Ngoại giao kinh tế đang trở thành một trong những hoạt động quan trọng của ngành ngoại giao nước ta. Thực hiện mục tiêu đó, các đại sứ và tổng lãnh sự sẽ thực hiện những phần việc gì để thúc đẩy hoạt động này và doanh nghiệp kỳ vọng gì ở các đại sứ?
Mới đây, tại Hà Nội, đã diễn ra cuộc gặp gỡ giữa đại diện các doanh nghiệp với 21 đại sứ và tổng lãnh sự vừa được Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ký quyết định giao nhiệm vụ.
Trong những năm gần đây, chính sách ngoại giao kinh tế của nước ta được thúc đẩy mạnh mẽ. Theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm, ngoại giao kinh tế bao gồm 4 phần việc quan trọng, đó là mở đường, đột phá, tham mưu và đồng hành cùng doanh nghiệp. Trong đó, đồng hành cùng doanh nghiệp là điều mà các cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài cần đầu tư nhiều nhất. Các doanh nghiệp cho biết, hiện nay khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp là thông tin. Vì vậy doanh nghiệp nào cũng mong muốn có được những cơ chế thông tin đầy đủ và chính xác về thị trường nước sở tại để kịp thời có những đối sách thị trường.
Ông Vũ Ngọc Hải - Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam - cho biết, hàng năm Tổng Công ty nhập khẩu khoảng 8,5 triệu tấn xăng dầu ở một số thị trường truyền thống, như Singapore, Kuwait, Trung Đông, Hàn Quốc và Trung Quốc. Xuất thì chủ yếu qua Lào và Campuchia. Do vậy, doanh nghiệp rất cần các đại sứ giúp về pháp lý của các nước. Mỗi đại sứ quán cần có một trang thông tin riêng để doanh nghiệp tiện tham khảo.
Đồng quan điểm này, bà Phạm Thị Hằng - Giám đốc Ngân hàng NN&PTNT thành phố Hà Nội - cũng cho biết: “Chúng tôi cần những thông tin về các thị trường mà doanh nghiệp bạn hàng của chúng tôi làm ăn để có thể kịp thời hỗ trợ khách hàng khi cần thiết”.
Tương tự, ngoài thông tin về thị trường, các doanh nghiệp cũng rất cần những thông tin về đối tác và nguồn cung hàng hóa, nguyên vật liệu, vì nền sản xuất của nước ta còn phụ thuộc khá nhiều vào thị trường bên ngoài. Trong khi đó, những thông tin công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng hiện nay chưa cụ thể.
Bà Nguyễn Thị Dung - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần ô tô xe máy Hà Nội - cho rằng: “Các đại sứ nên có thêm những thông tin mang tính chiều sâu về thị trường mình làm việc để giúp đỡ doanh nghiệp. Ví dụ như khả năng cung ứng vật tư, nguyên liệu…”.
Đây thực chất cũng là nhiệm vụ của các đại sứ và cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. Tuy nhiên, theo phản ánh của các doanh nghiệp, không phải lúc nào cũng dễ tiếp cận với cơ quan đại diện ngoại giao của ta ở nước ngoài. Vì trên thực tế, chưa có những phương thức liên lạc trực tiếp giữa cộng đồng doanh nghiệp với các đại sứ quán.
Ông Nguyễn Hữu Đoan - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hải Dương - cho rằng: “Chúng tôi cần những thông tin thật và chính xác, đồng thời đề nghị Nhà nước cho cơ chế thiết lập hệ thống thông tin phù hợp giữa cộng đồng doanh nghiệp với các đại sứ quán để có thể liên lạc kịp thời khi cần thiết”.
Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - cho biết, điều các doanh nghiệp mong muốn ở các đại sứ chính là đại sứ góp phần hỗ trợ hoàn thành khuôn khổ hợp tác giữa cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp các nước, nhất là ở những nước chưa thành lập Hội đồng Doanh nghiệp hỗn hợp. Tăng cường cung cấp thông tin cho doanh nghiệp, đặc biệt là các thông tin về cơ cấu kinh tế, thị trường, đối tác, thế mạnh, rào cảnh thương mại, tiêu chuẩn kỹ thuật, cơ chế nhập khẩu và phân phối hàng hóa. Tư vấn, chắp mối, hỗ trợ xúc tiến thương mại và đầu tư. Bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài.
Riêng về vấn đề này, ông Trần Trọng Toàn - Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc - cho rằng, vì các doanh nghiệp tham gia rất nhiều lĩnh vực nên khi cần thông tin gì phải có những yêu cầu cụ thể với cơ quan đại sứ quán thì mới có thể đáp ứng được. Trong những năm qua, các cơ quan đại diện ngoại giao của nước ta đã hỗ trợ doanh nghiệp khá nhiều trong việc tìm kiếm thông tin về thị trường, rào cản thương mại, xác minh độ tin cậy của đối tác… Theo ông Nguyễn Hoằng, đại sứ nước ta tại Cộng hòa Ba Lan, đây là việc làm khó, nhưng nếu có sự hợp tác chặt chẽ giữa doanh nghiệp và cơ quan đại diện ngoại giao thì vẫn có thể làm tốt./.
Thu Thùy - VOVnews