Lâu rồi, có một học sinh khi làm một bài thi môn Văn tốt nghiệp PTTH đã giải thích: "Bến cô liêu" là một bến đò mang tên một người con gái tên là Liêu. Mới đây, cũng có một học sinh PTTH đã nhận xét: Câu thơ của Xuân Diệu: "Hỡi xuân hồng ta muốn cắn vào ngươi" thật là "kinh khủng" (theo nghĩa xấu).
Như vậy, trong hai trường hợp nêu trên, một người đã không hiểu nghĩa "cô liêu" là gì, còn một người thì không "đọc" và "giải mã" được ý tại ngôn ngoại của câu thơ.
Tuy vậy, những chuyện này dẫu sao cũng chỉ diễn ra ở phạm vi hẹp, tồn tại ở dạng "lưu hành nội bộ" là chính, ít có ảnh hưởng xã hội. Ở một chừng mực nào đó, có thể thông cảm hoặc bỏ qua, vì đối tượng chúng ta nêu lên vẫn còn... trẻ người non dạ.
Nhưng khi người lớn, lại là người đã cầm bút có tác phẩm công bố trước độc giả, phải chịu trách nhiệm trước độc giả mà lại cứ... "bé cái nhầm" như thế, thì không thể chấp nhận được.
Xin nêu một vài ví dụ.
Ví dụ thứ nhất (mà báo chí gần đây có nêu): Một người làm thơ nhầm nhân vật "tay bóp nát quả cam lúc nào không biết" là Trần Quốc Tuấn, trong khi thực tế lại là Trần Quốc Toản.
Ví dụ thứ hai (báo chí cũng vừa nêu): Một người thuyết giảng về ý nghĩa Vu lan qua bộ đĩa "Vu lan báo hiếu", đã đảo lộn vị trí cha - con giữa Nguyễn Phi Khanh và Nguyễn Trãi. Trong lời thuyết giảng của người này có đoạn: "Ngày xưa, Nguyễn Trãi bị bắt đưa về Trung Quốc để hành tội, Nguyễn Phi Khanh (lúc đó còn nhỏ lắm) chạy theo. Thấy bố mình bị kẻ thù dẫn đi, tay thì trói, sau lưng có người cầm roi đánh, Nguyễn Phi Khanh khóc, khóc sướt mướt. Nguyễn Trãi dòm lại, ngoái lại thấy, mới nói: Nam nhân chi chi, làm gì mà khóc như đàn bà, trẻ con vậy. Thế là Nguyễn Phi Khanh biết lời nói của bố mình không khóc nữa, trở về Thanh Hóa phò vua Lê Lợi trả thù cho nước, rửa hận cho cha. Dù cho Nguyễn Trãi ở dưới suối vàng nhưng việc làm của Nguyễn Phi Khanh thì làm người cha ở suối vàng cũng được an vui...".
Ví dụ thứ ba: Cũng trong một bài thơ, có tác giả còn nhầm Mỵ Châu là con gái Thục Phán An Dương Vương với Mỵ Nương - một nhân vật trong truyện Trương Chi - Mỵ Nương.
Đấy là những tích cổ, chuyện cổ được coi là những gì thuộc về phổ biến, nhiều người biết. Bên cạnh đó, vẫn còn không ít tích cổ, chuyện cổ được coi là những gì không phổ biến, không phải ai cũng biết, cũng bị viết lại hoàn toàn sai sự thật.
Xin nêu một ví dụ.
Trên tạp chí S. cách nay 2 năm có đăng bài "Tản mạn chuyện hổ" của một tác giả. Trong bài viết này, tác giả kể chuyện vua Gia Long nằm mơ thấy con hổ đen bay đến, tỉnh giấc thấy Nguyễn Hữu Tiến đứng hầu bên cạnh, sắc phục màu đen. Thật phi lý hết sức vì vua Gia Long sinh năm 1762, băng hà năm 1820, trong khi Hổ uy đại tướng Nguyễn Hữu Tiến sinh năm 1602, mất năm 1665, làm sao mà đến hầu vua Gia Long được!
Theo tôi, những nhầm lẫn trên là do người viết không cẩn thận. Còn nếu cẩn thận, chỉ cần hỏi người này người nọ, tra cứu nguồn này nguồn nọ... thì căn bệnh "bé cái nhầm" sẽ rất dễ chữa trị./.
(Theo: Đặng Huy Giang/CAND)