Cuối tuần qua, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo khoa học “Phim truyện VN về đề tài lịch sử”. Thời điểm này, trên trường quay đang có 5 dự án phim lịch sử hướng về Đại lễ 1000 năm Thăng Long- Hà Nội.
Không có một kinh nghiệm thực tiễn nào được đưa ra mổ xẻ; không một nghệ sĩ nào bước vào hội thảo từ trường quay với gương mặt cháy nắng cùng những bức xúc của người làm nghề khi phải làm phim từ số 0 về kinh nghiệm...
Tái diễn cảnh những người làm nghề vắng mặt
Chẳng đâu lạ như điện ảnh. Kêu nhiều, bức xúc nhiều nhưng khi có diễn đàn để nói, để trao đổi hòng tìm ra những giải pháp hiệu quả cho những vấn đề được xem là bức xúc thì quanh quẩn vẫn chỉ là những gương mặt từ lâu đã không còn hành nghề, một vài nhà quản lý có mặt cho phải phép và... vắng mặt sau giờ giải lao. Hiện trạng này cũng tái diễn trong cuộc Hội thảo khoa học bàn về việc làm phim lịch sử Việt do Chi hội Điện ảnh của Cục Điện ảnh VN tổ chức.
Bắt đầu bằng việc chiếu hơn 20 phút về cuộc tọa đàm xoay quanh chủ đề phim lịch sử Việt với 4 vị khách mời là GS Lê Văn Lan, nhà văn Chu Lai, nhà biên kịch Hoàng Nhuận Cầm và đạo diễn Trần Lực, nỗ lực hâm nóng cuộc hội thảo của BTC đã bị nhiều đại biểu “phản thùng” khi cho rằng, họ được mời đến Hội thảo để nghe “Tọa đàm trên phim”, mà nội dung thì chẳng có gì mới.
Nhà văn Chu Lai thích Sông Đông êm đềm của Nga. Giáo sư Lê Văn Lan coi Hoàng đế cuối cùng là “chuẩn” của phim lịch sử; nhà biên kịch Hoàng Nhuận Cầm thì đắm đuối với Cuộc sống tươi đẹp...
Đúng thôi, vì đó là những bộ phim lịch sử xuất sắc của thế giới. Vấn đề ở chỗ phải tìm và đưa ra những gợi mở cho điện ảnh Việt từ điểm nhìn ấy. Và điều này thì lại cần đến kinh nghiệm và những bài học thực tế, đôi lúc là đau xót của chính những người làm nghề. Đáng tiếc là giới làm nghề - những người đang trực tiếp tham gia sáng tác ở mọi lĩnh vực: đạo diễn, quay phim, họa sĩ thiết kế, diễn viên... đều vắng mặt tại hội thảo.
Nên 12 nội dung mà BTC đưa ra để trao đổi phần lớn đều không có “lời đáp”. Nói cách khác, là “tung ra” nhưng không có ai “hứng”, như: Nhân vật lịch sử và hình tượng nhân vật lịch sử trong phim truyện điện ảnh và phim truyền hình nhiều tập; Hợp tác với nước ngoài trong lĩnh vực phim truyện lịch sử; Phim truyện lịch sử dưới góc nhìn của nhà đạo diễn và người thể hiện nhân vật; Phim truỵện lịch sử dưới góc nhìn của nhà hoạ sĩ thiết kế mỹ thuật; Các giải pháp để xây dựng dòng phim đề tài lịch sử...
Nỗ lực của những người “ngồi trong hậu trường”
Vắng mặt các nghệ sĩ trẻ; vắng mặt những người đang trực tiếp lăn lộn ngoài trường quay, những nghệ sĩ thế hệ U50, 60, 70, người đã nghỉ hưu, người đã lâu không còn làm nghề, một số người gắn bó với truyền hình nhiều hơn điện ảnh... nhiệt thành lên diễn đàn với những lời than, những trách cứ và mong ước...
Đạo diễn Hà Sơn nói: “Làm phim lịch sử cũng phải quan tâm đến người xem. Vậy mà các ý kiến tôi đã nghe đều chưa đề cập đến vấn đề này. Bây giờ chúng ta đã hội nhập, tới đây sẽ chẳng còn hãng phim nhà nước nữa, nếu làm phim mà không có người xem thì... làm để làm gì? Cá nhân tôi cho rằng, công nghệ và tiền bạc cũng không thể tạo ra phim hay nếu không có kịch bản hay. Mà điều này thì ở ta đang là yếu nhất”.
Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát đặt vấn đề trách nhiệm của người cầm cân nảy mực trong việc thẩm định và duyệt các dự án. Bởi thực tế đã có trường hợp vì một câu nói không rõ ràng của một người có trách nhiệm, khiến công sức của bao nghệ sĩ đổ xuống sông, xuống biển (?).
Nhà biên kịch Đinh Thiên Phúc quả quyết muốn làm phim lịch sử VN cần đầu tư xây dựng trường quay giống như mô hình của Trung Quốc. Theo ông Phúc thì Phan Thiết là một trong những địa điểm phù hợp để xây dựng trường quay kết hợp du lịch. Nhà biên kịch Lưu Nghiệp Quỳnh cho rằng làm phim về lịch sử là nói về cội nguồn của dân tộc, trên thế giới đã và đang phát triển mạnh thể loại này, điện ảnh VN không thể là ngoại lệ...
Sôi động, nhiệt thành, tâm huyết nhưng vẫn là những chuyện... biết rồi, và cũng chỉ mới dừng ở việc kêu về hiện trạng; mong muốn Nhà nước mở hầu bao đầu tư xây dựng trường quay, đổ tiền làm phim; hoặc đưa ra những gợi ý có tính công thức như: làm phim lịch sử thì cần bám sự kiện, tôn trọng nhân vật lịch sử nhưng... phải phát huy trí tưởng tưởng, sự sáng tạo vì lịch sử VN về bản chất đã bao hàm cả yếu tố truyền thuyết.
Và một sự thật cần đề cập
Mặc dù chúng ta đang có 5 dự án phim lịch sử trong quá trình sản xuất (3 phim truyền hình dài tập và 2 phim hoạt hình) nhưng trên thực tế... vẫn là vừa làm vừa mò mẫm. Xuất phát từ số 0 kinh nghiệm, không trường quay; công nghệ làm phim còn nhiều bất cập; đội ngũ làm phim thiếu và... yếu, nên dù kỳ vọng, tin tưởng cũng không dám nghĩ đến một sự đột phá về chất lượng của các phim lịch sử sẽ ra mắt tới đây.
Trong rất nhiều cái mà điện ảnh VN đang thiếu và đang cần, thì cái thiếu nhất, cái cần được bổ sung nhất không phải là tiền mà là nhân lực làm điện ảnh chuyên nghiệp.
Không có mặt tại hội thảo vì kẹt làm phim, nhà quay phim Lý Thái Dũng (Hãng phim Truyện VN) tâm sự: “Độ tuổi trung bình của các nghệ sĩ Hãng phim Truyện VN là 50. Bây giờ, những người ưu tú trong thế hệ trẻ không học nghề để làm Điện ảnh nữa, và nếu có thì họ sẽ đi làm Truyền hình hoặc các công ty Truyền thông tư nhân... và Điện ảnh sẽ không còn nhân lực ở mọi thành phần”.
Đồng quan điểm với nhà quay phim Lý Thái Dũng, họa sĩ Vũ Huy cho biết: “Khi tôi về hãng phim, xưởng thiết kế mỹ thuật có 150 người phần lớn là họa sĩ và các cán bộ kỹ thuật trong rất nhiều chuyên môn như đạo cụ, dựng cảnh, hóa trang, mỹ công, phục trang, nhưng hiện nay chỉ còn 11 người, số còn lại một phần đã về hưu còn phần lớn đang hoạt động tại các lĩnh vực thuộc về tư nhân”.
Cho thấy, nếu chúng ta không xem xét lại khâu đào tạo và có chiến lược đào tạo nhân lực cho điện ảnh một cách bài bản, chuyên nghiệp, trong đó có việc tái đào tạo; cử người ra nước ngoài học tập... thì đến một lúc nào đó, điện ảnh Việt sẽ thiếu hụt đội ngũ làm nghề nghiêm trọng. Theo đó, thì việc sáng tác những bộ phim lịch sử Việt hoành tráng và ấn tượng vẫn sẽ chỉ là câu chuyện lãng mạn được nhắc đến ở các cuộc hội thảo.
Nguyệt Nhi-Vanhoa0