Thứ Ba, 24/9/2024
Dân số, gia đình, trẻ em
Thứ Bảy, 26/9/2009 8:36'(GMT+7)

Đồ chơi cho trẻ em

Đồ chơi là một thứ không thể thiếu trong đời sống trẻ thơ, tuổi càng nhỏ, nhất là ở giai đoạn nhà trẻ, mẫu giáo thì có thể nói đồ chơi là một “người bạn” gắn bó, làm phong phú thêm đời sống tinh thần của con trẻ. Mục đích chính của đồ chơi là giáo dục trẻ nhanh chóng phát triển trí dục và mỹ dục. Thực tế cho thấy thứ đồ chơi nào đạt được hai yêu cầu đó sẽ có sức hấp dẫn trẻ.

Hiện nay trên thị trường, có bán rất nhiều đồ chơi thuộc đủ mọi chủng loại, kiểu cách. Nhưng phần lớn trẻ chơi chóng chán. Hứng thú của trẻ đa phần hướng tới các đồ chơi do nước ngoài sản xuất hơn là hàng nội địa. Bởi lẽ đồ chơi nước ngoài chẳng những đẹp, bền, phong phú mà chủ yếu là kích thích sự tò mò, tạo sự phát triển toàn diện cho trẻ.

Đồ chơi cho bé trai có phần khác bé gái do sự khác nhau về giới tính dẫn đến những sở thích tâm lý khác nhau, nhưng cả hai đều ưa màu sắc, âm thanh và kiểu dáng lạ mắt. Các bé gái thích búp bê, các loài vật, các dụng cụ trong gia đình để chơi trò nấu cơm, dọn cỗ. Bé trai lại thích ôtô, tầu thuỷ, máy bay, súng ống, các loại kèn. Nhưng các nhà sản xuất cần nhớ rằng không nên vô tình kích thích bạo lực hiếu chiến bằng những loại đồ chơi phỏng theo mô hình những vũ khí giết người. Không nên vì chúng thích loại đồ chơi này mà gia tăng sản xuất.

Trẻ thơ cần phải được bồi dưỡng trí tưởng tượng phong phú, trong đó thế giới âm thanh và mầu sắc thường được coi là những yếu tố đắc hiệu nhất trong việc kích thích phát triển năng lực thẩm mỹ của trẻ (chính vì vậy ở các nước văn minh, người ta đặc biệt chú trọng giảng dậy hai môn nhạc và hoạ ngay ở những lớp bé nhất trong hệ thống nhà trường phổ thông). Đáng tiếc là ở nước ta việc này đã được nghĩ tới nhưng bị coi nhẹ. Trong việc tạo ra các đồ chơi cho trẻ, các nhà sản xuất nước ta mới chỉ nghĩ tới âm thanh, chứ chưa nghĩ tới âm nhạc. (Âm thanh là tiếng động phát ra từ mọi vật thể, nó hỗn độn, tự do, không theo quy luật nào; còn âm nhạc là từ mọi âm thanh trong cuộc sống được người nhạc sỹ sáng tạo nên theo những quy luật nhất định về tiết tấu, cao độ và cường độ). Nhiều đồ chơi đã phát ra âm thanh, nhưng tạo ra âm nhạc - như kiểu đàn organ bằng nhựa hoặc búp bê reo nhạc - còn quá ít . Âm thanh chỉ giúp trẻ có điều kiện phát triển thính giác còn âm nhạc mới giúp chúng phát triển mĩ cảm, tâm hồn. Đi liền với âm nhạc là mầu sắc. Cần tối kỵ những màu tối, xỉn, mà chú trọng đến những màu tươi sáng, sặc sỡ và phải có sự hoà hợp phong phú.

Thực tế hiện nay, đồ chơi trẻ em đang tràn ngập thị trường với đủ mọi chủng loại, mẫu mã, kích cỡ, nhưng những thứ có lợi cho sự phát triển trí tuệ và mĩ cảm của trẻ còn ít so với loại chỉ thuần tuý khơi gợi sự hiếu kỳ, thậm chí có những thứ rất phản cảm, nhảm nhí như cục… phân giả. Nhiều người lớn còn muốn mua thứ này về chơi để đánh lừa-trêu người khác. Nhìn thấy thứ đồ giả này, đảm bảo ai cũng phải kêu rú lên vì trông rất giống thứ thiệt.

Một tỷ lệ rất đáng kể nữa - mà lâu nay báo chí và dư luận đã nói đi nói lại rất nhiều lần - là những loại đồ chơi liên quan đến tính bạo lực, điều này có tác hại rất lớn đối với nhân cách của trẻ thơ.

Một yêu cầu rất cần thiết đối với của trẻ hôm nay là tính chất hiện đại của cuộc sống phải được phản ánh trong các chủng loại đồ chơi. Cần hướng trẻ thơ tiếp cận với nền văn minh công nghiệp tiên tiến chứ không chỉ bằng lòng với loại đồ chơi kiểu như những ông “tiến sỹ giấy” hay những chiếc đèn kéo quân.

Đồ chơi cho trẻ em - một vấn đề tưởng như chẳng mấy quan trọng mà lại cần rất nhiều trí tuệ và nghệ thuật của các hoạ sỹ và những nhà thiết kế. Nhìn vào loại hàng hoá đặc biệt này, người ta có thể thấy được đời sống tinh thần của trẻ thơ và cao hơn là trình độ văn hoá, sự phát triển của một quốc gia./.

Quang Chí

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất