Thứ Sáu, 27/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Ba, 13/7/2010 21:17'(GMT+7)

Du lịch Quảng Trị: Thế mạnh là lịch sử, đặc sản là tình người

Thành cổ Quảng Trị

Thành cổ Quảng Trị

Điểm hẹn lịch sử

Sau hiệp định Giơ-ne-vơ 1954, vĩ tuyến 17, nơi có cầu Hiền Lương “ranh giới quân sự tạm thời” theo tinh thần hiệp định đã trở thành một nhát cắt vô hình, cắt đôi “khúc ruột miền Trung”, và cũng là cắt đôi cả nước vì sự tráo trở của kẻ thù. Thực hiện quyết tâm của toàn dân tộc, quyết tâm của Bác Hồ: “Nước không thể chia”, cầu Hiền Lương, Quảng Trị đã trở thành điểm hẹn của lịch sử. Những trận chiến ác liệt nhất trong hai cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc ta thế kỷ hai mươi đã diễn ra tại Quảng Trị. Số người đổ máu, hy sinh nhiều nhất cũng là ở Quảng Trị. Nơi thể hiện Chủ nghĩa anh hùng cách mạng, khí phách anh hùng bất khuất cả dân tộc không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ bùng cháy lên đến đỉnh cao, cũng diễn ra ở Quảng Trị.

Màu xanh Thành cổ

Vì vậy, chiến tranh kết thúc, Quảng Trị sở hữu một hệ thống di tích chiến tranh cách mạng đồ sộ và độc đáo. Trong số 508 di tích danh thắng đã được kiểm kê, đánh giá thì có đến 431 di tích lịch sử chiến tranh cách mạng. Trong đó có những di tích có giá trị lớn đối với hoạt động du lịch hồi tưởng, du lịch hoài niệm, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước như: Địa đạo Vịnh Mốc, Cầu Hiền Lương- Đôi bờ sông Bến Hải, Hàng rào điện tử Mc.Namara, Bến Tắt-Khe Hó, Cồn Tiên, Dốc Miếu, Thành cổ Quảng Trị, Đường 9-Khe Sanh, Sân bay Tà Cơn, Đảo Cồn Cỏ, và Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, Đường 9…

Nhu cầu hành hương hoài niệm

Hệ thống di tích lịch sử chiến tranh cách mạng ở Quảng Trị không chỉ phong phú về số lượng mà còn đa dạng về loại hình. Du khách đến đây không chỉ là nhu cầu giải trí và thưởng ngoạn đơn thuần, mà phần lớn du khách tìm đến Quảng Trị để thỏa mãn nhu cầu tình cảm, tâm linh. Các cựu chiến binh đến đây thăm lại chiến trường xưa, viếng bạn; thanh niên, học sinh đến đây trầm trồ ngước trông bản hùng ca giữ nước; các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử đến đây để tìm cho ra, gọi cho đúng tên của bài học và quyết tâm giữ nước… vì vậy Quảng Trị luôn đông khách. Khách theo một dòng tâm niệm về đây tìm lại chính mình, tự hào về dân tộc mình, về thời đại Hồ Chí Minh chói ngời lịch sử.

Bởi những lý do đó, từ năm 2005, chương trình du lịch "Hoài niệm về chiến trường xưa và đồng đội" ra đời.

Sau khi chương trình du lịch "Hoài niệm về chiến trường xưa và đồng đội" chính thức công bố, các hoạt động liên quan đến du lịch Quảng Trị sôi động và bắt đầu khởi sắc. Cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch hoài niệm và công tác trùng tu, tôn tạo, phục dựng các di tích lịch sử chiến tranh cách mạng khẩn trương được tiến hành bằng nhiều nguồn vốn khác nhau. Tỉnh Quảng Trị đã tranh thủ nguồn vốn mục tiêu của Chính phủ hàng trăm tỷ đồng đầu tư xây dựng đường du lịch từ Cửa Tùng đến địa đạo Vịnh Mốc 12 tỷ đồng; đường quốc phòng dân sinh dọc biển Cửa Việt-Cửa Tùng 53 tỷ đồng; cầu Cửa Tùng 57 tỷ đồng; đường Hồ Chí Minh huyền thoại (đoạn Khe Sanh-Sa Trầm-Tà Long) 57 tỷ đồng…

Bên cạnh nguồn vốn huy động tại chỗ, Chính phủ, các bộ ngành chức năng đã quan tâm đầu tư nâng cấp, phục chế, tôn tạo các di tích lịch sử cách mạng. Từ năm 2005 đến nay đã đầu tư hơn 130 tỷ đồng cho các hạng mục quan trọng. Trong đó, cụm di tích đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải 34,6 tỷ đồng; thành cổ Quảng Trị giai đoạn 1 là 12 tỷ đồng; Khu di tích sân bay Tà Cơn giai đoạn 2 là 20 tỷ đồng… Hiện nay, vốn mục tiêu đang tập trung nâng cấp, phục chế cho một số di tích quan trọng và đặc biệt quan trọng như: Thành cổ Quảng Trị giai đoạn 2 khoảng 200 tỷ đồng; phục dựng hàng rào điện tử Mc.Namara khoảng 70 đến 80 tỷ đồng…

Ngành Lao động, Thương binh và Xã hội, các đơn vị quân đội, Hội Cựu chiến binh, Cựu Thanh niên xung phong, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh… tích cực hỗ trợ kinh phí đầu tư nâng cấp, tôn tạo, phục chế, xây dựng mới các cơ sở tưởng niệm hàng trăm tỷ đồng.

Các doanh nghiệp du lịch, khách sạn, lữ hành ở Quảng Trị và nhiều tỉnh, thành phố tích cực đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện triển khai chương trình du lịch "Hoài niệm về chiến trường xưa và đồng đội". Du khách có thể sẽ bất ngờ về sức sống của “một vùng đất chết” năm xưa. Trên địa bàn Quảng Trị hiện đã có 80 khách sạn, nhà nghỉ du lịch với 1.700 phòng, hơn 2.800 giường đủ điều kiện đón các đối tượng khách du lịch. Nhiều cơ sở, nhiều dự án đang phôi thai, đang thực hiện. Quảng Trị hứa hẹn là một mảnh đất lịch sử “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”.

Bến thả hoa bên sông Thạch Hãn

Phải xóa lề thói cũ, mở lòng đón khách

Tuy nhiên, để Quảng Trị trở thành điểm du lịch truyền thống và lịch sử của cả nước, còn nhiều việc phải làm. Trước hết là nhận thức của người Quảng Trị (nhất là cán bộ các cấp) về ý nghĩa của mảnh đất mình đang sống và nguồn lợi từ kinh tế du lịch-một mũi nhọn kinh tế được ví như ngành công nghiệp không khói, mà mở lòng mở dạ đón khách. Cơ sở lưu trú chưa hiện đại ư, có sao đâu, nếu mỗi người Quảng Trị đều có một thái độ, một tấm lòng hiếu khách. Nhiều khoản kinh phí “không tên” đè nặng lên vai chủ nhà Quảng Trị ư, sẽ là chuyện nhỏ, nếu Quảng Trị thành tâm khơi thông mọi nguồn vốn, huy động sức mạnh tổng hợp của mọi người dân, mọi người từng gắn bó máu xương với Quảng Trị. Quảng Trị là của cả nước, mà trước hết là của nhân dân Quảng Trị, chứ đâu phải của riêng ai! Tình người sẽ là đặc sản, sẽ làm dịu lại gió Tây táp mặt.

Những di sản quân sự đang bị khuất lấp, chôn vùi; những hệ thống cơ sở hạ tầng đang thiếu và yếu; doanh thu từ du lịch còn khiêm tốn… đó đều là những bài toán không thể giải quyết ngay một năm, hai năm. Nhưng công thức để giải bài toán đó không thể thiếu một thành tố là trách nhiệm của hệ thống chính trị-những người thay mặt nhân dân Quảng Trị đón khách và chăm lo cho nhân dân Quảng Trị./.

(Theo: Xuân Bằng/QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất