Thứ Bảy, 5/10/2024
Giáo dục
Thứ Hai, 14/9/2009 20:6'(GMT+7)

Đôi điều rút ra từ thực trạng trẻ em nói và viết sai chính tả

Trẻ em lớp mầm non (Ảnh minh hoạ).

Trẻ em lớp mầm non (Ảnh minh hoạ).



Nguyên nhân

Có những vùng (đặc biệt là nông thôn), do thổ nhưỡng, thói quen lâu đời mà trở thành cả làng, cả vùng nói “ngọng”. Ví dụ như xã Cát Quế-Hoài Đức (Hà Tây cũ) khi phát âm o thành oe, tr thành t - Họ nói tiếng tròn thành toèn; Thôn Cao Xá, Xã Đức Thượng - Hoài Đức phát âm au thành o, ay thành e - Họ nói số 6 thành só, 7 thành bẻ... hoặc một số vùng thuộc huyện Thạch Thất - Đan phượng khi nói hay bị thiếu dấu huyền (Phòng thành phong; nhà thành nha)... Một số tỉnh ở miền Trung nước ta cũng phát âm chưa chuẩn về các dấu thanh...

Ở những vùng nói thổ ngữ nhiều đòi hỏi giáo viên phải rèn dạy trẻ nói viết chuẩn từ lúc biết đọc biết viêt. Nhưng có một thực trạng đáng buồn: Ngay cả một số giáo viên này (mà phần lớn là giáo viên mầm non) cũng phát âm sai.

Tôi có đứa cháu nhỏ đi học mẫu giáo. Từ lúc bé, cháu được mẹ dạy nói rất chuẩn về chính tả. Nhưng bắt đầu lên lớp 5 tuổi, một hôm về nhà cháu nói: “Mẹ ơi, đến thứ lăm mẹ đi họp cho con nhé”. Hôm khác cháu lại nhắc bố : “Lăm lay, bố nhớ mua xe đạp con cho Tú nhé”. Có hôm cháu bảo ông: “Ông ơi! Nàm đèn ông xao cho cháu đi”. Một vài lần cả nhà không để ý, nhưng thấy cháu nói “ngọng” thành hệ thống giữa n l, bèn hướng dẫn cháu sửa chữa thì cháu “lý sự”: “Ở trường cô dạy Tú lói thế mà.” Tiếp xúc với giáo viên trường mầm non cháu học thì thấy có một số cô đã mắc tật nói “ngọng” đó.

Tìm hiểu kỹ hơn và rộng ra một số trường mầm non nông thôn, tôi không khỏi giật mình trước một thực trạng: Đa số các giáo viên mầm non đều là người địa phương làm nhiệm vụ “giữ trẻ” ngày trước. Trình độ xuất phát ban đầu chỉ hết THCS. Sau đó do yêu cầu nâng cao của ngành giáo dục, các cô đi học “chắp vá”. Đến nay nhiều cô có bằng cao đẳng, đại học nhưng trình độ nói và phát âm thì ... đáng phải bàn. Vì là người địa phương, lại không chịu rèn luyện nên phát âm đôi khi còn mang nặng “thổ ngữ” như đã nói. Vậy mà những giáo viên ấy lại được “yên vị” lâu dài (do đã có chỗ đứng, lại đã “chuẩn hoá”) trong khi đó các bạn trẻ học Sư phạm Mầm non chính quy, ra trường sau thì không xin được việc vì không còn chỗ trống, may mắn lắm thì đựợc nhận vào trường nhưng trước mắt phải làm ở bộ phận “nuôi” mà chưa được tham gia “dạy”. (Có nghĩa là vẫn nấu bếp, chia cơm) trong khi đó các giáo viên đào tạo “chắp vá” thì nghiễm nhiên lại trở thành người rèn dạy trẻ nhỏ. Rốt cuộc sản phẩm “tốt nghiệp” trường mầm non, đa số các cháu khi lên lớp 1 thường nói và viết “ngọng”! Và các thầy cô giáo cấp tiểu học lại phải có thêm nhiệm vụ và thời gian rèn cặp lại (mà lẽ ra thời gian ấy các cô có thể dạy các cháu làm toán hay tập đọc, học tiếng Việt). Những cháu nào tiếp thu tốt thì sửa nhanh, một số cháu bị thành “tật” thành ra nói và viết đều sai chính tả.

Hiện tượng “ngọng” khi nói và viết từ nhỏ ảnh hưởng không nhỏ đến sau này. Có những người trưởng thành, trình độ văn hoá cao, chuyên môn rất giỏi nhưng vẫn mắc tật nói “ngọng” . Tôi đã chứng kiến có giáo viên hỏi học sinh khi hai em xích mích: “Nàm xao? Lói thầy nghe lào” mà cảm thấy buồn thay. Họ nói “ngọng” mà không để ý rằng mình “ngọng”; họ muốn sửa nhưng không phaỉ lúc nào cũng nhớ (vì đã thành cố tật), nhiều khi quen miệng, thế là thành nói sai...

Giải pháp

Giáo dục là sư nghiệp cuả toàn dân, nhưng các thầy cô giáo đóng một vai trò hết sức quan trọng. Trước đây khi tuyển vào trường sư phạm, ngoài việc đạt điểm về văn hoá, các trường sư phạm còn phải qua một vòng sơ tuyển về chữ viết, giọng nói và hình thức. Chữ viết chưa cần đẹp nhưng phải chân phương, dễ đọc, không sai chính tả. Khi viết bảng không được “lên dốc xuống dòng”. Giọng nói phát âm phải chuẩn, không ngọng, hạn chế thổ ngữ. Hình thức bình thường (mặc dù mang ý nghĩa nhân văn, nhưng cũng nên hạn chế tuyển chọn những người có dị tật nặng - có thể tạo điều kiện cho họ tham gia vào những công tác khác phù hợp với khả năng, trình độ và hoàn cảnh bản thân). Giáo viên là tấm gương để học sinh nhìn vào - đặc biệt là với các em nhỏ bắt đầu hình thành tư duy nhận thức - nếu thầy cô giáo mắc các tật trên sẽ có thể là những “nguyên mẫu” để các em “bắt chước”. Vì vậy, trong quy chế tuyển sinh vào các trường sư phạm hiện nay - đặc biệt là đối với bậc mầm non, tiểu học, nên chăng cần đưa ra những tiêu chí trên thành nội dung sơ tuyển.

Mặt khác, có lẽ cũng nên rà soát lại các tiêu chuẩn trên (đối với các giáo viên đang giảng dạy) để các thầy cô tự rèn luyện, chỉnh sửa, dần dần loại bỏ các cố tật đã mắc. Có thể kiểm tra sát hạch theo định kỳ hàng năm, nếu giáo viên nào qua 3 lần kiểm tra mà vẫn không sửa chữa được thì chuyển làm công tác khác, không nên để trực tiếp đứng lớp...

Trên đây là ý kiến cá nhân - một người trực tiếp tham gia công tác giảng dạy trong nhà trường, với mong muốn sẽ hạn chế đến mức thấp nhất những học sinh bình thường (không ở diện thiểu năng) còn nói và viết sai chính tả. Điều này không của riêng ngành giáo dục mà còn đòi hỏi sự kết hợp và kiên quyết của gia đình, các bậc phụ huynh và các cấp, các ngành có liên quan, nhằm tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện khẩu hiệu “Nhà trường văn hoá, nhà giáo mẫu mực, học sinh tích cực” năm học 2009- 2010 đã đề ra./.

Diễm Nguyệt
GV trường THCS Minh Khai-Hoài Đức-HN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất