Tính riêng tại Hà Nội, với chưa đầy 20 bảo tàng, con số này thực sự là không thấm tháp vào đâu so với một thành phố lớn với chừng 7 triệu dân. Đã thế, hiện trạng các bảo tàng ở VN lại đang rơi vào một tình cảnh là bảo tàng đã ít nhưng lại không hút khách, thiếu hấp dẫn và kém cạnh tranh. Ngoại trừ bảo tàng dân tộc học liên tục có những chương trình mới để kéo người xem tới với mình thì các bảo tàng khác phần đông luôn rơi vào tình cảnh chợ chiều.
Nhìn vào bảng số liệu thống kê lượng khách tham quan tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam cũng thấy rõ điều này khi từ năm 2008 đến 2011 lượng khách liên tục giảm từ 167.000 xuống còn 73.000 người. Khi được hỏi lí do được lãnh đạo bảo tàng đưa ra là do các tour du lịch không kết hợp với bảo tàng nữa. Điều đáng buồn hơn, mỗi năm BTLS QG được nhà nước cấp kinh phí khoảng 13 tỉ đồng để chi trả lương cho cán bộ công nhân viên và các hoạt động nghiệp vụ khác và giao chỉ tiêu mỗi năm bảo tàng thu về 2 tỉ, nhưng bảo tàng cũng chỉ gần đạt được chỉ tiêu trên mà phần lớn thu được từ phí dịch vụ ngoài như cho thuê địa điểm mở dịch vụ nhà hàng chứ không phải từ tiền bán vé. Ngược lại với con số thu về này là con số đầu tư cho bảo tàng, theo ông Giám đốc bảo tàng, TS Vũ Mạnh Hà, năm 2011 số tiền đầu tư và chi phí hoạt động lên đến 43 tỉ đồng. Năm 2012 số tiền đầu tư cho bảo tàng lịch sử sẽ không còn là 43 tỉ nữa khi dự án xây dựng Bảo tàng Lịch sử Quốc gia sau khi xát nhập 2 bảo tàng Cách mạng VN và Lịch Sử VN đang được triển khai và hứa hẹn sẽ lại là một công trình bảo tàng lớn tiếp theo sau Bảo tàng Hà Nội.
Đã rất lâu rồi người ta không thấy sự xuất hiện của một cuộc triển lãm nào gây chú ý và thu hút nguời xem đông kỷ lục lên tới hàng trăm ngàn người như "Cuộc sống ở Hà Nội thời bao cấp 1975-1986" tại Bảo tàng dân tộc học cách đây năm 2006. Thành công của triển lãm này cho thấy vai trò quan trọng của những người tổ chức cũng như tầm quan trọng của việc quảng bá cho các hoạt động của bảo tàng. Bảo tàng Lịch sử thi thoảng vẫn có những cuộc triển lãm hấp dẫn công chúng mà gần đây nhất là triển lãm Rồng trên cổ vật, nhưng tần suất không nhiều. Vấn đề là chúng ta đang có quá ít bảo tàng nhưng các bảo tàng hiện có vẫn chưa khai thác hết thế mạnh riêng của mình.
Hỏi ngẫu nhiên nhiều bậc phụ huynh, cùng một câu hỏi họ có hay cho con mình đến bảo tàng không? Câu trả lời đều có chung đáp án là không! Rất nhiều người thậm chí không hề nghĩ đến chuyện đến bảo tàng và gần như không ai còn nhớ lần cuối cùng mình đặt chân đến bảo tàng là từ khi nào. Thay vì cho con đến bảo tàng vào ngày lễ hay các dịp cuối tuần, nhiều vị phụ huynh chọn dẫn con đến một trung tâm thương mại để con có thể vui vẻ ở khu vui chơi, mẹ có thể đi shopping, bố có thể ngồi uống cafe và rồi cả nhà cùng vào xem một bộ phim hấp dẫn.
Không chỉ bán các món đồ phái sinh trực tiếp cho khách du lịch, các bảo tàng lớn mà cụ thể là The Metropolitan Museum of Art ở NY, British Museum hay Louvre thậm chí còn có một trang bán đồ lưu niệm riêng trên mạng cho khách du lịch khắp nơi trên thế giới đặt hàng.
|
The Metropolitan Museum of Art ở NY |
Các bảo tàng ngày càng thiếu sức cạnh tranh với các loại hình giải trí khác và dần dần càng vắng khách. Thiếu những chiến lược marketing chuyên nghiệp, thiếu những chương trình hấp dẫn, thiếu những sản phẩm văn hoá phái sinh chính là nguyên nhân dẫn đến cảnh người dân thì thiếu chỗ xem còn bảo tàng thì đìu hiu, thi thoảng chỉ rộ lên một lúc khi có chuyên đề mới. Bản thân các bảo tàng đã không theo kịp với sự phát triển của xã hội và tất yếu, nó bị tụt lại phía sau.
"Tôi nghĩ ta chỉ cần có thêm bảo tàng nghệ thuật đương đại nữa thôi, dù đã quá muộn nhưng vẫn nên làm. Vấn đề của chúng ta hiện tại không phải là việc tăng số lượng bảo tàng lên nữa mà là khai thác chúng tốt hơn, giải quyết những bảo tàng đang có. Bảo tàng dân tộc học là hình mẫu lý tưởng để khai thác dịch vụ phái sinh tốt cũng như liên kết giáo dục với các trường học. Bảo tàng mỹ thuật cũng phải đổi mình, nên cho các nghệ sĩ trẻ thuê nhiều hơn, giá rẻ hơn. Sản phẩm phái sinh phải làm thực sự và gắn với đặc trưng của từng bảo tàng bởi ở mình bảo tàng hiện nay chỉ có từng ấy thứ.
"Bảo tàng không chỉ là nơi thăm quan mà còn là nơi người xem giữ lại những kỷ niệm, lưu niệm gắn với bản sắc của bảo tàng ấy. Các sản phẩm phái sinh này hết sức quan trọng không chỉ với người trong nước mà còn với du khách nước ngoài. Khách đến thăm quan bảo tàng nghệ thuật nguyên thủy ai cũng muốn có một chiếc huy hiệu có hình một tác phẩm điêu khắc cổ đại, đến bảo tàng Monet muốn mua một bộ lót cốc với hình những bức họa Ấn tượng nổi tiếng thế giới. Vậy mà hầu hết các bảo tàng của ta để ngỏ phần này khi chỉ bày bán những sản phẩm thủ công mỹ nghệ na ná nhau hay những cuốn truyện nước ngoài in lậu, giá rẻ", anh Nguyễn Đình Thành, Thạc sĩ Quản trị Văn hoá, ĐH Paris 9 (Pháp) nói.
"BTLS quốc gia xác định đây không chỉ là nguồn thu quan trọng mà còn đáp ứng nhu cầu giải trí của du khách. Nhưng để thực hiện được việc này thì phải từng bước. Như các nước họ làm museum shop rất tốt, ở đó họ bán nhiều sản phẩm để phục vụ nhu cầu của khách thăm quan, trong đó họ lưu ý đến các sản phẩm gắn với thương hiệu bảo tàng. Nhưng để làm được như họ thì phải có đầu tư, nghiên cứu và các sản phẩm này phải đảm bảo được thương hiệu và chất lượng", TS Vũ Mạnh Hà cho hay.
Hoàng Vy - Huy Hoàng/VietNamNet
Theo đề án quy hoạch tổng thể hệ thống bảo tàng VN đến năm 2020, sẽ có nhiều bảo tàng lớn được xây dựng trong đó có BTLSQG. Đề án đã được phê duyệt 2005 và đã được Thủ tướng phê duyệt năm 2006. Năm 2011 Thủ tướng ban hành nghị định thành lập BTLSQG trên cơ sở sát nhập BTCM và BTLS. BTLSQG là công trình quy mô lớn trong khu vực, được xây dựng ở tây Hồ Tây với diện tích 10ha, tòa nhà chính của công trình bảo tàng lên đến 9000m2. Công trình này đang trong quá trình lập dự án và dự kiến sẽ hoàn thành trong 5 năm tới.
Những con số biết nói
Bảo tàng Dân tộc học VN được biết đến như bảo tàng hoạt động tốt nhất tại Hà Nội với những hoạt động và cách làm bảo tàng được đánh giá cao. Hàng năm theo chị An Thu Trà, phó phòng truyền thông và công chúng cho biết lượng khách đến đến bảo thời điểm năm 2006-2007 tăng vọt và từ đó đến nay bảo tàng luôn duy trì được lượng khách ở mức nửa triệu người mỗi năm. Trong khi đó tại bảo tàng lịch sử Việt Nam số lượng khách ghé thăm tại bảo tàng chỉ đạt 73.000 vào năm 2011, tại bảo tàng mỹ thuật Việt Nam chỉ là 39.000 lượt khách.
Dựa vào số tiền mỗi vé thu được tại mỗi bảo tàng thì lần lượt Bảo tàng Dân tộc học thu được là 12,5 tỉ so với 780 triệu tại bảo tàng mỹ thuật Việt Nam và 1,46 tỉ tại bảo tàng lịch sử Việt Nam. Có thể sẽ chỉ cách tính tương đối nhưng dựa vào số liệu lượt khách chính xác có thể thấy sự chênh lệch khá lớn giữa một bảo tàng hoạt động tốt và một bảo tàng hoạt động vắng khách. |