Chủ Nhật, 24/11/2024
Giáo dục
Thứ Bảy, 23/3/2013 22:7'(GMT+7)

Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo: Phải đổi mới thực sự về tư duy

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận trả lời chất vấn chiều 22/3

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận trả lời chất vấn chiều 22/3

Ngay sau Đại hội XI của Đảng, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp chặt chẽ với Ban Tuyên giáo Trung ương xây dựng Đề án “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Kế thừa các nghiên cứu, tổng kết thực tiễn của ngành đã có, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Ban Tuyên giáo Trung ương đã tổ chức các cuộc khảo sát thực tế, tổ chức 45 cuộc hội thảo tại Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương, các bộ, ngành, các trường đại học, viện nghiên cứu ở các vùng miền trên cả nước.

Trong báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc chuẩn bị và hoàn thiện Đề án “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo” ngày 21/3, Bộ đã nhấn mạnh rất nhiều giải pháp thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Đó là các giải pháp Đổi mới mạnh mẽ, sâu sắc tư duy, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đối với sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo; Đổi mới mạnh mẽ quản lý giáo dục; Đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; Đổi mới mạnh mẽ mục tiêu, nội dung, phương pháp dạy và học ở tất cả các cấp học, các trình độ đào tạo; Đổi mới căn bản hình thức và phương phát đánh giá chất lượng giáo dục theo yêu cầu phát triển năng lực người học; Hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng hệ thống giáo dục mở và xây dựng xã hội học tập; Đổi mới cơ chế, chính sách đầu tư và tài chính, huy động sự tham gia đóng góp của toàn xã hội để phát triển giáo dục; Nâng cao chất lượng, hiệu quả nghiên cứu khoa học và công tác truyền thông phục vụ đổi mới giáo dục; Mở rộng và nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế về giáo dục.

Nội dung của đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo là chuyển mạnh từ nền giáo dục chủ yếu là truyền thụ kiến thức một chiều sang giáo dục tương tác giữa người dạy và người học, giữa nhà trường và xã hội nhằm hình thành nhân cách và phát triển năng lực người học. Chuyển nền giáo dục phát triển chủ yếu dựa trên quy mô, số lượng sang nền giáo dục chủ yếu phát triển theo chất lượng. Chuyển từ đào tạo theo khả năng của các cơ sở giáo dục sang đào tạo theo nhu cầu của xã hội. Chuyển từ nền giáo dục “đóng”, “khép kín” cứng nhắc trong khái niệm về trường, lớp, chương trình, nội dung, thời gian học… sang nền giáo dục mở, học tập suốt đời, gắn với xây dựng xã hội học tập.

Trong phiên trả lời chất vấn về Giải pháp thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo chiều 22/3, theo Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nghiên cứu, thực hiện nhiều giải pháp đổi mới giáo dục. Bộ cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ Chiến lược mới về phát triển giáo dục đào tạo; đổi mới nhận thức chuyển từ mô hình đào tạo dựa vào quy mô, số lượng sang mô hình đào tạo nâng cao chất lượng hiệu quả giáo dục. Bộ cũng xây dựng và trình Quốc hội dự thảo Luật Giáo dục đại học, trong đó có nhiều nội dung đổi mới như: vấn đề phân cấp, tự chủ; phân tầng chất lượng... Đến nay, Luật Giáo dục đại học đã đi vào cuộc sống và có hiệu lực tốt. Bên cạnh đó, Bộ đã thực hiện phân cấp cho các trường Đại học quy chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận cũng nhấn mạnh: Trong văn bản gửi Ủy ban thường vụ Quốc hội, chúng tôi nói về thay đổi nhận thức, thay đổi về mục tiêu, nội dung, chương trình, phương pháp, thay đổi khu vực phổ thông, khu vực Đại học… Theo tôi tất cả mọi cái đều quan trọng. Nếu nói cái gì là mấu chốt, theo quan điểm cá nhân, đó là thay đổi về nhận thức. Cần phải có nhận thức mới để giải quyết những vấn đề mới cũng như những vấn đề cũ còn tồn tại. Nói theo quan điểm của Đảng ta, trước hết phải đổi mới tư duy thực sự, trong thực tiễn sẽ cho chúng ta những minh chứng đúng đắn.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng cho biết hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang cùng Ban Tuyên giáo Trung ương tích cực hoàn thiện Đề án. Sắp tới sẽ công bố, xin ý kiến của các chuyên gia, xin ý kiến của các bộ, ngành, địa phương để hoàn thiện đề án. Đồng thời với việc xây dựng và hoàn thiện Đề án Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, với  phương châm khẩn trương đưa Nghị quyết Đại hội XI và các Nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng vào cuộc sống, trong thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chủ động từng bước triển khai ngay việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong thực tiễn, lấy đổi mới quản lý giáo dục làm khâu đột phát nhằm nâng cao chất lượng toàn diện.

Thu Hằng

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất