Thứ Bảy, 23/11/2024
Kinh tế
Thứ Sáu, 26/10/2018 23:8'(GMT+7)

Doanh nghiệp số và đổi mới sáng tạo

Toàn cảnh Hội thảo “Doanh nghiệp số và đổi mới sáng tạo” (ảnh DP)

Toàn cảnh Hội thảo “Doanh nghiệp số và đổi mới sáng tạo” (ảnh DP)

Dự hội thảo có sự tham gia của khoảng 400 đại biểu đại diện cho các cơ quan trung ương và địa phương, các doanh nghiệp, tổ chức xã hội nghề nghiệp… Các đại biểu cùng nhau trao đổi, thảo luận về các nội dung đổi mới sáng tạo trên nền tảng của quá trình số hóa, xây dựng các nhà máy số, internet vạn vật và chuyển đổi số tại doanh nghiệp.

Hội thảo “Doanh nghiệp số và đổi mới sáng tạo” được tổ chức với mục tiêu giúp doanh nghiệp có cái nhìn tổng thể về phát triển bền vững cũng như lợi thế bền vững đến từ sự sáng tạo. Đổi mới sáng tạo đã tạo ra và duy trì năng lực sản xuất có chiều sâu, nâng cao sức cạnh tranh. Việc đẩy mạnh hợp tác đổi mới sáng tạo sẽ kết nối được các ngành kinh tế, hình thành các chuỗi giá trị khu vực, tham gia hiệu quả vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Những năm gần đây, kinh tế Việt Nam đã liên tục đạt được những bước phát triển mạnh mẽ, đặc biệt năm 2017, tăng trưởng GDP đạt 6,81%, cao nhất trong 10 năm qua. Năng lực cạnh tranh của Việt Nam tăng 5 bậc (đứng thứ 55/137 quốc gia), chỉ số đổi mới sáng tạo tăng 12 bậc, chỉ số tín nhiệm quốc gia từ ổn định lên tích cực, đồng tiền Việt Nam ổn định nhất khu vực châu Á, chỉ số phát triển bền vững của Việt Nam tăng 20 bậc. Có được các kết quả trên là nhờ vào những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế, áp dụng những thành tựu của cách mạng công nghệ 4.0, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo trong thời đại kỷ nguyên số.

Phát biểu khai mạc tại hội thảo, PGS. TS Lê Văn Nam – Chủ tịch Hội đồng Viện Nghiên cứu Chiến lược và Cạnh tranh cho rằng: Muốn tồn tại và phát triển trong thời đại kỷ nguyên số, doanh nghiệp phải thay đổi, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất và quản trị. Đổi mới sáng tạo đã tạo ra và duy trì năng lực sản xuất có chiều sâu, nâng cao sức cạnh tranh, đẩy mạnh hợp tác đổi mới sáng tạo, kết nối các ngành kinh tế, hình thành các chuỗi giá trị khu vực, tham gia hiệu quả vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Để doanh nghiệp có cái nhìn tổng thể về phát triển bền vững trong thời đại kinh tế số, hội thảo xuyên suốt 2 phiên chuyên đề “Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và thời đại số” và “Số hóa doanh nghiệp Việt Nam và quốc gia khởi nghiệp”.

Các diễn giả tại Hội thảo phân tích, làm rõ nhiều nội dung đáng quan tâm như: Ứng dụng số hóa trong doanh nghiệp, nguồn nhân lực trong quy trình chuyển đổi doanh nghiệp sang mô hình doanh nghiệp số, trí tuệ nhân tạo trong thông tin kinh doanh với bài tham luận “ứng dụng số háo trong doanh nghiệp” của ông Phạm Hồ Huy – Giám đốc Phát triển Kinh doanh cao cấp Khối nhà nước và Doanh nghiệp quốc danh.

Tham luận “Ứng dụng công nghệ 4.0 trong quản trị điều hành doanh nghiệp” được trình bày bởi ông Nguyễn Xuân Tùng – Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Misa. Ông Lê Văn Lợi – Viện trưởng Viện Tin học Doanh nghiệp – Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam trình bày tham luận “Nguồn nhân lực trong quy trình chuyển đổi doanh nghiệp sang mô hình doanh nghiệp số. Ông Lê Công Thành – Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Công nghệ chọn lọc thông tin trình bày tham luận “Trí tuệ nhân tạo trong thông tin kinh doanh”.

Tại hội thảo, nhiều ý kiến cũng cho rằng, không có trí tuệ nào bằng trí tuệ con người, nhưng trí tuệ con người khi có sự kết nối của máy tính thì còn phát triển mạnh mẽ hơn nhiều lần. Do đó, một nền kinh tế khi có sự hỗ trợ của kinh tế số sẽ thực sự phát triển mạnh mẽ. Bởi vậy, các doanh nghiệp cần phải tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để có thể bứt phá, nếu bị động, doanh nghiệp coi như tự đào thải mình ra khỏi nền kinh tế hiện đại ngày nay./.

Duy Hưng

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất