đời cát- đạo diễn Thanh Vân.

- Một trong những thành công của Cánh diều vàng là từ chỗ một giải thưởng thường niên của một hội nghề nghiệp, nhưng vì với tính chất đặc thù của điện ảnh, mà đã trở thành một sự kiện được công chúng biết đến nhiều hơn. Tuy nhiên, nếu để dựa trên tính chất đặc thù thế mạnh đó để phát triển thành “thương hiệu” tương tự kiểu như Oscar thì thật khó. Bởi dù có làm gì, nhưng chất lượng nghệ thuật của những tác phẩm tham dự chưa đủ cao, sự cạnh tranh nghề nghiệp chưa đủ lớn, không khí nghề nghiệp và sự tương tác với khán giả chưa có... thì khó mà hấp dẫn được.

Tuy nhiên, có lẽ Hội điện ảnh Việt Nam cũng nên xem xét lại cách tổ chức trao giải. Có lẽ trên thế giới chưa có giải thưởng điện ảnh nào mà lại ôm đồm nhiều chương trình hạng mục như là giải Bông sen vàng và Cánh diều vàng của Việt Nam. Những phim tài liệu, khoa học, phê bình... cùng với những tên người chỉ được biết đến trong giới, còn với công chúng thì “chả biết là ai”, thế làm sao mà hấp dẫn họ được?

Việc trao giải cũng nên chú trọng hơn vào yếu tố nghề nghiệp hơn là một giải thưởng thường niên kiểu như giải A, B, C được trao cho quá nhiều hạng mục, thể loại. Nên mạnh dạn “gạt bớt” ra ngoài những thể loại “bà con họ hàng” với điện ảnh bằng một giải thưởng khác chẳng hạn. Để tập trung một lễ trao giải ghi nhận và tôn vinh sâu sắc hơn những người làm nghề ở mọi vị trí, từ hóa trang phục trang đến âm thanh... cũng là một dịp để ghi nhận công lao của họ. Rất khó để mong ước hay so sánh một lễ trao giải như Oscar, nhưng chúng ta cũng có thể qua đó để mà biết, vì sao họ làm hấp dẫn thế?


Phim Chơi vơi của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên
tham gia nhiều LHP quốc tế  gần đây.

Người làm nghề chưa đi tới cùng

- Bộ phim mới nhất mà anh vừa xem là gì?

- Tôi xem Avatar. Để biết công nghệ của họ đến đâu. Biết để mà... tránh.

- Vậy anh có xem những phim mới chiếu tết vừa qua của điện ảnh Việt Nam không ạ? Nếu tính ở khía cạnh khán giả, thì có thể nói đó là những bộ phim ít nhiều đã tạo được sự chú ý...

- Năm nay tôi xem Avatar và thế là đủ, không muốn xem thêm một phim nào nữa, đặc biệt là phim tết của Việt Nam. Tôi thấy có một điều không bình thường ở phim tết, là trong khi các hãng phim tư nhân đua nhau đầu tư thì các hãng phim nhà nước lại “bỏ qua”. Trong khi, đây là một dịp phát hành phim rất tốt, tại sao những bộ phim nghệ thuật lại không được tung ra rạp mà lại chỉ nhường “trận địa” cho phim dạng “mì ăn liền” chiếu tết. Một nghịch lý nữa, là tại sao lại có những tư duy kiểu làm phim... chỉ để chiếu tết? Với tư duy đó, người làm nghề đã vô tình tự hạn chế khả năng của mình.

- Nhưng sự “khởi sắc” của việc phát hành phim tết những năm gần đây cũng là dấu hiệu nói lên điều gì đó của điện ảnh Việt Nam, đó có phải đáng mừng?


- Kéo được khán giả đến rạp xem phim Việt Nam là điều đáng mừng. Tuy nhiên, nếu đưa những bộ phim chiếu tết của mình ra thế giới thì thật... không bình thường, nói thật ra là hơi... ngượng.

- Vâng, nhưng một số phim của Việt Nam khi có điều kiện tham gia các LHP quốc tế cũng đã được chú ý, như Đừng đốt, Chơi vơi, Trăng nơi đáy giếng. .. Anh có thể cho biết khán giả nước ngoài quan tâm điều gì ở các bộ phim Việt Nam tại các liên hoan phim quốc tế mà anh tham gia?

- Tại các Liên hoan phim mà tôi biết, dù chưa phải là LHP lớn như Cannes hay Venice, nhưng yếu tố nghề nghiệp rất cao. Tuy nhiên, phim Việt Nam ít được chú ý. Phần lớn khán giả nước ngoài đến xem phim tại đây quan tâm đến các phim của Hàn Quốc, Iran. Còn lại ai đó có xem phim của Việt Nam chỉ vì... tò mò.

Còn đối với BGK, họ thường là những người làm nghề có uy tín trong những hội nghề nghiệp, họ cũng có những ghi nhận đối với đồng nghiệp Việt Nam và đánh giá của họ rất có giá trị. Mặc dù vậy thì điện ảnh chúng ta vẫn là một cái gì đó mơ hồ, chưa tạo được thương hiệu.

- Chúng ta vẫn thường hay cho rằng nguyên nhân chính của sự thiếu hụt này bắt đầu từ  kinh phí...

- Kinh phí là một phần quan trọng. Một đồng nghiệp của tôi ở nước ngoài cho biết, khi anh làm một dự án phim nhựa, thì thù lao của đạo diễn đủ sống xông xênh trong ba năm tiếp theo, anh ấy có thể không cần làm gì, chỉ đi du lịch, tích lũy năng lượng và tìm ý tưởng cho những dự án tiếp theo. Còn những nghệ sĩ Việt Nam thì vừa buông phim này đã phải chạy ngay sang phim khác. Thậm chí những đạo diễn điện ảnh lớn cũng phải quay ra làm phim truyền hình để sống. Một đạo diễn trẻ tài năng như Bùi Thạc Chuyên, tôi được biết, ngoài dự án truyền hình, anh ấy chủ yếu sống dựa vào làm phim... quảng cáo. Lao động cật lực như tôi và Giang (đạo diễn Nhuệ Giang-vợ của đạo diễn Thanh Vân) nhưng nếu chỉ sống bằng làm nghề thì có thể nói ở dạng nghèo nàn trong xã hội.


Không cân sức, bộ phim mới nhất tham dự
giải Cánh Diều vàng
.

Nghệ sĩ giỏi vẫn phải sống bằng việc làm “tay ngang”, chạy theo phim đặt hàng chủ yếu vì vấn đề... kinh phí, thì khó mà đòi hỏi sự tới cùng của nghệ thuật.

Một nền điện ảnh mà người làm nghề chưa đi tới cùng thì khó mà tạo nên được diện mạo riêng biệt. Tuy nhiên, đó chỉ là một nguyên nhân.

Không bản sắc thì sẽ vô tăm tích

- Nhưng, nếu so vấn đề kinh phí đầu tư, thì có lẽ chúng ta mãi mãi không bao giờ theo kịp thế giới để mà hội nhập?

- Ở đây, vấn đề lại không hẳn thế. Khi tôi xem Avatar, mặc dù biết rõ mình không thể đua với họ về mặt công nghệ, nhưng không nên vì thế mà thất vọng. Nếu nhìn vào những bộ phim ít ỏi của chúng ta ít nhiều gây được sự chú ý ở các liên hoan phim nước ngoài và được khán giả một số nước đón nhận  thì có thể hoàn toàn tự tin. Đó là những tác phẩm đã cố gắng tách khỏi mẫu số chung và có sự hiện diện riêng biệt. Chơi vơi, Trăng nơi đáy giếng đều tiếp cận khán giả nước ngoài không phải bằng con đường đầu tư công nghệ. Một số phim của các tác giả Việt kiều chẳng hạn, có thể nhìn thấy trong đó sự tươi mới. Mùa len trâu của Nguyễn Võ Nghiêm Minh đã gây tiếng vang rất tốt ở nước ngoài.

Theo tôi, sự hấp dẫn và thành công đó, chính là bản sắc của điện ảnh Việt. Nếu không có bản sắc, thì sẽ mịt mù vô tăm tích trên đường hội nhập.

- Vâng, chúng ta thường nói về bản sắc, nhưng để định nghĩa nó thì rất khó, theo anh, bản sắc của điện ảnh Việt, nếu có thể định nghĩa, thì đó sẽ là gì?

- Đây là một câu hỏi khó trả lời. Tôi cho rằng nên suy ngẫm nhiều hơn là định nghĩa. Bản sắc có ở trong mỗi cá thể người nghệ sĩ, nhưng hết sức chông chênh. Chỉ cần chệch nhẹ một chút thôi, là người ta có thể nói phim của mình có chút phim Hàn Quốc, có chút Holywood, có chút của Trung Quốc. Chỉ cần chệch nhẹ một chút thôi, lại có thể thấy phim của tôi có phần giống phim người khác, đâu đó đã có rồi. Mặc dù trong sáng tạo có thể có điểm gặp gỡ, nhưng trong vô vàn đường chéo và những điểm gặp nhau, giữ cho được bản sắc là vô cùng khó. Đó là lúc mà cá nhân nghệ sĩ, tài năng và bản lĩnh của anh ta được thể hiện. Trước những ranh giới hết sức mong manh, người nghệ sĩ phải luôn giữ thăng bằng trong một trạng thái hết sức chông chênh.

- Bản sắc có nằm ở đề tài không, thưa anh?

- Không, chắc chắn là không. Càng ngày tôi càng nhận ra đề tài không hề quan trọng trong việc tìm kiếm bản sắc của mỗi cá nhân nghệ sĩ, và sau hơn, là bản sắc của một nền điện ảnh nào đó. Cũng như, nếu cho rằng, cây đa, giếng nước là bản sắc làng quê thì hoàn toàn sai.

- Vậy theo kinh nghiệm của anh, người nghệ sĩ  làm thế nào để tìm cho mình bản sắc?

- Tôi cho rằng đó là sự cực đoan. Như tôi đã nói ở trên, nghệ sĩ phải đi tới cùng sự sáng tạo, nó kích thích tư duy và đẩy mọi thứ phát triển. Cực đoan chính là tìm kiếm cái gì đó của riêng mình, hình như điều đó hiện nay chưa được chú trọng. Các nhà quản lý thì tìm kiếm sự an toàn, và nghệ sĩ phần nào cũng vậy.

- Vâng, xin cám ơn anh về cuộc trò chuyện thú vị này./.

(Theo Nhân Dân điện tử)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất