Thứ Hai, 25/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Năm, 15/7/2010 16:40'(GMT+7)

Phát triển game online mang tính giáo dục

Nhiều học sinh giải trí bằng game online.

Nhiều học sinh giải trí bằng game online.

Có thể nói, nhận xét về GO hiện nay chia làm 2 phía rõ rệt. Một bên là những ý kiến xem GO tiêu cực. Theo họ, GO là nguyên nhân gây nên sự lãng phí khi thanh niên hiện nay tốn kém tiền bạc, thời gian để đắm chìm trong thế giới ảo. Không những thế, cũng theo những người phản đối, những loại GO có yếu tố bạo lực là một trong những nguyên nhân gây ra những vụ trọng án gây xôn xao dư luận vừa qua.

Có một số ý kiến còn cho rằng nên cấm hay ít nhất phải hạn chế tối đa GO, thậm chí có ý kiến cho rằng nhà nước không nên quan tâm đến khoản lợi mà GO đem lại mà nên cấm để mang lại yên bình cho xã hội.

Những người phản đối việc cấm GO thì lại cho rằng, chuyện đòi cấm GO là thể hiện sự bất lực của quản lý nhà nước, mỗi khi thấy khó quản lý là đề xuất cấm. Cấm GO là một việc không thực tế, vì với công nghệ truyền internet hiện nay, nếu không chơi GO trong nước, người chơi game có thể dễ dàng chơi GO nước ngoài. Khi đó, không chỉ lợi nhuận vào túi các nhà phát hành game nước ngoài mà cả nội dung, thời gian chơi game đều nằm ngoài tầm quản lý và hệ quả, nếu có, sẽ còn xấu hơn hiện nay.

Việc giới hạn chơi game theo cách chỉ cho phép chơi 5 giờ hay cấm chơi sau 21 giờ cũng khó thực hiện. Chưa tính việc bỏ GO trong nước chuyển qua GO nước ngoài, game thủ còn có nhiều cách để lách luật và hơn thế nữa, vì lợi ích vật chất đôi khi họ còn được chính bản thân nhà phát hành (NPH) ngầm hỗ trợ.

GO được xem là một xã hội thu nhỏ, và cũng như mọi xã hội khác, xã hội GO cũng cần có một cơ chế để quản lý. Thời gian vừa qua, nhà nước đã quản lý nhưng thực tế chứng minh điều đó không đem lại hiệu quả tích cực. Lẽ ra vai trò quản lý trực tiếp GO nên giao cho chính những NPH. NPH khi muốn phát hành một GO tại Việt Nam phải trình cho nhà nước các biện pháp quản lý, chỉ khi nào các biện pháp quản lý có tính thuyết phục thì NPH mới nhận được giấy phép phát hành GO.

Điều này để tránh những hiện tượng như các GO bạo lực, khi phát hành ở nước ngoài đều có các biện pháp cấm trẻ em, trong khi trong nước lại không có biện pháp hiệu quả để ngăn chặn thiếu nhi tham gia. Quản lý nhà nước chỉ cần trực tiếp giám sát các NPH là đủ.

Rất nhiều người đã lên tiếng phản ứng về những mặt tiêu cực của GO nhưng lại ít để ý đến một vấn đề: GO là loại hình giải trí thu hút đông giới trẻ nhất hiện nay. Theo nhiều nguồn thống kê, trung bình có từ 2-3 triệu thanh thiếu niên Việt chơi các loại GO. Điều đó đã khiến GO có một tầm ảnh hưởng lớn nhiều mặt đối với thanh thiếu niên hiện nay. Các biện pháp quản lý ở trên chỉ là biện pháp tình thế.

Trong cuộc họp tại TPHCM vừa qua, ông Lê Mạnh Hà, Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông đã đề cập đến việc phát triển GO của Việt Nam với nội dung tốt, mang đậm tính giáo dục. Điều này đã có ví dụ GO Thuận Thiên Kiếm của Công ty Vinagame (VNG) phát triển. Game mang đậm yếu tố văn hóa trong nước, người chơi để hoàn thành các nhiệm vụ trong game đòi hỏi phải có kiến thức nhất định về văn hóa, lịch sử, xã hội của Việt Nam. Game nhận được sự phản hồi tích cực của các game thủ trong nước.

Đã đến lúc nhà nước rất cần có sự đầu tư thích đáng để sản xuất ra những sản phẩm GO mang đậm tính giáo dục, hấp dẫn thanh thiếu niên tạo thành một sân chơi hiện đại của giới trẻ Việt Nam. 

TƯỜNG VY-SGGP

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất