(TG) - Kiểu diễn “tròn vai” vốn từ một vài cá nhân nhỏ, lẻ tẻ, giờ đã thành một cách sống, cách tồn tại của không ít người trong tập thể. Oái oăm là vẫn còn những người làm lãnh đạo lại thích những “diễn viên” này. Bởi họ ưa được “tiền hô, hậu ủng”, “nhất hô bá ứng”, họ muốn cấp dưới “gọi dạ, bảo vâng”, họ ghét những lời tham mưu, can gián phải – trái, thiệt hơn vì “thuốc đắng giã tật, sự thật mất lòng”.
Trong giới biểu diễn, hễ cứ nhắc tới hai tiếng “tròn vai”, đồng nghĩa với cô đào hay anh kép đã hoàn thành vai của mình một cách “tròn trịa”, không quá xuất sắc, nhưng cũng không mắc lỗi gì. Đôi khi trong những chương trình truyền hình thực tế, trước màn thể hiện của thí sinh, các giám khảo đưa ra bình luận, rằng “tròn vai” là tốt rồi, nhưng nếu thêm chút bứt phá nội lực để tạo ra một lối trình diễn “góc cạnh” chắc chắn sẽ có những phút giây “cháy” hết mình khó quên.
Trong thực tế, có một cách dùng khái niệm “tròn vai” khác, mang nghĩa thiếu tích cực, thậm chí là tiêu cực. Đó là những vai diễn “tròn trịa” nơi công sở, cơ quan của một bộ phận cán bộ, công chức. Họ luôn thể hiện “tròn vai” đủ 8 tiếng/ngày, giao việc gì, làm việc đó, làm cốt cho đủ, cho xong. Khi triển khai công việc, họ luôn “vo tròn”, “thu mình”, khéo léo, tránh né tranh luận để khỏi đụng độ, va chạm với đồng nghiệp. Đó đây, họ “nỗ lực” diễn “tròn vai” làm “cấp dưới”, sếp bảo sao nghe vậy, sếp bảo gì làm đấy, sếp nói hay là hay, nói dở là dở, đợi sếp cho ý kiến là “vun vào”, bợ đỡ, nịnh nọt. Họ giữ “tròn vai” để khỏi phải nghe lời mắng mỏ, phàn nàn, chê bai của sếp, tiếng xì xào của những người chung quanh. Để “tròn vai”, họp hành họ chẳng hơi đâu mà nêu ý kiến, góp ý, kẻo lại “chưa được vạ, má đã sưng”.
Những “diễn viên” này luôn rỉ tai nhau rằng nên chọn cách “vo tròn” mà sống. Họ ngụy biện: Đề xuất ư? Phản biện ư? Chớ mà làm, kẻo rồi cuối năm, anh em họ ghét, rồi họ chẳng cho mình lá phiếu “Lao động tiên tiến”, sếp cũng chẳng ưa gì người hay cãi lại, rồi kẻo mà đến cái danh “hoàn thành tốt nhiệm vụ” cũng chẳng có mà “chốt” vào kiểm điểm cá nhân. Nói chung, chẳng cần phải làm gì quá tốt, quá xuất sắc, nhưng tất nhiên, cũng đừng để quá dở, cứ “vừa vừa”, “tà tà” là được. Và hơn cả, phải "tròn vai" làm "tôi trung" với sếp, có sếp thì mới có mình. Thế nên với họ, cứ diễn “tròn vai”, “an phận thủ thường” mới là thượng sách!
Thật đáng buồn, bởi cách diễn “tròn vai” vốn từ một vài cá nhân nhỏ, lẻ tẻ, giờ đã thành một cách sống, cách tồn tại của không ít người trong tập thể. Oái oăm là vẫn còn những người làm lãnh đạo lại thích những “diễn viên” này. Bởi họ ưa được “tiền hô, hậu ủng”, “nhất hô bá ứng”, họ muốn cấp dưới “gọi dạ, bảo vâng”, họ ghét những lời tham mưu, can gián phải – trái, thiệt hơn vì “thuốc đắng giã tật, sự thật mất lòng”.
Thực tế ấy đã và đang làm triệt tiêu, xói mòn nhiệt huyết của những ai muốn nỗ lực cống hiến, tâm huyết phục vụ công việc chung.
Điều may mắn là, đó đây ở các cơ quan, công sở vẫn còn những cá nhân luôn tâm niệm “hết việc chứ không hết giờ”, tâm huyết, lăn xả với công việc. Dù có thể, lúc này, lúc khác, thời điểm này, giai đoạn nọ, họ đã trở thành những người “cô đơn”, nhưng luôn tự nhủ với lòng, họ đang là những “công bộc” của dân, thực hiện đúng theo lời Bác Hồ dạy lúc sinh thời “Với công việc, phải tận tụy”. Họ nhất quyết chống thói diễn “tròn vai”, họ “cháy” hết mình trong công việc, sáng tạo, tìm tòi trong từng phút giây nơi công sở. Họ sẵn sàng “góc cạnh” trong góp ý phê bình, tham mưu thủ trưởng. Họ không ngại phê, tự phê thẳng thắn, nhưng rất mực chân thành. Họ luôn kiên quyết chống thói hình thức, nịnh bợ, xuê xoa, một chiều trong tập thể.
Ấy nên, vẫn còn những hy vọng, rằng những con người tâm huyết, lăn xả, cống hiến ấy sẽ là hạt nhân nòng cốt dẹp bỏ cho được những tư tưởng diễn “tròn vai”, làm nửa vời, “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về” đang “lan rộng” trong không ít cơ quan, đoàn thể.
Chắc chắn tương lai sẽ ít dần và không còn những kẻ diễn “tròn vai”!
Tin là thế!
Song Minh