Thứ Hai, 30/9/2024
Giáo dục
Thứ Ba, 10/9/2013 22:15'(GMT+7)

Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo

                      
                                                                                         
Một năm học mới lại về!
Ít có sự kiện nào thu hút sự quan tâm của toàn xã hội như các hoạt động của ngành giáo dục vì nó tác động trực tiếp đến sự nghiệp “trồng người”- sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực bảo đảm cho đất nước ta phát triển nhanh và bền vững cả trong hiện tại và tương lai. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định nhiệm vụ cao quý của giáo dục: Vì lợi ích mười năm phải trồng cây; vì lợi ích trăm năm phải trồng người!
68 năm qua, kể từ khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, nền giáo dục nước ta đã góp sức đào tạo, bồi dưỡng hàng triệu cán bộ có phẩm chất chính trị vững vàng, có trình độ nghiệp vụ, chuyên môn giỏi, đã và đang đảm nhiệm nhiều trọng trách trong bộ máy Đảng, Nhà nước ở các cấp, đóng góp có hiệu quả vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong các thời kỳ lịch sử cụ thể. Chúng ta vui mừng nhận thấy, từ khi tiến hành công cuộc đổi mới đất nước do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, hệ thống trường lớp và quy mô giáo dục trong cả nước đã phát triển nhanh; công bằng xã hội trong thực thi giáo dục có nhiều tiến bộ; chất lượng giáo dục và đào tạo từng bước được nâng lên; công tác quản lý giáo dục có bước chuyển tích cực; đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tăng nhanh về số lượng và trình độ; cơ sở vật chất- kỹ thuật được tăng cường và từng bước hiện đại; công tác xã hội hóa và hợp tác quốc tế được đẩy mạnh...
 Tuy nhiên, hoạt động giáo dục vẫn còn bộc lộ không ít hạn chế, yếu kém, chương trình giáo dục còn nặng nề, chưa gắn chặt giữa lý thuyết với thực tiễn cuộc sống; hệ thống giáo dục thể hiện sự khép kín, cứng nhắc; quản lý giáo dục còn bất cập, để xảy ra nhiều tiêu cực; chất lượng, số lượng, cơ cấu đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý chưa bắt kịp yêu cầu đổi mới giáo dục; chính sách và cơ chế tài chính vẫn lạc hậu, thiếu thốn...
Đã qua mấy kỳ Đại hội, Nghị quyết của Đảng đều nhấn mạnh nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa. Đây đó đã xuất hiện những điển hình thực hiện tốt một trong những yêu cầu này, nhưng nhìn chung việc triển khai thực hiện quá chậm, hiệu quả thấp; trong khi đó những tác động tiêu cực từ mặt trái cơ chế thị trường đang chi phối mạnh, gây ra tình trạng xuống cấp đạo đức nghiêm trọng ở cả bộ phận người học và người dạy, nơi mà cả xã hội đặt nhiều kỳ vọng khi gửi con em mình tới trường.Về nhận thức, có nhiều luận điểm đã rõ, dễ thống nhất, nhưng quá trình triển khai gặp không ít trở ngại do cơ chế, chính sách không đồng bộ hoặc do sự chỉ đạo thiếu nhất quán... Không ai có thể phủ nhận những cống hiến quan trọng của toàn ngành giáo dục và đào tạo, nhưng hiện tượng do dự, ngập ngừng, thiếu quyết liệt trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện, đã thực sự là rào cản lớn hiện nay.
Từ năm 1961, Bác Hồ kính yêu đã căn dặn: muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội phải có con người xã hội chủ nghĩa. Đảng ta đã cụ thể hóa lời dạy ấy trong Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII), nhấn mạnh vai trò của văn hóa, giáo dục, văn học, nghệ thuật trong việc xây dựng và hoàn thiện nhân cách con người Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế với 5 đức tính cơ bản. Đó là: "Có tinh thần yêu nước, tự cường dân tộc, phấn đấu vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, có ý chí vươn lên đưa đất nước thoát khỏi nghèo nàn lạc hậu, đoàn kết với nhân dân thế giới trong sự nghiệp đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội"; "có ý thức tập thể, đoàn kết, phấn đấu vì lợi ích chung"; "có lối sống lành mạnh, nếp sống văn minh, cần kiệm, trung thực, nhân nghĩa, tôn trọng kỷ cương phép nước, quy ước của cộng đồng; có ý thức bảo vệ và cải thiện môi trường sinh thái";  "lao động chăm chỉ vì lương tâm nghề nghiệp, có kỹ thuật, sáng tạo"; "thường xuyên học tập, nâng cao hiểu biết trình độ chuyên môn, trình độ thẩm mỹ và thể lực".
Để có những phẩm chất ấy, ngành giáo dục phải thực sự là lực lượng nòng cốt, tiên phong. “Không thầy đố mầy làm nên”- câu ngạn ngữ ấy đã khẳng định vai trò quyết định của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục trong công cuộc “trồng người” đầy gian nan, thử thách, nhưng cũng hết sức vẻ vang. Đề cao sự tâm huyết, trách nhiệm trước sự nghiệp có tầm quốc sách hàng đầu; bồi đắp tình thương người học với ý thức “Tất cả vì học sinh thân yêu”, phải chăng đó là một trong những vấn đề căn cốt để thực hiện có hiệu quả mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện hệ thống giáo dục và đào tạo của chúng ta hôm nay?./.

Hồng Vinh

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất