Thứ Bảy, 21/9/2024
Kinh tế
Thứ Tư, 1/4/2009 22:34'(GMT+7)

Kinh tế Việt Nam bớt khó khăn hơn vào quý tới?

Giá nhiều loại hàng hoá trên thị trường thế giới có dấu hiệu tăng trở lại như: gạo, cao su, than đá, dầu thô, ca cao và các kim loại cơ bản cũng bắt đầu có những tác động đến sản xuất, xuất khẩu một số mặt hàng trong nước của Việt Nam.

Một yếu tố đáng chú ý là Trung Quốc đang tận dụng thời cơ, đẩy mạnh nhiều nguyên, vật liệu chiến lược để tăng cường hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu, đón đầu sự hồi phục của các thị trường.

Xét đến các yếu tố tích cực trong nước, cơ quan tổng hợp, phân tích, dự báo kinh tế của Bộ Công thương nói rằng, các giải pháp kích cầu đầu tư và tiêu dùng của Chính phủ đang phát huy tác dụng, và kết quả là GDP quý 1/2009 đã tăng 3,1% so với cuối năm 2008; cán cân thương mại tiếp tục thặng dư với kết quả xuất siêu ba tháng ước đạt trên 1,6 tỉ USD, cho dù chủ yếu là do xuất khẩu gạo tăng mạnh, và tái xuất vàng… là yếu tố mới đáng lưu ý.

Giới chuyên gia nghiên cứu kinh tế trong nước và nhiều tổ chức nước ngoài gần đây, khi đánh giá về kinh tế Việt Nam cho rằng, những nhận định như của trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại như vậy là quá sớm, khi khủng hoảng kinh tế thế giới còn chưa nhìn thấy đáy, khi các thị trường xuất khẩu của Việt Nam vẫn tiếp tục bị thu hẹp.

Ngay tại phiên họp trực tuyến của Chính phủ tổ chức ngày 30 và 31/3, nhiều thành viên Chính phủ đã đưa ra những số liệu, nhận xét cho thấy các chỉ tiêu phát triển kinh tế trong nước đang xấu đi trông thấy so với nghị quyết Quốc hội đặt ra. Như chính Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nói rõ, nhiều chỉ tiêu giảm so với kế hoạch như: công nghiệp, dịch vụ, xuất khẩu, đầu tư nước ngoài, du lịch.

Tăng trưởng GDP trong quý 1 đạt 3,1%, theo đánh giá của Thủ tướng, là mức “thấp nhất trong nhiều năm qua”, và ước cả năm cũng chỉ đạt mức 5%. Cho nên, có thể Chính phủ phải trình Quốc hội điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng xuống còn 5% trong năm nay (giảm 1,5% so với chỉ tiêu Quốc hội đặt ra) và mức bội chi ngân sách có thể phải điều chỉnh tăng lên 8% GDP (kế hoạch là 4,8%).

Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, tuy không nên lạc quan thái quá cho rằng nền kinh tế sẽ nhanh chóng phục hồi, và tăng trưởng cao trở lại, nhưng cũng cần phải ghi nhận những tín hiệu tích cực để theo dõi và tập trung nguồn lực để phát huy các yếu tố tích cực, nhất là các yếu tố đó lặp lại, kéo dài và phát triển qua từng tuần, từng tháng.

Ví dụ như có thể đẩy mạnh xuất khẩu gạo, cao su, dầu thô… nếu giá cả các mặt hàng này được cải thiện để tăng thu ngân sách; tranh thủ nhập khẩu một số nguyên vật liệu, vật tư sản xuất, nếu giá cả mặt hàng nào đó đã rất thấp; tập trung giải ngân các dự án có hiệu quả, tạo nhiều việc làm… Còn nếu chỉ nhìn thấy các yếu tố không thuận lợi, và không có giải pháp ứng phó thích hợp, thì đó cũng không phải là một thái độ tích cực trong điều hành kinh tế.

Sẽ phục hồi vào năm 2010

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm nay sẽ chỉ ở mức 4,5%, giảm so với mức 5% mà ADB đưa ra tháng 12 năm ngoái.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế trưởng của ngân hàng Thế giới (WB) Martin Rama tiết lộ, WB dự kiến sẽ đưa ra dự báo kinh tế Việt Nam giảm xuống chỉ ở mức 5,5% trong năm nay, thay vì mức 6,5% trước đây. Tuy nhiên, con số này sẽ chỉ được công bố chính thức vào ngày 7/4 tới khi WB công bố báo cáo triển vọng kinh tế Việt Nam.

Giám đốc ADB, ông Konishi cho rằng, kinh tế Việt Nam sẽ hồi phục ở mức 6,5% vào năm tới, và nhấn mạnh rằng, chính phủ cần đẩy mạnh các cải cách kinh tế và mở cửa hơn nữa theo cam kết WTO để đảm bảo lòng tin của giới đầu tư và công chúng nói chung”. 

(Theo Sài Gòn tiếp thị)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất