Thứ Bảy, 5/10/2024
Giáo dục
Thứ Ba, 8/9/2009 20:17'(GMT+7)

Thêm một cơ hội nâng cao chất lượng giáo dục

Ứng dụng CNTT-TT vào trường học sẽ giúp học sinh tiếp cận được các nguồn tri thức phong phú

Ứng dụng CNTT-TT vào trường học sẽ giúp học sinh tiếp cận được các nguồn tri thức phong phú

Một triệu máy tính cho giáo dục


Mục tiêu của Bộ Giáo dục và Đào tạo là tới năm 2011 ngành giáo dục sẽ có khoảng 1 triệu máy tính. Đây là một nhiệm vụ tương đối “nặng”. Vì thế, chương trình “Máy tính học đường” có sự tham gia của rất nhiều thành phần trong xã hội, trong nền kinh tế, từ Bộ Giáo dục và Đào tạo tới các nhà cung cấp thiết bị, lắp ráp máy tính, phân phối, bán lẻ và các đơn vị hỗ trợ tài chính… Trong đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Công ty Intel Việt Nam là hai hạt nhân chủ chốt. Chương trình “Máy tính học đường” nhằm nâng cao khả năng tiếp cận và sở hữu Công nghệ thông tin-truyền thông (CNTT-TT) hiện đại cho các trường, các giáo viên và học sinh.

Theo chương trình trên thì các trường học, giáo viên và học sinh sẽ được mua máy tính của các nhà cung cấp với giá ưu đãi. Với khoảng 260USD, giáo viên và học sinh có thể mua một máy tính có bộ vi xử lý cấp độ cao của Intel. Các giáo viên và học sinh trên cả nước có thể mua máy tính theo chương trình này tại các cửa hàng, đại lý có treo pa-nô chương trình “Máy tính học đường”. Giai đoạn 1 của chương trình “Máy tính học đường” sẽ kéo dài từ ngày 6-8-2009 đến hết ngày 30-9-2009.

Ông Quách Tuấn Ngọc, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Giáo dục và Đào tạo) khẳng định Bộ sẽ là đơn vị giám sát tất cả các doanh nghiệp tham gia chương trình này. “Do đây không phải là chương trình cung cấp máy tính lấy kinh phí từ ngân sách nhà nước, nên các nhà cung cấp tham gia chương trình này trên tinh thần tự nguyện. Mặc dù vậy, Bộ sẽ tăng cường giám sát để máy tính bán cho giáo viên và học sinh là máy tính tốt, giá cả ưu đãi”. Ông Ngọc nhấn mạnh.

Theo dự kiến ban đầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì các máy tính tham gia chương trình sẽ có mức giá trung bình khoảng 220USD/chiếc. Tuy nhiên, khi công bố chương trình, mức giá rơi vào khoảng 260USD/chiếc. Giải thích về việc này, ông Thân Trọng Phúc, Tổng giám đốc Intel Việt Nam và Đông Dương cho biết: “Do trong các đối tác của chương trình còn vắng bóng các nhà sản xuất thiết bị gốc nên việc hạ giá thành là không dễ, nhất là vào thời khủng hoảng kinh tế, nhiều công ty phá sản nên lượng thiết bị được cung cấp giảm đi dẫn tới giá thành tăng”.

Để hỗ trợ cho các giáo viên, sinh viên, học sinh mua được máy tính, các tổ chức tài chính, ngân hàng cũng được mời tham gia chương trình để giải quyết vấn đề “đầu tiên” là tiền mua máy tính. Ngân hàng TMCP Việt Á sẵn sàng cho vay với lãi suất ưu đãi 10%/năm. Công ty TNHH Thương mại ACS cho vay mua máy tính trả góp trong thời hạn 12 tháng với lãi suất 1,5%/tháng. Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) sẽ hỗ trợ 100% lãi suất vay ngân hàng cho giáo viên và học sinh khi đăng ký cả Internet băng thông rộng ADSL lẫn mua máy tính trong chương trình Máy tính Học đường tại các tỉnh như Kiên Giang, Sóc Trăng, Tây Ninh, Huế và Đã Nẵng.

Ông Thân Trọng Phúc hi vọng rằng trong thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ đề xuất Chính phủ cho sinh viên vay vốn để mua máy tính. “Chỉ cần vận dụng linh hoạt số tiền cho sinh viên vay để đóng học phí là có thể đã tạo điều kiện cho sinh viên mua được máy tính”. Ông Phúc gợi ý.


Nâng cao khả năng hấp thụ công nghệ


Các chuyên gia giáo dục cho rằng, nhận thức của xã hội về việc ứng dụng CNTT-TT vào giáo dục đã thay đổi nhanh theo hướng tích cực. Vì rõ ràng, với sự trợ giúp của các công nghệ hiện đại, các giáo viên và học sinh được kết nối với những nguồn tài nguyên tri thức khổng lồ của thế giới nhằm làm phong phú hơn kiến thức của bản thân mình để thành công trong tương lai.

Cái khó nhất đối với việc phát triển công nghệ thông tin trong ngành giáo dục là xây dựng cơ sở hạ tầng thì đã có những lời giải thú vị. Đó là sự chung tay, giúp sức của các doanh nghiệp cho ngành giáo dục: chương trình Internet miễn phí cho ngành giáo dục của Tổng công ty Viễn thông Quân đội (Viettel), chương trình “Máy tính học đường”… Như vậy, một cách đồng bộ, tất cả các trường học đều sẽ được trang bị máy tính kết nối Internet.

Ông Quách Tuấn Ngọc cho biết nhờ Viettel và một số nhà cung cấp khác, đến nay 100% các trường trung học phổ thông, 78% các trường THCS và 48% các trường mẫu giáo trên cả nước đã được kết nối Internet.

Để thúc đẩy việc đưa CNTT-TT vào trường học, ngoài chương trình cung cấp máy tính giá ưu đãi, Intel còn cam kết hỗ trợ Bộ Giáo dục và Đào tạo thiết lập các phần mềm tạo bài giảng và quản lý lớp học. Intel cũng đã hỗ trợ đào tạo cho 43.000 giáo viên về kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin và giảng dạy theo chương trình Intel Teach. Dự kiến trong năm 2009 này, Intel sẽ đào tạo thêm cho 15.000 giáo viên nữa. Microsoft Việt Nam-đại diện của nhà cung cấp phần mềm hàng đầu thế giới tại Việt Nam cho biết sẽ cung cấp hệ điều hành có bản quyền là Windows Vista Starter và Windows Home Special cùng các ứng dụng phần mềm cho giáo dục với các mức giá phù hợp với giáo viên và học sinh.

Với con số khoảng 4,5 triệu bao gồm giáo viên, sinh viên đại học, cao đẳng, trung cấp và phổ thông trung học, rõ ràng các nhà cung cấp máy tính sẽ có một thị trường lớn. Hi vọng chương trình này sẽ góp phần đẩy mạnh đưa công nghệ dạy và học hiện đại vào ngành giáo dục, để chất lượng giáo dục tại Việt Nam rút ngắn được khoảng cách với các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới.

Hồ Quang Phương (QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất