Thứ Tư, 20/11/2024
Xã hội
Thứ Năm, 1/8/2013 20:29'(GMT+7)

Diện mạo mới của Thủ đô Hà Nội sau 5 năm mở rộng

Một góc Hà Nội. (Ảnh minh họa: Huy Hùng/TTXVN)

Một góc Hà Nội. (Ảnh minh họa: Huy Hùng/TTXVN)

Năm năm không phải là khoảng thời gian đủ dài để thực hiện một quyết định mang ý nghĩa lịch sử của đất nước, nhưng cũng đủ để chúng ta nhận thấy những chuyển biến tích cực về kinh tế-xã hội của Hà Nội, đủ để thấy được diện mạo mới của Thủ đô với tầm vóc lớn hơn, hiện đại hơn...

Những bước chuyển đáng ghi nhận

Theo báo cáo của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, sau 5 năm mở rộng, kinh tế Hà Nội tiếp tục tăng trưởng với tốc độ cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, các ngành dịch vụ, công nghiệp xây dựng, nông-lâm-thủy sản phát triển toàn diện. Tăng trưởng GDP của Hà Nội trong giai đoạn 2008-2012 bình quân đạt 9,45%/năm. Thu nhập bình quân đầu người theo đó cũng tăng lên, năm 2012 đạt 2.257 USD/người (gấp 1,33 lần so với năm 2008).

Cùng với đó, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực khi tỷ trọng các ngành dịch vụ, công nghiệp-xây dựng tăng và tỷ trọng ngành nông nghiệp giảm.

Đối với lĩnh vực công nghiệp, mặc dù gặp nhiều khó khăn chung do bối cảnh kinh tế thế giới và khó khăn trong nước, nhưng ngành sản xuất công nghiệp vẫn có những thành tựu đáng khích lệ.

Bà Trịnh Thị Ngân, Trưởng phòng Quản lý công nghiệp, Sở Công Thương Hà Nội chia sẻ từ khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, các doanh nghiệp trên địa bàn có nhiều cơ hội tiếp cận đất đai, phát triển mặt bằng sản xuất hơn, trong đó đáng kể có nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp như Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ), Quang Minh (huyện Mê Linh)... Thêm nữa, doanh nghiệp cũng có thêm nguồn nhân công giá rẻ, giải quyết được bài toán lao động phổ thông...

Cùng với đó, Hà Nội đã tạo nhiều cơ chế chính sách cho doanh nghiệp đầu tư đổi mới máy móc hiện đại. Chính vì vậy, giá trị sản xuất ngành công nghiệp năm 2012 đã gấp 1,62 lần với năm 2008, bình quân tăng trưởng giai đoạn 2008-2012 đạt 12,97%. Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội, có 8 khu công nghiệp đã và đang hoạt động diện tích trên 1.230ha, tỷ lệ lấp đầy diện tích đạt 98%.

Lĩnh vực thương mại cũng phát triển nhờ hạ tầng thương mại được đầu tư. Trong 5 năm, Hà Nội đã hoàn thành đưa vào sử dụng 16 trung tâm thương mại, 81 siêu thị và 33 chợ các loại (đến nay, trên địa bàn có 25 trung tâm thương mại, 121 siêu thị và 414 chợ). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ duy trì tăng trưởng khá, trung bình hàng năm tăng 23%. Kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 10,5%/năm, trong đó, xuất khẩu địa phương tăng 13,3%/năm. Kim ngạch nhập khẩu tăng bình quân 1,1%/năm. Kim ngạch nhập khẩu tăng thấp hơn xuất khẩu, nhập siêu được kiểm soát.

Ngoài những lĩnh vực như công nghiệp thương mại, sản xuất nông nghiệp cũng có bước phát triển khá. Giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản năm 2012, gấp 1,8 lần năm 2008. Năm 2012, giá trị sản xuất đạt 199 triệu đồng/ha canh tác, cao gấp 1,63 lần năm 2008. Cơ cấu sản xuất nông nghiệp chuyển dịch tích cực. Tỷ trọng chăn nuôi, thủy sản và dịch vụ nông nghiệp tăng dần, đạt 51,54% năm 2012; trồng trọt, lâm nghiệp là 43,93%; dịch vụ nông nghiệp là 3,53%. Nhờ vậy, bộ mặt nông thôn đổi mới một cách rõ rệt. Kết cấu hạ tầng nông thôn được đặc biệt quan tâm, xây dựng nông thôn mới đạt kết quả bước đầu quan trọng.

Đặc biệt, theo báo cáo của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, sau 5 năm mở rộng, tỷ lệ thất nghiệp đô thị, tỷ lệ hộ nghèo toàn thành phố ngày càng giảm; 70% xã, phường đạt chuẩn quốc gia về y tế; 95% tổng lượng chất thải rắn phát sinh tại khu vực nội thành đã được thu gom và xử lý.

Ngoài ra, 100% xã trên địa bàn, kể cả những xã mới hợp nhất vào Hà Nội cũng đã có điện lưới dùng trong sinh hoạt và sản xuất. Hệ thống cáp quang truyền hình và internet phát triển nhanh chóng. Lượng nước sạch cung cấp 614.000 m3/ngày đêm; hệ thống bưu chính viễn thông được nâng cấp, phát triển và hiện đại hóa.

Thủ đô ngày càng mở rộng và phát triển toàn diện theo cả bề rộng và bề sâu, gắn kết hài hòa hơn giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa-xã hội; các nguồn lực của thành phố ngày càng được khai thác và phối hợp hiệu quả. Quá trình tái cấu trúc kinh tế và cải thiện môi trường đầu tư địa phương đang được thúc đẩy; sức cạnh tranh của nhiều sản phẩm chủ lực ngày càng cao. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội ngày càng phát triển đồng bộ, hiện đại, từng bước đáp ứng nhu cầu phát triển, cải thiện chất lượng sống và tô đẹp thêm cho cảnh quan Thủ đô.

Vững vàng hướng tới tương lai


Với những thành tựu đã đạt được trong năm năm qua, Hà Nội đã khẳng định là một trung tâm kinh tế-xã hội lớn của cả nước. Năm 2012, với dân số chiếm 7,84%, Hà Nội đã đóng góp 10,06% vào GDP, 9% kim ngạch xuất khẩu; 13,5% giá trị sản xuất công nghiệp; 23,5% vốn đầu tư phát triển, 19,73% thu ngân sách (trong đó, thu nội địa đóng góp 26,67%) và 23,5% tổng vốn đầu tư xã hội của cả nước. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Thủ đô luôn đạt mức tăng gấp 1,5 lần so với tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước. Kinh tế Thủ đô xứng đáng giữ vị trí đầu tàu và là động lực phát triển kinh tế khu vực phía Bắc và ngày càng giữ vị trí quan trọng đối với kinh tế của cả nước.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đáng trân trọng, nghiêm túc nhìn nhận trong 5 năm qua quá trình phát triển kinh tế Thủ đô vẫn còn những hạn chế.

Theo ông Ngô Văn Quý, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, dù duy trì tốc độ tăng trưởng khá, song kinh tế Thủ đô vẫn bộc lộ những yếu tố thiếu bền vững như thu hút vốn đầu tư nước ngoài, huy động vốn trong nước chưa xứng với tiềm năng, lợi thế; đầu tư công còn dàn trải, nhiều dự án trọng điểm triển khai chậm. Ngoài ra, công tác quy hoạch, quản lý đô thị, quản lý đất đai vẫn còn hạn chế. Tình trạng quản lý trật tự giao thông, vệ sinh môi trường chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra.

Mặc dù vậy, có thể khẳng định, sau 5 năm hợp nhất, Thủ đô Hà Nội đã đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện, tạo sự chuyển biến căn bản trong đời sống xã hội, góp phần rất quan trọng vào thành tựu chung của vùng và cả nước. Thực tế phát triển của Thủ đô trong 5 năm qua đã khẳng định tính đúng đắn, giá trị lịch sử, ý nghĩa thực tiễn lâu dài của chủ trương mở rộng địa giới hành chính đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô.

Hướng tới tương lai, các chuyên gia kinh tế cho rằng Hà Nội có nhiều điều kiện để phát triển hơn nữa, xứng tầm là một trong những thủ đô rộng lớn, hiện đại trên thế giới. Chuyên gia kinh tế, tiến sỹ Nguyễn Minh Phong cho rằng Hà Nội có những tiền đề và bước đệm vững chắc như việc Thủ tướng Chính phủ đã thông qua Quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn 2030 và Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội giai đoạn đến 2030, tầm nhìn 2050.

Đặc biệt, Luật Thủ đô có hiệu lực thi hành từ 1/7/2013 thực sự là sự kiện quan trọng lớn nhất được Thủ đô chờ đợi suốt 5 năm qua khi tạo thêm căn cứ pháp lý và những động lực mới đẩy nhanh hơn quá trình phát triển toàn diện và hiện đại hóa thủ đô Hà Nội...

Với những thành tựu to lớn đã đạt được, những nỗ lực đồng thuận cao của cả hệ thống chính trị và những điều kiện vững chắc, Thủ đô Hà Nội sẽ ngày càng phát triển, đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, xứng đáng với lòng tin yêu của cả nước. Niềm tin đó lại càng được khẳng định với chia sẻ chân thành nhưng đầy quyết tâm của Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị: “Hà Nội có rất nhiều tiềm năng, ưu thế, điều kiện để làm tốt về mọi mặt, nhưng quan trọng là phải nhận thức được những việc làm chưa tốt. Cần hiểu rõ không chỉ thế mạnh, mà phải thấy rõ cả những yếu kém của mình, có như thế mới mau chóng xây dựng được cả kinh tế và văn hóa Thủ đô phát triển"./.

Theo Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GDP) bình quân hàng năm 12-13% thời kỳ 2011-2020 và 9,5-10% thời kỳ 2021-2030.

Tổng sản phẩm nội địa (GDP) bình quân đầu người năm 2020 đạt khoảng 7.100-7.500 USD, năm 2030 đạt 16.000-17.000 USD (theo giá thực tế).

Đến năm 2030, Hà Nội là Thủ đô - đầu não chính trị-hành chính quốc gia; giàu, đẹp, xanh, văn minh, văn hiến, thanh lịch, hiện đại, dân tộc, tiêu biểu cho cả nước; trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, khoa học, giáo dục-đào tạo, y tế, du lịch, thể thao và giao dịch quốc tế của cả nước; đi đầu trong nhiều lĩnh vực, là đầu tàu lôi kéo sự phát triển chung của cả nước; người dân có điều kiện sống tốt.

Theo TTXVN
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất