1. Sau gần 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” (Chỉ thị 05) đã đạt được những kết quả tích cực, khá toàn diện và đồng bộ; góp phần thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội XII của Đảng.
Đóng góp tích cực vào thành công đó, phải kể đến công tác tuyên truyền. Trong đó, vai trò của các cơ quan truyền thông, báo chí là rất quan trọng. Báo chí đã xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, tích cực đăng tải, phát sóng tin, bài, phóng sự phản ánh hoạt động thực hiện Chỉ thị 05. Báo chí chú trọng cả về lý luận và thực tiễn, cả học và làm theo Bác. Tạp chí Tuyên giáo là một trong những đơn vị báo chí đi tiên phong trong công tác tuyên truyền đó.
Ngay sau khi Chỉ thị 05 được ban hành (15-5-2016), được sự chỉ đạo của lãnh đạo Ban, trên cơ sở kế thừa, tiếp nối Chuyên mục Học và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh (2011-2016), Ban Biên tập Tạp chí Tuyên giáo đã thống nhất triển khai xây dựng Chuyên mục Học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trên Tạp chí in và duy trì, triển khai Chuyên mục Theo gương Bác trên Tạp chí điện tử tại địa chỉ www.tuyengiao.vn (dưới đây gọi chung là Chuyên mục học và làm theo Bác). Về bản chất của chuyên mục trên cả hai ấn phẩm in và điện tử, đều nhằm đi sâu phân tích, đánh giá, làm phong phú thêm các vấn đề lý luận và thực tiễn trong học và làm theo Bác. Nhưng ở mỗi loại hình ấn phẩm có đặc điểm riêng cả về hình thức, thể loại, nhằm bổ trợ lẫn nhau chuyển tải kịp thời, đầy đủ, chuẩn xác thông tin đến bạn đọc. Các ấn phẩm có nội dung thống nhất, vừa đảm bảo phục vụ chức năng chỉ đạo, định hướng thông tin tuyên truyền của Ban Tuyên giáo Trung ương, vừa đảm bảo yêu cầu phát triển của báo chí hiện đại.
Để chăm lo cho chuyên mục này, Ban Biên tập đặt lên hàng đầu là phải đổi mới, nâng cao chất lượng nội dung bài viết. Bởi vì, suy cho cùng, chuyên mục hay hoặc dở đều do chất lượng bài viết. Nói đổi mới chuyên trang, chuyên mục cũng chính là nói đổi mới nội dung bài viết, đổi mới cách làm, cách viết, cách chuyển tải thông tin đến người nghe, người xem và người đọc. Ban Biên tập xác định, làm tốt nội dung Chuyên mục học và làm theo Bác là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu, là nội dung tuyên truyền chính của Tạp chí Tuyên giáo. Việc tuyên truyền, làm sâu sắc hơn cả về lý luận và thực tiễn việc học và làm theo Bác, là một trong những nội dung thể hiện chất lượng và sức sống động của Tạp chí.
Đổi mới chuyên trang, chuyên mục học và làm theo Bác, thực chất cũng là để góp phần đáp ứng một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng của Ban Tuyên giáo Trung ương được quy định trong chức năng, nhiệm vụ mà Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng giao: “phát hiện, cổ vũ kịp thời những nhân tố mới, những điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước; học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
|
Hiện nay, trên các ấn phẩm Tạp chí Tuyên giáo chưa có chuyên trang riêng, nhưng có thể nói, Chuyên mục học và làm theo Bác đã đạt được ưu thế nổi trội trong nội dung và phương thức tuyên truyền của Tạp chí. Các bài viết trên Chuyên mục thể hiện đa dạng về thể loại: từ chính luận, nghiên cứu trao đổi, đến phỏng vấn, phóng sự, tin tức,... không chỉ có tác dụng tuyên truyền trên Tạp chí Tuyên giáo mà còn đóng góp nguồn tin, bài quan trọng cho các báo và tạp chí khác.
Để duy trì chuyên mục, Ban Biên tập bám sát các chuyên đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” hằng năm Ban Tuyên giáo Trung ương ban hành. Từ đó, xây dựng kế hoạch đặt và viết bài, mở rộng đội ngũ cộng tác viên, chuyên gia tham gia viết bài cho chuyên mục. Bước đầu, khai thác các loại hình truyền thông đa phương tiện làm phong phú thêm nội dung của chuyên mục, làm sâu đậm thêm nội dung học và làm theo Bác.
Chuyên mục học và làm theo Bác thường xuyên được duy trì và phát triển. Bên cạnh các bài lý luận, là các bài viết hướng đến giải đáp các vấn đề thực tiễn trong quá trình thực hiện Chỉ thị 05; phản ánh những mô hình sáng tạo, những nhân tố mới, những điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước xuất hiện từ trong phong trào học và làm theo Bác.
Trong những năm gần đây, Tạp chí Tuyên giáo hướng mạnh về cơ sở, tìm ra cách học, cách làm hay trong các cơ quan, đơn vị, tổ chức và cộng đồng. Xu hướng của Ban Biên tập là giảm dần các bài có tính “kinh viện” lý luận chung chung; tăng cường các bài thực tiễn - kinh nghiệm. Giảm các bài lý luận, tăng các bài “thực tiễn”.
Trên Tạp chí Tuyên giáo in, năm 2018, tỷ lệ bài lý luận và bài thực tiễn là 57,2% và 42,8%; tương tự, năm 2019 là 39 và 61%. Trên Tạp chí Tuyên giáo điện tử, năm 2018, tỷ lệ bài lý luận và bài thực tiễn (không kể tin hoạt động) là 52,2% và 47,8%, năm 2019 là 35,5% và 64,5%.
|
Bên cạnh các bài viết của các chuyên gia, cộng tác viên, trong Tạp chí đã phát triển những cây viết có những tác phẩm báo chí có giá trị cả về lý luận và thực tiễn, bảo đảm nguồn bài viết mới, được bạn đọc quan tâm truy cập và tìm đọc với số lượng ấn tượng. Đã có nhiều cộng tác viên, phóng viên của Tạp chí đoạt các giải thưởng báo chí. Trong đó, có hai phóng viên đoạt giải về “Sáng tác quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về Hồ Chí Minh” do Ban Tuyên giáo Trung ương phát động và “Giải báo chí về thực hiện Chỉ thị 05 học và làm theo Bác” do Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương tổ chức. Chuyên mục học và làm theo Bác trên Tạp chí Tuyên giáo thực sự đã trở thành địa chỉ tin cậy, nhanh nhạy, kịp thời về định hướng thông tin, và là nơi cung cấp nguồn tin, bài phong phú, đa dạng, thiết thực.
2. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền Chỉ thị 05 vẫn còn những hạn chế, nhiều lúc thiếu trọng tâm, trọng điểm. Hiện tại, do Tạp chí chưa có chuyên trang, nên Chuyên mục học và làm theo Bác trên cả hai ấn phẩm (in và điện tử) vẫn chưa thực sự và chưa thể thể đáp ứng đầy đủ các yêu cầu tuyên truyền và những nhu cầu thiết thực của bạn đọc. Trong khuôn khổ của một chuyên mục vẫn còn mang nặng tính truyền thống, chưa thật sự đổi mới, chưa tạo được sự bứt phá như hiện nay, Tạp chí Tuyên giáo vẫn chưa thể theo kịp xu thế phát triển của báo chí hiện đại. Trên một chừng mực, khó có thể phát huy được tính chủ động, sáng tạo của đội ngũ cả trong và ngoài tạp chí. Đồng thời sẽ khó có thể thu hút sự hứng thú và tình cảm của người đọc, càng không thể thu hút được các đối tượng bạn đọc thích “nghe” và thích “xem”. Nhiều bài viết vẫn nặng về lý luận “kinh viện”, thậm chí là sự “cắt đoạn” lắp ghép từ những bài viết của Bác ở tác phẩm này, tác phẩm kia với vô số những từ: Bác nói, Bác nhấn mạnh, Bác đề cập, Bác coi trọng,... thế này; Bác chỉ dẫn, Bác căn dặn, Bác khẳng định, Bác đề cao,... thế kia trong một bài viết mà còn ít sự phân tích, làm sáng tỏ bằng luận điểm, đánh giá, hệ thống, nhìn nhận của người viết. Tỷ lệ các bài viết lý luận học tập và thực tiễn làm theo vẫn chưa đạt được như mong muốn. Đặc biệt, tuyến bài gương tốt, việc tốt học và làm theo Bác chưa được quan tâm nhiều và ít bài có chất lượng cao. Trong tuyến bài đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, xuyên tạc, bôi nhọ tư tưởng Hồ Chí Minh của các thế lực thù địch, “diễn biến hòa bình” trên mạng xã hội chưa thường xuyên, thiếu những lập luận sắc bén. Trong khi, sự tương tác của Tạp chí với công tác viên và bạn đọc là chưa nhiều và thiếu thường xuyên.
3. Ban Biên tập Tạp chí Tuyên giáo xác định cần phải đổi mới mạnh mẽ Chuyên mục học và làm theo Bác; mặt khác, cần thiết phải xây dựng một Chuyên trang (landing page) về thực hiện Chỉ thị 05 theo hướng báo chí đa phương tiện, hiện đại, gắn với Tạp chí điện tử (tuyengiao.vn), kèm theo tên miền dễ nhớ, như một số tờ báo đã làm thành công như Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam hay VietnamPlus,...
Về nội dung chuyên trang, để hạn chế bớt những bài viết “khô cứng”, tăng phần sinh động, ngoài mục Tin tức - Sự kiện riêng, có thể mở rộng bằng các sản phẩm đa phương tiện, bao gồm các Widget (tiện ích) như:
Một là, xây dựng Kho dữ liệu ảnh/video về Bác Hồ. Ngoài các chùm ảnh về Bác theo từng chủ đề, nên có video 360 độ về Bác, về học và làm theo Bác. Đây là những video dạng tương tác, xu hướng mới nhất trong thời đại kỹ thuật số, hỗ trợ người xem nhập vai bằng cách di chuyển hoặc vuốt con trỏ, xoay điện thoại nếu xem trên các thiết bị di động, qua đó người xem có thể nhập vai, như tận mắt được chứng kiến sự kiện.
Hai là, tạo Sản phẩm Podcast về Bác Hồ. Các đoạn băng ghi âm giọng nói của Bác Hồ, những phát biểu của Bác không chỉ là tài liệu quý giá, mà còn là nguồn cảm hứng cho thế hệ trẻ. Những tư liệu này khi được số hóa thì sẽ rất thích hợp để lưu dưới dạng file âm thanh dùng cho Podcast là bản tin âm thanh, hiện đang trở thành xu thế của báo chí hiện đại. Lợi thế của Podcast so với radio (phát thanh truyền thống) là podcast có thể nghe mọi lúc mọi nơi, không phụ thuộc vào sóng phát thanh, dễ dàng được chia sẻ qua các thiết bị thông minh, các nền tảng thu hút nhiều giới trẻ hiện nay như Apple Podcast, Spotify, qua đó có tính lan tỏa cao.
Ba là, các video ngắn phản bác kịp thời các luận điệu xuyên tạc, các tin tức giả (fake news) do thế lực thù địch “diễn biến hòa bình” xuyên tạc sự thật về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là dạng tin tức kiểm chứng, được nhiều cơ quan báo chí uy tín xây dựng nhằm góp phần ngăn chặn vấn nạn tin tức giả lan tràn trên mạng xã hội toàn cầu.
Bên cạnh đó, để bắt kịp xu hướng báo chí dữ liệu (data journalism) thì chuyên trang cần xây dựng một thư viện lưu trữ thông tin về cuộc đời, sự nghiệp của Bác để bạn đọc dễ tra cứu như Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đang làm.
Có như vậy, mới khắc phục được tính khô cứng, giáo điều do sự hạn chế chỉ trong nội hàm của một chuyên mục. Từ đó, mới có thể thu hút sự quan tâm tham gia của đông đảo người viết, người làm chương trình và người đọc; thu hút các chuyên gia, cộng tác viên gạo cội, các nhà lý luận và thực tiễn, nhất là giới trẻ có năng lực về báo chí hiện đại, gắn với tiện ích của công nghệ thông tin... mà nâng cao chất lượng, hiệu quả tuyên truyền các nội dung của Chỉ thị. Có các chuyên trang, chuyên mục sẽ phát huy, hỗ trợ nhau về ưu thế của các loại hình báo chí. Qua đó, tổ chức đa dạng các thể loại bài viết, bài phản ảnh vừa đảm bảo tính chuyên luận, vừa đảm bảo tính thời sự, tạo nên diễn đàn sâu rộng, tiện ích trong đời sống chính trị, xã hội.
Sự đổi mới này phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Tạp chí Tuyên giáo, nhất là đối với Tạp chí điện tử. Qua đó, góp phần phát huy vai trò và đặt điểm vượt trội của Tạp chí Tuyên giáo là sử dụng, phát hành nguồn thông tin chính thống, có độ tin cậy và có tính định hướng cao, được bạn đọc trong và ngoài nước thường xuyên quan tâm. Đây cũng là ưu thế vượt trội mà các tạp chí khác, ngay cả những Tạp chí của các ban Đảng Trung ương ít có được./.
Phương Vinh