Thứ Bảy, 12/10/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Tư, 2/7/2014 18:20'(GMT+7)

Điều tra nắm bắt dư luận xã hội – nhiệm vụ quan trọng của công tác Tuyên giáo trong giai đoạn hiện nay

Một buổi điều tra lấy ý thăm dò dư luận tại xã An Khê (Ảnh: Ánh Hồng)

Một buổi điều tra lấy ý thăm dò dư luận tại xã An Khê (Ảnh: Ánh Hồng)

Công tác nghiên cứu, nắm bắt dư luận xã hội là một nhiệm vụ có ý nghĩa quan trọng trong công tác tư tưởng của Đảng, góp phần rất quan trọng phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng nói chung và nhiệm vụ công tác Tuyên giáo nói riêng, nhất là trong giai đoạn hiện nay.

Thực hiện hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương, trong nhiều năm qua, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Gia Lai thường xuyên tổ chức nghiên cứu, điều tra dư luận xã hội để nắm bắt, phân tích tổng hợp những diễn biến tư tưởng và dư luận trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân đối với các chủ trương, chính sách của Đảng và những vấn đề chính trị, xã hội mang tính thời sự, bức xúc trên địa bàn, từ đó đề xuất các giải pháp, biện pháp nhằm định hướng dư luận xã hội; chủ động xử lý kịp thời, hiệu quả những vấn đề nảy sinh về tư tưởng; tăng cường đấu tranh phản bác và làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hằng năm của Thường trực Tỉnh ủy giao cho Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức thực hiện.

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã từng bước tổ chức, kiện toàn và xây dựng mạng lưới cộng tác viên nắm bắt dư luận xã hội từ tỉnh đến cơ sở; tổ chức bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ tuyên giáo các huyện, thị, thành ủy và đảng ủy trực thuộc. Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về vị trí, tầm quan trọng của công tác nghiên cứu, nắm bắt dư luận xã hội, đặc biệt là thường xuyên tổ chức định hướng, hướng dẫn các biện pháp nắm bắt và phản ánh DLXH cũng như định hướng DLXH trong toàn ngành, do đó việc theo dõi, nắm bắt và phản ánh DLXH đã từng bước đi vào nề nếp, phục vụ ngày càng tốt hơn cho công tác tham mưu, định hướng dư luận trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Hàng năm, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức các cuộc điều tra, nắm bắt dư luận xã hội về những vấn đề lớn thu hút sự quan tâm của người dân. Từ năm 2007 đến nay, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tổ chức hàng chục cuộc điều tra xã hội học với hàng ngàn phiếu điều tra trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh. Đặc biệt là tổ chức điều tra thành công về tình hình An toàn giao thông (ATGT) trên địa bàn tỉnh - vấn đề được nhiều người dân quan tâm, góp phần tích cực vào công tác phân tích nguyên nhân, nhận định, đánh giá tình hình, đề xuất các giải pháp tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh, góp phần đẩy lùi tình trạng tai nạn giao thông.

Gia Lai là địa phương đầu tiên trong cả nước tổ chức điều tra xã hội học về ATGT được Viện Nghiên cứu Dư luận xã hội - Ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá cao. Trong năm 2013, Ban cũng đã triển khai điều tra về tình hình tư tưởng và dư luận xã hội về kết quả 1 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI) của Đảng “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Qua tổng hợp, phân tích kết quả thu nhận được từ cuộc điều tra, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã đề xuất nhiều kiến nghị, giải pháp để tham mưu cho Tỉnh ủy triển khai Nghị quyết TW4 trong thời gian tới đạt hiệu quả hơn nhằm tạo sự chuyển biến trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng.

Trong 6 tháng đầu năm 2014, Ban đã tiến hành điều tra xã hội học về lĩnh vực giáo dục và y tế - đây là lĩnh vực đang được nhiều người quan tâm. Các mẫu phiếu điều tra được thiết lập một cách khoa học, hướng vào từng chủ đề cụ thể và triển khai phù hợp cho từng đối tượng. Phương pháp tổng hợp và xử lý số liệu cũng được xử lý số hóa theo các chương trình hiện đại, bằng phần mềm SPSS. Kết quả xử lý, tổng hợp mẫu điều tra đảm bảo các số liệu thu được mang tính lượng hóa cao và điển hình cho những đánh giá của các tầng lớp nhân dân.

Ngoài nắm bắt tình hình tư tưởng, tâm trạng xã hội thông qua các cuộc điều tra xã hội học, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cũng đã tăng cường nắm bắt DLXH thông qua hệ thống tuyên giáo các cấp; các cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể; đặc biệt là thông qua hệ thống thông tin đại chúng và lực lượng cộng tác viên dư luận xã hội từ tỉnh đến cơ sở… Trên cơ sở đó, hàng tháng đều có báo cáo tổng hợp phản ánh tình hình tư tưởng, tâm trạng xã hội cho Thường trực Tỉnh uỷ…

Cùng với công tác điều tra, nghiên cứu dư luận xã hội và hoạt động của mạng lưới cộng tác viên dư luận xã hội, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cũng rất quan tâm thực hiện các biện pháp công tác tư tưởng khác, như tăng cường công tác thông tin định hướng tư tưởng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân thông qua việc tổ chức các hội nghị báo cáo viên, giao ban công tác tuyên giáo định kỳ và đột xuất; thông qua các bản tin định kỳ như Chuyên san Tư tưởng văn hóa Gia Lai; Thông tin phục vụ sinh hoạt chi bộ, Bản tin sinh hoạt nhân dân, Trang tin điện tử, Tài liệu tuyên giáo Gia Lai để thông tin tình hình thực hiện các chủ trương, chính sách lớn, những vấn đề thời sự trong nước và quốc tế đang được dư luận quan tâm nhằm giúp các địa phương, đơn vị và đội ngũ cán bộ tuyên giáo, báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp chủ động trong tham mưu định hướng tư tưởng và dư luận xã hội, tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động. Thông qua phát huy hoạt động của đội ngũ báo cáo viên các cấp đã góp phần quan trọng trong định hướng tư tưởng, giải thích thông suốt dư luận, tạo sự đồng thuận trong xã hội. Đồng thời tăng cường thực hiện Quy chế phối hợp giữa Ban Tuyên giáo các cấp với các cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp trong việc triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết những vấn đề bức xúc của nhân dân trên địa bàn tỉnh, nhờ đó đã tham mưu giải quyết kịp thời những vấn đề tư tưởng, dư luận xã hội nảy sinh ngay trong từng chủ trương, chính sách, dự án và ngay từ cơ sở.

Tuy đã đạt được những kết quả như trên, song công tác nghiên cứu, nắm bắt và định hướng dư luận xã hội trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế cần khắc phục như: việc nắm bắt tư tưởng, tâm trạng của các tầng lớp nhân dân và dự báo tình hình chưa kịp thời, chưa đi vào nền nếp, nhất là thực hiện chế độ về giao ban, báo cáo, phản ánh và dự báo dư luận xã hội chưa đầy đủ, chính xác, thông tin thu được còn chậm; chưa có cơ chế và chính sách hợp lý cho hoạt động của đội ngũ cộng tác viên cơ sở nên chưa phát huy được hiệu quả hoạt động… Tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ làm công tác nghiên cứu dư luận xã hội còn thiếu và yếu. Nhiều địa phương, đơn vị chưa thực sự quan tâm đến công tác nghiên cứu, nắm bắt và phản ánh DLXH…

Xuất phát từ yêu cầu thực tế tình hình hiện nay, các cấp uỷ Đảng cần tăng cường hơn nữa công tác lãnh đạo, chỉ đạo công tác nghiên cứu, nắm bắt DLXH, đưa hoạt động nghiên cứu, nắm bắt và phản ánh dư luận xã hội trở thành nhiệm vụ thường xuyên không thể thiếu trong hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở để góp phần nghiên cứu, đề xuất các biện pháp định hướng và hình thành dư luận xã hội tích cực, tạo sự thống nhất về nhận thức, ý chí và hành động trong thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

 Ánh Hồng - Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Gia Lai

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất