Thứ Năm, 26/12/2024
Kinh tế
Thứ Tư, 22/3/2017 21:10'(GMT+7)

Doanh nghiệp nhà nước tự vay tự trả, Chính phủ không gánh nợ thay

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng. - Ảnh: VGP

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng. - Ảnh: VGP

Quản lý nợ công đang là vấn đề được dư luận rất quan tâm khi mới đây, ngày 20/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp và thảo luận về Luật Quản lý nợ công sửa đổi sau 6 năm thi hành.

Theo tờ trình của Chính phủ, nợ công sẽ bao gồm nợ Chính phủ, nợ do Chính phủ bảo lãnh và nợ chính quyền địa phương. Nợ công không bao gồm nợ tự vay tự trả của doanh nghiệp nhà nước, nợ do Ngân hàng Nhà nước phát hành nhằm thực hiện chính sách tiền tệ, nợ lẫn nhau giữa các cấp ngân sách.

Nhưng thảo luận tại phiên họp, nhiều ý kiến thành viên cơ quan thường trực Quốc hội đặt vấn đề có đưa các khoản nợ của doanh nghiệp nhà nước vào nợ công?

Theo Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng, các khoản Chính phủ vay rồi về cho vay lại hoặc Chính phủ bảo lãnh mới tính vào nợ công, còn doanh nghiệp tự vay tự trả.

“Nếu vay không trả được thì làm thủ tục cho phá sản. Không có chuyện chuyển nợ doanh nghiệp nhà nước thành nợ nhà nước. Chúng tôi khảo sát 40 nước, hầu hết đều không tính nợ doanh nghiệp nhà nước vào nợ công” – Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói.

Đồng tình quan điểm này, ông Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng - An ninh nhận xét, nếu coi nợ của doanh nghiệp nhà nước cũng là nợ công thì "tính nguy hiểm sẽ cao". "Có Chính phủ bảo lãnh, lo trả nợ cho rồi thì họ sẽ làm bừa, làm ẩu", ông Việt lập luận.

Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách Nguyễn Đức Hải cũng không đồng tình khi tính nợ doanh nghiệp Nhà nước vào nợ công, như thế sẽ khiến nợ công tăng thêm.

GS.TS Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng, cho rằng nếu quy định doanh nghiệp nhà nước đi vay không phải là nợ công thì cần phải lý giải kỹ.

Quan điểm của Chính phủ cũng nhận được sự ủng hộ của nhiều chuyên gia.

Theo TS Trần Du Lịch, cần phân định rạch ròi tài chính doanh nghiệp và tài chính công. Theo luật pháp Việt Nam, doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp trách nhiệm hữu hạn, tức chủ doanh nghiệp chỉ chịu trách nhiệm hữu hạn trên vốn điều lệ và doanh nghiệp chịu trách nhiệm hữu hạn trên tài sản của chính doanh nghiệp.

Ông Trần Du Lịch được Tuổi Trẻ dẫn lời cho rằng dù Nhà nước là chủ sở hữu, dù có nắm giữ đến 90% cổ phần của doanh nghiệp vẫn không chịu trách nhiệm về nợ của doanh nghiệp, các khoản nợ của doanh nghiệp nhà nước là nợ doanh nghiệp chứ không phải nợ công. Doanh nghiệp đã kinh doanh gặp thua lỗ phải cho phá sản.

Bởi vậy, Luật Quản lý nợ công sửa đổi cần phải quy định chặt chẽ, minh bạch trong trường hợp muốn phục hồi, cứu doanh nghiệp, Chính phủ muốn bảo lãnh vay nợ cho doanh nghiệp cũng phải chỉ rõ trách nhiệm cụ thể, công khai trong việc bảo lãnh nợ. Đồng thời, tăng cường quản lý, giảm thiểu rủi ro đối với khoản nợ của doanh nghiệp nhà nước.

TS Đinh Tuấn Minh góp ý cần phải đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước. Khi số lượng doanh nghiệp nhà nước giảm mạnh, Nhà nước không lo đi làm kinh tế, bán sữa, bán xăng dầu nữa. Việc doanh nghiệp kinh doanh như thế nào, lỗ hay lãi, nợ nhiều hay ít là chuyện của thị trường, của doanh nghiệp.

Còn theo chuyên gia kinh tế Bùi Trinh, phải xác định ai vay thì người đó trả, Chính phủ không vay thì Chính phủ không trả.

Dự kiến, Luật quản lý nợ công sửa đổi sẽ được trình Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XIV sẽ diễn ra vào tháng 5 tới. 

Theo Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng, thời gian qua nợ công tăng nhanh trước hết do công tác điều hành. Giai đoạn 2011-2015, mục tiêu tăng trưởng kinh tế (GDP) là 7,5% và sau đó điều chỉnh giảm về 6,5%, nhưng thực tế lại chỉ đạt 5,9%.

Giá trị GDP làm mẫu số để tính các chỉ số nợ công, bội chi được cơ quan dự báo đưa ra 5,1 triệu tỷ đồng, song con số thực đạt chỉ 4,5 triệu tỷ, vì thế nợ công tăng nhanh.

Tới giai đoạn 2015-2016, nhờ cơ cấu lại các khoản nợ tốt hơn, lãi suất trái phiếu Chính phủ giảm xuống chỉ còn 6% một năm thay vì 2 con số như trước, nên áp lực trả nợ cho ngân sách đã giảm đi đáng kể./.

Theo chinhphu.vn

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất