Thứ Năm, 26/12/2024
Kinh tế
Thứ Năm, 2/4/2009 9:3'(GMT+7)

Đề xuất 9 giải pháp ngăn chặn suy giảm kinh tế

Một góc TPHCM về đêm

Một góc TPHCM về đêm

Giải pháp đầu tiên, UBND TPHCM kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành, địa phương và doanh nghiệp khi mua sắm hàng hóa phải tăng cường sử dụng hàng Việt Nam, các dự án đầu tư sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước phải sử dụng hàng hóa nội địa.

Qua đó, giúp doanh nghiệp trong nước nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm, tác động tích cực đến thị trường và thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển.

Để tăng sức cầu cho thị trường, UBND TPHCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh hiệu lực thi hành Luật thuế thu nhập cá nhân đến ngày 1/1/2010; hoặc xử lý số thuế được giãn nộp nói trên theo hướng giảm 50% số thuế phải nộp cho đối tượng chịu thuế.

Để giúp doanh nghiệp giảm gánh nặng về chi phí (tiền điện), tập trung đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, TP kiến nghị Chính phủ điều chỉnh quy định về giờ cao điểm điện theo hướng tăng số lượng giờ cao điểm tối, hạn chế giờ cao điểm vào ban ngày.

TP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ có chính sách khen thưởng để động viên kịp thời các doanh nghiệp có kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2009 tăng trưởng từ 15% đến 20% hoặc có số thu nộp ngân sách tăng từ 10% trở lên.

TP cũng đồng thời mong muốn Thủ tướng xem xét, đối với các dự án đầu tư, mua sắm máy móc thiết bị sử dụng nguồn vốn ngân sách mà giá chào giảm từ 15% trở lên so với trước đây thì cho phép áp dụng hình thức chỉ định thầu; kiến nghị ủy quyền cho Chủ tịch UBND TP quyết định việc chỉ định thầu đối với các dự án đầu tư có mức vốn dưới 10 tỷ đồng, nhằm đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án trọng điểm, cấp bách.

Hiện nay chưa có quy định về đấu thầu chọn nhà đầu tư, TP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép các địa phương được chủ động chọn các nhà đầu tư có năng lực tài chính, có kinh nghiệm và uy tín để chỉ định thầu đối với các dự án có tổng mức đầu tư dưới 50 triệu USD hoặc tương đương; tránh trường hợp tranh giành dự án, thông thầu, bán thầu và gây nhiễu thông tin, làm ảnh hưởng không tốt đến môi trường đầu tư.

UBND TPHCM cũng cho rằng: gần đây có rất nhiều thông tin, dự báo từ các hội thảo, hội nghị về diễn biến suy giảm kinh tế toàn cầu và những tác động, ảnh hưởng đến kinh tế nước ta với nhiều nhận định, đánh giá khác nhau. TP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo các ngành chức năng chủ động trong công tác thông tin tuyên truyền, định hướng dư luận để thống nhất trong nhận thức và hành động.

Ngoài ra, TP đặc biệt chú trọng đến vấn đề lãi suất cho vay. Trong bối cảnh các doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn như hiện nay, TP kiến nghị Thủ tướng xem xét kéo dài hơn thời hạn bù lãi suất cho các tổ chức, cá nhân vay vốn ngân hàng để sản xuất, kinh doanh đến hết tháng 12/2010 (thay vì đến hết tháng 12/2009).

Đối với các khoản vay ngắn hạn phát sinh trước thời điểm 1/2/2009 nhưng chưa đến hạn trả, kiến nghị cho hưởng hỗ trợ lãi suất vay như các trường hợp ký kết sau ngày này.

Đối với các hợp đồng tín dụng đã ký kết trong thời điểm lãi suất tăng cao trước đây, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các ngân hàng thương mại triển khai việc thương thảo, thanh lý hợp đồng tín dụng trước hạn đối với các tổ chức, cá nhân có nhu cầu, tạo điều kiện cho doanh nghiệp được vay theo mặt bằng lãi suất hiện nay.
 

TPHCM giữ vững chỉ tiêu tăng trưởng GDP 10%

Đánh giá tình hình kinh tế xã hội quý 1/2009, dù kinh tế cả nước GDP chỉ tăng trưởng có 3,1%, nhưng Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân khẳng định TP vẫn sẽ giữ vững chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm nay là 10%.

Ngoài ra, 5 chỉ tiêu kinh tế khác của TP trong năm 2009 vẫn sẽ không có gì thay đổi. Cụ thể: Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 16,5%; Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội bằng 37,2% GDP; Thu ngân sách tăng 8,74%; Chi ngân sách địa phương 21.898 tỷ đồng; Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng dưới 15%.

Ngoài ra, một số chỉ tiêu xã hội, đô thị khác có thể nói là thách thức lớn trong điều kiện kinh tế hiện nay như: giải quyết việc làm cho 270.000 lao động, tạo việc làm mới cho 120.000 lao động, giảm tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới còn 13,8%, tăng tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch lên 91,5%... vẫn sẽ được TP giữ vững.

Bảng báo cáo tình hình kinh tế xã hội TPHCM quý 1/2009 đánh giá: tình hình kinh tế thế giới suy thoái đã tác động đến kinh tế đất nước nói chung và kinh tế - xã hội TP nói riêng.

Thị trường chứng khoán và bất động sản suy giảm mạnh, giá vàng tăng cao, tỷ giá USD không ổn định đã tác động mạnh đến tình hình kinh doanh, xuất nhập khẩu; thị trường tiêu thụ bị thu hẹp đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh.

Nhưng Chủ tịch Lê Hoàng Quân vẫn kết luận: Mặc dù một số chỉ tiêu tăng thấp, nhưng nhìn chung, kinh tế TP vẫn đảm bảo tốc độ tăng trưởng trong điều kiện còn nhiều khó khăn. TP vẫn đang cố gắng đề ra các giải pháp thực hiện bằng được các chỉ tiêu trên thay vì tính đến chuyện điều chỉnh.

Trước tình hình kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ còn tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức, Chủ tịch Lê Hoàng Quân đề nghị Thủ trưởng các ngành, các cấp cần bình tĩnh, hành động quyết liệt trong công tác chỉ đạo điều hành sắp tới; tạo không khí làm việc, phấn đấu để đẩy lùi khó khăn; cùng TP và cả nước kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững.

Ông Quân cũng yêu cầu lãnh đạo các ngành, các cấp tập trung trong công tác chỉ đạo điều hành để hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ năm 2009 của cơ quan, đơn vị mình; không tham gia các chuyến tham quan, học tập kinh nghiệm ở nước ngoài hay các địa phương khác trong nước. Trường hợp cần thiết phải xin phép và phải được sự đồng ý của Chủ tịch UBND TP.


(Theo Báo Dân Trí)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất