Thứ Sáu, 27/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Tư, 21/7/2010 16:43'(GMT+7)

Điện ảnh bề bộn trăm mối

Một cảnh phim-Ảnh minh hoạ

Một cảnh phim-Ảnh minh hoạ

Mổ xẻ căn bệnh

Thực ra, những tồn tại và yếu kém của điện ảnh thời gian qua thường xuyên được dư luận và người trong giới phản ánh, phân tích, song đại hội lần này là một cơ hội để nhìn thẳng, nói thật và đưa ra những nhận định tương đối toàn diện về thực trạng sáng tác và sản xuất phim điện ảnh, truyền hình. Có thể nói, giai đoạn 2005-2010 là thời điểm phim điện ảnh, truyền hình trong nước chịu nhiều sức ép cạnh tranh không cân sức với phim nước ngoài, và đây cũng là thời điểm bộc lộ nhiều khiếm khuyết, sự tụt hậu của nền điện ảnh trong nước.

Một trong những căn bệnh trầm kha của điện ảnh theo NSND Đoàn Dũng, chính là cách làm ăn cẩu thả, vội vã, thiếu tính chuyên nghiệp của nhiều người làm điện ảnh. Có phim tuy không còn là loại “mì ăn liền” như trước đây nhưng tác giả vẫn quá nghiêng về hình thức, chạy theo cái phù phiếm hoặc thị hiếu tầm thường, kích hoạt bằng yếu tố tươi mát, hài hoạt, bi lụy hoặc kinh dị hóa nhằm lôi cuốn khán giả. Đó là biểu hiện của căn bệnh xa rời thực tiễn đời sống, thiếu am tường về con người cũng như xã hội. Tính ước lệ, biểu đạt hình tượng nghệ thuật điện ảnh trong một số phim chưa được quan tâm đầy đủ dẫn tới xu hướng giả tạo, rời xa thực tiễn, gây phản cảm với người xem. Tính chân thực vì thế giảm sút. Với phim tài liệu, phim khoa học thì tình hình yên ả hơn song vẫn chưa có được những tác phẩm nổi bật, phần lớn vẫn đi vào những đề tài, cách thế hiện cũ, mòn. Phim hoạt hình Việt Nam mãi vẫn chưa chịu “lớn” và dường như đã nhường hẳn lực lượng khán giả “nhí” cho các kênh truyền hoạt hình quốc tế.

Theo thống kê của Hội Điện ảnh, lượng phim truyền hình năm 2006 mới chỉ 200 tập thì tới năm 2010, con số này đã tăng gấp 10 lần, tức đạt 2.000 tập/năm. Nhờ đó, tỷ lệ chiếu phim trong nước so với phim nước ngoài trên màn ảnh nhỏ đã được cải thiện rõ rệt. Song một phần vì sức ép chạy theo số lượng, phần khác là sự chi phối về kinh tế, đã khiến nhiều phim trong số đó mới chỉ dừng lại ở việc khai thác các đề tài xa rời cuộc sống, coi trọng yếu tố giải trí đơn thuần. Một số phim bị đánh giá là quá dài dòng, dàn trải. “Thậm chí, nhiều phim được “Việt hóa” từ kịch bản nước ngoài đã rơi vào tình trạng mất bản sắc, thiếu tính logic của hiện thực khách quan, không thuyết phục người xem”, NSND Thế Anh nhận xét.

Tình trạng kéo dãn kịch bản gốc vốn cô đọng trong vài ba tập thành hàng chục tập, mà giới biên kịch phim truyền hình gọi là “công nghệ phanh thây” kịch bản, để đáp ứng yêu cầu về số lượng phim sản xuất, cũng là nguyên nhân dẫn đến sự nhàm chán.

Đóng phim khó hay dễ?

Trước nhận định điện ảnh Việt Nam đang tụt xuống điểm không thể thấp hơn, NSND Thế Anh cho rằng, nguyên nhân chính là do diễn xuất của diễn viên tay ngang, không có nghề, cứ tưởng diễn xuất của diễn viên cũng giống như người đánh đàn, cứ gẩy lên là kêu. Người xem mất hẳn thú vui được thưởng thức tài nghệ diễn xuất của diễn viên trên màn hình.

“Đóng phim khó hay dễ”, NSND Thế Anh đã dẫn một câu hỏi làm chủ đề cho bài tham luận của mình, và đó cũng là trăn trở của những người nặng lòng với điện ảnh. “Giờ đây, khi mà nhiều người chỉ cần chút nhan sắc và may mắn là được lên màn ảnh và tự coi mình là diễn viên. “Thợ” diễn không có nghề thật chẳng khác gì “khỉ bắt chước người”. Khỉ bắt chước người còn làm người ta cười lăn lộn chứ thợ diễn ngây ngô chỉ làm khán giả thầm buông một tiếng thở dài” - NSND Thế Anh chua chát nhận xét.

Căn bệnh trầm kha của nhiều “ngôi sao” là diễn xuất giả, chẳng hạn khi cần một giọt nước mắt trong lúc chia tay thì rặn mãi không ra bèn phải làm mặt mũi nhăn nhó, rầu rĩ, sầu não trong khi trong lòng vẫn nguội lạnh. Diễn xuất giả “đẻ” ra sản phẩm giả và người tiêu dùng là khán giả phải chịu thiệt. Còn NSND Trà Giang cũng đã từng thốt lên rằng, giờ đây không dám đóng phim vì người ta làm chụp giật quá! Nhiều diễn viên không hiểu nhân vật mình thủ vai, thậm chí có người không đọc kịch bản, mà phụ thuộc vào người nhắc vở. Đóng như thế thì làm sao hay được.

Nghệ thuật thứ 7 không phải là thứ “nghề truyền nghề” như thợ kim hoàn, không phải có những ông phó mộc cứ lâu năm đi theo nghề đạo diễn là thành đạo diễn. Điện ảnh khác nghề thủ công ở chỗ sản phẩm của trò phải khác thầy. Nghệ thuật điện ảnh không có diễn viên trung cấp và đại học, không có sản phẩm được phân loại như các ngành khoa học khác, mà điện ảnh chỉ có tài năng, tâm huyết. Nếu nhiệm kỳ tới giải quyết được triệt để thực trạng này thì mới có thể hy vọng vào sự tiến bộ của điện ảnh Việt Nam.

Vĩnh Xuân-SGGP

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất