Trong những năm qua, kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (doanh nghiệp FDI) chiếm khoảng 40% kim ngạch xuất khẩu cả nước và ngày càng tăng. Nếu năm 2004 chiếm 34% trong tổng kim ngạch xuất khẩu thì đến năm 2007 tăng lên 39,7% và năm 2008 chiếm khoảng 44%, đạt 24,2 tỷ USD, tăng 24% so với năm 2007 (không tính dầu thô. Nếu tính cả dầu thô thì kim ngạch của doanh nghiệp FDI đạt 34,5 tỷ USD, chiếm 55% tổng kim ngạch xuất khẩu).
Nghịch lý thời khủng hoảng
Ông Osashaki Masshiro, Giám đốc kế hoạch hành chính (Công ty TNHH Panasonic Communications Việt Nam- PCV), cho biết: PCV là một doanh nghiệp (DN) chuyên sản xuất các sản phẩm điện và điện tử công nghệ cao và chủ yếu xuất sang Mỹ, Nga… Tuy nhiên, đầu năm đến nay, nhiều đơn hàng đã bị huỷ do bạn hàng khó khăn. Dự kiến, năm 2009 PCV chỉ sản xuất được khoảng 2 triệu sản phẩm, chưa bằng 50% so với sản lượng của năm 2008. Do vậy, không còn cách nào khác là DN của ông phải tập trung sản xuất vào các sản phẩm là thế mạnh. Ngoài ra, ông Masshiro cũng cho biết, ngay trong tháng 3 năm nay, PCV đã phải cắt giảm 30% nhân công.
Bà Chen, Chiung – Mei, Tổng giám đốc Công ty Công nghiệp Yang Sin Việt Nam (Thái Bình) cho biết công ty cũng cắt giảm 10-15% công nhân. Chính việc cắt giảm này ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống của công nhân nhưng DN không còn cách nào khác khi không có đơn hàng.
Thế nhưng, bà Lê Thanh Thuỷ - Phó Giám đốc Công ty liên doanh NorFolk Hatexco (có cơ sở sản xuất tại Hà Nội và Hà Nam) lại đưa ra một nghịch lý: Trong lúc lao động mất việc làm ngày một tăng thì NorFolk Hatexco lại khó tuyển dụng được lao động mới. Công ty trương biển tuyển người rất to nhưng hầu như không có ai đến đăng ký xin việc.
Giải thích cho tình trạng này, bà Lê Thanh Thuỷ cho rằng: “Lao động ở các nhà máy khác bị mất việc nhưng họ không tiếp xúc được với những thông tin tuyển dụng. Chính vì vậy, DN rất cần được hỗ trợ về mặt phổ biến thông tin”.
Đại diện DN này cũng cho biết, khủng hoảng kinh tế khiến nhiều DN phải bó hẹp sản xuất, giảm lượng nhân công nhưng bản thân DN thì lại gặp khó khăn do thiếu lao động. Hiện nay, hàng xuất khẩu sang Mỹ và châu Âu chiếm đến 80% sản lượng của doanh nghiệp nhưng với trách nhiệm xã hội thì không thể để công nhân làm thêm giờ quá nhiều (theo qui định của Bộ Luật lao động, một công nhân chỉ được làm thêm 300 giờ/năm, bình quân là 1 giờ/ngày).
Xuất khẩu FDI sụt giảm
Đại diện Công ty Orient Foot (khu công nghiệp Hải Dương) cho biết: Kim ngạch xuất khẩu của công ty trong 3 tháng đầu năm 2009 giảm 50% so với cùng kỳ năm 2008.
Tại buổi toạ đàm với DN FDI về các biện pháp đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu diễn ra sáng 3/4 tại Hà Nội, ông Phan Văn Chinh - Vụ phó Vụ Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho rằng: “Với tình hình này và nếu không có những giải pháp tích cực hữu hiệu thì dự kiến trong năm 2009, mức độ sụt giảm kim ngạch xuất khẩu có thể sẽ lên tới 10 – 15%, chỉ đạt khoảng 19 – 20 tỷ USD. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu tác động làm cho kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp sụt giảm là do nhu cầu thị trường thế giới giảm mạnh bởi khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu”.
Mặc dù gặp phải một số khó khăn, kim ngạch xuất khẩu sụt giảm nhưng khu vực Doanh nghiệp FDI vẫn tiếp tục giữ vị trí đầu tàu trong việc tạo giá trị xuất khẩu, tỷ trọng xuất khẩu FDI trong tổng kim ngạch xuất khẩu tiếp tục tăng lên qua các năm. Doanh nghiệp FDI tham gia xuất khẩu hầu hết các mặt hàng chủ lực và chiếm tỷ trọng cao trong xuất khẩu nhiều mặt hàng, đặc biệt là các mặt hàng công nghiệp như hàng dệt may chiếm tỷ trọng 59% trong 2 tháng đầu năm 2009, giày dép 69,5%, điện tử 96,6%, máy móc, thiết bị 85%, dây cáp điện 81,7%…
Theo thống kê, xuất khẩu 10 mặt hàng chủ lực của doanh nghiệp FDI chiếm 27,5% tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2008 và 24,95% trong 2 tháng đầu 2009. Điều đó cho thấy các doanh nghiệp FDI chiếm tỷ trọng quan trọng trong xuất khẩu của Việt Nam.
Tiếp tục đối mặt với khó khăn
Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng khẳng định, trong tình hình hiện nay, các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ gặp khó khăn trong tìm kiếm, tiêu thụ sản phẩm. Với tỷ lệ và tỷ trọng xuất khẩu của khu vực FDI chắc chắn sẽ tác động đến mục tiêu xuất khẩu mà Chính phủ đã giao (tăng 13% so với số thực hiện năm 2008, tương đương với con số 71-72 tỷ USD), trong khi đó quí I/2009, kim ngạch xuất khẩu của cả nước tăng chưa đến 3%.
Theo phân tích của các nhà kinh tế, nhận định của các doanh nghiệp xuất khẩu, do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, xuất khẩu năm 2009 tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức. Bởi lẽ, thị trường xuất khẩu đã và đang bị thu hẹp mạnh, nhu cầu nhập khẩu và khả năng thanh toán tại các thị trường chủ lực có xu hướng giảm, sức ép cạnh tranh từ các nước châu Á gia tăng, đặc biệt là đối với các mặt hàng nông sản, thủy sản, dệt may, giầy dép, điện tử.
Theo Vụ Xuất nhập khẩu, năng lực sản xuất nhiều mặt hàng nông sản, khoáng sản như lúa gạo, cà phê, cao su, dầu thô đã đến ngưỡng, khó có khả năng tăng trưởng cao về sản lượng như những năm trước. Một số mặt hàng công nghiệp có kim ngạch lớn như dệt may và da giày chịu tác động của một số quy định mới từ năm 2009 như Mỹ bỏ hạn ngạch hàng dệt may đối với Trung Quốc; EU không gia hạn quy chế GSP đối với hàng da giày xuất khẩu của Việt Nam… Nhiều mặt hàng xuất khẩu hiện đang gặp phải rào cản thương mại liên quan đến tiêu chuẩn chất lượng, quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm… Giá cả hàng hóa trên thị trường thế giới có xu hướng tiếp tục đứng ở mức thấp và khó có thể tăng trong năm 2009.
Đối với doanh nghiệp FDI, ngoài những khó khăn trên còn có những bất cập khác như một số cơ chế chính sách chưa được cụ thể, các vấn đề về quy hoạch, về cơ sở hạ tầng…
Tuy có khó khăn về giá cả và thị trường nhưng xuất khẩu năm 2009 cũng có những cơ hội: Lãi suất cho vay giảm mạnh và điều kiện tiếp cận tín dụng thuận lợi hơn năm 2008. “Năm 2008 có nhiều biến động trái chiều nhau, đầu năm tập trung kiềm chế lạm phát, cuối năm lại giảm phát, vì thế chính sách tiền tệ phải linh hoạt. Năm 2009 cũng tiếp tục đối mặt với những khó khăn nhưng theo một chiều hướng chống suy giảm. Chính sách tiền tệ, ngoại hối sẽ ổn định và có điều chỉnh linh hoạt, đảm bảo cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp” - Phó Thống đốc Ngân hàng NN Việt Nam Nguyễn Văn Bình khẳng định.
Bà Chen, Chiung – Mei-Tổng giám đốc Công ty Công nghiệp Yang Sin Việt Nam (Thái Bình) đề xuất: “Chính sách như hỗ trợ lãi suất 4% cho các DN, giảm và giãn thuế thu nhập doanh nghiệp… đã tạo rất nhiều thuận lợi cho cộng đồng DN. Tuy nhiên, để hỗ trợ cho các DN xuất khẩu trong tình hình kinh tế suy thoái như hiện nay, Chính phủ Việt Nam nên miễn thuế xuất khẩu các hàng xuất khẩu. Đây là cách mà một số nước như Nhật Bản, Hàn Quốc... đang thực hiện”, bà Chen, Chiung –Mei đề xuất./.