(TG) - Khá lâu tôi mới có dịp trở lại một huyện trung du công tác. Gặp lại người bạn cũ từ thời lính trơn, nhờ hai chục năm bền bỉ phấn đấu, từ một cán bộ quân sự xã, nay bạn ở vị trí người đứng đầu chính quyền địa phương. “Chào ông quan xã”, sau khi tôi khơi mào bằng một câu thân mật, anh bạn cười nhăn nhó: “Nghe bạn nói quan mà oai quá. Nhưng mà tớ chỉ tự dám nhận là “quan đầu tằm”, “phận kim cô” thôi”!
Lần đầu tiên nghe đến từ “quan đầu tằm”, “phận kim cô”, tôi không khỏi phân vân, thắc thỏm. Định hỏi ngay cho ra nhẽ, thì liên tục chủ tịch xã nhận được nhiều cuộc gọi và tin nhắn từ nhiều cấp, ngành trên huyện. Khoảng hơn nửa tiếng đồng hồ, tôi để ý thấy chủ tịch xã tất bật như người nuôi con mọn. Hết đọc công văn, giấy tờ, trao đổi công việc với cộng sự, cho ý kiến chỉ đạo những bộ phận liên quan giải quyết công việc trong ngày, lại đến xử lý những tình huống đột xuất khác. Từng được rèn rũa nghiêm túc trong quân ngũ, chủ tịch xã có tác phong nhanh nhẹn, linh hoạt, nhưng như anh chia sẻ, nhiều khi “cả núi công việc” dồn xuống cơ sở khiến phải làm việc xuyên giờ giấc mới có thể tạm ổn.
Chờ lúc thư thái, anh mới bày tỏ nỗi niềm với tôi: Làm cán bộ cấp nào cũng vất vả. Nhưng cán bộ cơ sở chúng tôi thì muôn nỗi gian truân, “trăm dâu đổ đầu tằm”. Trên tỉnh, trên huyện có đầy đủ cơ quan chức năng tham mưu và cán bộ chuyên môn giúp việc. Còn cấp xã thì có hơn hai chục biên chế công chức, nhưng chúng tôi không chỉ có trách nhiệm chịu sự chỉ đạo của các ngành, các cấp, các cơ quan, đoàn thể cấp trên về mọi lĩnh vực hoạt động, mà còn phải gánh vác phận sự lo cho cả vạn người dân trong xã. Nhất là trong đợt dịch COVID-19 bùng phát vừa qua, đội ngũ cán bộ, công chức ở rất nhiều xã, phường không có ngày nghỉ, giờ nghỉ, vì phải đêm ngày tất bật “gác dịch” cho dân. Vì theo lệnh cấp trên, tuyệt đối không gây khó dễ cho dân trong hoàn cảnh dịch bệnh, nhưng nếu dịch lây lan thì cán bộ xã, phường phải chịu trách nhiệm hoàn toàn. Có nhiều lúc chúng tôi còn “nóng” hơn cả ngồi trên đống lửa, chịu áp lực từ sự chỉ đạo của cấp trên và từ những mong muốn chính đáng của người dân. Có lúc cảm tưởng như đang “bị kẹt” giữa dòng nước chới với... Đấy, “quan đầu tằm” là thế, ông ạ!
Thế còn “phận kim cô” là sao? Bạn tôi nhắc lại sự tích chiếc vòng kim cô mà Đường Tam Tạng đã gắn lên đầu để kiểm soát, chế ngự Tôn Ngộ Không tránh làm điều nông nổi, sai trái. Đó là ý nghĩa tích cực từ chiếc vòng kim cô trong truyền thuyết Tây Du Ký. Nhưng ở một khía cạnh khác, “vòng kim cô” thời nay còn có nghĩa là một người nào đó, một cấp nào đó thường xuyên được/bị cấp trên quan tâm quá mức, kiểm tra liên tục, “hỏi han” thường xuyên thì bỗng dưng như được vào “vòng kiềm tỏa” ngoài ý muốn.
Từ câu chuyện ở xã mình, bạn tôi giãi bày: Cán bộ xã lo ngại nhất là phải tiếp đón, tiếp khách quá nhiều đoàn cấp trên, cán bộ cấp trên đến làm việc, giám sát, kiểm tra. Mỗi lần như thế, hầu như cả bộ máy ở cơ sở phải căng mình ra để chuẩn bị văn bản, thủ tục báo cáo, trình bày và đương nhiên không quên chuẩn bị cả “hoa hồng khô” (từ lóng “phong bì”) để phục vụ chu đáo cấp trên. Lại nữa, nhiều khi trên huyện tổ chức hội nghị tổng kết vấn đề gì, thì cánh cán bộ xã cũng thường là những người “hứng chịu” những lời chê bai từ cấp trên, nào là: Đội ngũ cán bộ cơ sở trình độ, năng lực hạn chế, chưa ngang tầm nhiệm vụ; chưa năng động sáng tạo; thiếu sâu sát với dân... Đấy, “phận kim cô” của cán bộ xã cũng phần nào bắt nguồn từ những nhận xét cảm tính, định kiến của cấp trên như thế!
Nghe bạn bộc bạch, tôi chân thành động viên: “Được biết xã ta vừa trở thành xã nông thôn mới, diện mạo làng xóm khởi sắc, đời sống bà con đổi thay từng ngày, tinh thần người dân phơi phới. Đấy là hạnh phúc vô bờ của những người “quan đầu tằm”, “phận kim cô” như bạn!”.
Như được giải tỏa điều gì đó, người bạn mở lòng mở dạ hơn: “Cậu chia sẻ thì tôi cũng bớt nỗi niềm hơn về địa vị “quan đầu tằm” của mình. Nhưng thông qua câu chuyện này, tôi muốn nói rằng: Thấu hiểu, đồng cảm với điều kiện, hoàn cảnh của những người ở vị trí công tác thấp bé hơn mình để có cách ứng xử phù hợp, thấu tình đạt lý cũng là một cách hữu hiệu giúp cán bộ lãnh đạo cấp trên phòng ngừa, tránh xa tư tưởng bề trên, thái độ xem nhẹ cán bộ cơ sở. Bởi như các bậc tiền nhân từng khuyên răn: “Núi cao phải có đất bồi/ Núi chê đất thấp núi ngồi ở đâu?”./.
Thiện Văn